Thời “Thái lai” của thi ca Việt! - Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội

Thời “Thái lai” của thi ca Việt! 





Đến hẹn lại lên, cứ vào tháng đầu năm Dương lịch và tháng cuối năm Âm lịch, mùa thứ Năm lại đến. Đấy là mùa của giải thưởng và kết nạp hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam, mà các văn sĩ tự đặt cho nó là mùa thứ Năm bên cạnh bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của đất trời tự nhiên. Thế mới hay giới văn chương cũng hóm và vui đáo để.


Thử nhìn qua cơ cấu giải



Đã có một thời, cách đây vài ba năm, vì những lý do khách quan mà một vài lĩnh vực văn chương nào đấy không được Hội đồng Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam trao thưởng, không ít báo viết và báo mạng ầm ĩ khiến dư luận hoang mang đối với những người “cầm cân nẩy mực”. Đơn cử là Giải thưởng hai năm 2008 và 2009, không có tập thơ nào của tác giả Việt được nhận giải thưởng. Nhưng theo nhà thơ Vũ Quần Phương, Nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ cho rằng, đọc 6 tập thơ lọt vào chung khảo, ông thấy chất lượng thơ năm hai năm ấy không cao, thậm chí kém hơn hẳn hai năm trước. Theo ông thì khá nhất là thơ của nhà thơ Lê Văn Ngăn, nhưng cũng gọi là được thôi chứ vẫn chưa đủ sức nặng để trao giải.    



Nhưng có ý kiến cho rằng tình hình không khởi sắc của thi ca Việt, xét từ góc độ giải thưởng của Hội chuyên ngành kéo dài đã khá lâu, trong lúc ngoài xã hội thì nở rộ những hội thơ, nhóm thơ, tập đoàn thơ muôn màu muôn vẻ, khiến người yêu thơ thấy rất thiếu vắng những hơi thở thật sự của một đời sống thi ca chính thống phát triển.



Thế nhưng Giải thưởng hai năm 2010 và 2011, lại thấy thiếu vắng một trong những lĩnh vực văn chương “tác chiến” là truyện ngắn, chỉ có một tập truyện ngắn duy nhất “Lỏng và tuột”  của Trần Đức Tiến được trao giải năm 2010, thì liệu ai đó có cho rằng truyện ngắn “mất mùa” không (!?). Thay vào đó trong hai năm 2010- 2011 mỗi năm có hai nhà thơ được giải. Cụ thể năm 2010 “Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn và “Sóng và khoảng lặng” của Từ Quốc Hoài; năm 2011 có “Ngày linh hương nở sáng” của  Đinh Thị Như Thúy và “Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương vừa được Hội đồng Giải thưởng Hội Nhà văn trao giải thưởng vào đúng ngày Hội thơ, rằm tháng Giêng vừa rồi. Như vậy liệu những người vì “quá yêu” thơ không biết sẽ nói sao về tình hình này.



Cũng vậy Giải thưởng năm 2011, ngoài tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, còn có thêm tập truyện ký “Huyền thoại tàu không số” của Nguyễn Đình Kính, nhưng lại không có tác phẩm tiểu thuyết lịch sử nào được giải, trong khi đó năm 2010 lại có tiểu thuyết “Minh sư” của Thái Bá Lợi. Về lý luận phê bình năm 2010 không có tác phẩm nào, nhưng năm 2011 có “Luận bàn Minh triết và minh triết Việt” của cố nhà văn, tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến được trao giải. (1)

 

Cần nhìn nhận khách quan và chuyên nghiệp hơn về giải thưởng



Sau vài năm vắng bóng, hai năm nay thơ có vẻ được mùa hơn, với bốn tập được trao giải. Trước thực trạng này, có mấy luồng ý dư luận cần được làm sáng tỏ. Thứ nhất, do sức ép của dư luận, nên mùa giải năm nay các vị ngồi trên “ghế nóng” có nương nhẹ tay hơn đối với thơ. Thứ hai, thơ một vài năm trở lại đây đang khởi sắc, nối tiếp truyền thống của mình trong xu hướng đổi mới và cách tân, khiến Ban giám khảo không thể bỏ qua việc trao giải thưởng. Thứ ba, năm nay trong Ban chấp hành có nhiều nhà thơ, nên thơ được giải là quá đúng, không có gì phải bàn cãi nhiều. Vả lại chiếc “ghế nóng” Chủ tịch Hội đồng thơ, mới được thay nên dù sao người ngồi ở vị trí ấy cũng cần để lại dấu ấn, chí ít cũng là trong nhiệm kỳ của mình. Thứ tư, thơ cũng như các lĩnh vực văn chương khác đều có vận hạn cả, hết bĩ cực lại đến thái lai, có gì lạ đâu (!?). 



 Theo tôi, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải có cái nhìn khách quan, chuyên nghiệp hơn về giải thưởng cũng như người chấm giải. Giải thưởng văn chương dù thường niên, định kỳ (hai năm, ba năm và năm năm một lần) hay đột xuất (giải thưởng thuộc các lĩnh vực như An ninh, Nông nghiệp- Nông thôn, Giáo dục,...) cũng không hề và không thể là một mâm cỗ làng, cần phải đủ món theo phong tục của làng và được chia đều cho tất cả các văn sĩ. Và như vậy người chấm giải (Ban Giám khảo) không phải là những người đầu bếp, chuyên bày cỗ nên không nhất thiết và không cần bằng mọi cách phải tìm cho ra đủ món để bày lên mâm cho “đẹp” mặt cỗ làng, trước khi đem ban phát cho khắp các thành viên.  



Tôi nghiêng về ý kiến thứ hai và thứ tư. Hai ý kiến này tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng có những nét tương đồng. Thơ khởi sắc, tiếp nối truyền thống trong xu hướng cách tân, xét cho cùng cũng đồng nghĩa với việc thơ vài năm trở lại đây đã qua thời bĩ cực và chuyển sang giai đoạn thái lai đúng như cha ông chúng ta đã từng dạy: “Mới hay con tạo xoay vần. Có khi bĩ cực đến tuần Thái lai” (Đại Nam quốc sử diễn ca). Sự khác nhau giữa hai ý kiến này là ở chỗ, ý kiến thứ hai căn cứ vào đời sống thi ca nước ta trong một vài năm trở lại đây, có những khởi sắc thật sự. Còn ý kiến thứ tư mang màu sắc triết lý phương Đông hơn. 

  

Minh chứng là vào giữa năm 2011, tại Hải Phòng, một Hội thảo về thơ Mai Văn Phấn & Đồng Đức Bốn đã được tổ chức, trong đó tập “Bầu trời không có mái che” của Mai Văn Phấn đoạt giải thơ năm 2011. Chưa vội bàn đến sự thành công của cuộc Hội thảo, mà trước hết cần khẳng định rằng đây là điều chưa có tiền lệ đối với bất cứ một chi hội nhà văn địa phương nào như Hải Phòng làm được và làm rất thành công, thu hút được nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình ở trung ương và địa phương tham dự. Rõ ràng là nếu không “có vấn đề” từ thơ của hai tác giả trên thì người ta tổ chức ra hội thảo để làm gì.



Theo tân Chủ tịch Hội đồng Thơ của HNVVN, nhà thơ Bằng Việt thì đây là cuộc Hội thảo rất hay, rất kịp thời vì khoảng mươi năm trước, chúng ta còn phải băn khoăn với việc thơ bị ghẻ lạnh, bị trì trệ nhưng hôm nay, Hải Phòng đã làm người ta phải nghĩ khác về thơ. Đây đang là bắt đầu sự trở lại và hy vọng đó là sự trở lại huy hoàng của thi ca của thế kỷ này như nó đã từng có trong thế kỷ trước. Thơ Mai Văn Phấn hay dùng từ vong thân và vượt thoát là dấu hiệu đáng mừng của thế hệ- với tư duy ấy, chúng ta có thể mang thơ đi xa, là chìa khóa để sáng tạo trong thong dong và nhẹ nhõm sau khi đã vứt bỏ cái gánh nặng của quá khứ,...Gộp lại, hai nhà thơ hội thảo hôm nay vừa có tâm vừa có tài; từ đó thơ thăng hoa. Với Mai Văn Phấn thì tôi hy vọng rằng, anh sẽ còn cầm ngọn cờ thơ đi xa.



Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với tư cách Phó Chủ tịch HNVVN, Trưởng Ban sáng tác của Hội tổng kết Hội thảo đã cho rằng: Đây là hội thảo thành công, thật khó nói lời tổng kết, vì đời sống văn học là không ngừng, tổng kết hôm nay xong, mai đã lại nẩy sinh ra vô vàn những vấn đề mới; chúng tôi chỉ có thể nói rằng hội thảo thành công. Trước hết, đó là sự lựa chọn khoa học về hai nhà thơ, như là một song đề tiêu biểu của đời sống văn học không chỉ của Hải Phòng. Sau nữa và đặc biệt quan trọng là các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình viết tham luận rất hay, rất công phu, đầy tri thức và phát hiện nhiều vấn đề học thuật, nhiều vẻ đẹp thi ca hết sức khác nhau,...



Cuối cùng trong tư cách người làm thơ Chủ tịch HNVVN, nhà thơ Hữu Thỉnh, cho rằng đây là một tập hợp những trí tuệ nếu không nói là cao nhất của nền văn học. Tôi nhất trí với đánh giá của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Hội thảo thành công, chỉ về hai tác giả nhưng nó mở ra hai vấn đề, hai chân trời thi ca; nó đã chứa đựng những vấn đề của đời sống văn học: nội dung và hình thức, truyền thống và cách tân. Hóa ra đi đến tận cùng dân tộc lại gặp thế giới, gặp hiện đại,... (2)


Sở dĩ tôi nói nhiều đến thơ như vậy âu cũng là cách “giải thiêng” cho những ai còn nghi ngại rằng một thể loại văn chương nào đó năm nay không có giải, người ta cứ bổ nhào đi tìm những lý do chủ quan, nhưng nó lại nằm ngoài ý muốn của một hay một nhóm người nào đấy trong việc “cầm cân nảy mực” thiếu khách quan và chuyên nghiệp (!?). Âu đấy có phải là thái độ phá đám, thích rũ rối mọi chuyện, thiếu tinh thần xây dựng (!?).

 

(Không rõ tên tác giả)

(Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội - http://www.vannghequandoi.vn, đăng:  17/02/2012 10:09:49 SA

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị