Thơ “thả” (phê bình) - Lê Đăng Hoan

Thơ “thả”

(Đọc tập thơ “thả” của MVP, Nxb Hội Nhà văn VN, 2015)



   

Từ phải sang: TS Lê Đăng Hoan, NT Trần Quang Quý, NT Ai Kwang-Kyu

    




maivanphan.com: Dịch giả - TS. Lê Đăng Hoan vừa gửi tới Website maivanphan.com bài viết về tập thơ “thả” của MVP. Trân trọng cảm ơn Dịch giả - TS. Lê Đăng Hoan đã dành thời gian và tâm huyết cho tập thơ của tôi! Xin giới thiệu với các bạn yêu thơ bài viết cảm nhận này!

Dịch giả - TS. Lê Đăng Hoan sinh quán tại Nghệ An, hiện sống và sáng tác tại Hà Nội. Tiến sỹ khoa học. Giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ông là dịch giả tiếng Hàn xuất sắc nhất hiện nay, từng dịch nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc sang tiếng Việt, trong đó có các tập thơ tiêu biểu: “Bài hát ngày mai” của nhà thơ Koun, “Sự im lặng của tình yêu” của nhà thơ Han Youn Un, “Em đã sống vì ai” của nhà thơ Ai Kwang-Kyu…




   

Lê Đăng Hoan

  

Rất khó cho những người thường làm thơ Hai ku Việt. Họ không khuôn sáo theo quy định 17 chữ của Hai ku Việt, không còn quý ngữ và cũng không còn gò bó một cách “truyền thống” chỉ nói về phong cảnh, các chuyển động của vũ trụ sự vật trong năm v.v. Nhưng có một điều là các Haijin (người sáng tác thơ Hai ku) Việt vẫn cứ phải theo để được gọi là thơ Hai ku, đó là không có đầu đề, và ba dòng là ba bộ phận của một câu.

  

Như vậy thì “thả” không thể là thể thơ Hai ku rồi!

  

Nhưng để sao sánh, thì thực ra tôi rất thích loại thơ  “thả” với đầu đề định sẵn.

 

Đầu đề trong “thả” nhiều trường hợp là một câu của cả bài thơ, vì không thể tách ra, nếu tách ra thì nội dung sẽ bị lu mờ.

  

Vì đầu đề cho ta định hướng về nội dung của cả bài thơ.

  

Còn “thơ ba câu” của Mai Văn Phấn có phải là thơ Hai ku không, thì sự thực hiện nay tất cả những người làm thơ Hai ku Việt, từ người nổi tiếng nhất cho đến loại bập bẹ men men làm theo như tôi cũng đang làm “thơ ngắn” cũng là “thơ ba câu” mà thôi. (Tôi không phủ định có những bài của một số tác giả có màu sắc Hai ku). Thì ngay cả bài thơ nổi tiếng của Baso, là bài “Ao xưa/ con ếch nhảy vào/ tiếng nước…” khi dịch sang tiếng Việt đã bị lệch khỏi Hai ku rồi. Đây không còn 17 âm tiết nữa, không rõ từ nào là quý ngữ cả…

   

Cho nên gọi thơ ngắn của các Haijin Việt hiện nay là “Hai ku Việt” đúng hơn là “thơ Hai ku”.

 

"Mai Văn Phấn, làm thơ “thả”, tôi cho rằng anh đã “thả” ra cho các nhà Haijin Việt một câu đố rằng, anh không gọi thơ của anh là thơ Hai ku mà gọi là thơ “ ba câu” thì thơ các tác giả đang tạm gọi là các nhà Hai ku là thơ gì? Anh tự do “thả” đầu đề, mà thơ của nhiều người gọi là Hai ku không có đầu đề thì loại nào Hai ku hơn!"

  

Cách  đây không lâu, tôi ngồi với nhà thơ Hai ku Đinh Nhật Hạnh, anh nói rằng “ Thơ ba câu của Mai Văn Phấn thực chất cũng là thơ Hai ku đấy!”

  

Điều tôi thích ở “thả” là thơ mà không thơ. Nghĩa là cứ buông ra những câu như không, như câu nói trước sự vật, cảnh quang, hiện tượng; không cần uốn nắn, chọn từ này từ nọ cho nó có tính mùa, quý ngữ; không cần chọn lựa nhiều, dù là tính từ, hay động từ.

  

Cái tự nhiên chủ nghĩa này khác hẳn với cách tư duy của Mai Văn Phấn ở những tập thơ “nhiều câu” trước đây. Nếu thơ “nhiều câu” của Mai Văn Phấn đọc lên rất hay, nhưng hiểu được nội dung tác giả muốn nói gì thì thật là cả một sự vật lộn (với trình độ thẩm thơ như tôi). Ngay cả tập thơ được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, và cũng đã được dịch ra tiếng Anh - tập thơ “Bầu trời không mái che” (2010), nhiều bài cũng không phải độc giả nào cũng thích, vì nội dung trừu tượng và từ ngữ như do chúa trời ban cho, mối liên kết lỏng lẻo, không chặt chẽ theo cách đọc thông thường.

   

Mai Văn Phấn là một nhà thơ rất được độc giả trong và ngoài nước tìm tòi, nghiên cứu. Ít nói về mình, chỉ lặng lẽ đưa ra những tác phẩm để đời. 

  

Trong những tác phẩm như vậy, “thả ”- loại thơ ba câu, là thơ vừa sáng tạo vừa đời thường, bình dị, thấy gì, nghĩ gì viết ra như vậy lại trở thành một nét mới, lối tư duy mới của Mai Văn Phấn. Những tư duy sâu sắc với những ý tưởng tạm nói là trừu tượng, sâu xa ẩn trong cái trực quan nhìn thấy, nghe thấy, bỗng chốc xuất hiện trong ý nghĩ của tác giả trong “thả” người đọc vẫn dễ dàng cảm nhận được, mà điều này, xin nhắc lại là đầu đề bài thơ góp công rất lớn.

  

“thả” phải chăng là một hướng đi cho các nhà Hai ku Việt. Từ “thả” sẽ mở ra một cách làm thơ có đầu đề, có nội dung sát với cuộc sống, suy nghĩ hàng ngày, để người đọc ngày nay không phải chìm sâu những bài thơ dài, những tư duy quá “mờ” 

phải vận dụng cả kiến thức kim cổ, trời đất vận hành mới hiểu được./.

 

28/01/2016

L.Đ.H







     


Bìa tập thơ
“Em đã sống vì ai” của nhà thơ Ai Kwang-Kyu












     
BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị