Thơ 2 câu trong "Sương sớm" (phê bình) - Đinh Thanh Huyền

THƠ 2 CÂU TRONG "SƯƠNG SỚM"



 



Đinh Thanh Huyền (Yên Nguyên)

 


Có lẽ định dạng thơ 2 câu xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam chính là thơ lục bát. Lục bát dân gian:

Lòng em đã quyết thì hành

Đã cấy thì gặt với anh một mùa

Trúc xinh trúc mọc đầu đình

Em xinh em đứng một mình cũng xinh

Chim khôn thì khôn cả lông

Khôn cả cái lồng người xách cũng khôn

Lục bát hiện đại:

Gói

Ta cài cúc áo cho em

Run tay gói lại một miền cỏ lau.

(Nguyễn Duy)

Khóc một dòng sông 

Tôi ngồi khóc một dòng sông

Dòng sông không chết bởi giông bão còn

(Đồng Đức Bốn)

Gọi là lục bát 2 câu nhưng thực chất là một câu ngắt thành 2 dòng bởi sự liên kết về nghĩa tạo ra dòng duy nhất chảy trong bài thơ. Hai câu thơ chỉ là một phát ngôn, một ý thức, một vận mạch, một chiều kích bị khống chế và quy định bởi chính hai dòng thơ với nhau. Bởi thế, lục bát 2 câu phần lớn vẫn mang giọng điệu giãi bày quen thuộc dẫu các tác giả hiện đại cố gắng cách tân. Lục bát 2 câu cũng ít khoảng trống, khoảng trắng, ít khả năng gọi mời người đọc tạo nghĩa. Bài thơ xinh xắn, nhỏ nhắn, không nhiều kích thích và cũng không thách thức.

Với thơ tự do, tình hình có khác đi. Thơ nhiều khoảng trống, khoảng trắng hơn, sự tiết chế rõ rệt hơn cả về cảm xúc lẫn ý đồ nghệ thuật. Đơn cử một bài thơ 2 câu của miên di

Vết mật

đêm nay trăng vẫn còn vết mật

một vết buồn như sau cái quệt môi

Một bài thơ vừa phóng khoáng vừa kiềm chế một cách uyển chuyển. Sự kết nối giữa hai dòng thơ của miên di đã mờ hẳn so với lục bát 2 câu nhưng dấu vết của mạch vữa vẫn rành rành trên bức tường thơ đó. Bởi vậy, người đọc khó mà thoát ra khỏi gợi ý “trắng trợn” từ phía tác giả về một “đáp án”. Và vì không nhiều  khoảng trống nên bài thơ tự nó đã lấp đi phần lớn khả thể nghĩa. Tất nhiên, nếu đó là chủ đích sáng tác thì chúng ta không thể đòi hỏi nhiều. Bài thơ hay theo cách riêng của nó, và hạn chế cũng theo kiểu riêng của nó. Người đọc không thể vì muốn bánh mì mà bắt bánh đa phải lên men và nướng lò. 

Có một ngoại biệt là Lê Đạt. Trong chùm Haikâu rất độc đáo của ông mỗi bài là một công phu:

Tóc phố

Chấp chới đèn lên tóc phố

Gáy nê ông chiều lả liễu lam bay

Mi mô za

Nắng tạnh heo mày hoa lạnh

Mi mô za chiều khép cánh môi xa

Chỉ tiếc thơ 2 câu Lê Đạt không nhiều, không đủ để hình thành nên một vỉa trong mỏ khoáng vật kì vĩ của ông.

Đó là những ý nghĩ khởi lên khi tôi gặp thơ 2 câu của thi sĩ Mai Văn Phấn.

Không ngẫu nhiên mà Mai Văn Phấn tập trung vào thơ 2 câu lúc này. Ông đã đi một chặng đường dài, qua nhiều thể nghiệm, viết với nhiều thể thơ trong đó có trường ca, thơ 2 câu giờ đây xem như sự trở lại nhưng trên một đường xoáy trôn ốc. Vòng lặp sau không bao giờ trùng khít vòng trước. Một Mai Văn Phấn vừa quen vừa lạ hiện diện trong một cung cách rất đặc trưng: kín đáo và đầy “nguy hiểm”. Nếu như thơ 2 câu của nhiều tác giả khác giống như một quãng nghỉ xinh xinh làm phong phú sinh động thêm cho hành trình viết thì Mai Văn Phấn dành cho thơ 2 câu một sự chú tâm dày dặn. Đến thời điểm này, ông đang có 255 bài thơ 2 câu, tiếp tục viết và sửa để chuẩn bị cho tập thơ mới ra đời với cái tên “Sương sớm”. Còn quá sớm để viết về tập thơ này như là một chỉnh thể nhưng bố cục của tập thơ đã hình thành: Hương cúc chi, Lối đi, Vẽ bóng đêm, Tiếng sấm, Bông huệ trắng. Năm phần của tập thơ gợi nên một hành trình từ ngoài vào trong, từ thanh sơ đến sâu sắc, từ giản đơn đến đa bội. Nhưng Hương cúc chi và Tiếng sấm đều nhẹ nhõm, cái nhẹ của làn hương và âm thanh khác nhau về hình tướng mà tương đồng về bản thể. Không rõ Mai Văn Phấn có ý thức về điều này không, hay chất thiền trong ông đã xui khiến nên ý hướng đó.

Cũng bởi thế mà thơ 2 câu Mai Văn Phấn hướng tới sự tối giản. Mỗi bài thơ là cú chơi một chạm, dứt điểm và ghi bàn, không có chỗ cho cân nhắc ngắm nghía, nâng lên đặt xuống, vờn vẽ, rào đón. Mỗi bài thơ là một chớp sáng:

Bình minh tràn cửa
Đun nước quên đậy vung

*

Biết mình không cô đơn
Giọt sương rơi.

*

Con bói cá không nhìn ai
Chắc nó đậu lâu ở đó.

Tối giản không phải là ít, tối giản là sự “vắng mặt”. Có ba thứ vắng mặt trong thơ 2 câu Mai Văn Phấn.

Sự vắng mặt thứ nhất: nhan đề. Nhan đề là sự chỉ dẫn tốt cho sự đọc, nhưng cũng là sự áp đặt với người đọc. Không có nhan đề người đọc có thể hơi hoang mang. Nhưng không có nhan đề lại chính là tự do. Nhan đề bài thơ giống như những bảng chỉ đường ở một khu du lịch nổi tiếng. Bài thơ không có nhan đề tựa như một miền đất kì thú cho phép ta khám phá từ bất kì góc độ nào. Những cảnh đẹp đột nhiên hiện ra không báo trước ở một khúc quanh nào đó sẽ làm nên cảm xúc nguyên sơ và mãnh liệt khác thường. Không có nhan đề chính là không giới hạn.

Sự vắng mặt thứ hai: cái được biểu hiện. Trường hợp này gần với ẩn dụ bởi nó cần sự thay thế của cái biểu hiện. Nhưng ẩn dụ cần biểu tượng, thơ 2 câu Mai Văn Phấn không thiết kế biểu tượng. Cái được biểu hiện tồn tại ngay trong khoảnh khắc nó bị giấu đi nhưng không hẳn mang diện mạo khác, nó lửng lơ trong suốt đâu đó giữa những chữ ít ỏi đang bình thản nằm kia.

Xe đạp dựng gốc cây
Tán lá đung đưa như có người

*

Tủ rỗng

Mở thêm mấy lần.

*

Không thấy đáy

Hay là trong suốt?

Những câu thơ này rốt cuộc đem lại cảm giác về một thực tại không thể chiếm hữu. Chỉ có thể cảm thấy và cố nhìn ra thực tại ấy trong một gắng gượng vừa mê mải vừa bất lực của con người vô minh.

Sự vắng mặt thứ ba: cái tôi tác giả. Mai Văn Phấn là nhà thơ từ chối phong cách. Chưa bao giờ lập ngôn về điều này nhưng sáng tác của Mai Văn Phấn ngày càng hướng tới sự “vô sắc”. Thơ 2 câu có lẽ giúp ông thực hiện việc đó dễ dàng hơn (một bài thơ dài dù muốn hay không vẫn lộ ra cái tôi tác giả, thơ càng ngắn càng dễ triệt thoái nhân vật này). Cái tôi tác giả thường biểu hiện ở những từ chỉ cảm xúc. Thơ 2 câu Mai Văn Phấn không có hệ từ này. Xin dẫn bài thơ sau:

Nỗi buồn sum suê

Chở che.

Hai chữ “nỗi buồn” xuất hiện với tư cách danh từ, nó đơn giản chỉ là trần thuật. Nó không gợi nên bất cứ cảm xúc nào ngoài nghĩa từ vựng. Bởi vậy không thể nói: “Nỗi buồn của nhà thơ”, vì ông ta sẽ cãi: “bằng chứng đâu?”. Vì tác giả không sở hữu nỗi buồn đó nên người đọc được phép nhận lấy nó như là một món quà dành cho mỗi người.

Cái tôi tác giả còn hiện ra ở tư tưởng, mà tư tưởng thì thường hướng tới sự độc tài về chân lý. Nhưng tư tưởng trong thơ 2 câu Mai Văn Phấn có vẻ như không phải những phát kiến, cũng không đòi phải được công nhận hay phủ nhận. Nó chỉ hiện ra vì nó đã có sẵn ở mỗi sự vật hiện tượng nhà thơ nhìn thấy.

Đặt lọ hoa

Tiễn bàn ghế vào đêm tối.

Khi bàn ghế biến mất vào bóng đêm, cái gì sẽ khiến cho người ta biết bàn ghế còn đó: lọ hoa. Lọ hoa vừa là chỉ dấu cho sự có mặt của bàn ghế, vừa là chiến thắng của chính nó. Lọ hoa vừa là nó vừa là bàn ghế. Triết lý này không phải của Mai Văn Phấn, nó xuất hiện trong tất cả các triết thuyết của nhân loại từ cổ chí kim. Mai Văn Phấn chỉ là người đặt chiếc bình hoa đó lên bàn và lặng lẽ lùi ra. Và tôi-người đọc, khoái trá khi gặp bình hoa đó, yên chí ngắm nghía thưởng thức nó mà không sợ ông Mai Văn Phấn phê bình. Sự có mặt của tôi-người đọc và sự vắng mặt của tôi-tác giả không phải là là hai sự kiện riêng rẽ, nó chính là chiếc bình hoa vô sự đang nói lên tiếng nói của chính nó và bộ bàn ghế trong bóng đêm không của riêng ai.

Sau cùng, tôi muốn nói đến những điều ít lý tính hơn, những điều thực sự khiến tôi yêu mến thơ 2 câu Mai Văn Phấn. Đó là sự thư thái có được khi đọc thi phẩm. Hiện thực “thậm phồn”, hiện thực “trương nở” làm chúng ta lẫn lộn, bối rối và mệt nhoài. Thơ giờ đây cũng bề bộn, thơ thu vào nó biết bao vang động của một đời sống nhiều bất trắc. Sự thật càng bày biện ra nhiều bao nhiêu, con người càng hụt hơi bấy nhiêu. Trong thời đại này, thơ ca vừa xa xỉ vừa vô duyên trầm trọng. Những bài thơ 2 câu của Mai Văn Phấn có một độ lùi nhất định. Không hề tách rời cuộc sống, thơ ông thực chất là nhìn vào bản chất đời sống, hướng tới những gì phổ quát nhất của sự tồn tại người. Giống như rẽ bèo ra để nhìn xuống đáy nước, cái ta thấy là vẻ trong suốt tĩnh tại muôn đời. Có đó mà không đó, thơ 2 câu Mai Văn Phấn chỉ gợi vừa đủ. Ở điểm này có lẽ Mai Văn Phấn đã trở lại với thơ cổ điển hòa hợp cùng tinh thần thiền trong “một nhịp điệu khác” (lời của nhà thơ)

Nằm đọc sách

Buông thõng một chân ra ngoài. 

* 

Chiều thảnh thơi

Cắn vỡ hạt hồ đào. 

* 

Cánh đồng lặng yên

Lúa chín.

*

Về chốn xưa

Vui vì lạc lối.

Nhưng thơ 2 câu Mai Văn Phấn không phải bài kệ tôn giáo bởi nó không thoát tục. Tục thế trong cái nghĩa đích đáng nhất của nó là đây:

Làm đứa trẻ

Sơ sinh trong tay em.

*

Gió

Hôn từ tán lá xuống gốc.

Đời trong cái vụn vặt hồn nhiên nhất của nó là đây:

Cửa hàng kim khí

Bán thức ăn.

*

Chọn giống cây

Bị ép mua thuốc kích thích.

Đời trong sự đốn ngộ bất ngờ là đây:

Gương soi

Cả lúc vắng người.

*

Vào lễ Phật

Ai dắt mình đặt hoa.

Có những khoảnh khắc như thể định mệnh:

Trái tim đập dồn

Đôi dép không đặt đấy nữa.

*

Con chó trong cũi

Nhìn theo.

Có những bài thơ như là ca dao:

Mùa xuân

Con cá rô bơi ngược. 

* 

 

Mặt nước phẳng

Con cá cờ mộng du.

Có vài điểm thú vị nữa ở thơ 2 câu Mai Văn Phấn như cấu trúc cú pháp, kiểu “mai phục” ngữ nghĩa độc đáo, và dĩ nhiên là chất thiền trong thơ… đang kích thích tôi khám phá. Nhưng tôi sẽ đợi đến khi tập thơ ra đời để thưởng thức nó một cách toàn vẹn nhất. Một độc giả nghiệp dư như tôi hoàn toàn có thể chủ quan mà nói rằng Mai Văn Phấn đang tạo nên một “thương hiệu Việt” trong thơ hiện đại.

Tôi muốn kết thúc bài viết này với một bài thơ:

Mơ bị làm mồi câu

Tỉnh dậy vội vã đánh răng.

Không hiểu sao tôi cứ liên tưởng đến một đoạn trong cuốn Ma trận sự sống trên trái đất của E.Mundasep: “Là kẻ đần độn thế mà lại thú vị: chẳng hạn, khi ngồi trên bờ câu cá và thấy mình gần như là Chúa trời khi móc con giun vào lưỡi câu và thậm chí chẳng hề suy nghĩ rằng con giun đang quằn quại  vì đau đớn và khiếp sợ kia ở đời trước là tên nhà giàu tham lam, còn bạn đang móc con giun đó dù sao cũng đã là người tử tế… chính vì thế mà… ở đời này bạn mới ngồi và móc kẻ kia vào lưỡi câu”.

Thật thú vị!

Đ.T.H

 



Tác phẩm của Noell S. Oszvald, Hung-ga-ri









 



BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị