Tản mạn với trường ca “Thời tái chế” của Mai Văn Phấn (phê bình) - Nguyễn Tuấn

Tản mạn với trường ca “Thời tái chế” của Mai Văn Phấn

Nguyễn Tuấn

Khi khao khát sáng tạo là một nhu cầu tự thân, một khoái cảm bất tận, nó sẽ là một thứ “doping” tâm hồn khiến cho người nghệ sĩ ngôn từ chìm đắm trong một cuộc chơi chữ nghĩa không có hồi kết. Với thi sỹ Mai Văn Phấn (MVP) cũng vậy, những cuốn sách của ông cứ lặng lẽ ra đời, với tần suất không tính bằng đơn vị năm mà là đơn vị tháng. Với đôi chục đầu sách, cả xuất bản ở Việt Nam và nước ngoài, cả tiếng Việt và các ngôn ngữ khác, nhưng có lẽ chừng đó có lẽ chưa đủ, người ta không biết đến bao giờ, người đàn ông này mới chịu dừng lại. Với bạn bè văn chương, nhiều khi MVP cũng chia sẻ về những dự án sắp tới của mình, những dự định về những ấn phẩm nghệ thuật đang thai nghén, và khi ra mắt, chúng ta đã có một tâm thế đón đợi từ trước. Tuy nhiên có những cuốn sách, khi cầm trên tay rồi mới biết đến sự tồn tại của nó, giống như bất ngờ thấy một người quen một hôm dẫn theo một đứa trẻ lạ và nói đó là con ruột tôi khiến chúng ta ớ người. Trường ca “Thời tái chế” cũng là một “đứa con” xuất hiện trong hoàn cảnh như vậy của thi sỹ họ Mai.

Khi nghe đến cái nhan đề “Thời tái chế” của trường ca mới xuất bản này, có lẽ nhiều người không tin đây là sáng tác của thi sỹ Mai Văn Phấn, bởi nó rất khác với cách đặt nhan đề thường thấy cho các tập thơ trước đó. Những cái tên như: “Cầu nguyện ban mai”, “Bầu trời không mái che”, “Buông tay cho trời rạng”, “Những nguyên âm trong sương sớm”, “Lặng yên cho nước chảy”… đều rất giàu chất thơ, ngay cả trường ca “Người cùng thời” trước đó cũng vậy, nhưng nghe cái nhan đề “Thời tái chế” thì chả “thơ” tí nào, và nó khá lạ lẫm với cái “tạng” thường thấy của nhà thơ này. Thế nhưng, khi đọc tác phẩm xong, thì những thắc mắc đã được hóa giải, đó thực sự là một ý đồ, một bất ngờ thú vị, nó đúng với một quan niệm nghệ thuật mà MVP đã từng chia sẻ: “Sáng tạo là một cuộc vong thân”. Với ông “Điều kinh hãi nhất là khi ngắm nhìn một nghệ sỹ cứ đứng mãi một chỗ mà biểu diễn quá nhiều lần một tiết mục gần như vô cảm, nói cách khác là thương hại những ai thâm canh triền miên trên một mảnh đất đã cỗi cằn. Quá trình vượt thoát khỏi cá tính chính là quá trình vong thân”. Quá trình “lột xác” như chia sẻ là một quá trình đầy gian khó, với những cảm xúc “trống rỗng, trầm cảm thậm chí bi phẫn”, nhưng sau mỗi lần vượt thoát thành công lại là một sự tái sinh, giống như được đầu thai vào thân xác khác. Hành trình thơ của MVP là một hành trình thể nghiệm nhiều hình thức và cảm thức mới mẻ, từ lục bát truyền thống, cho đến thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ ba câu… và mỗi sự dấn thân lại đem lại những thành tựu. Là một trong những nhà thơ có tư duy cách tân mạnh mẽ, thơ MVP ảnh hưởng rất nhiều của tư duy thơ phương Tây hiện đại, đề cao tiếng nói của trực giác, vô thức và những trạng thái “siêu nghiệm” trong quá trình khám phá thế giới. Đó là con đường đi tìm “ánh sáng” của những vẻ đẹp, bản chất sâu xa của đời sống và con người. Ông chú trọng tái tạo những mối liên hệ thâm u và bí ẩn của các hiện tượng đời sống và những biến chuyển trong thế giới tinh thần kì diệu. Thơ ông là tấm gương ma mị, siêu thực, đó là thế giới của tưởng tượng và những tương giao kì lạ của vô thức, tâm linh, của những ý niệm thiêng liêng, huyền hoặc khi phản chiếu thế giới hiện thực, “dẫn dắt người đọc đến những bến bờ tư tưởng và hiện thực lạ lùng của bản ngã”. Thơ MVP “muốn tái hiện thế giới trong những quy luật sinh hóa vĩnh cửu, trong sức mạnh bất tận và vẻ đẹp khôn cùng của sự sống, trong sự gắn kết dục tính sôi nổi của vạn vật. Nhãn quan phồn sinh này đã biến thơ MVP thành một thế giới tràn đầy nhục cảm, tình yêu và năng lượng nảy nở” (Lê Hồ Quang). Ở những tập thơ gần đây như “thả”, “Tĩnh lặng”, thơ MVP vẫn giữ cảm quan cũ nhưng đã tiến dần đến trạng thái “tĩnh” hơn, dù vẫn đề cao tính “hiện sinh” trong các sáng tác. Có thể suy đoán rằng điều này xuất phát từ đặc trưng tâm lý lứa tuổi, từ những trải nghiệm, những “giác ngộ” sâu sắc về quy luật của cuộc sống khiến nhà thơ có những cách tiếp cận mới với hiện thực, nó đi vào chiều sâu hơn, bớt ồn ào hơn và tiến gần đến trạng thái thiền định hơn. Việc khám phá những khoảnh khắc kì diệu của cuộc sống cũng mang màu sắc "xuất thế” hơn, đó là quá trình tương giao một cách tự nhiên, không chỉ bằng các giác quan thông thường, đó là khả năng “giao cảm” giống một chiếc ăng ten bắt sóng trong thế giới “vạn vật hữu linh”. Cứ yên tâm rằng, có lẽ đây là cảm thức bền vững và khó có thể thay đổi của thi sỹ họ Mai. Với một người đàn ông lục tuần mang lối sống bình lặng như ẩn sĩ thì việc hàng ngày vui thú với chén trà buổi sớm,nghe tiếng chim hót, ngắm hoa, cây cảnh, nhắm mắt để cảm nhận những những khoảnh khắc bình yên, không quan tâm đến thế sự đảo điên âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng đó là một nhìn nhận sai lầm…

Sự bất ngờ không chỉ đến từ sự xuất hiện “đường đột” của trường ca “Thời tái chế” mà bất ngờ lớn nhất đến từ chính nội dung của nó. Đây không phải là trường ca đầu tiên của MVP, trước đó là “Người cùng thời”, và vài tiểu trường ca hình thức nhỏ hơn được in chung với các tập thơ. Tuy nhiên, đến trường ca này, chúng ta mới thấy được một cuộc sự chuyển mình của thi pháp, từ đề tài, giọng điệu.. một cách khá mạnh mẽ. Bản thân tên trường ca này đã gợi nên màu sắc thế sự, gợi lên hình dung về những thứ cũ kĩ, khuôn mẫu, nhàm chán, vô cảm và vong bản. “Thời tái chế” được chia thành 9 chương: chương I: Điểm nhìn, chương II: Thẫm đỏ, chương III: Sân khấu, chương IV: Lối rẽ, chương V: Đồ tể, chương VI: Đối thoại, chương VII: Mô hình, chương VIII: Giấc mơ, chương IX : Kết nối. Thể thơ được lựa chọn là thể thơ văn xuôi, nhằm chuyển tải được một cách dễ dàng, đầy đủ và liền mạch những quan sát, suy tưởng, đúc kết các hiện tượng hiện tượng của đời sống thực tại rộng lớn ,tái hiện và nhận diện bản chất những “tấn trò đời” đang diễn ra. Là một trường ca đề cao “cốt truyện”, nên ý tưởng và sự liên lạc giữa các chương rất mạch lạc và logic. Điều này đồng nhất với xu hướng viết gần đây của MVP, giản dị, không quá đi sâu vào “mê hồn trận” ngôn ngữ nhưng càng ngày càng thâm trầm, sâu sắc hơn.

Chương I. ĐIỂM NHÌN

Điểm nhìn là một khái niệm thi pháp học trong văn chương, đó là vấn đề cơ bản, then chốt của kết cấu. Điểm nhìn là vị trí, là chỗ đứng để xem xét, miêu tả, bình giá sự vật, hiện tượng trong tác phẩm văn chương. Tác giả đặt tên một chương là “Điểm nhìn” chứng tỏ ông không muốn sự mờ nhòa của chủ thể trữ tình, không muốn mượn danh một nhân vật hay một biểu tượng nào đó để kể một câu chuyện. Thi pháp học gọi đó là “điểm nhìn bên trong” khi người kể chuyện chính là nhân vật, người kể chuyện xưng tôi, tự thú nhận bộc bạch về mình, kể về những tâm trạng, cảm giác mà mình nếm trải. Đó chính là trải nghiệm của chính tác giả chứ không phải một ai khác, “tôi” là đích danh. Cách chọn điểm nhìn này sẽ có tác dụng tạo nên sự chân thật, sinh động cho câu chuyện, kéo gần khoảng cách giữa tác giả và độc giả. Ngay những dòng đầu tiên, “tôi” đã khái quát về mình: “Tôi lớn lên trong lẫn lộn đúng sai, tỉnh táo và lú lẫn, tìm đường và lạc lối, u mê và khát vọng, hiện đại và tiểu nông, quảng đại và cò con, tổng thể và đơn chiếc, cao thượng và thấp hèn, văn minh và lạc hậu…”. Những đối cực trong “bầu sinh quyển” nuôi dưỡng tâm hồn con người khiến nó trở nên hoang mang và đầy hoài nghi. Những kí ức thời thơ ấu với khung cảnh một lớp học, thầy giáo đang say sưa giảng bài theo những mô hình có sẵn, những đứa trẻ không được biểu lộ cảm xúc bởi những gì được dạy đã đóng đinh vào trong đầu chúng. Tất cả như đang bị bao phủ một lớp muội đen để che đi bản chất thật của nó, hay chính tâm hồn con người đang bị một lớp muội đen bao phủ ngày càng dày thêm. Những câu hỏi liên tục được đặt ra, trước những “hỏa mù” ngày ngày bao bọc tầm nhìn của con người, chúng ta giống như những kẻ mộng du bị dắt đi một cách vô thức: “Tôi hình dung vùng đất này đang lồng như ngựa vía. Bụi tung mù mịt khắp nơi, không nhận ra đâu là bãi hoang, đâu là lối ngõ. Tôi tỉnh hay mê và đang ngồi ở đâu? Rồi lại nghĩ dớ dẩn không biết mảnh đất có bao nhiêu chân? Chẳng lẽ đất quê hương chỉ là ngọn đồi, tảng đá, vườn tược, bờ bãi, kênh rạch. Hay mắm muối, tro than, rơm rạ nằm ì. Có lúc ngỡ đất không có chân, mặc cho bọn ngu dốt lôi đi. Giờ đây chúng đã bất lực, vừa la ó vừa vấy bẩn lên mặt đất.”

Mặt đất này đã mang những ô nhiễm , và chính con người đang hoảng loạn trong cái guồng quay của dục vọng, những ham muốn vật chất tầm thường đang dày vò họ và cầm tù họ. Cuộc sống nhàm chán và bế tắc, chúng ta muốn sống là chính mình cũng khó, hàng ngày chúng ta bị bao nhiêu thứ phù phiếm, vô nghĩa nô dịch, trở thành những kẻ nô lệ của những vỏ bọc vô hình. Chúng ta trở thành những “người trong bao” với bao nhiêu nỗi sợ hãi, chúng ta mất cả quyền phát ngôn và quyền suy nghĩ.

Chương II. THẪM ĐỎ

Trong trường ca này, tác giả đã xây dựng được một ám ảnh nghệ thuật, đó là hình ảnh “dòng sông máu”. Đây là biểu tượng xuất hiện xuyên suốt cả tác phẩm, lúc trực tiếp, khi gián tiếp nhưng lúc nào nó cũng mang một nỗi ám ảnh màu đỏ. Nó đến từ những giấc mơ, khi nỗi sợ hãi bị săn đuổi, bị cầm tù, về tự do về những oan ức mãi mãi không được hóa giải. Nó là sự tái hiện quá khứ đau thương mà người ta không muốn nhắc lại. Nó chứng kiến bao lý tưởng cao đẹp bị phản bội, bị lợi dụng, những mất mát, chết chóc đau thương đã bị lãng quên giữa cơ man thứ rác rưởi. Sự thiêng liêng đã bị tầm thường hóa giữa những thứ bản năng, toan tính hay sự giả tạo đang diễn ra khắp nơi như một điều bình thường hiển nhiên. Nó là nhân chứng của tất cả những sự kiện, những thăng trầm, đổ vỡ, sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Đôi khi nó lại là hiện thân của những khát khao nhân bản, những lí tưởng thiêng liêng và cả niềm tuyệt vọng.

Chương III. SÂN KHẤU

Chương “Sân khấu” được chia thành 5 cảnh, một chương được tác giả dụng công sử dụng kết hợp nhiều thủ pháp, từ giọng giễu nhại kín đáo, nhòa mờ gianh giới giữa thật và giả, giữa sân khấu và đời thực, giữa người chứng kiến và diễn viên trên sân khấu. Qua những cảnh kịch, người ta thấy phơi bày những hiện tượng quen thuộc mà dường như ai cũng hiểu quá rõ về nó: “Đây là một cuộc họp, đợt chỉnh huấn, buổi hội thảo, phổ biến nghị quyết, phân công nhiệm vụ, một vụ ăn chia, cuộc đấu tố, ngày đọc quyết định, nói chuyện thời sự, cuộc thanh trừng, chào đón đại biểu cấp trên, ca trực cấp cứu, cuộc bỏ phiếu kín…”. Nó tái hiện đầy đủ những cung bậc của cảm xúc đời sống, hỉ, nộ, ái, ố, mọi thứ giống như một mớ lộn xộn, ô hợp. Cả những cảnh kịch dựng nên cõi âm, cõi dương, cõi này nhìn về cõi kia, từ đó thấy được những ngộ nhận, những sự ngây thơ đến tội nghiệp để rồi một quá trình nhận thức lại bắt đầu, đây quả thực là một đoạn thơ đầy sức nặng: “Kìa con đường thẳng tắp. Con đường quanh co. Con đường gấp khúc... Những dấu chân lầm lạc chồng chất lên nhau, bôi xóa, rồi tiếp tục lầm lạc. Rồi lại bôi xóa. Những cuộc cách mạng lật đổ áp bức, cường quyền. Một vài người làm cách mạng thành công đứng ra cai trị vương quốc quá lâu lại thành kẻ độc tài, tha hóa. Con người phải hy sinh biết bao máu xương để giành lấy tự do, nhưng lại quên đi bài học từ một cây xanh. Tự do quang hợp, tự do đơm hoa, tự do kết trái.” Vở kịch rất thành công khi các diễn viên diễn quá đạt hay chính bản chất cuộc sống nó thế, kịch bản cuộc đời là như vậy? Chỉ biết rằng khán giả đã không kiềm chế được cảm xúc mà lăm lăm chiếc dép trên tay, lao lên sân khấu (không phải chiếc guốc).

Chương IV. LỐI RẼ

Vẫn là hình ảnh dòng sông máu dẫn dắt người đọc đến những kí ức đã qua không thể nào thay đổi, nhưng trong những giấc mơ, con người trong đó vẫn khao khát một điều gì đó dù quá muộn màng: những ngã rẽ. Tác giả đã để nhân vật trực tiếp lên tiếng thông qua các đoạn đối thoại, từ đó những suy nghĩ sâu kín được bộc bạch, đó là tiếng nói của khát vọng, của sự hoài nghi và nỗi hoang mang. Lối rẽ là những ẩn dụ cho những “tia chớp” của nhận thức lóe lên sau lớp lớp mây mù bao phủ sự thật.

Tiếng họ vang lên khát khao trong nung nấu của dòng sông máu:

- Mình đang đi trên con đường của máu đã chọn.

- Con người sao quá nhiều sai lầm.

- Đám đông thường bị dẫn dắt bởi những kẻ tham lam, ác hiểm.

- Chúng nhân danh lý tưởng, dân tộc, nhân danh cả lẽ phải.

- Họ nói lẽ phải nằm trong khuôn khổ.

- Mọi thứ đều bị biến dạng, bóp méo trong một cái khuôn.

- Phải tìm cách phá hủy nó.

- Anh tin có lẽ phải không?

- Tin. Nhưng không tin lẽ phải trên miệng kẻ xấu.

- Lẽ phải có thay đổi không?

- Luôn thay đổi.

- Bao giờ?

- Khi tự do của con người bị chiếm đoạt.

- Biến con người thành nô lệ, bầy đàn.

- Kẻ đó là ai?

- Những tên độc tài, những kẻ cơ hội, lái súng.

…….

- Ta dừng lại quỳ xuống tạ ơn máu!

- Không thể trả ơn được máu.

- Máu vô giá và bất tử.

- Chúng ta sẽ sinh những đứa con để tạ ơn.

- Khi con cái chúng ta lớn lên có biết được lối rẽ này không?

- Có thể không biết. Và lúc ấy chúng ta sẽ không còn, hoặc đã lú lẫn.

- Vậy viết sẵn hai chữ TỰ DO và dặn người đặt lên mồ."

Chương V. ĐỒ TỂ

Những gã đồ tể trong trường ca “Người tái chế” là những kẻ giết chóc chuyên nghiệp, đó chính là hiện thân của cái chết. Điều đáng sợ là những gã này không chỉ mang khuôn mặt hiếu sát lăm lăm vũ khí trên tay mà đôi khi nó khoác trên mình một khuôn mặt hiền hậu, nó xuất hiện khắp nơi, từ những bếp ăn, phiên chợ, gánh hàng rong, nhà hàng, cánh đồng… Chúng gieo rắc mọi mầm bệnh từ khi là những mầm cây. Tử thần nấp sau những miếng thịt bò đỏ au, con tôm căng mọng hay những đọt rau, trái cây xanh non. Nỗi ám ảnh sợ hãi xuất phát từ hình ảnh những đám tang đưa những người chết trẻ vì những căn bệnh lạ, vô phương cứu chữa. Những gã đồ tể hàng ngày nhởn nhơ bên mâm cơm, trong những viên thuốc tân dược tưởng như là cứu cánh cuối cùng, nhưng hóa ra lại là những kẻ giết người. Tên đồ tể đôi khi lại hóa thân vào hình dáng bông hoa, mê dụ bạn bằng những hương thơm ma quái cho đến khi tiêu diệt hết cảm xúc của bạn, làm bạn trở thành kẻ mù dở, suốt đời không phân biệt được đúng sai, phải trái “Ngày mai bạn sẽ mòn mỏi, khô cứng cả thể xác lẫn tâm hồn, nhưng bạn vẫn luôn tin mình đang hiến dâng cho những gì thiêng liêng, tốt đẹp.” Đó chính là những gã đồ tể của tư tưởng bắt chúng ta đi những con đường đã định sẵn, chúng phục sẵn ở những khúc cua, những ngã rẽ để thủ tiêu tất cả những kẻ dám bước vào. Thế nhưng dù thuộc về thế giới bên kia, sự tồn tại của những tên đồ tể vẫn ngạo nghễ trên những bức tượng bán thân trên bia mộ, được ca tụng như những bậc thánh. Dù có biến thành ma, thì bản chất những tên đồ tể vẫn vậy, khi những kẻ giết người nói hối lỗi, nhưng trong đêm tối, chúng lại hiện nguyên hình với áo choàng và lưỡi hái.

Chương VI. ĐỐI THOẠI

Tiếp tục khai thác những đối thoại trực tiếp của các nhân vật, một thủ pháp quen thuộc của văn xuôi, nhằm hướng đến việc tăng tính khách quan và sinh động cho câu chuyện. Tuy nhiên điều đặc biệt ở đây là tuyệt nhiên không thấy lời dẫn nào của người kể chuyện, cả 5 cuộc đối thoại đều là lời của nhân vật. Đối thoại, 1, 2, 3 đều là lời của người đã chết, những người lính đã hi sinh trong những cuộc chiến . Đối thoại 4, 5 mang tư cách trực tiếp của chủ thể trữ tình, đó vừa là hình thức đối thoại nhưng thực chất đó lại là độc thoại. Trong chương này, các lời thoại được sử dụng với tần suất cao là hình thức ; Hỏi- Đáp, Đó là cách đi trực diện vào vấn đề, không quanh co, né tránh. Những cuộc “ phỏng vấn” đã để cho nhân vật bộc bạch hết những suy nghĩ, những ẩn ức của mình, và điều đó càng dễ dàng hơn khi đối tượng là những vong linh hồn ở thế giới bên kia. Quá khứ như một thước phim dần hiện lên, một người cách mạng hi sinh vì lí tưởng, và họ mãi tin điều đó bởi lịch sử đã chọn họ, đó là niềm tin mãnh liệt, con đường “chủ động” giác ngộ, hay “bị động” giác ngộ không quan trọng, chỉ biết nó đã hằn sâu và cốt tủy của họ. Tuy nhiên, kẻ đi phỏng vấn không phải một tay vừa, không chỉ một lần mà rất nhiều lần, anh ta đặt ra những câu hỏi “phản biện” để làm lung lay mọi lập luận vẵng chắc nhất, ít nhiều đã làm lộ ra bản chất thật của vấn đề, khiến đối tượng bị phỏng vấn cũng phải tự đặt câu hỏi lại cho mình, rằng những điều anh ta tin là chân lý rốt cuộc có phải chân lý:

- Mãi tin.

- Tôi có thể thấy niềm tin đó không?

- Kìa đất thẫm nâu và cỏ đang xanh.

- Để tôi kéo một ngọn cỏ lại gần.

- Ngọn lửa diệp lục luôn sáng đấy. Có cách nào truyền tiếp ngọn lửa này tới những người đang đi lại kia không?

- Họ đã biết, được giáo dục từ nhỏ.”

Đối thoại 2 lại là cuộc nói chuyện của hai người lính ở thế giới bên kia, hai người lính ở hai bờ chiến tuyến. Vũ khí họ đã để lại trần gian, và giờ đây họ cùng nhau nhìn lại quê hương, nhìn lại quá khứ đau thương, mất mát và câu hỏi đặt ra là, những cuộc chiến núi xương sông máu rốt cuộc có ý nghĩa gì? Đặc biệt hơn, ở đối thoại 3, đối tượng phỏng vấn lại là một người lính Trung Quốc đã chết trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, và chính đồng đội của anh ta đã vứt xác anh ta xuống dưới sông để lấy đường tiến tiếp. Đã có bao nhiêu người ngã xuống ở tuổi thanh xuân từ cái chiến thuật “ biển người” của một đội quân cường bạo không biết tiếc sinh mạng binh lính. Điều trớ trêu là, chính những người mà anh ta gọi là “kẻ thù”- những người dân Việt Nam đã vớt xác và chôn cất tử tế. Điều đáng thương là anh ta cũng không biết “ kẻ thù” của mình là ai, có oán thù như thế nào với dân tộc mình, anh ta đã hiểu rằng chính những cuộc “ nhồi sọ” của những người cầm quyền đã đẩy anh ta đến đây. Cả mấy ngàn năm lịch sử, tham vọng bá quyền chưa bao giờ lụi tắt, như thừa nhận của người lính: “Các vương triều chúng tôi ăn thịt người như vậy” ( Lỗ Tấn: “Lịch sử Trung Quốc là lịch sử ăn thịt người”).

Đối thoại 4, 5 vẫn là hình thức Hỏi- đáp, nhưng nó không hướng vào đối tượng cụ thể nào cả, nó là sự tự truy vấn nhận thức của chủ thể, việc đặt ra những vấn đề lớn lao, căn cốt của xã hội, định nghĩa lại một số khái niệm như độc lập, tự do, thể chế. Đặc biệt khái niệm tự do không chỉ được nhìn nhận ở tầm vĩ mô gắn với quốc gia, dân tộc mà nó gắn với mỗi cá nhân, tự do là tôn trọng sự khác biệt của con người, con người được sống với những quyền tối thiểu và cơ bản nhất, tự lựa chọn cho mình những đức tin để sống, để tu dưỡng, được tự do suy nghĩ và cất tiếng nói theo trái tim của mình. Chương đối thoại thoạt nhìn có thể là một thể nghiệm mạo hiểm, khi tác giả đã không cho bất cứ một lời dẫn nào, các nhân vật tự cất tiếng nói theo cách tự nhiên nhất, thẳng thắn nhất để rồi những bản chất đã được lật ra sau những hiện tượng, dù nó được che đậy bằng lớp lớp mây mù đi nữa. Tuy nhiên ta có thể liên tưởng tới nghệ thuật múa rối nước, khi những nhân vật chính tha hồ múa may,tự do giao tiếp với nhau, với khán giả, nhưng thực chất “bộ não” nằm ở sau sân khấu.

Chương VII. MÔ HÌNH

Bản thân tên trường ca “ Thời tái chế” đã gợi ra những khách thể mang tính khuôn mẫu, cũ kĩ nhưng lại “vỏ một đằng, ruột một nẻo”. Chương “Mô hình” chính là chương cho thấy rõ nhất cảm quan với 8 mô hình được nhìn xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại. Nhiều thủ pháp được sử dụng như: giễu nhại, cắt dán… đã có tác dụng lớn trong việc mô phỏng những hiện thực tưởng như rời rạc nhưng lại có những mối liên hệ bản chất và logic với nhau. Các mô hình lần lượt hiện ra, mô hình 1 là kí ức từ những năm 60 của thế kỉ trước, cuộc sống giống như một vở kịch mà sân khấu được trang hoàng bằng vô số những biểu ngữ, những tranh cổ động, cờ và trống phách. Tất cả mọi người cùng thi đua và các hội thi là một “ món ăn” không thể thiếu: “Thi thoảng lại có hội thi, thi cầy bừa, thi cấy lúa, thi đổ phân, thi gặt hái… Hội thi nào cũng có cờ, trống phách và biểu ngữ”. Mô hình 2 là không gian giảng đường đại học , câu chuyện xoay quanh chàng sinh viên thi bao nhiêu lần với bao nhiêu phao vẫn bị trượt bài thi “ tinh thần làm chủ tập thể”. Ra trường gặp lại thầy giáo môn đó tại quán bia hơi, ông ta mới thú thực, ngay cả ông cũng chả nhớ nổi nội dung bài giảng đó, học thuộc lòng hôm trước, hôm sau quên ngay. Thật là một chi tiết quá “đắt”. Mô hình 3 lại khiến người đọc liên tưởng đến truyên ngắn “Người trong bao” của Sê Khốp, tất cả mọi người đều bị theo dõi, bị theo sát từng cử động nhỏ, chỉ trừ khi lúc về nhà ngủ, hay thì thầm với vợ. Nhân vật Bê li cốp trong truyện ngắn “Người trong bao” luôn mang những nỗi sợ bị theo dõi, sợ những gì mình làm bị người khác biết dù hắn ta chỉ sống theo “ những thông tư, chỉ thị, và các bài báo cấm đoán”, nhưng nỗi sợ đó ám ảnh anh ta cả khi nằm trùm kín chăn trong nhà đã khóa cẩn thận. Ở mô hình 4, 5, 6 lại là những chi tiết về tinh thần làm chủ của tập thể, những người được bầu ra làm “ tổ tư vấn” thực ra chỉ là những bù nhìn. “Chủ nghĩa mặt tiền” được lật tẩy bởi những chi tiết sắc bén, những ngôi nhà khang trang, thoáng mát tọa lạc bên hồ nước, không gian và thực phẩm sạch sẽ, trong lành, nhưng thực ra những thứ đó chỉ đặt ở bên ngoài của con đường, đi sâu vào bên trong thì hoàn toàn trái ngược, ngôi nhà đó chỉ là ngôi nhà hình mẫu. Có những thử thách như chiếc cổng lửa, mà những hứa hẹn đằng sau đó là một thế giới đẹp đẽ khi chúng ta đủ ý chí vượt qua. Nhưng vượt qua rồi thì ngoài việc “thân thể, râu tóc cháy thui” thì nơi “thiên đường” sau chiếc cổng lửa chỉ là một bãi hoang với một đàn chuột cũng từng bị thui. Mô hình 7 là câu chuyện tưởng như chẳng liên quan, một câu chuyện giả tưởng khi các nhà khoa học có thể lai nhiều giống quả trên một thân cây, nhưng điều đáng nói là: “Mọi người đã đưa về trung tâm khoa học này nhiều giống cây trồng ưa thích, từ cam quýt, nhãn, chanh đào, mơ, nhót, thị, quất hồng bì miền Bắc, đến mận, xoài, chôm chôm, mít, bưởi, dâu, sầu riêng, vú sữa phương Nam. Nhưng đến khi trái chín thì lớp vỏ bên ngoài chỉ hiện lên một màu hồng rực. Vẫn chưa ai nghĩ ra cách thay đổi từng phần lớp vỏ cho phù hợp với chủng loại bên trong.” Dù là quả gì đi nữa thì chúng vẫn phải mang một loại “ đồng phục”, không thể khác.Nó khiến chúng ta liên tưởng đến những “ đồng phục” đang tồn tại nhan nhản ngoài xã hội: “ đồng phục khuôn mặt”, “ đồng phục tư tưởng”. Kết thúc là mô hình 8 với phương án xây ngôi nhà hình tổ chim trên cây, ngôi nhà được thiết kế như một căn cứ quân sự , nhưng cũng hoang sơ như thời khủng long tuyệt chủng, tất cả mọi người đều phải chung tay xây dựng nó, dù bắt đầu bằng những mầm xanh bé tí ti. 8 mô hình là 8 mảnh hiện thực được cắt dán ngẫu nhiên, tưởng như chả cái nào liên quan đến cái nào, nhưng khi xâu chuỗi vào ta sẽ có một bức tranh toàn cảnh với những điển hình bản chất cho một không gian, một đối tượng được hướng tới. Giọng điệu tưởng như trung tính của chương Mô hình thực chất lại ẩn chứa những ý vị trào phúng, với màu sắc châm biếm sâu sắc.

Chương XIII. GIẤC MƠ

Rất dễ nhận ra giọng điệu và cảm thức thơ đặc trưng của MVP trong chương này, đó là cách kiến tạo một không gian thơ bằng rất nhiều những hình ảnh chồng lấn, nhòa- hiện, vận động bằng một sức sống mạnh mẽ. Một sự hòa quyện giữa những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, căng tràn nhựa sống, sinh sôi phát triển và cả sự tái sinh. Những hình ảnh thơ đẹp, khoáng đạt hướng đến ánh sáng, tự do và sự vĩnh cửu. Dòng sông máu tiếp tục xuất hiện để kết nối, đó là chứng nhân, là sự thức tỉnh, “khai mở nhãn quan, đánh thức vùng não suy tư mẫn tiệp, để mỗi người tự nhận biết mình..” Dòng sông máu tìm về những giấc mơ về mùa màng bội thu, sự hồi sinh của những linh hồn người lính, cho những sự thay đổi, những chuyển động tái sinh mạnh mẽ của vạn vật. Trong giấc mơ mà máu tìm về, từng thân cây cũng được tôn trọng, được bảo vệ, con người được hưởng tự do, nhân quyền và danh dự. Tất cả muông thú, chim chóc được tự do bay nhảy trên những vòm trời cao rộng, tha hồ vùng vẫy với những điều chúng muốn, con người không còn sợ hãi, những tâm hốn cũng muốn bay trong không gian khoáng đạt bằng đôi cánh tự do. Dòng sông máu trôi đi bằng sức mạnh của những khao khát cháy bỏng về quyền sống, và giấc mơ đó sẽ không bao giờ tắt cho tới khi trở thành hiện thực.

Chương XIX. KẾT NỐI

Bản thân nhan đề “Kết nối” đã nói lên thông điệp của chương này, các hình ảnh thơ vận động trong các mối quan hệ quá khứ - hiện đại, hủy diệt - tái sinh, mê muội - thức tỉnh… Các hình ảnh thơ từ đầu trường ca lần lượt hiện nên và giữa chúng xuất hiện những liên kết chặt chẽ như liên các các nguyên tử trong một phân tử. Nhưng mỗi hình ảnh đó đã mang một bộ mặt khác “ con đường khác, triết thuyết khác, lối rẽ khác, thần tượng khác, mô hình khác”. Bông cỏ may bé nhỏ, vô danh đã tạo được hiệu ứng domino, sự tỉnh thức giống như một rung chấn để mở ra những cuộc “đứt gãy” khác, tất cả trở lại là mình, tuyên bố là mình với một bản sắc không giống bất kì một kẻ nào khác. Tất cả như đang chuyển động trong một quá trình “lột xác” vĩ đại, không chỉ bề ngoài mà cả thế giới bên trong, đó là con đường đi đến những chân lý, ánh sáng. Từ những vật vô tri, vô giác, những sinh vật hèn mọn, phù du đến những linh hồn, tất cả khao khát hóa thân vì những điều tốt đẹp: “Những vong linh lao xao hòa vào từng giọt nước trong lành tưới lên đất mẹ. Thả hy vọng vào giấc mơ người sống/ Rửa mặt cỏ cây/ Thau rửa không gian”.

Những cây rau răm, thài lài, dương xỉ bên bờ giậu cùng lũ đòng đong, cung quăng trong ao tù bỗng nhiên phát sáng. Chúng khao khát sống tự do và được bảo toàn danh dự. Được kết nối với những đại thụ và mãnh thú để có được tầm nhìn xa, tinh thần dũng mãnh, và lòng can đảm”. Đó là cách “ lột xác kiêu hãnh đớn đau của loài đại bàng”, dám đối mặt với những thử thách, những trận cuồng phong để rồi nó cỡi lên đỉnh bão để trở thành một biểu hiện kiêu hãnh linh thiêng.

Một trường ca không dài (74 trang), nhưng đó là một “lối rẽ” đầy bất ngờ của nhà thơ Mai Văn Phấn. Không chỉ về khía cạnh thi pháp mà đáng nói là những vấn đề tư tưởng đặt ra trong tác phẩm. Những dòng thơ tưởng như trung tính,nhẹ nhàng, tưng tửng nhưng thực ra đầy trăn trở, thê thiết hơn những tiếng kêu than và cay nghiệt hơn những lời chửi rủa. Sự dấn thân của một người nghệ sĩ can đảm cùng quan niệm nghệ thuật “vị nhân sinh” sâu sắc đang chứng minh một điều, sự sáng tạo và đóng góp cho xã hội vì sự tiến bộ và những điều tốt đẹp sẽ luôn nhận được sự tôn trọng, cảm phục. Khát khao cống hiến vì nghệ thuật của nhà thơ MVP chắc chắn không dừng lại ở tập sách này, và chúng ta lại tiếp tục chờ đợi…

Hải Phòng, 11/2018

N.T

(Nguồn: Facebook của Nguyễn Tuấn)








"Thời tái chế" và chiếc Radio Hồng Đăng Trung Quốc 1959. Ảnh của Nguyễn Tuấn















BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị