Hôm sau - dù có bao giờ (phê bình) - Phan Triều Dương

Hôm sau - dù có bao giờ

Phan Triều Dương

 

Hôm sau - dù có bao giờ… Câu thơ còn mất tình thơ vẫn còn. Đọc tập thơ “Hôm sau” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm qua, tôi cảm được niềm mong mỏi đó của Mai Văn Phấn.


Thơ Mai Văn Phấn dài, vần ít, nhạc điệu cũng không nhiều, hình ảnh cũng là những hình ảnh bình dị của đời sống thường nhật, thi thoảng chúng ta mới bắt gặp đôi nét liên tưởng khá thú vị kiểu: Con cá nhảy vào đám mây tự vẫn/ Buông ngang trời ngàn vạn lưỡi câu (Biến tấu con quạ).


Tóm lại, đây là dạng thơ không dễ nhớ, dễ thuộc nhưng không dễ đi vào… quên lãng. Bởi ẩn chứa trong những câu thơ có dáng vẻ bề ngoài thô nháp, xù xì (và có phần ngỗ nghĩnh) ấy là những suy tưởng, chiêm nghiệm khá sâu sắc về “một kiếp con người” được tác giả đúc kết bằng kinh nghiệm bản thân qua mấy chục năm tháng sống “giữ hộ ký ức” cho người khác, đặc biệt là ở những dự cảm về thời gian.

 

Không có dự cảm mạnh về thời gian, không bị ám ảnh bởi cảm giác đời người như bóng câu qua cửa, chớp mắt đã trăm năm Mai Văn Phấn khó viết nên những câu thơ gợi nên cái hư thực, mong manh, phù du của kiếp người như thế này: Pha xong ấm trà/ Quay ra/ Ông khách không còn ở đó/ Gọi điện thoại/ Người nhà bảo ông mất đã bảy năm/ Nhầm lẫn. (Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ).


Dự cảm ấy xuyên xuốt gần ba chục bài thơ trong tập “Hôm sau”. Ở mỗi bài dự cảm ấy, ám ảnh ấy lại được soi rọi dưới nhiều góc độ, nhiều hình thức khác nhau, tạo nên những cảm xúc, những trải nghiệm đa chiều, đa góc cạnh thể hiện tư duy sâu, thấu đáo của tác giả về một vấn đề lớn của nhân loại. Hôm sau đáng đọc theo tôi là vì lẽ đó.

 

PTD.

(Báo Đất Việt số 552, ra ngày 28/2/2010)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị