"thả”, Đóa Hoa Vô Thường và Thập Mục Ngưu Đồ (phê bình) - Liêu Thái

thả, Đóa Hoa Vô Thường và Thập Mục Ngưu Đồ

(Đọc tập thơ “thả” của Mai Văn Phấn, Nxb Hội Nhà văn, 2015)

 

 

 

 

Nhà thơ Liêu Thái và con trai

 

 

 

 

Liêu Thái

 

 

Có một điều chắc chắn nói ra bằng thừa: Thơ không phải là Kinh. Nhưng trong một chừng mực nào đó, tinh thần của Thơ và Kinh lại có điểm chung. Điểm chung đó không có một định dạng cụ thể nhưng chính cái không cụ thể đó lại giúp người (cảm thụ) nhận ra được trong sự dẫn dắt của linh cảm. Hay nói cách khác, giữa thơ và kinh có một giao điểm, nơi tâm hồn rung ngân và mỗi tiết điệu phập phồng của nhịp thở chữ nghĩa, nhịp rung tư tưởng lại mô phỏng cái giao điểm ấy. Điều đó như một sự buông thả của sự sống trên lộ trình heo hút, bất định trở về nơi sinh ra nó trong một điệu thức không thể mô phỏng. thả(*), tập thơ ba câu của thi sĩ Mai Văn Phấn là một ví dụ.

 

Cũng xin nói thêm, trong dạng thức mô phỏng lộ trình tâm hồn trên đường trở về nơi khai sinh và khai phóng qua thơ, không riêng gì tác giả Mai Văn Phấn nắm bắt điều này. Nếu nói không ngoa thì có rất nhiều thi sĩ Việt Nam đã làm điều này và cũng có không ít thành tựu. Nhưng thử nghiệm, trải nghiệm và khai phóng bản ngã bằng một thể loại thơ tương đối mới lạ theo cách của Mai Văn Phấn thì có lẽ chỉ riêng anh chọn lối đi này.

 

Mới đọc, rất có thể người đọc sẽ dễ bị nhầm lẫn đây là một kiểu thơ Haiku (Hài Cú) Việt Nam. Bởi bố cục, cấu trúc vẫn có chút gì đó na ná thơ Haiku của Nhật Bản. Bởi lẽ, nhìn vào tổng quan của rất nhiều bài thơ trong tập thơ thả, vẫn thấp thoáng bóng dáng của Haiku với giới hạn 17 âm tiết trở xuống, câu đầu tiên khai đề với một tiểu thể như địa điểm, thời gian, sự vật, sau đó là câu dẫn luận phác họa tâm trạng của thi sĩ để mở rộng đến đại thể ở câu ba mang tính chất tư tưởng, tổng quan vũ trị hay triết lý về sinh tử…  Hoặc ngược lại.

 

Chạm

Mặt Đất

Cuộn mấy vòng

(Lá Khô – thả)

 

Chim ri kêu

Rung hạt sương

Tiếng sấm

(Đồng nhất – thả)

 

Vàng mã bén lửa

Gió giật vội

Mang đi

(Nơi đầu gió – thả)

 

Rất nhiều bài thơ của Mai Văn Phấn, nếu không đọc xuyên suốt tập thơ sẽ dễ bị ngộ nhận đây là một loại Haiku Việt Nam. Nhất là khi đặt cạnh những bài thơ này với các tác giả Matsuo Bashô, Kobayashi Issa, Yosa Buson…

 

Ao xưa

Con ếch nhảy vào

Tiếng nước xao

(Con ếch – Xuân Nhật – Bashô)

 

Ôi những hạt sương

Trân châu từng hạt

Hiện hình cố hương

(…)

 

Nhưng cũng chỉ đọc đến đây, người đọc dễ dàng nhận rõ sự khác biệt giữa thơ ba câu Mai Văn Phấn và thơ Haiku Nhật Bản. Yếu tố sử dụng quí ngữ, nguyên lý Mùa và tính tuơng quan hình ảnh nhằm đi đến đối xứng giữa tiểu thể và đại thể hầu như không phải là dòng chảy hay xương sống của thả.

 

Hay nói cách khác, từ cấu trúc cho đến dòng chảy tư tưởng, tâm hồn bên trong tập thả đều có những điểm thấu thị lịch sử của nó. thả mang hơi thở đương đại, phát biểu những gì đời thường, gần gũi với con người nhất thông qua lăng kính của thi sĩ. Và đương nhiên ngôn ngữ được chọn lựa một cách hợp lý, tương ứng với những mô thức của lý trí và tâm hồn để đi đến một chuyển động nghệ thuật mà trong đó mỗi con chữ mang chức năng biểu niệm, biểu cảm để vẽ một cách nhanh nhất từ người viết đến người đọc những khoảnh khắc, chớp nhoáng của tâm hồn.

 

Lắc nhiều hướng

Lá nửa non

Nửa già

(Lá ở nghĩa trang – thả)

 

Thắp hương xong

Dựa lưng

Vào ngôi mộ ông bà

(Viếng mộ ông bà – thả)

 

Trời

Tối rồi

Hãy nhắm mắt

(Nói với cỏ dại – thả)

 

Bao lấy

Mảnh vải

Bọc lồng chim

(Thế giới khác – thả)

 

Trên một chừng mực nào đó, thơ cũng là một dạng thoại đầu hay một dạng công án Thiền của thi sĩ. Hay nhìn từ góc khác, thơ là một Mặc Khải trong ánh sáng vi diệu của Chúa mà ở mỗi con chữ lấp lánh ánh sáng của con mắt ngạc nhiên nhìn vào thế giới để rồi sau đó đọc ra một thông điệp nào đó của Thượng Đế mà ngay cả thi sĩ cũng chỉ cảm chứ không phân tích, mổ xẻ gì được. Bởi càng mổ xẻ càng dễ rối mù và ngộ nhận.

 

Nhưng, trong lát cắt của lý tính, vẫn có những điểm thấu thị, những con mắt thơ để cả người viết lẫn người đọc cùng nhìn, cùng nhận biết và cảm thụ. Và sự cảm thụ này cũng không tránh được tình trạng dông dài của luận lý, đôi khi dẫn đến rối mù, không đâu vào đâu. Và có lẽ đó cũng chính là khởi điểm phát sinh lý luận, phê bình thơ, phê bình văn học trong đám rối mù chữ nghĩa để định dạng một cách tương đối và giản lược nhất cái sự cảm của người đọc. Không chừng, chính cái cảm của người đọc (gồm nhà lý luận, phê bình) lại kéo ngược thi sĩ đi về phía của họ và thi sĩ đâm ra sợ hãi với chính mình khi đứng trước giao lộ chữ nghĩa của các “cụ phê bình”. Chuyện này xưa nay không hiếm!

 

Nhưng, vấn đề cốt lõi của thơ vẫn là tiếng nói riêng, hơi thở riêng và cách biểu đạt riêng của thi sĩ chứ không phải những định dạng của giới phê bình vì suy cho cùng thì các nhà phê bình cũng là một loại bạn đọc “cao cấp” và chưa chắc họ đã viết được nửa câu thơ. Mà vấn đề cảm thơ để đi đến nhận định đòi hỏi cả những tầng số phức cảm nhục thể, phức cảm tâm hồn tương đồng giữa người đọc và tác giả. Bởi đây là những tín hiệu để nhận biết và phân biệt giữa nhà thơ này với nhà thơ khác, thế hệ thơ này với thế hệ thơ khác và dòng chảy, trường phái thơ này với dòng chảy, trường phái thơ khác.

 

Câu chuyện trở nên dông dài và lan man không phải bởi lối tư duy rối mù sẵn có của người viết bài này mà bởi một lớp ánh sáng lấp lánh trên đầu giọt sương chữ nghĩa mà mỗi giọt sương lại đóng vai trò thấu kính hội tụ mọi tín hiệu, màu sắc, trạng thái của đời sống mà Mai Văn Phấn đã thổi vào tập thơ thả. Nếu câu chuyện có dông dài thì ắt hẳn phải tìm ông nhà thơ Mai Văn Phấn để hỏi tội hoặc đọc đến đây thì dừng và chuyển sang lướt web xem một thứ gì đó tươi tươi mát mát… Không nhất thiết phải buột miệng “thằng này viết tào lao!”. Vì nói ra điều đó với bài viết này chẳng khác nào phát biểu một chân lý hiển nhiên!

 

Cũng giống như khi nói về những trạng thái, sắc màu, tâm cảm, hiện tượng, sự kiện, sự ngẫu nhiên, tính nắm bắt, hay tính Đốn Ngộ của Thiền cũng như ánh sáng Mặc Khải của Chúa thông qua thả là một sự kì cục không thể chấp nhận được nhưng nếu không nói ra một cách thấu đáo (cái nhận biết của mình) thì đâm ra ốt dột và thểu não không thể tin được.

 

Bắc song song

Con đường

Tôi về nhà

(Cầu vồng – thả)

 

Đứng trên ban công

Ngắm con chuồn chuồn

Bay một mình

(Bay cao thì nắng – thả).

 

Con ếch lớn

Vọt khỏi miệng hang

Đã chật

(Nghe tiếng giã giò – thả)

 

Trở lại với thả, ngoài những yếu tố mà nhiều bạn đọc (gồm nhà lý luận, phê bình thơ) đã phát hiện khi đọc thơ Mai Văn Phấn. Từ phức điệu của Đất; Cảm thức về Đất; Mối cảm hoài về Mẹ Đất, Tính thiêng của Mẫu; Vẻ đẹp mùa màng; Sự đánh thức tánh linh từ gió; Phức cảm nhục thể của cái đẹp bất toàn; Ý niệm về cỏ cây và sự chết; Sự biểu đạt của bóng tối; Sự khai mở của ánh sáng… Có lẽ phải nói rằng thả là một bước đột phá, thậm chí là một cuộc lột xác của chính tác giả cũng như của dòng thơ ba chữ vốn âm ỉ chảy trong làng thơ bấy lâu nay.


Ở vấn đề thứ nhất, đây là bước đột phá và lột xác của tác giả. Tính đột phá và sự lột xác này nằm ở chỗ thái độ và tâm thế sáng tác của ông đi từ cấu trúc sang giải cấu trúc, đi từ thi pháp sang cởi bỏ thi pháp (nói một cách mỹ miều thì có thể gọi là Thi Pháp Không Thi Pháp!), đi từ chỗ suy tư để chọn lựa câu chữ, tìm mắt chữ, tìm điểm mở của thơ (có người dung tục gọi là tìm cửa mình của thơ) để dấn sâu vào mạch cảm xúc, tìm sự thăng hoa… Ở đây, có một sự buông thả, trần trụi đến lạ lùng sau một hồi suy tư, chiêm nghiệm và tư lự. Câu chữ trong tập thơ ba câu thả này có thể nói là thơ cũng được, gọi là truyện cực ngắn cũng không sai, gọi là khoảnh khắc chớp ảnh bằng chữ cũng đúng mà gọi mỗi bài thơ là một bức tranh được vẽ công phu cũng hợp lý.

 

Bởi lẽ, chính sự cởi bỏ thi pháp sau khi đã dấn thân và tìm tòi một cách nghiêm mật với chữ nghĩa, thi ca, sự cởi bỏ này không đồng nghĩa với buông tuồng mà là sự rũ bỏ. Và sự rũ bỏ này mang bóng dáng Đốn Ngộ hay Mặc Khải. Mỗi câu thơ là một kiểu thoại đầu riêng của người thơ. Khoảnh khắc của vũ trụ, không gian, thiên nhiên, vạn vật đi qua con mắt người thơ và câu chữ là bóng của vạn vật phía bên trong hướng nhìn, từ phía của con mắt nội tâm. Nhưng điều này không đồng nghĩa với con mắt nội tâm chưa từng thử qua các loại lăng kính, từ áp tròng cho đến có gọng, từ viễn thị, loạn thị, cận thị cho đến kính trong “vô vô sở thị”.

 

Bởi chính những thử nghiệm, trải nghiệm này đã cho thi sĩ một sắc màu rất riêng để từ đó, sự vật, thế giới đi qua sẽ phản chiếu, lưu ảnh và ghi dấu bằng cách riêng của họ. Những đám mây bông, những buổi chiều đi thăm mộ ông bà và ngồi tựa lưng để rồi “vào mộ ông bà”. Nếu xét về cấu trúc, đây đơn thuần là thủ pháp giáng dòng, vắt dòng, cách này người ta đã làm rất lâu. Nhưng bỏ qua kĩ thuật, đi thắng vào nội tâm cũng như nhìn thẳng vào trực giác của mình (người đọc/ người cảm thụ) thì thấy rằng “vào mộ ông bà” là một thoại đầu hay một công án của đời người mà ở đó hàm chứa đủ các yếu tố suy tư về sinh thành bại diệt hay sự trỗi dậy của hạt mầm bên dưới những tầng lá mục của một cội phổ hệ, huyết thống để từ đó nhìn rộng ra thế giới bên ngoài với đầy đủ ý nghĩa của cái chết và sự sinh trưởng từ bên trong cái chết, trùng trùng lớp lớp…

 

Cây non

Nứt từ khe núi

Lòng đá mềm

(Đá – thả)

 

Đám mây

Bay

Qua mái nhà

(Mở vòi nước – thả)

 

Vòm lá mỡ màng

Gọt quả lê

Cắn miếng to

(Mưa ban mai – thả)

 

Mải đọc sách

Chỉ nghe

Tiếng ngân cuối

(Chuông chiều – thả)

 

Nhìn

Cánh bèo

Da diết

(Con nhái bén – thả)

 

Vừa chín

Hoàng hôn

Thẫm

(Luộc khoai – thả)

 

Đứng trên giác độ cảm thức về luân hồi, về sự sinh trưởng cũng như tiết điệu thổn thức của mầm xanh đang trên đà cảm thụ ánh sáng, cảm thụ sức nóng của mặt trời sự sống, có lẽ xuyên suốt tập thơ thả, đọc bất kỳ trang thơ nào cũng gặp cảm thức này. Điều đó có thể phát triển theo nhiều chiều kích và tầng bậc khác nhau. Ở bài thơ này có thể cảm ngay bằng trực giác nhưng bài thơ khác lại là một mảng ánh màu thoáng qua trong đó hàm chứa những nhát cọ mờ nhòe phản ánh về vấn đề đó mà người đọc phải trong nghiền ngẫm kết hợp sự thúc giục của linh cảm. Điều này có vẻ như chạy xuyên suốt tập thơ thả.

 

Và đến đây, một vấn đề khác được đặt ra: Liệu thả có trở nên quá thường tình, như những trần thuật đời sống bằng ngôn ngữ thơ trong lúc thi pháp đã bị loại bỏ? Câu trả lời là hoàn toàn không phải vậy. Mà vấn đề lại liên quan đến sự lột xác, một lần nữa, sự lột xác của chính tác giả cũng như sự vượt thoát của dòng thơ ba câu, làm nên diện mạo thơ ba câu Mai Văn Phấn, không lẫn vào đâu được lại nằm trong câu hỏi và câu trả lời này.

 

Điều này chạm đến ý niệm thả, thả thơ, thả chữ, thả sách, thả những hệ lụy cuộc sống, thả quyền lực, thả sự cố chấp, thả luyến ái, thả những hệ lụy huyết thống đã ăn mòn thành định kiến, thả những khối đá tảng tư tưởng đã chất nặng trên đôi vai người cầm bút, thả sự ràng buộc không đáng có với chữ nghĩa…? Cụ thể là thả gì? Có thể nói rằng điều dễ cảm nhận, dễ nắm bắt nhất khi cầm tập thơ thả trên tay và bắt đầu đọc là người đọc phải thả tâm hồn mình thật rỗng rang và tuyệt nhiên tránh để những kiến chấp, biên kiến chữ nghĩa níu mình, trói buộc con chữ trong trang sách với định kiến bản thân. Hơn nữa, thả là một thông điệp mà chính tác giả đã gửi qua bưu điện câu chữ, địa chỉ đến lại là căn nhà bản ngã thi sĩ, rằng hãy buông thả mọi kiến chấp về sự vướng lụy của đời sống, kể cả kiến chấp về sự buông thả, hãy trả tự do cho con chữ và thơ. Chính con chữ và thơ sẽ nói lên tiếng nói riêng của nó. Mặc dù có thể nó sẽ không nói gì cả và không giống ai cả nhưng chính sự im lặng, dị biệt của nó lại là lăng kính phản ánh tương quan thế giới, xã hội mà thi sĩ đang sống, đang gặm nhấm niềm vui và nỗi buồn trong từng sát na, từng giây, từng phút…

 

Quên

Gọi ông

Hoa nở

(Cháu mãi chơi – thả).

 

Trực giác “bông hoa nở” sau tiếng gọi của “cháu” ở trong vườn cỏ hồn nhiên của tâm thức anh nhi bị bỏ quên ở “quên” mà người ông tự cảm nhận trong một sát na làm người đọc giật mình bởi niềm hạnh phúc cũng rất trẻ nít, rất tuổi thơ như chưa hề vướng bụi trần thế này.  Và điều này cũng làm người đọc giật mình nhìn lại cấu trúc phi cấu trúc rất ư lạ lẫm của thả. Bởi ở đây, ranh giới giữa thi pháp đặt đề và thi pháp triển thơ hoàn toàn bị xóa nhòa. Tựa thơ cũng là một câu thơ và ngược lại, bài thơ cũng là một cái tựa khi đọc ngược Hoa nở - gọi ông – quên – cháu mải chơi.  Mà chuyện này không chỉ gặp ở đơn lẻ vài bài thơ trong tập thả. Toàn bộ tập thơ đều có cấu trúc mà tôi tạm đặt là cấu trúc vòng tròn. Nghĩa là đưa bất kì câu thơ nào lên làm tựa vẫn phản ánh bài thơ rất sắc cạnh nhưng cũng rất tròn trịa, mềm mại. Ngược lại, cả bài thơ là một vòng tròn, ở đó, đứng trên bất kì điểm nào cũng nhìn thấy được những điểm khác nếu cởi bỏ mọi ý niệm về không, thời gian.

 

Đến đây, một vấn đề khác lại xuất hiện, cả một tập thơ là một vòng tròn của sự thả, buông bỏ và để mọi sự phát triển theo qui luật tự nhiên của nó, kể cả tư tưởng và chữ nghĩa. Đọc xong tập thơ, một cảm giác rất lạ là lại giống như vừa mới nghe xong Đóa Hoa Vô Thường của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay vừa bước vào một phòng tranhh của một thiền sư. Và trong phòng tranh ấy, bộ Thập Mục Ngưu Đồ chiêu dẫn người đọc tranh, rồi thưởng ngoạn tranh, sau đó xem tranh, nhìn tranh, thấy tranh, để cuối cùng là có thấy một mục đồng đang cố buộc một con trâu lung vào dây, buộc rất khó khăn, đến gần trâu, làm quen, vuốt ve trâu, buộc trâu, lại cởi dây buộc của trâu, leo lên lưng trâu ngồi vắt vẻo thổi sáo, cả người và trâu về nhà và... Bức tranh thứ mười – bức cuối cùng là cả người và trâu đều là một vòng tròn trắng, không thể nhận biết đâu là trâu, đâu là mục đồng, đâu là vòng tròn.

 

Cũng xin nói thêm, đây là những cảm nhận đầy võ đoán và hậu đậu của một độc giả trong hàng triệu độc giả đã đọc thơ của tác giả Mai Văn Phấn. Và khi đọc xong thả, có một vòng tròn như thế giữa người thơ, bìa thơ, ruột thơ, câu chữ thơ, ý niệm thơ, tư tưởng thơ, bối cảnh xã hội lúc tập thơ ấn loát và cả người đọc, tác giả, tác phẩm như một vòng tròn của buông bỏ và im lìm lắng nghe tiếng nói từ sâu thẳm đất mẹ, cỏ cây, hơi thở và không gì cả!

 

Quảng Nam, 6/01/2016

L.T

 

________

(*) Tác giả Mai Văn Phấn không viết hoa tên tập thơ.

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị