Thơ trong cõi vượt
(Đọc tập thơ “Vừa
sinh ra ở đó” – Nxb. Hội Nhà văn, 2013 của Mai Văn Phấn)

Hàn Hoa
Những tập thơ của Mai Văn Phấn có một nét cấu
trúc chung : tựa như dấu vết vạch lại một
hành trình. Và nhân bởi trong thơ anh ngày càng nhiều và rõ những hình ảnh-diễn
đạt gợi lên cái nhã đạm của cửa thiền, nên có thể thấy cái hành trình vạch vẽ dấu
vết trong thơ đó là những hành trình vượt qua – vượt qua những tri kiến thông
thường, vượt qua vô số cảm nhận theo thói quen trong mỗi khoảnh khắc trần thế để
chạm đến cương giới của cõi vượt, và vượt với một niềm vui an bình.
Tập
thơ này, như vậy, gồm hai dạng cấu tạo: những bài thơ ngắn và những bài gồm nhiều
tiểu đoạn kiểu như những mảnh kính trong ống kính vạn hoa. Trong tập có mười một
bài ngắn xen với bảy bài dài nhiều đoạn, trong đó có năm bài thật sự gợi lên kính-vạn-hoa,
là các bài “Tỉnh dậy trong mưa”, “Buông tay cho trời rạng”, “Tiếng vỗ ngắn”,
“Quang phổ”, và bài “Tĩnh lặng” kết tập.
Những
bài thơ ngắn trong tập này, độc đáo theo phong cách phát hiện riêng của Mai Văn
Phấn, duy trì dạng thức ta vẫn quen đọc ở đoản thi với một niềm hứng, một chủ đề,
một chuỗi hình ảnh suy tư nào đấy, dẫn đến một đỉnh điểm cho mỗi bài. Trong khi
đó những bài dài nhiều tiểu đoạn thì hoặc có cấu trúc trường ca-kể chuyện như
“Tỉnh dậy trong mưa”, hoặc là chuỗi ẩn dụ
biến đổi liên tục, khúc xạ một chủ đề được tri nhận qua nhiều cơ duyên, cảm
xúc, qua nhiều góc tiếp cận của tâm thức – như trong bài “Tĩnh lặng”, với 45 đoản
khúc tái hiện một trải nghiệm thiền định.
Điểm
chung nhất trong cấu tạo các bài thơ này cũng như trong chất thơ rất trong trẻo
của chúng thì có thể hình dung qua một câu, khá điển hình, kết lại đoạn thứ nhất
của bài “Quang phổ”:
“Nhặt
viên sỏi liệng mạnh về phía gốc cây. Viên sỏi bật lại chân tường, cột điện, vỉa
hè… Nét vẽ lóe sáng gấp khúc hiển lộ hình hài đầu tiên của ngày mới.”
Câu
thơ-văn xuôi gồm ba câu ngắn về văn phạm. Tính xâu chuỗi và độc lập tương đối về
hệ hình ảnh, cùng với sự hài hòa cân bằng động trong nhịp điệu và âm điệu ngôn
từ hành tiến, khiến bộc lộ tính thơ của nó. Ấn tượng thoạt đầu là một sự kiện
ngẫu nhiên nhỏ bé ngắn ngủi mà khiến thình lình phát lộ một sự kiện căn bản, tất
yếu, và lớn hơn: việc ném một viên sỏi
chợt làm “hiển lộ” một ngày mới.
Thi
pháp trong tập này nhất quán như vậy. Và rộng ra có thể nói Mai Văn Phấn đã đưa
thơ vào một cõi vượt, qua suốt các tập thơ những năm gần đây của anh, trong đó
hết thảy các hình ảnh sự vật sự kiện, con người và hành vi bình thường, hàng
ngày, rất nhiều khi là bé nhỏ, ngẫu nhiên, chóng qua, mau lặp, dễ quên – thảy đều
có thể được liên kết vào một thi hứng bền bỉ, luôn sống động và mạnh mẽ hiếm thấy,
một thi hứng của sự khám phá cái trải nghiệm vượt qua. Như trong câu thơ-văn
xuôi vừa dẫn ở trên, sự việc ném một viên sỏi khiến nó nảy qua bật lại (tương tự
với trò ném thia lia trên mặt nước) đã thành một trải nghiệm vượt qua, bởi sự nhìn thấy đường đi của viên sỏi tạo nên
một “Nét vẽ lóe sáng gấp khúc”.
Trong
đoạn thơ, câu thơ trên là một khai triển từ câu thơ mở đầu – “Ai qua đây làm đồ
vật, cảnh quan phát sáng.” Tuy vậy, trình tự của đoạn thơ không phải một trình
tự giải thích, mà là trình tự mô tả. Sự mô tả này để lộ cái nhìn khác với cái
nhìn thị giác – và một trải nghiệm vượt qua chính là nằm trong sự biến đổi này.
Hình ảnh này có tính siêu thực, gây một bất thường trong ngữ cảnh gồm các chi
tiết dung dị thông thường, gây một độ chênh giữa các mô tả thị hiện thường thức
với các mô tả siêu vượt thường thức.
Cũng
như tất cả những hình ảnh-hành động trong thơ đều là hành động-ngụ ý, các hình ảnh
nói trên đều là những biểu thị của vận động tâm thức, và chính vì thế nó gợi ý
rằng có một lối vượt qua sự xúc tiếp và tri nhận thông thường trong mỗi sự kiện-hiện
tượng ta quen gặp hàng ngày. Đó là trạng huống vượt qua thói quen. Cái nét vẽ
lóe sáng kia không phải là thực tại. Nó gợi ý rằng “viên sỏi” chỉ là một “lóe
sáng”, một đường đi. Theo đó, hành động “Nhặt viên sỏi liệng mạnh...” trở nên một
phiên bản của dụ ngôn Ngón-tay-chỉ-mặt-trăng.
Ý tưởng
thiền môn như vậy sáng rõ hơn nữa trong bài thơ dài 45 khúc “Tĩnh lặng”. Nhân vật trữ tình xưng “tôi” ở đây trải nghiệm
nhiều trạng thái khác nhau của ý thức: “tôi” như một vật thể, “tôi” như một âm
thanh, “tôi” như một sự vật, sinh vật hay hiện tượng, v.v... Những trạng huống
rất khác nhau này trước hết gợi ý một điều chung quan trọng, rằng cái “tôi” dường
như rất dễ dàng lưu chuyển biến dịch, dường như “tôi” là cái gì đó không định xứ;
đến mức cao hơn thì đôi lúc thấy như rỗng không ( - Khúc 11 viết: “Tôi là chiếc
bình gốm hở miệng. Thông với bên ngoài” -), thấy như đồng bản tính với sự vật
và “thế giới” ( - Khúc 21 viết: “Lạc vào thế giới đồ chơi... Được hồn nhiên,
bình đẳng, thơ ngây. Tôi bằng nỉ, bằng giấy, bằng gỗ ...”)
Ở
đây không phải những hình ảnh về sự tưởng tượng hóa thân hòa nhập vào các khách
thể khác nhau của một cái “tôi” trữ tình. Tính chất trữ tình quen thuộc với thơ
ca nói chung hoàn toàn không có ở những đoản khúc này. Có thể so sánh ngay những
khúc trong “Tĩnh lặng” với mấy bài thơ ngắn xếp liền trước đó trong tập thơ,
như “Rời tay để bạn đi”, “Đường bay”, “Gặp mùa xuân” – trong đó chất tình cảm
luyến thương rất nổi trội, dẫu là hướng thượng triệt để. Tính trữ tình quen thuộc
hiện rõ ngay cả trong một bài thấm thía chất tụng ca như bài “Nơi cội nguồn thế
giới”, có câu thơ chứa cái mệnh đề được lấy làm tên cho cả tập này – câu kết
bài, viết: “Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó”.
Trong
bài thơ dài “Tĩnh lặng”, các đoản khúc đều không mang thông báo nào về xúc động
tình cảm., không chứa thông điệp nào hỉ nộ ái ố... Toàn thể 45 đoản khúc này là
một chuỗi những bức tranh đầy xáo trộn, nhưng cũng rất minh bạch sáng rõ. Đây
là cái sáng rõ của ý thức trong thức nhận. Và ngôn từ, cú pháp, nhịp điệu thơ
cũng xứng hợp hài hòa với chất thơ thức tỉnh đó. Như, chẳng hạn, một điển hình
ngắn gọn, khúc số 40:
“Nước
kiệt
Mình
đi qua lòng sông
Bao
giờ nước lên
Chắc
sẽ được báo trước.”
Trong
ngữ cảnh toàn bài, đoản khúc này hàm ngụ lời cảnh báo về một thói quen – thói
quen ảo tưởng và tin vào ảo tưởng.
Sự
đa dạng đầy xáo trộn của các hiện cảnh cùng những trạng huống ý thức trong 45
đoản khúc này đem lại một trải nghiệm thơ ca độc đáo chưa từng thấy về trải
nghiệm thiền định. Độc đáo bởi qua dạng
thức ẩn dụ và ngụ ý, những khúc đoản thi này phác họa rõ rệt những bước vượt
qua đầy trở ngại khi một ý thức đi sâu vào chính mình bằng hành trình nhập định.
Một cách hình ảnh như người xưa đã nói,
con người mang cả vũ trụ trong mình. Vậy nên khi thật sự đi vào bản ngã, tìm kiếm
một cách kiên định cái bản lai diện mục, người ta phải vượt qua cả cái bề dày
“vũ trụ” đó. Mai Văn Phấn đã biểu đạt một kinh nghiệm như thế bằng một sự chân
thực đầy sức mạnh. Thơ của anh trong những hành trình vượt qua này toát ra niềm
vui thanh đạm. Thơ ca này không trình bày cuộc sống như một trải nghiệm siêu
hình hay về những cái siêu hình – điều mà nhiều người thường gán cho các kinh
nghiệm tâm linh nói chung. Ở đây, theo tinh thần một công án thiền, là sự trải
nghiệm nỗi không biết về phía siêu hình của sự sống. Bởi nỗi không biết là vạch
xuất phát của con đường vượt qua./.
H.H
(Nguồn: Báo Văn Nghệ số 7 - 15/2/2014)