Ra mắt tập thơ “Lặng yên cho nước chảy” của Mai Văn Phấn (tin thơ) - Nguyễn Quang Hưng

Ra mắt tập thơ “Lặng yên cho nước chảy” của Mai Văn Phấn

 

 

 

 

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng

 

 

 

 

Nguyễn Quang Hưng

 

 

NDĐT - Vừa qua, tại Trung tâm văn hóa Pháp - Hà Nội, nhà thơ Mai Văn Phấn đã cho ra mắt tập thơ mới nhất của mình “Lặng yên cho nước chảy”. Cuộc ra mắt gọn gàng, nhưng gợi ra nhiều điều. Cũng như một tập thơ nhỏ là kết quả tuyển chọn, cố gắng bao quát những đường thơ của Mai Văn Phấn, dù không dễ chút nào.

 

“Lặng yên cho nước chảy” do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn hợp tác ấn hành được “tạm chia” năm phần: Sương sớm, Thay mùa, Đất mở, Cái miệng bất tử, Buông tay cho trời rạng. Trong đó có những bài lục bát viết từ lâu, giữa những mối nối của vần đã cảm thấy dường như không đủ cho các hình ảnh, chi tiết mà tác giả muốn nói. Có những bài đổi mới mạnh bạo, câu thơ dài, bài thơ không cần tiết chế các khổ, thỏa mãn nhà thơ trong cuộc thâu tóm và bày biện ra một đời sống bộn bề, phong phú, vô vàn chuyển động, cho phép các suy tưởng được vận hành nhịp nhàng hơn với nhiều gợi mở từ sự sinh sôi tươi mát của hình ảnh. Lại có những bài ba câu – thật ra có thể coi là bốn câu với đầu đề tham gia như sự khởi đầu, tạo nền quan trọng – là một chặng thành quả mới sau nhiều năm chiêm nghiệm bằng suy nghĩ dài, hình dung nhiều, tưởng tượng sinh động, nay nén lại trong đôi nét phất bút, nhưng lại mở ra nhiều cảm giác, tình cảm, thái độ và những đúc kết độc đáo.

 

Bài “Vô tình” quá ngắn mà đầy trắc ẩn, bao quát phận người, phận của cả cộng đồng: “Ai lỡ phơi rơm/ Lên ngôi mộ đơn sơ/ Người nằm đó cả đời lam lũ”. Bài “Mắc võng trong vườn” không chỉ đẹp ở thái độ nâng niu, trân trọng, mà thú vị ở sự vô tình đáng yêu: “Ngả lưng/ Chạm tiếng chim/ Vội co chân lại”.

 

Ở chặng nào, loạt thơ nào, và càng về sau, tác giả càng cho thấy những cảm nhận tinh tế từ đời sống chung quanh, từ vạn vật. Những cảm nhận khi lắng nghe, nhận biết, suy nghĩ và đời sống của người đã hòa vào đấy, đã cùng rung động. Để chuyển sang một giai đoạn sống mới, sống khác giữa đời thường nhật, đó là nói, nghĩ, vận hành những điều thấm đẫm không khí, chuyển động cỏ cây, vạn vật. Người hòa cây lá, yêu thương như đất thở, lời thốt ra như có núi đồi nghe thấy, và không gian vật chất, thiên nhiên ấy, lại ở trong mối liên quan tinh thần, trong dòng chảy văn hóa, vô hình mà lại rất hiển hiện. Như bài “Quả phúc bồn tử”, trái cây ngấm hết cả nắng gió, âm thanh, những câu chuyện cũ, cho đến tay tác giả thì: “Người bạn Nga hái tặng/ Chùm Phúc Bồn Tử vườn nhà/ Tôi nhấm nháp/ Tiếng leng keng trong miệng”. Bài “Viết cho cây sáo” lộng lẫy khi nhịp đập con người được hòa đồng: “Mỗi góc tối trong tôi đang ngậm lấy âm thanh như ngậm vào vú mẹ, từ miệng mình he hé ánh sáng bồng bế nhau thong thả tràn vào”.

 

Có thể nói nhiều điều về những tạo dựng của Mai Văn Phấn qua hàng chục tập thơ đã được ghi nhận trong nước, hàng chục tập đã được dịch xuất bản ở nước ngoài với 24 ngôn ngữ. Điều sung sướng từ những vận động không ngừng trong thơ ông ngoài ý thức sáng tạo, làm mới, làm khác, chính là kích thích sáng tạo cho người khác. Như chính ông bộc bạch khát vọng đổi mới thi ca thường trực trong mình mấy chục năm qua, đã tiếp nhận tư duy mới mẻ của tinh hoa thơ thế giới, để làm bừng sáng lên những vẻ đẹp của đời sống bản địa. Như chính thơ và có lẽ cả cuộc sống thực của ông, đã hào hứng, nhiệt thành với sự tươi tắn, bao dung, hòa đồng mà thiên nhiên, tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa dân tộc và những nhịp đập xã hội hiện đại đã mang lại.

 

Q.H

 

 

(Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử)

 

 

 

 

 

 

Từ trái qua: Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, MVP, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm







BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị