Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn (Luận văn thạc sĩ) - Nguyễn Thị Thùy Trang
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC VINH









 
 


Nguyễn Thị Thùy Trang
Người hướng dẫn khoa học: TS. Lê Thị Hồ Quang


 
 
 



DẤU ẤN CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC 

TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN




 
 
 


LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

NGHỆ AN - 2015








TS. Lê Hồ Quang (trái) & Nguyễn Thị Thùy Trang








MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu    

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu      

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

5. Phương pháp nghiên cứu     

6. Đóng góp của luận văn         

7. Cấu trúc luận văn     

 

Chương 1 - TỔNG QUAN VỀ CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC VÀ DẤU ẤN CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN

 

1.1. Giới thuyết về chủ nghĩa siêu thực 

1.1.1. Khái niệm chủ nghĩa siêu thực     

1.1.2. Tư tưởng mĩ học và phương thức, thủ pháp nghệ thuật    

1.2. Mai Văn Phấn và những tìm tòi, cách tân theo hướng siêu thực chủ nghĩa   

1.2.1. Mai Văn Phấn – một gương mặt cách tân nổi bật của thơ Việt đương đại  

1.2.2. Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn qua các giai đoạn sáng tác       

1.3. Cơ sở hình thành dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn        

1.3.1. Hoàn cảnh lịch sử - xã hội, văn hóa của Việt Nam sau 1975         

1.3.2. Sự xuất hiện của thế hệ nhà thơ đổi mới  

1.3.3. Những tìm tòi theo hướng chủ nghĩa siêu thực trong thơ Việt hiện đại

1.3.4. Quan niệm sáng tạo của tác giả

1.4. Những đóng góp và giới hạn của sự tìm tòi, cách tân theo hướng siêu thực chủ nghĩa trong thơ Mai Văn Phấn

 

Chương 2 - DẤU ẤN CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN, NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN TỔ CHỨC HÌNH TƯỢNG

 

2.1. Những phương thức tổ chức hình tượng theo hướng siêu thực chủ nghĩa trong thơ Mai Văn Phấn

2.1.1. Đi sâu khai thác tiếng nói của vô thức, trực giác, tâm linh

2.1.2. Dùng tưởng tượng như một phương thức mô tả, tái hiện đặc thù

2.1.3. Tô đậm tính ngẫu nhiên, đứt đoạn, phi logic trong mạch cảm xúc, liên tưởng

2.1.4. Nhấn mạnh tính khác lạ, dị thường của hình tượng

2.2. Những hình tượng siêu thực nổi bật trong thơ Mai Văn Phấn           

2.2.1. Hình tượng “con người ngủ”

2.2.2. Hình tượng “thế giới xô lệch”

 

Chương 3 - DẤU ẤN CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN, NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN TỔ CHỨC LỜI THƠ

 

3.1. Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn thể hiện qua cách sử dụng ngôn ngữ         

3.1.1. Từ, cụm từ         

3.1.2. Các biện pháp tu từ

3.2. Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn thể hiện qua bút pháp tạo hình     

3.2.1. Các chất liệu tạo hình

3.2.2. Các biện pháp tạo hình

3.2.3. Sự gần gũi giữa bút pháp tạo hình trong thơ Mai Văn Phấn và bút pháp tạo hình trong hội họa siêu thực

3.3. Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn thể hiện qua thơ tự do và thơ văn xuôi

3.3.1. Thơ tự do           

3.3.2. Thơ văn xuôi

 

KẾT LUẬN

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

 

 

MỞ ĐẦU

 

1. Lí do chọn đề tài

 

1.1. “Tôi đã sống, sáng tạo và cả chịu đựng những dằn vặt đau khổ của sự sáng tạo... Tôi đã tiếp nhận, chọn lọc tinh hoa của các khuynh hướng văn học trên thế giới bằng tình yêu và trách nhiệm một công dân nước Việt” [26]. Câu trả lời phỏng vấn của nhà thơ Mai Văn Phấn trong bài viết Nhà thơ Mai Văn Phấn: con đường khác tìm đến thơ Việt hiện đại của tác giả Gjeke Marinaj (Hoa Kỳ gốc Anbani) thực hiện qua email đã khẳng định quan điểm riêng của nhà thơ trong sáng tác văn chương. Đó không phải chỉ là ngụp lặn trong thế giới ngôn từ truyền thống hay những cảm thức rời xa hiện thực, sáng tạo phải là dũng cảm vượt lên những thành quả của hôm nay đểmở cho mình con đường mới. Trải qua bao “cuộc vong thân”, Mai Văn Phấn đã trở thành một gương mặt cách tân thơ quyết liệt và nổi bật của thế hệ cầm bút sau 1975. 

1.2. Tìm hiểu thơ Mai Văn Phấn, chúng tôi thấy ông đặc biệt chú ý đến tiếng nói của trực giác, vô thức, tâm linh trong sáng tạo. Nhà thơ khát khao lí giải về thế giới trong chiều sâu bản chất của nó và phát hiện ra đằng sau cái hiện thực bề mặt là những mối liên hệ “âm u và sâu xa” giữa những hiện tượng tưởng chừng rời rạc, xa lạ. Điều này cho phép người nghệ sỹ nhận ra cái logic của đời sống trong những biểu hiện dị thường tăm tối, thậm chí phi lí, nghịch dị… Với  một tư tưởng, quan niệm nghệ thuật độc đáo, kết hợp với việc tích cực học hỏi, tiếp thu tinh hoa của những trào lưu, khuynh hướng sáng tạo phương Tây hiện đại, trong đó có chủ nghĩa siêu thực, hiện diện trong thơ Mai Văn Phấn là một thế giới đậm tính siêu thực.

1.3. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một công trình khoa học nào chính thức bàn về “Dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn”. Do vậy, chúng tôi quyết định chọn vấn đề này làm đề tài nghiên cứu của luận văn.

 

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu

Trải hơn 20 năm đời thơ, tác phẩm  khởi nghiệp của Mai Văn Phấn là tập thơ Giọt nắng (1992)chính thức đưa ông vào làng văn, ghi dấu trong lòng độc giả về một Mai Văn Phấn trong trẻo, hồn hậu, tinh tế. Và Gọi xanh (thơ, 1995); Cầu nguyện ban mai (thơ, 1997); Người cùng thời (trường ca, 1999); Vách nước (thơ, 2003); Hôm sau (thơ, 2009); và đột nhiên gió thổi (thơ, 2009), Bầu trời không mái che (thơ, 2010)hoa giấu mặt (thơ, 2012)…  ra đời luôn được người đọc chân tình chào đón như lời đánh giá cao năng lực sáng tạo của Mai Văn Phấn.

Cho đến nay, đã có rất nhiều công trình, bài viết bàn về thơ Mai Văn Phấn, song chưa có công trình nào trực tiếp và đi sâu nghiên cứu về những dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực trong thơ ông. Chỉ có một số bài viết trên báo, tạp chí, các buổi hội thảo đề cập tới một vài khía cạnh của vấn đề này trong một vài bài thơ hay tập thơ riêng lẻ, tức cũng chỉ mang tính chất điểm.

Sau đây chúng tôi xin lược thuật một vài ý kiến tiêu biểu.

2.1. Những nhận định, đánh giá về dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn từ phương diện tổ chức hình tượng

Trong bài Cấu trúc ngôn ngữ và hình ảnh trong tập thơ “và đột nhiên gió thổi” của Mai Văn Phấn, tác giả Đào Duy Hiệp có cái nhìn khá mới về thơ Mai Văn Phấn: “Hình ảnh trong thơ Mai Văn Phấn, (đa số là thơ văn xuôi), hầu hết đều là siêu thực, mộng mị, nhưng đọc kĩ ta vẫn thấy chúng bám rất chắc trên cái nền luận lí, hữu thức. Điều đó cho thấy ý thức lao động thường trực của nhà thơ mong “khám phá” ra thế giới, cái phần chưa được tri giác của cuộc đời” [16].

Cũng trong bài viết, khi xét về khía cạnh ngôn ngữ, tác giả tiếp tục nhận xét: “Ngôn ngữ thơ anh mang hồn cốt, phong cách rất riêng: hình như lặng lẽ mà quẫy cựa, khám phá với những tâm tình đôn hậu, sâu lắng. Hình ảnh lạ, đẹp từ những lao động ngôn ngữ đó mà thành. Trong cấu trúc của chúng, những hình ảnh của thơ anh thường chồng chất, xâm lấn, “đột kích” lẫn nhau giữa những không gian, thời gian thơ vô tận” [16].

Đỗ Minh Tuấn trong bài Mai Văn Phấn và thi pháp mộng du xuyên thế giới cho rằng: “Nhiều khi nhà thơ nhìn đăm đăm vào thế giới không người như họa sỹ đối diện với tấm toan để cắt xẻ mình dán lên đó những bc tranh hoang dã và siêu thực. Mai Văn Phấn cắt xẻ tâm hồn, cảm xúc để soi lên kính quang phổ, dán lên cây, lên lá, giọt mưa, ngọn gió… để ngắm nghía. Muốn hòa tan mình vào thế giới” [32,140]. Và chính từ đó, ông đã giúp người đọc khai phá, định hình cách hiểu thơ Mai Văn Phấn: “Phải học cách trẻ con nhìn mây để đọc thơ anh” [32,140].

 

Trong luận văn Một số cách tân nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Hà, Đại học Thái Nguyên cũng cho rằng: Trong thơ Mai Văn Phấn tập trung thể hiện không gian đa diện - biến ảo và "biểu hiện rõ nhất của không gian đa diện - biến ảo là không gian vụt hiện chập chờn giữa thực và ảo và không gian vô thức siêu thực" [14, 64].

Tác giả Lê Hồ Quang qua Đặc trưng thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn cũng phát hiện: “Mai Văn Phấn đặc biệt chú ý đến tiếng nói của trực giác, vô thức, tâm linh trong sáng tạo. Người nghệ sĩ khát khao lí giải về thế giới trong chiều sâu bản chất của nó, đằng sau cái hiện thực bề mặt được nhìn thấy; mối liên hệ “âm u và sâu xa” giữa những hiện tượng tưởng chừng rời rạc, xa lạ; cái logic của đời sống trong những biểu hiện dị thường tăm tối, thậm chí phi lí, nghịch dị…”. Vậy nên, tác giả khẳng định: “Tồn tại trong thơ Mai Văn Phấn, do đó, là một thế giới đậm tính siêu thực” [57].

Đặng Văn Sinh đã nhìn thấy một Mai Văn Phấn và khúc biến tấu “Hôm sau” với sự hòa hợp giữa nhiều phong cách: “Tân cổ điển, hậu hiện đại, thậm chí cả siêu thực không loại trừ nhau mà luôn bổ sung cho nhau, hòa quyện vào nhau, chuyển hóa thành phẩm chất mới cả định tính lẫn định lượng”. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: “Không gian siêu thực chính là bài toán giải tỏa sự bế tắc, phẳng lỳ, nhàm chán của diễn biến tâm lý con người ở vào thời điểm lịch sử rất khó định danh vì bị chi phối bởi tinh thần thời đại cưỡng bức quy luật. Siêu thực còn là giải pháp đưa con người vào trạng thái huyễn tưởng, tìm về vô thức, kích hoạt những vùng tối đang ngủ yên, thức tỉnh để chúng tham gia tối đa vào quá trình tư duy sáng tạo” [60].

Hồ Thế Hà qua bài Thơ tạo sinh nghĩa Mai Văn Phấn lại tìm thấy thêm một nét nhấn mới riêng của nhà thơ Mai Văn Phấn trong ý thức xây dựng thế giới hình tượng. Trong thơ Mai Văn Phấn, càng về giai đoạn sau này, tác giả càng nhận rõ “có lúc, anh xoá bỏ ý nghĩ, để nó tự buông xuôi theo dòng cảm giác, ảo giác”. Vậy nên thơ ông là “thế giới của sự va chạm, bất ổn, nhiều khi vô nghĩa lý mà con người đã kịp nhận ra trong khoảnh khắc ảo giác. Những hình ảnh siêu thực, vô thức như thế đã trở thành những hình tượng mang nghĩa bất ngờ” [32, 212-214].

Qua chuyên luận Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác,  hai tác giả Ngô Hương Giang và Nguyễn Thanh Tâm lại cảm nhận được quá trình sáng tạo thi ca của Mai Văn Phấn thuộc khuynh hướng cách tân, trong đó nhà thơ chú trọng “tìm kiếm một nguồn sống mới, khai thác sâu hơn vào những tầng vỉa của đời sống tâm linh, vô thức, những ẩn ức khuất chìm trong vùng tối của bản năng sống, bản năng người”. Cả hai nhấn mạnh “bước sang tượng trưng, siêu thực, Mai Văn Phấn có nhiều thể nghiệm khá thành công với việc gia tăng yếu tố ngẫu nhiên, phi lí, phi logic, bất quy tắc của trật tự sống, của mỹ cảm và quan niệm về tư duy về vũ trụ và con người” [12,101-119].

2.2. Những nhận định, đánh giá về dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn từ phương diện tổ chức lời thơ

Nguyễn Thanh Tâm trong bài viết Lập thể của ký ức và tưởng tượng xuyên qua Bầu trời không mái che đã đưa ra nhận định: “Thơ Mai Văn Phấn quyến luyến người đọc không phải bằng sự mượt mà du dương của vần điệu. Sức hấp dẫn của thơ anh nằm ở thế năng trong cấu trúc ngôn từ và hình ảnh. Đó chính là những lập thể của kí ức và tưởng tượng, những chồng chất, đan cài, lồng hiện của hình ảnh, hình tượng thông qua các thủ pháp nghệ thuật đã được dụng công gia cường.Cách viết này buộc người đọc nghĩ đến hình ảnh “một tình nhân khó tínhkhiến người ta mất nhiều tâm sức để chinh phục và khi đã bén duyên thì không thể nào dứt ra được” [32, 395].

Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Ngọc Thiện trong bàiXóa nhòa ranh giới giữa thơ ca và văn xuôi trong thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn đã khẳng định: Từ chữ đến lời, ngôn ngữ thơ và tư duy thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn nhằm thể hiện một khát vọng quyền lực tối thượng của nhà thơ đi tìm một cấu trúc văn bản thơ mới lạ, với cách dụng ngữ riêng, in đậm cá tính sáng tạo nghệ thuật của tác giả, tích hợp đặc sắc, ưu thế của các thủ pháp: truyền thống, tượng trưng, siêu thực, hiện đại, hậu hiện đại. Văn bản thơ văn xuôi Mai Văn Phấn đầy tiềm năng nghĩa ẩn chứa trong đó, nó là một kết cấu vẫy gọi sự mở, sự khám phá của người đọc tri âm, đồng điệu, đồng cảm” [32, 363-364].

Còn tác giả Vũ Thị Thảo trong bài Những ảnh hưởng khuynh hướng siêu thực trong tập thơ Hôm sau của Mai Văn Phấn đã bước đầu mở cánh cửa cho chúng tôi tìm hiểu các dạng kết cấu thơ của ông: “Thơ Mai Văn Phấn có nhiều bài mang hơi thở tự do, ít khi sử dụng những dấu chấm câu, không cần tuân thủ trật tự cú pháp, đề cao liên tưởng cá nhân. Để biểu đạt giấc mơ và đời sống vô thức, lối viết tự động được xem là phương thức hữu hiệu”. Không chỉ vậy, người viết bài này còn thấy: “Cũng như hầu hết các nhà thơ vận dụng thủ pháp siêu thực, thơ Mai Văn Phấn khêu gợi nỗi kinh ngạc bằng cách phá vỡ thói quen sử dụng từ ngữ sáo mòn và khai mở các dáng vẻ phong phú của thế giới bằng những hình ảnh chói sáng. Bởi hình ảnh chính là một phương tiện giải phóng cái nhìn, gắn kết tưởng tượng với tự nhiên, biến các khả năng thành hiện thực”. Nhưng điểm mới của thơ Mai Văn Phấn là “thơ Mai Văn Phấn không thoát ly mọi liên hệ với thực tế xã hội, nó bám rễ rất chắc vào đời sống, luôn theo sát mọi diễn biến của đời sống con người và phản ánh nó với các dạng thức mới lạ” bằng lối diễn đạt của kiểu ngôn ngữ siêu thực [32, 572-577].

Tác giả Đặng Văn Sinh trong bài viết Mai Văn Phấn và khúc biến tấu "Hôm sau" đã phát hiện được khả năng vận dụng ngôn ngữ tài tình của Mai Văn Phấn trong hành trình thi ca:"Hôm sau" là tập thơ có phong cách diễn đạt khá đa dạng bằng ngôn ngữ thông tục nhưng giàu hình ảnh, đặc biệt hết sức biểu cảmMai Văn Phấn rất có sở trường tạo ra những "mê cung" dẫn dụ người đọc vào trường liên tưởng như một thứ ma trận. Cái hay của nhà thơ là đã “kéo độc giả vào trò chơi chữ nghĩa, tạo ra hiệu ứng dây chuyền chẳng khác gì những con bài domino” [60].

Và trong bài viết Mai Văn Phấn tìm về ngọn nguồn thi ca, Đặng Văn Sinh cũng có nhận xét về tập thơ Bầu trời không mái che: “Ngôn ngữ siêu thực là một đặc trưng của bút pháp Mai Văn Phấn”. Ở đó, Đặng Văn Sinh còn phát hiện thiên nhiên, cuộc sống, tình yêu được khám phá bằng hướng nhìn động: “Nó luôn chỉ là một lát cắt bất chợt mang tính biểu tượng bởi tinh thần siêu thực được khai triển trong không gian bốn chiều, vừa hiển lộ vừa thần bí dưới dạng thức ngôn ngữ được mã hoá” [32, 109-110].

Cùng cách nhìn với Đặng Văn Sinh, tác giả Khánh Phương còn nhìn thấy chất siêu thực tồn tại đậm nét trong tập Vách nước từ bài viết Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, từ hai chiều của “phép lạ” của thi ca: “Vách nước” là những “bài tập” siêu thực của thơ Mai Văn Phấn, trong đó có nhiều tứ thơ hay, mở ra những vùng cảm giác tinh khôi, dịch chuyển và giao thoa kì lạ, phức hợp của giác quan” [32, 109 -110].

Với Mai Văn Phấn & công nghệ cách tân thơ, tác giả Đặng Thân lại có phát hiện khá thú vị: “Thơ Mai Văn Phấn chan chứa cả trời vô thức”. Điều này gợi mở hường phân tích thơ ông thông qua những hình ảnh mang tính trực giác, mơ tưởng và cả ảo giác; qua những hình ảnh phi lí, nghịch lí, nghịch dị và vụn vặt. Ông cũng khẳng định: “Ngôn từ mà Mai Văn Phấn đã ghi lại ấy xứng đáng được đi vào thơ ca Việt, vào văn học sử như một dòng thơ cách tân mãnh liệt nhất. Ngôn ngữ thơ ấy chưa ai từng viết. Nó mới lạ đến từng từ” [64].

Nhìn chung, cho đến nay đã có rất nhiều công trình, bài viết bàn về thơ Mai Văn Phấn. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra tính siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn và khẳng định đây là một đặc điểm tạo nên vẻ cách tân, hiện đại trong thơ tác giả này, song trên thực tế, hoặc các công trình, bài viết ấy mới chỉ dừng lại ở cấp độ tính chất (màu sắc, yếu tố…) hoặc mới chỉ đi vào phân tích sơ lược một số phương diện biểu hiện của nó. Bởi vậy, trên cơ sở những ý kiến gợi dẫn của các nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về vấn đề “Dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn”.

 

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận văn chọn Dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn làm đối tượng nghiên cứu.

3.2. Phạm vi khảo sát

Với đề tài này, chúng tôi đi sâu khảo sát 11 tập thơ của Mai Văn Phấn gồm:

Giọt nắng, Hội Liên hiệp VHNT TP. Hải Phòng, Hải Phòng, 1992.

Gọi xanh, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995.

Cầu nguyện ban mai, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng, 1997.

Nghi lễ nhận tên, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng, 1999.

Người cùng thời, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng, 1999.

Vách nước, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2003.

Hôm sau, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2009.

và đột nhiên gió thổi, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2009.

Bầu trời không mái che, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2010.

hoa giấu mặt, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2012.

Vừa sinh ra ở đó,  Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2013.

 

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

 

Với đề tài này, chúng tôi xác định nhiệm vụ nghiên cứu sau:

4.1. Tìm hiểu khái quát về chủ nghĩa siêu thực và dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn.

4.2. Tìm hiểu về dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn từ phương diện tổ chức hình tượng.

4.3. Tìm hiểu về dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn từ phương diện tổ chức lời thơ.

5. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

 

5.1. Phương pháp hệ thống

 

5.2. Phương pháp so sánh

 

5.3. Phương pháp thống kê, phân loại

 

5.4. Phương pháp phân tích, tổng hợp

 

6. Đóng góp của luận văn

 

Luận văn nghiên cứu dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn, một tác giả nổi bật của thơ Việt Nam sau 1986, qua đó, góp phần khẳng định đóng góp của ông trong dòng thơ cách tân Việt Nam đương đại.

 

7. Cấu trúc luận văn

Ngoài Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Tổng quan về chủ nghĩa siêu thực và dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn

Chương 2: Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn nhìn từ phương diện tổ chức hình tượng

Chương 3: Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn nhìn từ phương diện tổ chức lời thơ  






Chương 1 

TỔNG QUAN VỀ CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC 
VÀ DẤU ẤN CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN

  

 

1.1. Giới thuyết về chủ nghĩa siêu thực

1.1.1. Khái niệm chủ nghĩa siêu thực

Chủ nghĩa siêu thực là một khuynh hướng văn học nghệ thuật hiện đại, xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ XX ở Pháp, sau đó lan rộng ra nhiều  nước khác trên toàn thế giới. Thuật ngữ “chủ nghĩa siêu thực” (Surréalisme) được nhà thơ G. Apollinaire dùng trong tác phẩm của mình vào năm 1917. Nó chính thức được sử dụng một cách rộng rãi năm 1924 tại Paris với dấu mốc là Tuyên ngôn siêu thực lần thứ nhất của A. Breton.

Có thể khẳng định siêu thực là một khuynh hướng nghệ thuật lớn bao trùm nhiều loại hình của nghệ thuật. Từ điển thuật ngữ văn học viết: Chủ nghĩa siêu thực là “khuynh hướng văn nghệ tiền phong chủ nghĩa ra đời ở Pháp vào những năm 10 - 20 của thế kỉ XX và được giới văn nghệ sỹ ở một số nước khác như Bỉ, Tiệp Khắc, Nam Tư, Hoa Kỳ, Mê–hi–cô, Nhật… hưởng ứng. Người dọn đường chuẩn bị trực tiếp cho sự ra đời của khuynh hướng văn nghệ này là chủ nghĩa đa đa” [13, 90]. Trong 150 thuật ngữ văn học, tác giả Lại Nguyên Ân viết: “Chủ nghĩa siêu thực dựa vào triết học chủ nghĩa trực giác, vào các học thuyết tôn giáo thần bí của phương Đông, vào chủ nghĩa Freud; nhiều luận điểm của các lý thuyết gia siêu thực khá gần gũi với các tư tưởng Thiền luận Phật giáo. Những người chủ trương khuynh hướng này coi các nhà lãng mạn Đức là các bậc tiền bối, coi nhà thơ Apollinaire và họa sỹ Italia G. De Chirico là những người tiên khu gần gũi của họ. Nảy sinh trong giới nhà văn, chủ nghĩa siêu thực lại trở nên phổ biến hơn cả ở hội họa (S. Dali, J. Miro, J. Tanguie, G. Arpe, M. Ernst, A. Mason, R. Magritt…) trong số những người sáng lập của khuynh hướng này, có nhiều nhà văn nổi tiếng như: L. Aragon, A. Breton, F. Soupault, P. ESluard, R. Desnos, A. Artaud, R. Vitrac, T. Tzara…” [3, 99-100].

Trường phái này chịu ảnh hưởng của những trào lưu triết học và các khoa học nhân văn hiện đại như triết học trực giác của H. Bergson, học thuyết Phân tâm học của S. Freud, thuyết tương đối của A. Einstein... Dựa trên cơ sở triết học trực giác của Bergson và học thuyết Phân tâm học của Freud, chủ nghĩa siêu thực chủ trương hướng về thế giới vô thức của con người, xem đó là “lĩnh vực vô hạn đối với sự khám phá, sáng tạo nghệ thuật”. Họ quan niệm thi ca (và rộng hơn, là nghệ thuật) không chỉ miêu tả con người trong phần ý thức tỉnh táo, khi nó chơi bời và làm việc mà còn thể hiện cái phần “con người ngủ” với thực trạng vô thức của nó. Bên cạnh đó, căn cứ vào thuyết tương đối của A. Einstein, các nhà siêu thực cũng có quan niệm về cái “hư ngụy” của không gian và thời gian trong thế giới hàng ngày. Họ cho rằng, hình ảnh mà ta nhìn thấy về thế giới hằng ngày chỉ là những hình ảnh “bất tín” và do đó mà phải có một con mắt khác, cách nhìn khác để tìm ra bản chất thế giới (hay thế giới đích thực). Ấy là một thế giới khác, đối lập với cái thường nhật, hằng ngày – thế giới siêu thực. 

1.1.2. Tư tưởng mĩ học và phương thức, thủ pháp nghệ thuật

1.1.2.1. Tư tưởng mĩ học

Tư tưởng mĩ học của chủ nghĩa siêu thực được xác lập chủ yếu dựa trên những quan điểm trong Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực của A. Breton và một số tác phẩm mang tính cương lĩnh khác của những người theo trường phái này. Tuy nhiên, đây chỉ mới là nền móng về mặt lý thuyết, tư tưởng này còn được cụ thể hóa, bổ sung, củng cố và phát triển qua các sáng tác của các nhà siêu thực chủ nghĩa. Có thể kể đến những người đi tiên phong như A. Breton, G. Apollinaire, L. Aragon, G. Lorca, P. ESluard, S. Dali, J. Cocteau… với những sáng tạo gây ấn tượng mạnh rải đều trên hầu hết các lĩnh vựcnghệ thuật khác nhau.

Trên cơ sở những tài liệu chúng tôi đã tập hợp và nghiên cứu, khảo sát, về tư tưởng, quan niệm mĩ học của trường phái siêu thực, xin được trình bày tóm lược như sau:

Trước hết, các nhà siêu thực đặc biệt coi trọng, đề cao việc hướng về thế giới vô thức của con người, cái mà họ cho là “một lĩnh vực vô hạn đối với sự khám phá sáng tạo nghệ thuật” [13, 90-91]. A. Breton trong tuyên ngôn thứ nhất của chủ nghĩa siêu thực đã viết: “Siêu thực (danh từ) là trạng thái tâm lý thuần túy không ý thức (automatism), mà ta có thể trải nghiệm để thể hiện (bằng lời được viết thành chữ hoặc bất cứ cách gì khác) hoạt động thực tế của tư duy (thought). Siêu thực được tư duy sai khiến, không chịu bất cứ sự kiểm soát nào của lý trí, được miễn trừ khỏi mọi quan ngại liên quan tới thẩm mỹ và đạo đức” [1]. Theo các nhà siêu thực,  “hiện thực chân thực nhất, hiện thực tuyệt đối - tức siêu thực - là hiện thực bị “cầm tù” trong vô thức, cần phải được giải phóng và được thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật” [66]. Con người trong quan niệm của các nhà siêu thực là “con người toàn nguyên”, bao gồm cả phần ý thức sáng tỏ tỉnh táo và cả phần bản năng, vô thức ẩn chìm. Bản năng, vô thức, giấc mơ đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần nhân loại.

Thứ hai, các nhà siêu thực, chú trọng cái ngẫu hứng, đề cao việc loại trừ ra khỏi ý thức của mình những thứ gọi là duy lí, logic, trật tự. Họ để tư tưởng được tự do bộc lộ, có ý thức khai mở “chiều sâu nội giới”, nhấn mạnh những hình ảnh nhòe mờ lướt qua, chuyển dịch vào sâu thẳm tâm thức con người. Họ khao khát vẽ lại thế giới bằng hệ thống hình ảnh táo bạo, lạ lẫm, phi lí, ở những mảnh ghép vụn vặt và bé nhỏ, không có bất kì mối dây liên kết được hiển thị ở trực giác, giấc mơ, ảo giác… trong thời khắc lý trí đã ngủ yên. Để có được thế giới như mong muốn, họ thả hồn trôi nổi chốn khuất sau ý thức, để tiếng nói tiềm thức, vô thức, trực giác tự do lên tiếng,  phá vỡ mọi xiềng xích trói buộc của lý trí, đạo đức, tôn giáo, của mỹ học truyền thống…

Thứ ba, dựa theo lý thuyết “Tự động tâm linh” của A. Breton, những nhà thơ siêu thực “kêu gọi hướng tới sự hồn nhiên không suy nghĩ của trẻ thơ, tới trạng thái mê sảng, tới những ảo giác mộc mạc của những bộ lạc nguyên thuỷ và nền nghệ thuật cổ sơ của họ” [71]. Vậy nên, xét về phương diện tư tưởng, chủ nghĩa siêu thực nổi bật với  ý thức trả con người trở về với chính họ, với sự tự do đích thực và tìm thấy hiện thực tuyệt đối của cuộc sống bằng vô thức, bằng tâm tưởng, bằng những giấc mơ. Tất nhiên, thế giới thơ siêu thực còn là sự tương tác, thâm nhập giữa trạng thái vô thức và ý thức, giữa mơ và thực, giữa nội giới và ngoại giới nên chúng “vừa thấm đẫm những trải nghiệm cá nhân, vừa mang dấu vết của cuộc đời thật” [72].

Tóm lại, chủ nghĩa siêu thực chủ trương luôn mở rộng phạm vi hoạt động của trí tưởng tượng, chủ trương khai thác, định hình thế giới bằng mộng, bằng suy tưởng, bằng sự dẫn đường của cả tâm lý lẫn tư duy, nhằm phát hiện một thực tại đầy đủ hơn thứ hiện thực đời sống đã được bàn tay con người cố tâm nhào nặn và diễn tả. Theo Andre Breton thì không thể có “một công thức sáo mòn kiểu siêu thực chủ nghĩa” [1]. Thực chất, những nhà siêu thực chủ nghĩa luôn khao khát đi tìm một hiện thực thực sự của đời sống và mô tả diện mạo của nó qua con đường của vô thức, tâm linh, mộng tưởng nhưng đó “không phải là một thế giới phủ định, hư vô như trong trường hợp của chủ nghĩa Đađa, mà đó là một thế giới của những trăn trở, tìm tòi từ nội tâm” [7].

1.1.2.2. Phương thức, thủ pháp nghệ thuật

Xuất phát từ những tư tưởng, quan niệm mĩ học nói trên, chủ nghĩa siêu thực đề xuất nhiều nguyên tắc, thủ pháp và kỹ thuật mô tả, thể hiện mới, trong đó nổi bật lên là lối viết tự động. Các tác giả cũng đề xướng việc mở rộng biên giới thơ để thu nạp không chỉ kĩ thuật văn xuôi mà còn cả kĩ thuật âm nhạc (phối nhiều bè), hội hoạ (xé dán), điện ảnh (cắt ráp)... Alan Gullete nhận xét: “Chủ nghĩa siêu thực thực chất là một phương pháp kĩ thuật và cách hướng dẫn sử dụng kĩ thuật ấy như một chìa khoá để mở ra cõi vô hạn trong tâm trí con người”. Điều này mở rộng biên giới của thơ, tạo nên những ấn tượng mới lạ, gây sửng sốt, kinh ngạc, gây những “cú sốc” trong cảm giác, nhận thức...

Xin được nói thêm về những thủ pháp và kỹ thuật viết của chủ nghĩa siêu thực. Viết tự động là lối viết mà trong đó nhà thơ buông lỏng mình cho sự dắt dẫn của tiềm thức, lối viết nằm giữa trạng thái mơ và tỉnh, với những ảo giác, ảo ảnh loé lên trong dòng tâm tư bất định. Lối viết này rất được các tác giả siêu thực ưa chuộng bởi nó đòi hỏi người viết tiếp cận hiện thực không theo tư duy logic thông thường mà phát huy cao độ tiếng nói từ vô thức, trực giác, tâm linh. “Cốt lõi của phương pháp sáng tác tự động là nhà văn ghi lại lập tức từ ngữ, hình ảnh, dòng ý tưởng chợt xuất hiện trong đầu, bất kể văn bản cuối cùng là những chắp vá xẹo xọ, vô nghĩa, không đầu đuôi…Với siêu thực, thời đại của những những phép tu từ hoa mỹ đã vào hồi tàn cuộc” [71]. Cùng với điều đó, chủ nghĩa siêu thực triệt để sử dụng thủ pháp “lắp”, “dán”, “ghép” từ ngữ, hình ảnh, sử dụng các biểu tượng thần bí, huyền ảo, “không cần sử dụng các dấu chấm câu, không cần tuân thủ trật tự ngữ pháp” [13,90-91]. Bằng điều này, “nhà thơ có thể thâm nhập vào phía sâu thẳm của con người dựa trên thủ pháp của sự tương tự, sự bất ngờ, cái nghịch lý, sự tương liên của những cái vô cùng phi lý tưởng không bao giờ có thể tồn tại gần nhau” [13, 90-91]. Không chỉ vậy, hình ảnh trong những tác phẩm mang dấu ấn siêu thực là “sự tụ họp, kéo gần lại những hình ảnh không hề có mối liên đới nào với nhau, và từ sự phi lý ấy, siêu thực sẽ tìm ra được ý nghĩa “chói loà” của riêng mình” [72]. Vì vậy, sự bóp méo hiện thực” trong các tác phẩm siêu thực chủ nghĩa, thực chất, lại là cách thức khác đểtruyền tải hiện thực, nhiều khi hiệu quả không ngờ. Đằng sau những lối viết, lối diễn tả có vẻ phi lý, nghịch thường, thậm chí kỳ dị ấy, các nhà siêu thực đã phản ánh được thực tại ở những chiều kích mà lý trí con người không với tới. Nói cách khác, đó là hiện thực của vô thức, trực giác, tâm linh. 

Dù về mặt lịch sử, thời của chủ nghĩa siêu thực đã đi qua, nhưng những đóng góp của họ trong quan niệm mĩ học và kỹ thuật, thủ pháp thể hiện, mô tả đối với sự phát triển của văn nghệ và nhất là thơ ca hiện đại là không thể phủ nhận. Xin mượn nhận xét của nhà nghiên cứu Đào Duy Hiệp qua bài viết Hình ảnh trong thơ siêu thực để ghi nhận lại ba ảnh hưởng lớn của chủ nghĩa siêu thực đối với thơ: “Một là, thôi thúc người sáng tạo tích cực, chủ động chống lại sự xói mòn, xơ cứng của từ. Hai là, buộc người lao động nghệ thuật phải trở nên chuyên nghiệp và có tri thức, trí tuệ để tìm kiếm nhưng hình ảnh mới, lạ. Ba là, từ những hình ảnh đó, làm nảy sinh những ý nghĩa mới, đẹp vào cuộc đời và con người” [15].

1.2. Mai Văn Phấn và những tìm tòi, cách tân theo hướng siêu thực chủ nghĩa

 

1.2.1. Mai Văn Phấn – một gương mặt cách tân nổi bật củathơ Việt đương đại

Mai Văn Phấn được xem là một gương mặt cách tân nổi bậtcủa thơ Việt đương đại. Thơ ông đã tạo được những dấu rất riêng trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của thơ ca nói chung với tư cách “một nhà thơ rất chuyên nghiệp, chuyên sâu và nhiều ý tưởng mới”. Trong thơ của Mai Văn Phấn, mỗi một thi phẩm là “một thể nghiệm để có được một phát hiện mới, một ghi nhận mới về sự cách tân” [4, 226-228].

Có thể nói mỗi tập thơ của Mai Văn Phấn đều là một sự “vượt thoát”, “vong thân” khi “băng qua các sa mạc khuynh hướng”. Lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, tân hình thức, cổ điển mới… đều đã được ông nghiên cứu, trải nghiệm bằng tất cả sự đam mê, hứng khởi. Nhưng trong thế giới của thi ca, “ít ai mò tới quá xa giới hạn của tâm thức để đến vùng linh cảm hoang vu, bí ẩn. Lại càng ít hơn, những ai tới đó mà còn mang về cho chúng ta một ý tứ, một bài thơ” (lời giới thiệu tập thơGiọt nắng). Mai Văn Phấn đã làm được điều đó. Ông mượn thế giới siêu thực như một phương thức tái hiện đặc thù giúp mình bay vào thế giới tâm linh, vô thức, tìm kiếm trong cái xa xôi của trực giác, giấc mơ, ảo giác… và thoát ra thành những lời thơ ma mị, hút hồn mà vẫn giàu tính thẩm mỹ. Cái hay của Mai Văn Phấn là đã tạo một từ trường thơ đầy sức mạnh, kêu gọi và dẫn dụ người đọc suy tư và tưởng tượng cùng ông thông qua ngôn từ và hình tượng thơ ca. Tác giả Vương Tâm khẳng định: “Khối huyền ảo Rubic thơ anh hút hồn tôi và bao bạn đọc với những con chữ đậm đặc hình ảnh chuyển động bất ngờ từ những nút mầu ngỡ như bấn loạn. Nhưng cuối cùng sáu mặt phẳng mầu hiện lên một hiện thực đầy sự lay động và ám ảnh, được hình thành bởi những đường chéo của một ngôn ngữ bí ẩn, trong không gian huyền ảo mang danh hiệu của thi sĩ họ Mai” [61].

Tuy nhiên, một mặt, luôn có ý thức học tập và hấp thụ, tiếp thu tinh hoa của nhiều nền thơ thế giới, nhiều phương pháp và khuynh hướng sáng tác phương Tây hiện đại, Mai Văn Phấn vẫn luôn ý thức tìm về với cội nguồn, với bản sắc văn hoá dân tộc, để sáng tạo nên những tác phẩm cách tân song vẫn mang  đậm “tinh thần Việt”. Thơ ông, do vậy, thể hiện rất rõ khát vọng “lột xác để thơ ca tìm về nguồn cội, cũng chính là cách nhà thơ tìm đến những giá trị mới trong thời đại công nghệ hiện nay”[28]. Đây mới là đích đến đáng trân trọng và đánh dấu sự thành công trong thơ ông, nhất là về mặt tư tưởng sáng tạo.

 

1.2.2. Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn qua các giai đoạn sáng tác

Với sức bền đáng nể, Mai Văn Phấn đã xuất bản 11 tập thơ và trường ca,  gặt hái được nhiều giải thưởng. Nhờ tư duy sáng tạo và khát vọng không ngừng đổi mới, thơ Mai Văn Phấn không chỉ được mở cánh cửa đón người đọc trong nước đồng hành mà còn tìm thấy tri âm ở không ít bạn bè quốc tế.

Sáng tác thơ Mai Văn Phấn có thể chia làm ba giai đoạn: từ trước 1995, từ 1995 đến 2000, từ  2000 đến nay. Ở mỗi chặng đường sáng tạo, người đọc có thể nhìn thấy sự bứt phá ngoạn mục của thi sĩ trong việc cách tân phi pháp, thể nghiệm đa dạng các khuynh hướng sáng tác. Tuy nhiên, các thi phẩm của Mai Văn Phấn vẫn đậm nhạt hoà trộn dấu vết của vệt siêu thực.

1.2.2.1. Từ trước 1995

Giai đoạn này thi sĩ họ Mai có 2 tập thơ: Giọt nắng (thơ, 1992); Gọi xanh (thơ, 1995). Nhờ đó, tên tuổi Mai Văn Phấn bước đầu được khẳng định qua các giải thưởng: Giải nhất văn nghệ thành phố Hải Phòng với bài thơ Thuốc đắng (1991), Giải nhì (không có giải nhất) của hai tờ báo: năm 1994 của báo Người Hà Nội với bài Nghi Tàm; năm 1995 của báo VănNghệ với chùm hai bài Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc vàNhật ký đô thị hóa.

Một thời tuổi trẻ đã giúp thơ Mai Văn Phấn hồn nhiên toả sáng với đề tài về thiên nhiên, tình yêu quê hương, gia đình, những phút rung động của tình cảm lứa đôi qua những bài  thơ “nho nhỏ, xinh xinh”. Tuy nhiên, cái tôi “trẻ tuổi, trẻ lòng ấy” còn thôi thúc hồn thơ chạm sâu hơn vào mạch nguồn của thế giới, khám phá chính mình và cuộc đời, đi xa hơn những gì con người có thể nhìn thấy. Vậy nên, ở giai đoạn này, thơ Mai Văn Phấn bước đầu đã xuất hiện hiện tượng “tư duy phân mảnh, đổ vỡ nguyên tôi” và “cái tôi của Mai Văn Phấn đã manh nha hơi hướng đa ngã, đa nhân cách” [12, 11]. Chẳng hạn, nhà thơ đắm mình theo kiểu tưởng tượng “hồn rời khỏi xác” để“lang thang”, để “lâng lâng”, và để quên đi thực tại:

Khi tôi ngủ say hồn ra khỏi xác

Lâng lâng trên những cánh hoa

Lang thang như xưa lúc mẹ vắng nhà

Quên thể xác đăm chiêu lầm lũi

(Hồn nhiên)

Và sau đó là: 

Tôi lại nhập hồn về với xác

Chẳng phải tôi, cũng không là người khác

Để hồn nhiên cất tiếng khóc lọt lòng

Đây là một biểu hiện không lạ với những ai quen với dòng thơ siêu thực. Đằng sau cuộc thoát xác, ra đi rồi nhập về đã giúptôi không là tôi của quá khứ với bao nhọc nhằn, đua chen, hoang mang, nghi hoặc, cô độc mà là một cái tôi mới, tinh khôi hơn, thánh thiện hơn. Vậy phải chăng con đường trở về với giấc mơ và cõi vô thức giúp ta trở nên Người hơn?

Chặng thơ này còn đánh dấu bước chuyển mình của Mai Văn Phấn về mặt thể loại. Ngoài thơ lục bát, giai đoạn này Mai Văn Phấn còn sử dụng thể thơ tự do và thơ văn xuôi như là một cách thức để đưa đến những cảm nhận mới về thế giới. Đó là những nỗ lực vượt bật trong mong muốn đổi mới thi pháp. Tuy nhiên chặng đường này, thơ ông, quả thực như đánh giá của một số nhà phê bình, vẫn chưa đi xa hơn hệ hình thi pháp truyền thống.

1.2.2.2. Từ 1995 đến 2000

Từ 1995 đến 2000, Mai Văn Phấn cho ra đời ba tập thơ: Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999) và trường caNgười cùng thời (1999). Những tập thơ này đã đánh dấu một sự thay da đổi thịt từ nội dung đến hình thức, từ cảm hứng đến thi pháp, từ đề tài đến hình tượng. Ông không bằng lòng với cái hồn nhiên, chân thật dễ thẩm thấu trên bề mặt câu chữ mà bước đầu đi đến vùng đất thăm thẳm của cõi tâm linh. Khai thác hiện thực ở góc nhìn tưởng khuất lấp này hoá ra lại là cách “bứt phá” vô cùng sáng tạo trong cách tân thi pháp để Mai Văn Phấn có thể “mở rộng biên độ thơ”, khắc hoạ cuộc sống muôn hình muôn vẻ hơn. Hiện thực cuộc sống đương đại nhiều góc tối bất công, bi kịch, tàn bạo đi vào thơ ông với những hình ảnh ẩn dụ - tượng trưng đầy ám ảnh:

Lẽ phải vùi chôn trong đơn thư mặc danh

Đồng tiền lật ngược trang hồ sơ khởi tố

Có mặt quỷ sau mặt người lấp ló

Quỷ thì run mà người thì buồn.

(Từ hạt mưa)

Sủi bọt. Rạn nổ. Vụn nát

Hơi nóng bốc cao ngùn ngụt giữa trời

Nỗi khắc khoải không còn có ý nghĩa

Sự đổi thay vượt quá sức mình

(Từ hạt mưa)

Dấu chân không nhận ra nhau vô cảm trơn lỳ

Cả dòng sông trúng độc từng dìm ta xuống đôi bờ

cỏ nát...

(Khúc dạo đầu)

Ở đó, cái hoang mang, âu lo, dự cảm không lành trước cuộc đời đa đoan được soi chiếu qua cái nhìn “phân mảnh” trước nhiều vấn đề thời cuộc, về bản chất con người, về những khoảnh khắc đẹp của tình yêu, của đời sống. Nhưng đồng thời nhờ đó tinh thần trách nhiệm mới đánh thức cái tôi cá nhân lên tiếng. Để rồi đằng sau “nỗi đau phát sáng” sẽ xuất hiện những niềm hy vọng mới:

Từ tưởng tượng

và niềm hy vọng

Tôi rút những mũi tên

Ra đi tìm đích cho ngày mai

(Mũi tên bóng tối)

Hoặc:

Máu sẽ tuần hoàn trong các mạng viễn thông tin học, soi sáng đến tận cùng mọi sinh linh, nỗi niềm ẩn khuất. Cá thể vô danh cùng làm nên Tổ quốc hữu danh.

Từ trang giấy học trò thấy cử động một dáng hình đất nước, tựa cánh tay săn bền giơ lên quả quyết, chỉ dẫn những ngả đường trước mặt, hay cách vươn lên như tán xanh quang hợp ánh mặt trời.

Khắp nẻo không gian đã giãn ra cho tiếng trẻ con đồng thanh trong lớp:

Muôn năm con người! Muôn năm thiên nhiên!

(Chương X: phía trước bàn chân)

 

Về bút pháp tạo hình, thơ Mai Văn Phấn giai đoạn này chuyển sang một bút pháp mang đậm dấu ấn hiện đại chủ nghĩa. Thơ ông giờ đây đầy  những hình ảnh nghịch dị, phi lí, “đảo lộn mọi quy ước phổ thông”, bộn bề câu chữ bất chợt đến trong ý nghĩ, phá vỡ ranh giới thơ và văn xuôi. Điều này được chứng minh qua các bài thơ tiêu biểu như: Mười bài tập mùa xuân, Mail cho em, Những ý nghĩ không sắp đặt, Dừng lại, Di chứng, Niệm khúc số 18, Nỗi đau phát sáng, Đối thoại với thời gian, Bài ca buổi sớm

 

Quả thực, từ Giọt nắng (1992) đến trường ca Người cùng thời(1999), Mai Văn Phấn đã càng ngày càng đi đến gần hơn với tiếng nói của trực giác, vô thức, tâm linh. Vì thế, Phạm Quang Trung đã khẳng định: “có thể nói, đến lúc này Mai Văn Phấn đã tìm được những “giải pháp” đổi mới thi ca thoả đáng, chí ít là cho riêng mình” [32, 468]. 

 

1.2.2.3. Từ 2000 đến nay

 

Từ 2000 đến nay, Mai Văn Phấn cho ra đời hàng loạt tập thơ:Vách nước (2003), Hôm sau (2009), và đột nhiên gió thổi(2009), Bầu trời không mái che (2010), hoa giấu mặt (2012),Vừa sinh ra ở đó (2013)... thể hiện sức sáng tạo dồi dào của nhà thơ trên cơ sở những nền móng trước đó. Inrasara đã từng cất lời “mừng cho Mai Văn Phấn: miệt mài, hành khất, tu tập, tìm gõ – trong nỗi he hé kia, thơ anh đã vỡ tiếng, và anh đạp cửa bước ra ngoài! Vách nước đánh dấu sự vỡ và đạp ấy”. Và sau thanh âm “tiếng kẹt cửa”, “từ tập Vách nước trở đi, thơ Mai Văn Phấn cứ thế mà thẳng tiến” [32, 469].

Trong thế giới sáng tạo ấy, Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Không thể tin, Quay theo mái nhà, Anh tôi, Đúng vậy, Chỉ là giấc mơ, Còn cậu hãy đứng đằng kia, biến tấu con quạ, ở những đỉnh cột, Hắn, Chuyện còn dài… không chỉ đơn thuần là sự hiện hữu của giấc mơ, ảo giác mà phản chiếu một cái nhìn nghịch dị, hài hước nhưng đầy tỉnh táo về một thế giới bị xô lệch. Ở đó, con người bị biến dạng, trở nên méo mó, sống trong nghi ngờ, bóng tối, khung cảnh đầy quạ và dự cảm chết chóc. Đó là một cuộc phản tỉnh mạnh mẽ, buộc con người phải mở to mắt nhìn lại mình, nhìn vạn vật và vũ trụ.

Có thể cảm nhận được, đứng chênh vênh nơi Vách nước, nghĩ về Hôm sau, thấy được và đột nhiên gió thổi trong Bầu trời không mái che, Mai Văn Phấn đã nhìn thấy những hoa giấu mặt và thổn thức cảm nhận “tất cả chúng ta Vừa sinh ra ở đó” để kích hoạt “những vùng tối đang ngủ yên”, để có cái nhìn tổng thể nhưng đa diện về cuộc đời - nơi chứa nhiều bi ai, lắm hoang mang, đầy rẫy nỗi sợ hãi. Nhưng trên hết thế giới ấy vẫn là nơi Mai Văn Phấn gửi gắm khát vọng về sự tái sinh, vẹn nguyên, thanh khiết, trong sạch và con người trở về bản ngã chân thật. Theo đó, thơ Mai Văn Phấn đã thực hiện cú xoay mình độc đáo. Nhà thơ đi từ lối thể hiện hồn hậu, chân thật mà đầy đam mê đến “bứt phá” với những đau đớn, trăn trở, giằng xé bằng thứ cảm xúc đa thanh rồi lại âm thầm “giải trừ mọi hoài nghi”, hướng trở về với “sự sống tự nhiên”, về chất thuần Việt của tâm thức người Việt: tâm tĩnh, hồn lặng hoà với cái khôn cùng của vũ trụ, vạn vật và hiện sinh, tái sinh bằng những hân hoan nồng nhiệt. Đó là “niềm mỏi mong sự sống vẹn toàn, giá trị thiêng liêng của hơi thở, của cánh hoa, tiếng chim, nhựa sống, của đất đai, của nước, ánh sáng, bóng tối, cơn mưa, tia nắng...” [12, 59].

Nếu ở một số tập như Hôm sau, và đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái che…, tính siêu thực được thể hiện khá đậm nét thì đến hoa giấu mặt và  Vừa sinh ra ở đó, thơ Mai Văn Phấn nghiêng về tính tượng trưng. Bên cạnh đó, nhà thơ vẫn tiếp tục dung nạp những thủ pháp, kĩ thuật viết mới, phức tạp theo hướng hiện đại chủ nghĩa và hậu hiện đại chủ nghĩa. Kiểu viết “tự động tâm linh, những mê sảng của ý thức” vẫn đóng vai trò quan trọng. Câu thơ dài ngắn bất định, vần nhịp không là chất liệu chủ đạo tạo hiệu ứng đặc biệt cho thơ. Xuyên suốt các tập thơ là những chuỗi mảnh ghép, cắt dán của những “sự trỗi dậy của vô thức, tiềm thức”. Tác giả sử dụng nhiều sự huyễn hoặc, giấc mơ, ảo giác, tưởng tượng để phủ nhận những thứ cũ kĩ chật hẹp, làm “mài mòn đức tin” của con người với cuộc sống để gieo mầm sống cho hạt hy vọng nẩy nở tốt tươi trong mai sau.

Có thể khẳng định, thơ Mai Văn Phấn in khá đậm dấu ấn siêu thực. Tuy nhiên, nhìn lại thơ siêu thực của Mai Văn Phấn, chúng tôi vẫn thấy có một khoảng cách khá xa giữa những sáng tác của ông với trào lưu siêu thực gốc phương Tây nếu xét trên phương diện cơ sở triết - mỹ học, về cách nhìn thế giới và con người.  Đều là sự suy tôn vô thức, ảo giác, mộng tưởng, là sự ảo hoá thường xuyên thực tại, nhưng một bên là phản ứng phủ nhận của một thế hệ trong thực tại tha hoá nghiệt ngã của một cuộc chiến tranh ở tầm thế giới, một đằng là tiếng nói mới mẻ khẳng định mình của một thế hệ khao khát đổi mới văn học Việt Nam trong thời mở cửa và hội nhập. Nói cách khác Mai Văn Phấn học chủ nghĩa siêu thực nhưng vẫn giữa được bản sắc của mình và tiếng nói dân tộc mình bằng chính những gì tiếp thụ được.

 

1.3. Cơ sở hình thành dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn

1.3.1. Hoàn cảnh lịch sử - xã hội, văn hóa của Việt Nam sau 1975

Năm 1986, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra một trang mới cho lịch sử đất nước nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Công cuộc đổi mới ấy đã làm thay đổi diện mạo đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội mà còn làm tác động trực tiếp đến đời sống văn hóa xã hội cũng như văn học nghệ thuật. Những tác động này khiến văn nghệ cũng mang tính toàn cầu hoá, tức không chỉ kế thừa những nét đẹp truyền thống mà phải đánh thức những khát vọng sáng tạo trên bước đường hội nhập quốc tế.

Có thể thấy, những thay đổi về hoàn cảnh lịch sử - xã hội nước ta, đặc biệt từ sau 1986 đã thể hiện những nhu cầu mới của văn nghệ sĩ trên các chặng đường sáng tạo. Số phận cá nhân được quan tâm, ý thức cá nhân được đề cao, khiến thơ hướng về đào sâu hiện thực với những bề bộn, phức tạp, đi sâu khám phá thế giới bên trong tâm hồn con người.

Cùng với xu hướng đưa thơ về gần với hơi thở và đi sâu vào vùng vô thức của con người, các nhà thơ cũng đề cao chức năng mới của thơ ca: chức năng thẩm mỹ. Nhờ đó, các nhà thơ mạnh dạn sáng tạo bằng những lối viết hiện đại, các khuynh hướng đa dạng làm hình thức, ngôn ngữ, bút pháp trong thi ca đương đại trở nên phong phú, độc đáo hơn; tạo bước tiến mới mẻ cho sự cách tân văn học Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

1.3.2. Sự xuất hiện của thế hệ nhà thơ đổi mới

Lực lượng nòng cốt của nền thơ đương đại Việt Nam là thế hệ nhà thơ đổi mới. Khái niệm “thế hệ nhà thơ đổi mới” ở đây là một cách diễn đạt mang tính quy ước – lịch sử, nhằm chỉ thế hệ nhà thơ cầm bút sau 1975 và thành danh chủ yếu vào thời Đổi mới (sau 1986), một thế hệ có nhiều tìm tòi, cách tân trong quan niệm và thi pháp thơ, chứ không phải là một khái niệm lý luận cố định, chặt chẽ. Như vậy, “đổi mới” vừa là một định ngữ để xác định thời gian xuất hiện của thế hệ nhà thơ này, đồng thời cũng là một cách để “định danh, định tính” về họ. Trên thực tế, thế hệ nhà thơ đổi mới bao gồm nhiều thế hệ cầm bút khác nhau, có những khác biệt nhất định về độ tuổi, quan niệm sáng tạo, xuất hiện kế tiếp và song song trong quãng thời gian sau 1986 đến nay. Điểm chung giữa họ là những quan niệm, tư tưởng tìm tòi, đổi mới, cách tân thi ca mạnh mẽ. Cũng trên thực tế, nhiều sáng tác của thế hệ nhà thơ Đổi mới có thể đã xuất hiện trước đó nhưng sau 1986 mới được công bố và được dư luận chú ý rộng rãi (chẳng hạn nhóm thơ “Dòng chữ” với những cây bút tiêu biểu như Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Cầm, Lê Đạt…).

Với ý nghĩa đó, những tác giả thuộc xu hướng đổi mới bao gồm nhiều thế hệ cầm bút nối tiếp nhau: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Ý Nhi, Thi Hoàng, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Irasara... Nối tiếp là sự ra đời của thế hệ nhà thơ trẻ như Nguyễn Quyến, Vi Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ly Hoàng Ly, Trần Nguyễn Anh, Văn Cầm Hải, Nguyễn Thị Từ Huy,… Họ là thế hệ sáng tạo sung sức và khao khát làm mới thơ ca dựa trên sự kế thừa truyền thống, từ nội dung đến hình thức bằng những giọng điệu hào sảng, tự do, mạnh mẽ đôi khi quái/lạ. Nhưng trên lãnh địa thi ca của mình, các tác giả ấy luôn muốn nhận thức thế giới bằng con mắt đa chiều, thoát khỏi lối tư duy truyền thống, những quan niệm sáng tạo tù túng, xơ cứng. Họ muốn phơi bày hiện thực đời sống thực sự bị khuất đằng sau lớp vỏ hiện thực hiện tại (dù hiện thực ấy có khi phải nhìn từ con mắt vô thức, trực giác,tâm linh). Họ dám chấp nhận thử thách, sẵn sàng phiêu lưu vào những con đường sáng tạo, băng qua những “sa mạc khuynh hướng” nhằm đưa lại diện mạo mới cho thơ Việt.

 

1.3.3. Những tìm tòi theo hướng chủ nghĩa siêu thực trong thơ Việt hiện đại

Chủ nghĩa siêu thực không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở Pháp, ở phương Tây mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Nó cũng có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với nền văn học hiện đại Việt Nam. Trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, tuy chủ nghĩa siêu thực không phát triển thành một trào lưu nghệ thuật mạnh mẽ như ở phương Tây, nhưng khá nhiều nhà thơ đã sử dụng lối viết siêu thực chủ nghĩa và đã đạt được những thành công đáng chú ý.

Ngay từ thời Thơ mới (1932 – 1945), có thể tìm thấy những điểm gần gũi trong quan niệm chủ nghĩa siêu thực với quan niệm sáng tạo được phát biểu trong những Lời tự Thơ điên và tựa tập Điêu tàn do chính hai tác giả Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên tự viết, tuyên ngôn Thơ của Xuân Thu Nhã Tập và Tuyên ngôn tượng trưng của Dạ Đài. Màu sắc siêu thực cũng thể hiện rõ trong sáng tác của nhiều nhà thơ mới, đặc biệt ở giai đoạn hậu kỳ, chẳng hạn Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Hàn Mặc Tử… Và đặc biệt là Hàn Mặc Tử. Thơ Hàn Mặc Tử xuất hiện nhiều hình ảnh chập chờn giữa mộng - thực, giữa lung linh hư ảo và thực tế phũ phàng, thậm chí ngay trong cái thực vẫn bâng quơ hiện hình những cái tưởng tượng. Bởi vậy, thế giới thơ ông đầy những ảo giác dị thường: “Nước hóa thành trăng trăng ra nước/ Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm”. Có thể thấy đời sống vô thức kết hợp với những kĩ thuật của bút pháp tượng trưng đã tạo ra những câu thơ đậm chất siêu thực, khó lòng tách bạch thực - ảo: “Anh điên anh nói như người dại/ Van lạy không gian xóa những ngày”. Nhóm Xuân Thu nhã tập cũng đã chớm chạm đến “ngôi đền” siêu thực bằng thủ pháp cắt - dán - lắp - ghép để tạo nên những hình ảnh  mới mẻ, lạ lẫm: “Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/ Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm/ Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa” (Buồn xưa - Nguyễn Xuân Sanh). Tuy nhiên những “va đập chói loà của từ ngữ” vẫn còn khá hiếm hoi.

Có thể nói rằng, một số tác giả Thơ mới đã tìm đến với tiềm thức, giấc mơ, với những ảo ảnh, ảo giác ám ảnh nhằm phản ánh hiện thực theo cách riêng, khởi tạo từ một nhãn quan nghệ thuật độc đáo. Họ đề cao tiếng nói sâu thẳm của tâm linh, sáng tạo trong trạng thái “điên loạn”, nhìn cuộc sống dưới con mắt “điêu tàn” của người say, người mơ, người điên… nhằm giải toả những uất nghẹn, giải phóng thế giới tinh thần bị tù túng, trói buộc; bộc lộ tâm trạng bất mãn nhưng cũng đầy âu lo, bất lực trước cuộc đời. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, ở Thơ mới, siêu thực cũng mới chỉ xuất hiện ở cấp độ bút pháp, và tính chất, sắc thái của nó cũng chỉ hiện diện đậm nhạt trong sáng tác của một số tác giả giai đoạn hậu kỳ chứ chưa thể trở thành một khuynh hướng, trường phái sáng tác như ở phương Tây. 

Sau Thơ mới, do bối cảnh lịch sử có tính đặc thù, ở miền Bắc dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa, những tìm tòi theo hướng siêu thực chủ nghĩa gần như không còn. Ở miền Nam, dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, vẫn có khá nhiều cây bút tìm tòi, cách tân theo khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa và ta vẫn có thể thấy dấu ấn siêu thực đậm nét trong sáng tác của một số tác giả như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Ngô Kha…

Sau 1975, đặc biệt là sau 1986,  bằng sự vận động tự thân, bằng khát vọng cách tân thơ Việt, nhằm bắt kịp xu hướng vận động của thơ ca thế giới, thế hệ nhà thơ hậu chiến và Đổi mới đã tìm đến với chủ nghĩa hiện đại như một tất yếu và điều này thể hiện rõ trong quan niệm của như thi pháp của nhiều tác giả:  Thanh Thảo, Thi Hoàng, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Phan Nhiên Hạo, Lê Vĩnh Tài, Inrasara…

Tóm lại, dẫu trải qua nhiều thời kỳ đứt đoạn nhưng những tìm tòi bút pháp theo hướng siêu thực chủ nghĩa đã trở thành một khuynh hướng khá mạnh mẽ trong thơ Việt Nam đương đại. Chúng tôi tin những tìm tòi, cách tân theo khuynh hướng này có thể đã có những ảnh hưởng, tác động tích cực đến ngòi bút Mai Văn Phấn.

1.3.4. Quan niệm sáng tạo của tác giả

1.3.4.1. Quan niệm của Mai Văn Phấn về thơ

Trong quá trình phát triển của mình, thơ ca Việt Nam đã tiếp nhận nhiều luồng gió mới từ các nền thơ ca khác nhau với những quan niệm mỹ học và hệ hình thi pháp đa dạng. Trên tinh thần học hỏi và sáng tạo ấy, mỗi nhà thơ đều có một định nghĩa về thơ cho riêng mình và đó thường là ngọn đôúc sáng cho đời thơ của người nghệ sĩ, được thể hiện trực tiếp thông qua phát ngôn và những đứa con tinh thần của họ. Từ truyền thống đến hiện đại, quan niệm về thơ cũng ít nhiều thay đổi. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến thức nhận của Mai Văn Phấn về thơ.

Cùng với Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương, Inrasara…, Mai Văn Phấn cũng là gương mặt cách tân thơ quyết liệt, với quan niệm về thơ riêng. Với Mai Văn Phấn, “thơ ca ngoài mục đích tải đạo, tuyên truyền, mô phỏng, diễn tả… nó còn tìm cách đặt tên lại sự vật, định hình lại thế giới” [45, 454]. Xét về mặt ý tưởng, cảm hứng, thơ Mai Văn Phấn dù được viết theo bất kỳ khuynh hướng nào thì vẫn “luôn mang vẻ đẹp nguyên khởi, nhằm phục sinh, tái tạo thế giới, mãi đối lập với cái xấu và gian tà”; “quyền năng của thơ chính là sự tái tạo khả năng cảm xúc và suy tưởng, làm xuất hiện những giá trị tinh thần mới, một thế giới mới” [49]. Thi sỹ khẳng định: “Thơ ca là cầu nối, là bàn tay chân thành, giọng nói ấm áp để chúng ta tìm đến nhau, cảm thông, thấu hiểu nhau hơn. Nhờ có thơ ca, chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp linh diệu, bí ẩn...cũng như thấy được sức mạnh tinh thần hiển linh và tiềm ẩn của dân tộc ấy. Chúng ta tựa vào thơ ca để ngày thêm hoàn thiện, thay đổi, lớn lên và bình đẳng giữa các dân tộc trên trái đất” [49; 1]. Không chỉ vậy, “trên hành trình đơn độc đi tìm cái đẹp”, nhà thơ còn nhận ra tác động của văn chương với người nghệ sĩ, giúp “quay lại hoàn thiện nhân cách, quan niệm thẩm mỹ và định hướng cho chính nhà văn ấy” [45, 448].

Nói đến cùng, đổi mới không chỉ là đòi hỏi của thời đại mà còn là nhu cầu vận động tự thân của thi ca. Đổi mới thi pháp chính là “một cuộc cách mạng giữa nội dung và hình thức”[45, 456]. Xét một cách toàn diện, nội dung và hình thức phải tạo được mối liên kết mật thiết và chặt chẽ. Thực chất, trong thơ ca bao đời nay, hiện thực phản ánh vốn chẳng nhiều nét mới, vẫn là viết mối quan hệ giữa thiên nhiên vũ trụ và con người, về mối quan hệ giữa người với người, về nỗi buồn, sự cô đơn, những bộn bề lo toan thường nhật... Vậy, đổi mới thi ca chủ yếu bắt nguồn từ hình thức nghệ thuật. Trong quan niệm của Mai Văn Phấn, đổi mới thơ tức là “nội dung ấy phải được dung chứa trong hình thức mới của thi ca”, nghĩa là hình thức mới sẽ mang đến cho người đọc những cảm nhận tươi trong về bao nội dung không còn mới. Cụ thể hơn, “hình thức được chuyển hóa thành nội dung, đó mới là đổi mới thực sự. Nội dung mới trong thơ tôi là những quan tâm mang tính thời đại và thời sự, như lý tưởng sống của thế hệ trẻ, vấn đề ý thức hệ, quan niệm về tự do, công bằng, dân chủ...” [45, 456]. Vì thế, Mai Văn Phấn luôn tâm niệm: “Các khuynh hướng sáng tác đều rất cần và làm phong phú thêm cho nền thi ca của chúng ta. Hiện chúng ta vẫn còn hồ nghi vì còn quá ít tài năng cho những “thể nghiệm” được thuyết phục” [49, 439].

Cách tân là sự đổi mới về hình thức, về nghệ thuật biểu đạt; hơn thế đó phải là sự dũng cảm từ chối đồng hành với thi pháp truyền thống bằng cái tâm của người khao khát muốn thay đổi diện mạo thơ ca để chúng tiến gần thơ ca thế giới. Đây là vấn đề sống còn của thơ Việt đương đại. Mai Văn Phấn cũng thường nhấn mạnh cách thức đổi mới thi pháp. Ông cho rằng “Thơ ca càng ảo bao nhiêu càng đem lại sự chân thật bấy nhiêu”[45, 378]. Và đổi mới thi pháp còn góp phần “tạo những sóng từ khác, những mã số khác trong không gian thơ vừa được khám phá” [45, 378]. Đề cao việc đổi mới và cách tân thi pháp thơ, thơ ca có thể “chống lại sự thoái hóa, trơ mòn thẩm mỹ của người đọc, tạo những không gian thơ đa dạng, thiết lập hệ quy chiếu mới trong cách tiếp cận tác phẩm. Sáng tạo là quá trình sản sinh những nhân tố mới, không mô phỏng hay phát triển những giá trị đã định hình, mà tạo sự khác hẳn, biệt lập (đôi khi đối lập) với cái đã được định giá” [49, 423].

Thơ, cũng như văn học nghệ thuật, từ trong bản chất, luôn bám sát và phản ánh hiện thực đời sống. Mai Văn Phấn cũng như bao thi sĩ khác luôn khẳng định điều này. Nhưng, hiện thực đời sống đang được nói ở đây không phải chỉ là những gì mắt thấy tai nghe hằng ngày, mà phải là cái hiện thực đã được nghiền ngẫm, suy tư, lắng sâu bởi nội tâm, bởi cảm xúc sâu kín, bí ẩn bên trong, bởi ý thức và cả vô thức, trực giác của người nghệ sĩ. Đó chính là một siêu hiện thực.

Tuy nhiên, theo Mai Văn Phấn, những bức tranh hiện thực trong thơ cũng “không nên sa đà vào những vấn đề vụn vặt, tầm thường, câu khách... mà cần lý giải tận gốc rễ những căn nguyên hiện tượng đời sống, hoạch định chiến lược “mô hình” xã hội theo quan điểm riêng, cách nhìn riêng của nhà văn” [49, 446]. Và chỉ những ai biết “từ chối ve vuốt những sở thích của đám đông” thì người đó mới có thể tạo ra được hiện thực đời sống tự nhiên, chân thực, phong phú và ấn tượng: “Nhà thơ khi viết không nên bận tâm viết cho ai mà chỉ nghe trái tim mình run rẩy với cảm xúc chân thành theo một quan niệm riêng” [45; 400].

Trong công cuộc cách tân và làm mới thơ Việt, các nhà thơ luôn khao khát tạo ra một nền thơ Việt có bản sắc riêng, hòa nhập chứ không hòa tan vào thơ ca thế giới. Và thơ hiện đại là con đường thơ sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân của mỗi một nhà thơ và góp tay tạo giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh tinh thần dám sống và sáng tạo, theo đuổi và trải nghiệm những cung đường mới trong thi pháp, Mai Văn Phấn luôn tự nhận thức việc phải biết “quay về trên cội nguồn thơ Việt” để lưu giữ tinh thần Việt cho thơ. Ông cho rằng người làm thơ chỉ có thể tìm thấy thành công khi “biết vận dụng linh hoạt thi pháp các trường phái mà không đánh mất bản chất tâm hồn Việt”. Đó phải là hồn thơ gắn với sự “sáng trong, chân thành, bao dung mà rất hiện sinh, tinh tế trong cảm nhận, nhân bản hồn hậu trong nghĩ suy về phận người…” [45, 385].

1.3.4.2. Quan niệm của Mai Văn Phấn về nhà thơ

Phàm đã là thi sỹ, ai cũng mong tác phẩm của mình được nhiều độc giả chia sẻ, nồng nhiệt chào đón. Mai Văn Phấn cũng vậy. Và trên thực tế, thơ ông cũng rất được chào đón bởi người đọc cảm được ý thức trách nhiệm của một người làm thơ luôn thường trực, ám ảnh trên câu chữ và sẵn sàng “chết như một nhà thơ”. Điều này thể hiện tâm niệm của nhà thơ về nghiệp văn chương và trách nhiệm mà mình đang gánh vác đồng thời giúp ông khởi tạo những không gian nghệ thuật độc đáo.

Để xây dựng được trường không gian thơ ấy, nhà thơ luôn ý thức rằng muốn đổi mới thi ca phải làm mới chính mình. Mai Văn Phấn từng phát biểu: “Với mỗi người làm thơ, điều quan trọng là biết lạnh lùng với chính bản thân mình, dũng cảm nhìn lại một cách chân thực và chính xác, biết mình là quầy hàng khô hay anh chữa khóa trong một cái chợ” [49, 398]. Nhưng muốn làm thơ, nhất là thứ thơ mang trong mình hơi thở hiện đại, mới mẻ, Mai Văn Phấn cho rằng người làm thơ cần phải có bản lĩnh, sự quyết đoán mạnh mẽ: “bản lĩnh của nhà thơ trước hết là biết chấp nhận sự im lặng tạm thời từ phía người đọc” [49, 424]. Ông cũng giải thích rằng việc chấp nhận sự im lặng ấy không phải là cơn mưa thổi tắt nhiệt huyết mà là “ngọn lửa siêu nhiệt, giúp nhà thơ tạo ra những tác phẩm có phẩm chất vàng mười, đủ sức vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của thời gian” [49, 424]. Khi đã nuôi đủ bản lĩnh, mỗi thi sĩ sẽ tự có ý thức tạo khuôn mặt luôn mới lạ trong hồn thơ, một cái tôi bản lĩnh đầy cá tính: “Thơ tôi là ngôi nhà của riêng tôi, ai muốn vào xin hãy gõ cửa và tuân theo những nghi thức nhất định” [49, 447 - 448]. Điều này đồng nghĩa với việc nhà thơ muốn làm mới mình thì phải “dám chấp nhận đơn độc trên con đường mới, mở ra một không gian thơ khác, tạo tiếng nói khác” [45, 382]. Mai Văn Phấn đã đi và trên hành trình của mình, thực sự người đọc luôn cảm thấy cảm giác cô đơn bất tận, quay quắt đôi lúc có cả hoài nghi, hoang mang gửi vào những suy tưởng về cuộc đời, về giá trị sống, về tương lai bàng bạc trên những dòng thơ. Tuy nhiên, đằng sau khoảng khắc “gieo mình xuống phù sa/ Bàng hoàng nghe tách vỏ”, ông vẫn tĩnh tâm “cúi nhặt từng chiếc lá rơi” và “chờ mùa xuân nảy mầm”. Sau mỗi đứa con tinh thần xuất hiện, ông lại phát hiện được thêm điều bí ẩn trong cách sáng tạo: “Tôi được bài thơ dạy lại mình cách viết” [45, 401].

Mai Văn Phấn cũng cho rằng, nhà thơ phải là người có trình độ, tức có kiến văn rộng rãi. Những kiến thức được tích đọng qua một quá trình tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi ấy, đến một lúc nào đó, rất tự nhiên, nó sẽ “đột khởi dâng lên thành cảm xúc thi ca”. Đồng thời, Mai Văn Phấn luôn để cao phẩm giá của người nghệ sĩ. Với ông, “phẩm cách của nhà thơ quyết định cốt cách thi ca”. Đây là cơ sở để một khi nhà thơ đã vững tin trong nhân cách chính mình thì sẽ không ngại lao vào bất cứ vấn đề gì, kể cả những vấn đề “vụn vặt”. Chính vì thế, điều kiện cần và đủ để trở thành một thi sĩ đúng nghĩa là luôn hướng đến sự hoàn thiện nhân cách.

1.3.4.3. Quan niệm của Mai Văn Phấn về người đọc

Trong đời sống luôn biến động, xã hội hiện đại ngày càng phân hóa sâu sắc và thị hiếu con người cũng thay đổi. Nếu thơ ca không chuyển mình đổi mới thì nó sẽ bị đào thải bởi nhiệm vụ chính của thơ ca là phục vụ cho cuộc sống con người. Một lí do khác là độc giả thời nay “có lối tư duy phổ quát, mạch lạc, tốc độ... họ luôn khao khát những giá trị mới lạ phù hợp với đời sống hiện đại” [45, 423]. Do đó, vấn đề cần thiết phải liên tục cách tân đổi mới thơ là vấn đề tất yếu mang tính sống còn và người đọc là một trong những nhân tố chính xác lập sự tồn tại và giá trị thực sự của thơ ca. Nói như Chế Lan Viên: “Bài thơ anh anh làm một nửa mà thôi/ Còn một nửa cho mùa thu làm lấy”(Sổ tay thơ). Đồng điệu với Chế Lan Viên, Mai Văn Phấn cũng nhận định tầm quan trọng của người đọc với thơ ca: “Quá trình sáng tạo chính là những cuộc cách mạng liên tiếp xẩy ra trong mỗi nhà thơ”, “nhiều khi phải chấp nhận những thất bại cay đắng. Quá trình vượt thoát khỏi những quan niệm cũ không chỉ đặt ra cho các nhà thơ mà cho cả người đọc. Phải là cuộc song hành, đồng bộ, nhà thơ và bạn đọc mới có thể gặp nhau, cùng kích hoạt những tác phẩm văn học có giá trị” [45,377-380].

Người đọc trở thành người đồng hành trong sáng tạo thơ ca và cũng là người khẳng định được giá trị và sức sống lâu bền của những thi phẩm. Điều này có nghĩa, nhà thơ chỉ đóng vai trò hoa tiêu, người dẫn đường, chỉ hướng chứ không đứng ra giải thích, tiếp nhận được gì và như thế nào còn phụ thuộc vào “tầm đón nhận” của độc giả. Và muốn thẩm thấu bài thơ, người đọc phải “dám từ bỏ mọi thói quen cũ, sẵn sàng đến với những giá trị mới một cách bình tĩnh, công bằng” và khi biết lằng nghe chính mình, biết lắng nghe thơ bằng một tâm thế mới thì “thơ sẽ hay hơn” [48]. Vậy nên, nếu nhà thơ muốn trở thành thi sĩ đúng nghĩa phải tôi rèn từ kiến thức, bản lĩnh đến nhân cách thì đây cũng là yêu cầu bắt buộc đối với người đọc khi thực hiện hoạt động tiếp nhận văn chương.

 

1.4. Những đóng góp và giới hạn của sự tìm tòi, cách tân theo hướng siêu thực chủ nghĩa trong thơ Mai Văn Phấn

Trong Thơ Việt Nam sau 1975, tìm tòi và cách tân, Nguyễn Việt Chiến đã khẳng định: “Nếu có nhà thơ nào đó đang lặng lẽ luôn tự đổi mới thơ mình và phá vỡ các nhịp điệu mòn cũ trong các thể nghiệm thơ hôm nay” thì “người đó phải là Mai Văn Phấn” [6, 420]. Viết về những tìm tòi nghệ thuật của Mai Văn Phấn, Inrasara cũng cho rằng: “Mai Văn Phấn là một trong rất hiếm hoi thi sĩ tự giải thoát được mình”[19]. Những đóng góp của những tìm tòi, cách tân theo hướng hiện đại chủ nghĩa, cụ thể là theo hướng siêu thực chủ nghĩa trong thơ Mai Văn Phấn là không thể phủ nhận. Nó tạo nên sự mở rộng và đổi mới quan niệm thơ cũng như cách nghĩ và cách viết về thế giới của Mai Văn Phấn, góp phần tạo nên một không gian thơmở, đầy độc đáo của tác giả trong dòng chảy thơ Việt Nam đương đại. Nhìn rộng ra, theo chúng tôi, cách nghĩ và lối viết hiện đại này cũng có những tương tác, ảnh hưởng hết sức tích cực tới nhiều cây bút đương đại.

Tuy nhiên, trên thực tế, những tìm tòi, thể nghiệm cách tân của Mai Văn Phấn theo hướng siêu thực chủ nghĩa không phải lúc nào cũng đạt đến cái đích hiệu quả nghệ thuật như mong muốn. Thực lòng khen ngợi cũng nhiều nhưng tác giả Nguyễn Việt Chiến vẫn khẳng định thơ Mai Văn Phấn có lúc chứa đầy “những liên tưởng rắc rối (khiến người đọc thấy choáng váng sốc nhiều hơn là được thưởng ngoạn vẻ đẹp của thơ)” [6, 228].

Vũ Quần Phương cho rằng “trong mạch tư duy của anh (tức Mai Văn Phấn) có những bước nhảy - chính ở những bước nhảy này nhà thơ bộc lộ những cách tân về biểu hiện và cả phẩm chất của sức khái quát”. Nhưng ở nhiều bài thơ, ông thấy còn chưa ổn khi “thiếu tính logic ẩn giấu trong cốt lõi của chủ đề”, và khiến “bài thơ dễ bị gãy vụn”.  Điều này “không gây kích thích cho trí tuệ, hứng thú cho khám phá mà chỉ cắt đứt giao lưu tác phẩm - bạn đọc”. Ở nhiều bài “ tứ không rõ, chỉ có các ý đặt cạnh nhau mà thôi, thiếu hô ứng. Lối thơ thiên về tư duy dễ sa vào nhược điểm này. Muốn khắc phục lại phải tìm về phía tình cảm” [54].

Viết về tập Giọt nắng, Nguyễn Hữu Điện cũng chia sẻ những băn khoăn: “Với những bài dài, tuy số lượng không nhiều trong tập thơ, nhưng nhìn chung, ý bị dàn trải. Một đôi trường hợp, vì cố ý tạo cái lạ cho hình thức nên giọng thơ bị “ngái”, hình ảnh thơ dị dạng, nhoà nghĩa, không có khả năng bám vào ký ức” [9].

Phạm Quang Trung lại đưa nhận xét về trường ca Người cùng thời nói riêng và thơ theo hướng siêu thực của Mai Văn Phấn nói chung là “rất khó đọc” [69]. Tất nhiên, ông cũng nói rõ, muốn hiểu thơ của thi sĩ này “phải được trang bị một vốn văn hóa nhất định. Và cái quyết định hơn là còn phải dám gạt bỏ ra khỏi thị hiếu thẩm mỹ của mình những thiên kiến, định kiến cũ kỹ và lỗi thời. Nhờ vậy, ta mới chấp nhận những gì mới lạ”[69].

Xét về mặt thức nhận, thơ Mai Văn Phấn đôi khi còn “xa rời không gian thơ vốn được mở ra từ đầu bài thơ”. Đây là nhận xét của tác giả Nguyễn Thị Bích Phụng về tập thơ hoa giấu mặt. Tác giả vẫn có chút băn khoăn khi nghĩ đây là ý đồ tác giả nhưng vẫn cho rằng hướng viết “quá nhanh nhạy chạy theo dụng ý triết lý mà làm giảm bớt quá trình liên tưởng, rút ngắn sự lắng đọng cần thiết” đã làm người đọc “không đủ thời gian cảm nhận, chiêm nghiệm” [54].

Từ góc nhìn của bút pháp tạo hình, Inrasara phát biểu: “Các ẩn dụ có mặt dày và đậm trong thơ anh. Rất khó tiếp cận. Khó khăn cả với bộ phận độc giả chuyên nghiệp” bởi nhà thơ phát hiện “một văn bản văn chương đựng chứa khả năng mang tính tư duy cao hơn”. Vả Inrasara cũng gợi ý cách “giải mã” thơ Mai Văn Phấn, nhất là những thi phẩm mang hơi thở siêu thực, tượng trưng là hãy “tìm ý nghĩa tượng trưng ở phía các bề tối qua điệp điệp ẩn dụ trong thơ anh” [32, 239-241].

Như vậy, bên cạnh những ý kiến, nhận định ủng hộ và đồng thuận và hết sức trân trọng, đề cao với những tìm tòi, cách tân thơ theo hướng hiện đại chủ nghĩa của Mai Văn Phấn, cũng có một số ý kiến chỉ ra những giới hạn, hạn chế của những tìm tòi, cách tân đó. Những ý kiến đóng góp, phê bình này, nhìn từ góc độ nào đó, cũng cho thấy những thái độ đọc và tiếp nhận thơ Mai Văn Phấn một cách khách quan, khoa học và đó cũng là điều hết sức cần thiết với nghệ sỹ trong quá trình tìm tòi, sáng tạo.

Trên thực tế, là một nhà thơ có ý thức và bản lĩnh sáng tạo độc lập, bền bỉ, mạnh mẽ, một mặt Mai Văn Phấn không ngừng tìm tòi, học hỏi tinh hoa của các nền thơ thế giới, đặc biệt là những phương pháp sáng tác của các trường phái nghệ thuật phương Tây hiện đại trong đó có chủ nghĩa siêu thực. Nói như vậy cũng có nghĩa là bên cạnh chủ nghĩa siêu thực, ông còn mở rộng tiếp thu và vận dụng nhiều phương pháp và kỹ thuật sáng tác khác. Trong thơ ông, còn có thể thấy dấu ấn của thơ lãng mạn, thơ tượng trưng, thơ tân hình thức… Tất nhiên, theo chúng tôi, dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực là đậm nét nhất. Song cao vọng của nhà thơ không chỉ dừng lại ở việc học tập tinh hoa thơ thế giới mà phải là đi từ việc học tập tiếp thu bên ngoài để rồi biến chúng trở thành nguồn năng lượng sáng tạo tự thân. Kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, phương Tây và phương Đông, ông muốn tìm kiếm một tiếng thơ “thuần Việt”. Và càng ngày, cao vọng đó càng hiện rõ trong những phát biểu của ông và quan trọng hơn là nó đã tượng hình thành thơ, thành những sản phẩm nghệ thuật có giá trị. Điều này khiến hành trình thơ ông, trong hiện tại, đang chuyển sang một hướng mới, tràn đầy năng lượng.

Nhìn một cách bao quát, có thể thấy những tìm tòi, cách tân theo hướng siêu thực chủ nghĩa đã giúp Mai Văn Phấn đạt đến những thành tựu nghệ thuật quan trọng trên hành trình sáng tạo của ông. Về điều này, nhà phê bình Lê Hồ Quang nhận xét: “Từ những tìm tòi mang tính truyền thống, Mai Văn Phấn bước thẳng sang khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa và cả hậu hiện đại chủ nghĩa, nhưng dường như vẫn chưa dừng lại trong những say sưa kiếm tìm, lật trở. Thế giới nghệ thuật thơ ông là một cấu trúc phức tạp, đa diện, liên tục biến đổi. Nó gây ấn tượng bởi sự nhất quán trong quan niệm sáng tạo, tính toàn khối và khả năng “bắt sóng” với nhiều chiều không gian thơ khác nhau. Nói đến thơ Mai Văn Phấn là nói đến cái nội lực chi phối tổng thể, cái “từ trường thẩm mĩ” được tạo ra hơn là các câu chữ riêng lẻ. Bởi vậy, thật không dễ cho người đọc - trong đó có tác giả bài viết này – khi tiếp cận, lí giải. Nhưng một khi vượt qua định kiến của thói quen thẩm mĩ, chấp nhận những quy ước mới của “luật chơi” sáng tạo vốn vô cùng đa dạng, có lẽ ta sẽ được đền bù xứng đáng. Ít nhất, trải nghiệm đọc ấy cũng giúp ta nhận ra sự rộng rãi không cùng của không gian sáng tạo và vẻ đẹp của sự phong phú trên những hành trình tinh thần của con người” [57]. 






Chương 2

DẤU ẤN CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN,
NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN TỔ CHỨC HÌNH TƯỢNG
 

 


2.1. Những phương thức tổ chức hình tượng theo hướng siêu thực chủ nghĩa trong thơ Mai Văn Phấn

 

2.1.1. Đi sâu khai thác tiếng nói của vô thức, trực giác, tâm linh

Theo Từ điển Tiếng Việt, vô thức, trực giác, tâm linh là những khái niệm hoàn toàn thuộc về thế giới nội tâm, vô cùng khó nắm bắt. Nếu như vô thức được xem là “những gì ở mình mà bản thân con người hoàn toàn không ý thức được” [50, 1124] thì trực giác là “nhận thức trực tiếp, không phải bằng suy luận của lí trí” [50, 1054]. Và tâm linh là những gì thuộc về “tâm hồn, tinh thần”. Nói đúng hơn, tâm linh là một phần đặc biệt trong đời sống tinh thần con người. Nó thường được hiểu như một đời sống tinh thần đầy bí ẩn, đối lập với “ý thức” kiểu lý tính thuần túy. Nó bao gồm cái phi lý tính, cái tiềm thức, vô thức, bản năng thiên phú, cả  trực cảm, linh giác và những khả năng bí ẩn của con người. Ngoài ra, tâm linh còn được hiểu như là “niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo”, kết đọng ở những hình ảnh, biểu tượng, ý niệm tôn giáo.

Với các nhà siêu thực, khi kêu gọi giải phóng cái tôi khỏi “gông cùm lý trí”, họ tin tưởng hiện thực chân thực nhất chính là hiện thực đang nằm trong thế giới tinh thần, thuộc về cõi vô thức, trực giác thay vì hiện thực có được nhờ quan sát của ý thức và suy luận logic. Bởi theo họ, logic, lí trí đạo đức và mỹ học truyền thống “là sản phẩm quái gở của nền văn minh tư sản, cản trở khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ” [66]. Sản phẩm của hoạt động sáng tạo theo lối siêu thực chủ nghĩa này là sự cất tiếng của những ngột ngạt, ám ảnh bị đè nén, là sự hiện hình của một thực tại ở chiều sâu và xa hơn - một thế giới siêu thực. Đó là nỗ lực của thơ siêu thực muốn tìm đến cái “toàn nguyên” của hiện thực, kể cả những góc tối khuất nhất, sâu xa và mơ hồ nhất. Ấy là một phản ứng sáng tạo thẩm mỹ chứ không đơn thuần chỉ là một phản ứng chối bỏ hiện thực xã hội.

Thơ Mai Văn Phấn cũng “chan chứa cả trời vô thức”Những ám thị phi lý tính che dấu trong một hình thức ngôn ngữ tưởng đơn giản những “mật mã” ở tầng sâu ý tưởng. Tiếng nói ấy đựng chứa những hình ảnh nằm ngoài ý thức con người, không thể tri nhận bằng lý trí thông thường.

Ngay từ những bài thơ đầu tay, thi sĩ họ Mai đã khao khát đi tìm tiếng thơ của riêng mình bằng tất cả đam mê sáng tạo. Người đọc có thể tìm thấy trong thơ ông thời kỳ này một tâm hồn trẻ trung đắm say hướng về con người, cuộc đời và tình yêu. Nhưng thoảng trong không khí lãng mạn, thi nhân vẫn để vô thức, tâm linh cất lời: 


Nơi ấy da thịt em đã ngủ, bởi trong anh có tiếng tâm linh đang thì thầm:

Em lần theo bóng mây trôi

Thấm qua sóng lá vô hồi

Ðằm vào anh tiếng chim đôi bất ngờ

Làm vang lên những dây tơ vừa chùng.

Nhòa tan anh với mung lung

Em là giếng gió trong lòng

Nhấn chìm anh thoắt đã không còn gì

Hư vô thành thật cũng vì yêu em!

Tiếng em gọi chói chang bên kia sông mơ, con thuyền anh bỗng thành con chó nhỏ (... )

(Em xa)

Không phải là bài thơ lục bát dẫu vẫn có câu lục, câu bát. Nói cách khác, vần gieo tạo nhạc tính rất hợp với kiểu thơ lục bát quen thuộc nhưng cái giọng tâm linh lại buộc người đọc sững sờ, đặc biệt khi những câu chữ, hình ảnh kết thúc vang lên đầy lạ lùng: “Tiếng em gọi chói chang bên kia sông mơ, con thuyền anh bỗng thành con chó nhỏ”… Đây là một câu thơ mang dấu ấn siêu thực: khi “da thịt em” say giấc ngủ, tiếng em gọi anh được vang bằng thị giác “chói chang” ở không gian mơ mộng, con thuyền anh (hay chính anh) bỗng chốc biến hình? Nhưng “con thuyền anh” sao lại thành “con chó nhỏ”? Phải chăng cái biến hình ấy là khát vọng trở về với cái Tự nhiên hồn nhiên trong cõi đằm sâu của tình yêu đôi lứa?

Không gian thơ Mai Văn Phấn luôn hiện hữu bằng những cú va đập mạnh, làm người đọc giật mình, có khi thảng thốt vì những “cú đúp” ngôn từ, hình ảnh xuất hiện bất ngờ nằm ngoài sức tưởng tượng  thông thường. Những hình ảnh siêu thực kiểu “Ta hay con kén đang nằm trên nong” rồi “bầu trời tựa cái chén không” hay “hồn mình dựa chốn mong manh”...  đã trỗi lên ngay từ khúc dạo đầu của thơ ông trong những vần lục bát uyển chuyển. Trong những thi phẩm thơ mang hơi hướng tự do như trong Màu xanh, thi sĩ đã kiến tạo nên những hình ảnh tưởng tượng mới mẻ báo hiệu những kì diệu của sự sống, của bao điều tốt đẹp trong không gian trong trẻo, tươi mát của cuộc đời:

Trái đất - Căn nhà hộ sinh

Tiếng trẻ con chào đời truyền trong không gian xanh những dòng

mật mã...

(Màu xanh)

Và có cả những dự cảm lo âu:

Bình minh lên chiếu sáng nửa đời

Còn nửa kia chìm vào bóng tối

Tiếng nói của tâm linh còn lên tiếng trong Lơ lửng, Kinh cầu ban mai, Bâng quơ, Qua hoàng hôn, Viết cho cây sáo…, chẳng hạn:

Hồn ta thoát xác ve sầu

Bóng cây đậm nhạt biết đâu mà tìm

(Lơ lửng)

Hồn mình dựa chốn mong manh

Rồi hư danh ấy cũng thành hư không.

Mắt vừa mở với rạng đông

Chân trời hổn hển phập phồng ngón chân.

(Kinh cầu ban mai)

Mỗi góc tối trong tôi đang ngậm lấy âm thanh như ngậm vào vú mẹ, từ miệng mình he hé ánh sáng bồng bế nhau thong thả tràn vào.

(Viết cho cây sáo)

Đặc biệt, hãy chú ý những câu thơ trong Qua hoàng hôn:“Hoàng hôn như một cửa chùa/ Hư không trên ngón tay vừa đi qua/ Ta ngồi nhập định cùng hoa/ Thành chuông ai thỉnh ngân nga cỏ mềm/ Cầm tay gió dắt vào đêm/ Mà hồn xanh lỡ để quên cuối trời/ Dấu chân xin cát chớ vùi/ Cho ta về lại luân hồi kiếp sau”. Giấc mơ hoàng hôn nhuộm sắc tâm linh huyễn hoặc mà lại gợi sự cuốn hút lạ kì. Nhà thơ xin được hoà hồn mình với hoa, cùng cỏ, đi cùng đêm cho hồn thêm xanh, thêm mộng. Và đọng lại là cả sự luyến tiếc thế nhân đến tận cùng:“Cho ta về lại luân hồi kiếp sau”.

Sau buổi cầu nguyện ban mai, thi nhân đã thực hiện một nghi lễ nhận tên như đánh dấu bước văn mình đi vào thế giới thơ bằng tiếng nói không được điều khiển của ý thức. Và tiếng thở dài của thời đại đã đi vào thơ ông, để lại khoảng lặng của một cõi vô cùng qua Vách nước, Hôm sau, và đột nhiên gió thổi...

Không dừng lại trong những khát vọng mô tả những gì hiện hữu, nhà thơ còn muốn nhập thần để được trải nghiệm với những cảm giác vô thức trong từng giấc mơ – hay chính là những suy tư của con người, thông qua tiếng nói của trực giác, vô thức, tâm linh. Xin lấy bài thơ Phía sau ánh sáng làm ví dụ:

Bóng những chiếc ghế, hàng cây, ngọn tháp...

Trốn màn đêm đi tìm ước mơ

Những lưng ghế không biết đổ mồ hôi

Và tán lá không làm ra diệp lục

Cả  quả chuông cố rung lên mà không thành tiếng

Ranh giới giấc mơ  -

Ranh giới chân trời...

Những giấc mơ cố vùng vẫy đến tận cùng sự thật

Nhưng bóng ghế, bóng những hàng cây, ngọn tháp...

Ngã sõng xoài về phía sắp bình minh

Mỗi một lần đọc là thêm một lần người đọc sẽ nhìn thấy hơn một thế giới “phía sau ánh sáng”. Đó là bóng dáng của những thực thể khát khao ánh sáng. Đó là ước mơ của lưng ghế, lá cây và của quả chuông. Nhưng đó cũng là những ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối, ước mơ với sự thật. Và khi “những giấc mơ cố vùng vẫy đến tận cùng sự thật”, người đọc còn bàng hoàng nhận ra rằng những thứ ta nhìn thấy, dưới/ trong/ giữa ánh sáng chưa hẳn đã là sự thật. Đôi khi sự thật xuất hiện chính ở góc khuất phía sau ánh sáng mà phải một lần“ngã sóng soài về phía sắp bình minh”, ta mới có thể nhận ra. Cuối cùng, sau những hình ảnh dị thường của một “hiện thực lộn ngược”, cái đọng lại sâu nhất của Phía sau ánh sángchính là khát vọng “vùng vẫy” để kiếm tìm thế giới của Sự thật, của Ước mơ và Tự do.

Trong quá trình khai thác tiếng nói của vô thức, trực giác, những thi phẩm mang dấu ấn siêu thực của Mai Văn Phấn chứa “nhiều tứ thơ hay, mở ra những vùng cảm giác tinh khôi, dịch chuyển và giao thoa kì lạ, phức hợp của giác quan” [32, 259]. Ông đã tái hợp được khu vực ý thức và vô thức của kinh nghiệm rất trọn vẹn, giúp thế giới của mơ ảo vô thức kết hợp với cái hữu lý của đời sống hàng ngày mà cho ra đời “một thực tại tuyệt đối” (hay còn gọi là một “siêu hiện thực”). Chẳng hạn như trong Chọn cảnh, bài thơ là những chắp nối đứt rời từ câu chuyện không logic: chuyện trong mơ. Nhưng cái ám ảnh người đọc không phải là câu chuyện mơ ảo lạ lùng mà là những hình nét quay cuồng của đời thực bị nhòe mờ: “Em nghĩ nơi đây biển sâu tám mét”, “nồi nước sâu tám mét”, “tiếng bạn vọng từ độ sâu tám mét”, “Thấy khoảng cách từ chân ghế tới bức tượng”, “đẹp tuyệt vời trên độ sâu tám mét”. Hình ảnh và nhất là cái “độ sâu 8 mét”, “đám mây và chim hải âu”, “miếng mộc nhĩ”, “nồi nước dùng”,  cứ trở đi trở lại như một ám thị về khoảng cách và cuộc đời. Chi tiết này giúp vỡ ra trong tâm tư người đọc bao nhận thức mới lạ. Độ sâu ấy phải chăng là ranh giới với khoảng cách cụ thể mà trừu tượng về thiện - ác, về bao biến đổi trong cuộc đời, mà ở đó đời như nồi nước dùng và con người cũng chỉ là miếng mộc nhĩ bị nấu sôi? Đó phải chăng là những thức vỡ âu lo của người trí thức trước khoảng cách giữa thực tế và ảo tưởng, giữa mộng mơ và hiện thực, giữa khát khao và thực tại phũ phàng?

Có cảm giác, nhà thơ mượn tiếng nói đời sống tâm linh, trực giác như công cụ hữu hiệu để dẫn dắt con người vào mê cung, đánh thức những cảm quan, những bản ngã còn giấu sâu trong hồn người. Nhưng “mê cung” này có nhiều lối ra, và ra được hay không, nhanh hay chậm còn tùy vào tiếp nhận của mỗi độc giả. 

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Mai Văn Phấn từng nhấn mạnh: “Thơ ca càng ảo bao nhiêu càng đem lại sự chân thực bấy nhiêu”; bởi ông cho rằng “hiện thực trong thơ được hiện hữu trên một “mặt phẳng cong”. Không gian ấy rộng, giúp người viết đồng hành được với quá khứ, hiện tại và tương lai đa chiều và đa tầng” [45, 400]. Có thể thấy, Mai Văn Phấn muốn mượn thế giới của vô thức, tâm linh, của trực giác để thể hiện hiện được nhiều tầng của đời sống, để bật lên những thanh âm của trái tim “run rẩy với cảm xúc chân thành theo một quan niệm riêng”. Bởi vậy, với ông, lối viết tự động tâm linh chính là một thủ pháp kĩ thuật sáng tạo. Thực chất, những thi phẩm tưởng như ra đời bởi vô thức của thi sĩ vẫn được điều khiển bằng một ý thức sáng tạo bén nhạy và tỉnh táo của người viết. Đó là một nghịch lý hoàn toàn hợp lý. Bởi vì, nói như Chế Lan Viên, “ngay cả một nhà thơ siêu thực cũng đã mơ một nền thơ siêu thực cộng với cực lý trí. Cực mê đòi cực tỉnh” [4, 107]. Và “nhà thơ phải ý thức ngay cả vô thức của mình” [4,131].

 

2.1.2. Dùng tưởng tượng như một phương thức mô tả, tái hiện đặc thù

“Về bản chất, tư duy siêu thực gần gũi với tư duy huyền ảo” [32, 262]. Điều đó biến tưởng tượng (hiểu theo nghĩa là sự “tạo ra trong trí những cái không có ở trước mắt hoặc chưa hề có” [50, 1082]) trở thành một phương thức mô tả, tái hiện đặc thù. Bởi theo quan điểm của các nhà siêu thực, bằng tưởng tượng, thế giới có thể được giải thích ở một chiều sâu nhận thức khác và có thể làm hiện lên những vẻ đẹp khác thường mà những phương thức mô tả khác khó lòng thực hiện. Và cũng qua/ bằng tưởng tượng, họ có thể phá tung những giới hạn ràng buộc tự do sáng tạo, hoặc nói theo A. Breton nói là “không chịu bất cứ sự kiểm soát nào của lý trí, được miễn trừ khỏi mọi quan ngại liên quan tới thẩm mỹ và đạo đức” [1].

Những thi phẩm mang xu hướng siêu thực của thơ Mai Văn Phấn thường ra đời trên cơ sở của sự tưởng tượng phong phú ấy. Nhưng một điểm lạ là thơ ông không nhiều những từ ngữ trực tiếp bày tỏ, diễn tả hành động “tưởng tượng”. Đơn cử trong bảy tập thơ Cầu nguyện ban mai, Nghi lễ nhận tên, Vách nước, Hôm sau, và đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái che, hoa giấu mặt, Vừa sinh ra ở đó chỉ sử dụng 9 lần cụm từ tưởng tượng. Càng đậm đặc chất siêu thực, văn bản thơ Mai Văn Phấn càng tối giản việc sử dụng cụm từ “tưởng tượng”. Ví dụ như trong tập thơ Vách nước là 2 lần/28 bài, tập thơ Hôm sau là 2/27 bài.  Và thực tế cụm từ này xuất hiện cũng chỉ làm nền cho hàng loạt những hình ảnh lạ, nghịch dị phía sau nhằm viết về những “sự thật hiển nhiên đảo lộn mọi quy ước phổ thông”.

Ở đây, cái đặc thù nằm trong kiểu tư duy và hình ảnh tưởng tượng. Mai Văn Phấn thường ưu tiên lựa chọn sử dụng hệ thống hình ảnh xuất hiện trong một tư duy tưởng tượng khác lạ, bất ngờ và phong phú. Đó là có thể chỉ là những hình ảnh chỉ có trong mơ, trong trí tưởng tượng lạ lùng; chập chờn, mờ ảo, đứt nối, rời rạc. Tuy nhiên, ngay cả khi các “vật liệu” sự vật, hình ảnh ấy được “lẩy” ra từ hiện thực, thì qua con mắt và ngòi bút Mai Văn Phấn, chúng vẫn luôn toát lên một vẻ đẹp thật khác thường, như chỉ tồn tại trong những giấc mơ và trí tưởng tượng bay bổng nhất. Nhưng đó cũng là một thế giới rất tươi tắn, hồn nhiên như thể được nhìn qua con mắt trẻ thơ.

Bài thơ Gió thổi sau đây là một ví dụ:

Con sâu đo em đu lên người anh

thì thầm gặm hết những non xanh

Con ong vẫn nhởn nhơ bay

Thác đổ đều đều mưa rơi rất chậm

Nhưng tất cả ngọn cây đều bạt về một phía

(Gió thổi)

Nếu Xuân Diệu táo bạo, cuồng nhiệt với tình yêu bằng ham muốn níu giữ, ôm trọn, thụ hưởng bằng những động tử mạnh: “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “cắn” bằng xúc cảm mãnh liệt, ngất ngây, say đắm: “cho no nê”, “chuếnh choáng”, “cho đã đầy” thì thế giới tình yêu trong thơ Mai Văn Phấn cũng không kém phần lãng mạn. Tuy nhiên, đó lại là thứ tình yêu dịu dàng, đằm thắm được thể hiện qua hình ảnh liên tưởng: “Con sâu đo em - thì thầm gặm hết những non xanh”. Giai điệu tình yêu ngọt ngào rung lên từng giây rất chậm như đang dần hoàn thành thứ nghi lễ thần thánh, rửa sạch tâm hồn con người. Thậm chí, sức mạnh của tình yêu có thể làm “tất cả ngọn cây đều bạt về một phía”. Biểu tượng tình yêu được tác giả xây dựng bằng hệ thống hình ảnh đầy sức gợi và rất lạ. Đó là thế giới nồng nàn của anh và em hoà quyện giữa thiên nhiên, vạn vật, rất thiêng liêng, thành kính, thuần khiết.

Nghe em qua điện thoại là một ví dụ khác. Lúc dạt dào cảm xúc chuyện trò cùng “em” qua điện thoại, ta thấy nhà thơ đã xem tưởng tượng là người bạn đồng hiện trong việc mô tả hiện thực và tâm tình con người:

Tiếng em trong điện thoại rất trong và nhẹ

Một giọt nước vừa tan

Một mầm cây bật dậy

Một quả chín vừa buông

Một con suối vừa chảy

Khoảng cách tới đầu dây bên kia là ruộng đồng, làng mạc, quang gánh. Là xe cộ, tháp dựng, rễ sâu. Giọng em không vượt qua mà làm cho chúng bé lại, mở thông những cánh cửa sang nhau. Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ.

(Nghe em qua điện thoại)

Tiếng “em” trong điện thoại đưa anh vào một thế giới đẹp, một thế giới của tình yêu và sự mơ mộng. Ấy là một không gian đa hình, biến ảo, mông lung. Tuy nhiên, thế giới ấy không xa lạ. Tiếng “em” trải lòng anh hướng về những hình ảnh thân thuộc, bình dị, tinh khôi, trong veo của làng quê, đồng ruộng, quang gánh… nơi có “Một giọt nước vừa tan/Một mầm cây bật dậy/ Một quả chín vừa buông/ Một con suối vừa chảy”. Thanh âm giọng nói “em” gợi trong anh về những khoảng bình yên, hồn như có gió thổi, đẩy nghi ngại, âu lo lùi dần vào cõi xa xăm. Có thể thấy, Nghe em qua điện thoại đã giúp người đọc thấy được một hồn thơ Mai Văn Phấn thật tinh tế và  ngọt ngào. 

Cái sâu sắc, tinh tế này còn được thể hiện qua khúc Biến tấu con quạ nhưng ở đây, góc nhìn hiện thực đã đổi, thế giới trở nên biến màu, đầy u ám, tối tăm, ghê sợ:

Móc từ hốc mắt 

những nhãn quan 

Di ảnh là vật chứng 

Mổ vào lưỡi 

và kéo dài 

Phơi dưới trời bài học khẩu ngữ

Bóc từng mảng thịt 

Tháo rời tứ chi 

Sổ tung lục phủ ngũ tạng 

Hộp sọ vừa được dựng lên

Rêu đã phủ đầy 

Không viết nổi những dòng bi ký

 Và ở đó, Con quạ mơ Mọi cái chết đều được sắp đặt”. Không một lời nhắc rằng đây là tưởng tượng nên thế giới thật xuất hiện đầy bất ngờ và ám ảnh, gợi về cuộc đời đầy tàn bạo, bất trắc. Con quạ mang hình ảnh cái chết, mang từng mảng thịt, tứ chi bị tháo rời, lục phủ ngủ tạng bị sổ tung và hiện diện nhà rêu bao phủ đầy hộp sọ… Phải chăng đấy là một lời tiên tri, cảnh báo về về một thời đại, về những thời đại đầy bi thương và chết chóc? Tác giả Lê Hồ Quang nhận xét: “Con quạ - kẻ báo hiệu cái chết đen tối trong thơ E. Poe - qua sự “biến tấu” của Mai Văn Phấn, trở thành một biểu tượng trùng phức với sự song hành của nhiều ý nghĩa đối nghịch: sự chết chóc/ sự khai sinh, tái sinh; sự kết thúc/ sự bắt đầu; Kẻ phá hoại/ Đấng tái tạo; cái ác/ cái thiện; sự hủy diệt/ khởi đầu mới… Bài thơ là một “cái nhìn nghiêng” về hiện thực, trong đó lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật và cả đời sống con người dồn tụ lại trong một độ nén dị thường” [57].

Cũng có khi thi giới mang đậm màu sắc tưởng tượng của nhà thơ lại vẽ ra một thế giới tương giao, hòa hợp cao độ giữa con người với vạn vật thiên nhiên. Cửa Mẫu là một ví dụ. Mẫu được hiểu là Đức Thánh Mẫu, Người Mẹ Thiên Nhiên cao cả, vô lượng, cội nguồn sinh thành tất cả, trong đó có cả chủ thể trữ tình (mà trong tác phẩm này xưng - gọi là “Con”). Mẫu là “nơi sinh ra cũng là nơi kết thúc của mỗi cá thể bởi phương thức cộng sinh” [32, 113]. Bằng tưởng tượng, nhà thơ đã tái hiện thật ấn tượng hành trình tự khám phá và thích nghi để trưởng thành của Con (cái tôi chủ thể sáng tạo, cũng là Con - Con người): “Con sơ sinh trên đất/ Tập vỗ cánh, quạt gió vào lòng tổ/ Bơi qua sông con nòng nọc đứt đuôiBật lá mầm bay đi thênh thang” (Cửa Mẫu- I). CỬA MẪU là nơi Con bắt đầu cuộc tái sinh để về với bản nguyên của chính mình: “Giọng nói rất gần/Dưới bình minh con hãy lột xác!” (Cửa Mẫu - III). Con phải đấu tranh để sinh tồn trước những cạm bẫy đời đáng sợ: “Bóng cây oà vỡ dưới chân/ Hình bản đồ rách nát/ Hay xác chết nửa dơi nửa chuột/ Con hốt hoảng đan lưới sắt/ Đặt bàn chông quanh mình/ Mài con dao/ Thủ sẵn bao diêm” (Cửa Mẫu - IV). Nguyễn Thanh Tâm, Ngô Hương Giang cho rằng “Cửa Mẫu là một trường đoạn của kí ức và những siêu nghiệm trong cấu trúc bề sâu của quy luật vận động đời người: sinh – lão - bệnh - tử” qua hình ảnh cha và con được biểu thị trên chín phân đoạn tương ứng với từng chặng của đời người. Bằng thủ pháp đồng hiện, cha và con là hình ảnh vận động liên tục của đời người; con trở thành hình ảnh cho “ấu thơ, cho kí ức của cha và cha chính là hình ảnh tương lai của con” [12, 60]. Và Mẫu chính là đại diện cho niềm tin và tín ngưỡng, cho tình yêu và sự sống, cho khát vọng tự do và ước mơ hạnh phúc; đang chở con người đến cuộc trở về với “tâm không” trong trẻo nhất của hồn người.

Có thể thấy, khi trí tưởng tượng được khai mở thì thi ảnh cũng bộn bề ý tưởng mới lạ, thậm chí kì quặc, rời rạc như những hàng nghìn mảnh vỡ của hiện thực. Nhưng khi biết xâu chuỗi những mảnh ghép lạ lùng ấy theo một cách thức nhất định, ta sẽ nhận được những thông điệp thơ mới mẻ, từ một cái tôi khác thường. Đó là cái tôi ngắm thế giới bằng con mắt của sự hồn nhiên trong trẻo. Đó cũng là cái tôi mô tả cuộc đời bằng những âu lo - trăn trở - bất an. Đó còn là cái tôi khát vọng trở về với bản thể để khám phá chính mình và vũ trụ. Trên hết, đọng lại đằng sau ấy chính là giấc mơ ấp ủ về cái phần thanh tao, cao đẹp của cuộc đời và tâm hồn để thức dậy một mai sau đáng sống hơn, có ý nghĩa hơn, thánh thiện hơn. Xin mượn lời của tác giả Nguyễn Chí Hoan để làm cái kết cho phần này: “Tất cả, chuyển qua thế giới Mai Văn Phấn đều trở nên lạ lùng khác thường” nhưng lại tạo nên ấn tượng “đây là chất thơ thuần tuý”, “trong sáng tự thân” [32, 293].

 

2.1.3. Tô đậm tính ngẫu nhiên, đứt đoạn, phi logic trong mạch cảm xúc, liên tưởng

Thơ ca trung đại được nhắc đến với cách viết ước lệ, khuôn sáo, gò bó trong một cấu trúc khép kín, chặt chẽ. Mạch ý, tứ thơ xuyên suốt như dòng chảy logic của mạch lý trí. Và đời sống hiện hình qua câu chữ, dưới ý thức “thi dĩ ngôn chí”. Vượt thoát khỏi cái chật chội của thơ trung đại, thơ lãng mạn  phá vỡ tính cân xứng, giải phóng thơ ca khỏi bó buộc để linh hoạt nắm bắt, mô tả đời sống và thể hiện tình cảm của chủ thể trữ tình. Điều này thể hiện qua kiểu tư duy thời gian tuyến tính, qua những mối liên hệ chặt chẽ của hình tượng, được xếp sắp mạch lạc, trật tự. Nhưng, không phải lúc nào cái nhìn logic cũng mô tả đầy đủ, vẹn nguyên hình hài hiện thực. Bởi khi con người nhận ra sự bất lực của lý trí thì họ sẽ tìm đến sự lý giải đời sống qua góc chiếu của tiềm thức, vô thức, trực giác. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của thơ tượng trưng, thơ siêu thực với một đặc điểm nổi bật là tính ngẫu nhiên, đứt đoạn, phi logic trong mạch cảm xúc, liên tưởng. 

 

Ta cũng có thể thấy rõ điều này trong thơ Mai Văn Phấn. Trong thơ ông, những hình tượng trong thơ không còn giữ nguyên tính mạch lạc, liên tục của hệ thống thi ảnh và dòng mạch xúc cảm. Những mối liên kết logic của thơ không hiển lộ trên bề mặt câu chữ mà ẩn sâu trong văn bản và hình tượng và trong chính sự trải nghiệm và cảm nhận riêng của người thưởng thức. Bởi thế, nhìn bề mặt, nhiều lúc bài thơ ngỡ rằng lan man, gây cảm giác bí hiểm, rối rắm và hỗn loạn nhưng, cũng giống như xem tranh siêu thực, nếu biết xem/ “đọc” nó theo một cách thức phù hợp, ta có thể nhận ra những vẻ đẹp mới, đầy ấn tượng từ trong chính “kết cấu hỗn loạn” đó.

Đọc thơ Mai Văn Phấn, nhất là những bài trong tập Vách nước, Hôm sau, và đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái chenhư Hát từ đất, Bông hoa, Đất mở, Nhịp điệu vẽ lối đi, Linh hồn bay lên, Mười bài tập mùa xuân, Đối thoại với thời gian, Biến tấu con quạ, ở những đỉnh cột, Hắn, Những bông hoa mùa thu, Chọn cảnh, anhanhemem, Cửa mẫu, Hình đám cỏ, Đỉnh gió… người đọc có cảm giác như bị sa lầy vào không gian chữ, chật vật chiến đấu với những “mảnh ghép”, sự phân đoạn, gián cách… liên tục. Rất nhiều những hình ảnh thơ dường như bị tháo rời khỏi những chỉnh thể khác nhau và ghép lại một cách ngẫu hứng, tạo nên sự “đứt đoạn”, “phi logic” liên tục trong mạch cảm xúc và liên tưởng. Tuy nhiên, khi xâu chuỗi hệ thống ngôn ngữ, thi ảnh rời rạc, đứt nối, xa lạ ấy theo một cách thức nhất định, ta có thể nhận ra đằng sau đó là những thông điệp nhân sinh – thẩm mỹ độc đáo.

Hãy lấy Cửa mẫu làm ví dụ. Trong bài này, Mai Văn Phấn để cho người đọc nhìn thấy một loạt hình ảnh không cùng một mạch liên tưởng, khiến cảm nhận đầu tiên là những đứt đoạn, vụn gãy, không hợp logic. Lấy “Mẫu” (Mẹ) làm hình tượng, con số nhịp gợi nghĩ đến đấng tối cao (chín - cửu), bài thơ không mất đi tính thi vị mà nhờ đó còn tăng thêm sự thiêng liêng, thành kính đối với người Mẹ tối cao - Vũ trụ. Ở phần I, đó là hình ảnh chập chờn, nhòe mờ trong mạch liên tưởng giữa Mẫu - con - ánh trăng - tiếng chuyền cành - tiếng hú - tầng mây - mưa nguồn - cành cây - mặt nước - con chim - lòng sông đau xé thân đêm - thân cây rã rời - nước xiết - con bật khóc cuốn đi lưới nhện - tiếng con vạc khàn khan - tàn tro loé sáng - mặt trăng run - viên sỏi - cánh đồng - chú bê non. Cả bài thơ thực chất đều được “lắp ghép” từ hàng loạt những chi tiết, hình ảnh chừng như đứt rời tương tự:

Bóng cây oà vỡ dưới chân

Hình bản đồ rách nát

Hay xác chết nửa dơi nửa chuột

 Co quắp con ngủ trong gió lạnh

Mơ thành bào thai

Cuống nhau nối mặt trời

….

Nơi ấy bắt đầu con đường

Chú ngựa non liêu xiêu đứng dậy

Đàn sâu bò khỏi thân cây

Con tép riu vọt lên từ họng nước.

Sự ngẫu nhiên, gián đoạn của câu thơ, ý thơ, hình ảnh thơ ấy đã tạo nên  khoảng trắng, khoảng trống rất rộng, rất khó để người đọc hình dung được nhà thơ đang nói về điều gì. Nhưng nếu đặt toàn bộ chúng vào cùng một chỉnh thể, người đọc sẽ lắng nghe được tiếng vọng gửi đằng sau câu chữ. Thực ra, bài thơ là sự mô tả và ngợi ca về Đức Thánh Mẫu, biểu tượng của Người Mẹ thiêng liêng, bất tử, người sinh thành ra Vũ trụ và đời sống nhân sinh này. Đoạn thơ trích trên là mô tả về quá trình Con (còn có thể hiểu là Con người/ muông thú/ đời sống tự nhiên…) được hình thành, sinh thành từ trong lòng Mẫu, một sự sinh nở mang tính biểu tượng, đầy thiêng liêng, cao cả, dữ dội, đẹp đẽ… Từ đó, nếu kiên nhẫn đi hết “mê cung” hình tượng, thế giới nhân tạo của thi sĩ, ta sẽ thấy rằng, chúng giúp thi nhân (và cả chính người đọc) được “giải thoát khỏi thế giới bị đóng băng, xơ cứng bởi các tri thức tiên nghiệm”[12, 53] và do đó, có được một con mắt mới, cách nhìn mới  về nhìn thế giới, bay bổng và đầy chất thơ (dĩ nhiên, là một chất thơ mới, khác).

Mai Văn Phấn không ham phân tích, lý giải trực tiếp. Đặc biệt ở giai đoạn sau, thơ ông có khi chỉ là những “dàn ý” hay “bài tập mùa xuân”; dáng dấp như những ý tưởng bề bộn. Mỗi hình tượng xuất hiện trong nhịp thơ đều hiện diện với những đường nét, mảng khối, màu sắc, xây dựng thành bức tranh siêu thực đầy bí ẩn, mới gọi đồng sáng tạo. Hình đám cỏ là một minh chứng. Bài thơ là cách nhìn siêu thực của Mai Văn Phấn về thế giới. Nội dung, cảm hứng, hình tượng không mới, nhưng lăng kính siêu thực đã giúp thế giới quanh ta “đồng hiện” với “những đường nét, mảng khối vô cùng hấp dẫn nhưng khó hiểu”:

Thân dâng

Hương thơm ngon ngọt

Con chào mào em

Khoét rỗng môi anh

Và vỗ cánh

Ngậm anh đi gieo hạt

(Hình đám cỏ - nhịp III)

Thi nhân đã đẩy trí tưởng tượng của độc giả lên ngôi bằng việc sắp đặt ngẫu nhiên bên nhau những thi ảnh xa lạ và bất ngờ. Vẫn là thế giới, cỏ cây, con người, thanh sạch dịu dàng nhưng sao đầy huyền diệu, bí ẩn, mơ hồ:

Mình thiếp đi bên nhau

Mơ cánh đồng có giếng sâu

Tay nối tay kéo từng gàu nước

Tiếng đất reo

Rễ cây duỗi mềm mại

Hoa trổ bông nơi mình vừa tưới

Tưới thật lâu cho khắp cánh đồng

Nghĩ và kéo nhanh hơn không biết mệt

Mạch nước khai thông dòng thác

Ướt bì bõm

Len qua hàng lúa trĩu bông

(Hình đám cỏ - nhịp IV)

Nhịp IV của thi phẩm Hình đám cỏ như đưa ta về nhiều cảm giác mông lung khó tả. Câu chuyện mơ ảo về cánh đồng - giếng nước - tưới tắm - gieo gặt được xâu chuỗi bằng những câu thơ đứt nối, lắp ghép bằng sợi tơ ý tưởng mỏng manh, dường như đã “kết dính những sợi tơ ràng rịt trong mối giao cảm giữa cái nhất niệm với thiên thu trong cái độ, cái vô cùng biên độ ngoài ta” [32, 279].

Có lúc chính quãng rời giữa ngôn từ và hình ảnh thơ tạo nên những khoảng trống rộng rãi để trí tưởng tượng phát huy sức mạnh, nó gợi lên cho người đọc những cảm xúc trong veo về thế giới thanh sạch, về tình yêu chân thành, về tính dục không mang màu sắc dục và về ngõ sâu tươi tắn nhất của bản thể: 

Hơi thở không gian nung nóng

Ôm ấp đôi cánh chim 

Từng quả trứng mong manh 

Trương nở 

Vùng lên

Quật đổ 

Trốn vào em rền rĩ hú vang 

Xới tung ngọn sóng sắc nhọn 

Lút sâu dằm nát quả ngọt 

Gặm dần que kem buốt lạnh 

Ấm trà lớn rót sang chén nhỏ 

Nhai hạt hạnh đào ngầy ngậy chân răng

(Hình đám cỏ - Nhịp V).

Nhưng xin cũng đừng nghĩ, những cảm xúc thơ ấy sẽ kéo Mai Văn Phấn rời xa hiện thực đời thường. Cái ngẫu nhiên, đứt đoạn, phi lý, phi logic trong hình ảnh, ngôn ngữ thơ, thực tế, cũng là cách thức độc đáo, giúp nhà thơ nhìn rõ hơn về những ngổn ngang của đời sống hiện đại. Bằng một cách diễn tả ấy, ngòi bút của Mai Văn Phấn đã đậm tô một bức tranh đời sống với đầy rẫy những hoang mang, bất ổn, hoài nghi. Nó chứa đựng những dự cảm đầy âu lo về con người và cuộc đời của chính ông. Có thể thấy điều này trong câu chuyện Bức ảnh, trái cây và giấc mơ của ông:

Những bức ảnh thiếu sáng, những trái cây chín ép và giấc mơ rụng cánh trước cơn mưa, chầm chậm trôi ngược dòng ký ức.

Theo ngọn gió mở cánh đồng buổi sớm, ùa vào những căn phòng lẫn bụi và ánh sáng, lau mồ hôi vừa tắm gội giấc mơ.

Và như thế, cội nguồn trong gang tấc, lúc quay về là đi hết đời mình, hay chờ luân hồi trở lại kiếp sau.

Những linh hồn kia chưa kịp đầu thai, đang ngưng lại nơi không gian thờ phụng, bay lửng lơ rồi nấp vào bái vật giáo bất động.

Có ai chạy từ giấc mơ, trái cây đến bức ảnh, để nhặt được những gì mình đánh mất, nghe tù đọng từng giọt nước mắt và nhận ra sự chai lì của mỗi bóng râm.

Nơi đầu nguồn đã thay một không gian và thế hệ cỏ non đang ran ran trên đất.

Những linh hồn đứng vào góc mở ánh sáng khác, trong tiếng rên của giọt sương mới, dè dặt vụng về gõ cửa từng nguyên âm.

Nhưng khắp nơi đang bắt đầu những dòng đổ vào ký ức, cả từ bức ảnh, trái cây, giấc mơ thành giọng nói đêm qua.

Nguyễn Thanh Tâm, Ngô Hương Giang cho rằng đây là “tưởng tượng về một sự quy hồi và phục dựng tinh thể của thế giới” [12, 33]. Bức ảnh là hiện thân ngưng đọng của kỉ niệm, của quá khứ, của kí ức, của cái đã qua. Trái cây sống qua các mùa thời gian đã chín ép và giấc mơ “như là điều không bao giờ dừng lại” [12,34]. Vậy thì, khi “khắp nơi đang bắt đầu những dòng đổ vào ký ức”, tức đang thực hiện nghi thức, hành động, khát vọng hóa giải một thế giới ngưng đọng, chai lì, xơ cứng, đỗ gãy thì tất cả trờ thành “giọng nói đêm qua”.Trong cái hiện hữu của câu chữ, người đọc hoàn toàn không thể hình dung và khẳng định giọng nói này là “những đòi hỏi của một thế giới quy hồi” hay là tiếng nói của “chủ thể mơ về thế giới quy hồi”. Nhưng dẫu là thanh âm thuộc về ai chăng nữa thì “giọng nói đêm qua” ấy là sự cất lời về “một thế giới đang chết cần được tái sinh, cần được hủy tạo” [12, 34].

Xin lấy thêm ví dụ khác trong chín nhịp của khúc thơ Cửa Mẫu:

Giọng nói rất gần

Dưới bình minh con hãy lột xác

Hoa quả

Lửa đèn

Âm dương chén nước

Như trườn qua cơn chạng vạng

Rút dần cơ thể khỏi lớp vỏ bọc

Con hớp những giọt sương

Đống vỏ bọc xám xịt chất cao

Đã xa tầm tay với

Đoàn người dìu nhau bấy bớt

Cuối bình minh.

(Nhịp III)

Bóng cây oà vỡ dưới chân

Hình bản đồ rách nát?

Hay xác chết nửa dơi nửa chuột?

Con hốt hoảng đan lưới sắt

Đặt bàn chông quanh mình

Mài con dao

Thủ sẵn bao diêm

Chân trời càng gần

Bóng tối càng trôi khủng khiếp

Nhanh hơn cảm xúc

Con vẫn dồn lo âu, căm tức

Trên mặt đất bóng đêm đã xoá sạch.

(Nhịp IV)

Trong những hình ảnh không có mối dây gắn kết giữa buối bình minh đến khi chạng vạng và lùi vào bóng đêm như “giọng nói” - “hoa quả” - “lửa đèn” hay “bóng cây oà vỡ” -“hình bản đồ rách nát” -“xác chết nửa dơi nửa chuột” và hàng loạt những hành động “Rút dần cơ thể khỏi lớp vỏ bọc - Con hốt hoảng đan lưới sắt - Đặt bàn chông - Mài con dao - Thủ sẵn bao diêm”, người đọc thấy được cái phấp phỏng âu lo của chính mình. Hình tượng thơ  đầy những rối rắm bất ổn, rạn vỡ, gẫy gập... Tất cả chúng đang lên tiếng nói về những trạng thái tồi tệ của tha hoá cuộc đời, của những đen tối xã hội, của những nguy cơ đánh mất chính mình trong xác chết không rõ hình thù “nửa dơi nửa chuột”. Quả thực, “ bài thơ là tập hợp thơ của những câu, những hình ảnh rời rạc, dường như không có chút liên hệ nào với nhau, chỉ là những bản tốc kí những gì “vụt hiện” ra trước mắt hoặc đến từ tiềm thức, vô thức” [67, 108].

Sự đứt đoạn của hình ảnh tạo nên những cú nhảy bất ngờ, những đan kết đứt đoạn không liền mạch là phương thức mô tả hiện thực đặc thù của chủ nghĩa siêu thực. Trong thơ mình, Mai Văn Phấn dùng những kiểu “nhảy cóc” của thi ảnh để làm mới hiện thực, bắt kịp nhịp sống hiện đại, để nhận thức đúng về bản ngã, về thiên nhiên, cuộc đời, vũ trụ với tất cả những gì đẹp nhất lẫn đáng sợ nhất. Điều đó giúp thi sĩ họ Mai tạo được “dư vang thi ca” cho những đứa con tinh thần và giúp nhà thơ khẳng định một chân lý về những đam mê của ông với cuộc đời và giấc mơ sáng tạo: “Đã yêu. Hiến dâng. Đã sống”.

 

2.1.4. Nhấn mạnh tính khác lạ, dị thường của hình tượng

Tác giả Khánh Phương nhận định “từ mộng tưởng đến tư duy siêu thực là một chặng đường không mang tính tự phát”. Nhưng cái hấp dẫn là “tư duy  siêu thực đưa mộng tưởng hành trình vào bề sâu của tri giác, tâm thức con người”, hướng tới “chấp nhận và thăng hoa những cái phi lý” [32, 258-259]. Vậy nên trong thơ siêu thực, không thiếu những hình tượng mang tính khác lạ, dị thường kiểu “những con sư tử biết bay”, “con voi có đầu đàn bà” hay “con cá tan được”. Thơ Mai Văn Phấn không ngoại lệ.

Trong thơ tác giả này, từ hình tượng con người đến bức tranh tự nhiên hay đời sống xã hội thường được đậm tô ở những góc độ, khía cạnh, dáng vẻ… khá khác thường.  Đặc biệt là khi mô tả bức tranh đời sống xã hội. Ông đi sâu nhấn mạnh tính khác lạ, dị thường của hình tượng này như một cách thức bộc lộ sự bất ổn của thế giới:

Sủi bọt. Rạn nổ. Vụn nát

Hơi nóng bốc cao ngùn ngụt giữa trời

Nỗi khắc khoải không còn ý nghĩa

Sự đổi thay vượt quá sức mình.

Chưa kịp đắn đo, chưa kịp tưởng tượng

Đã chìm trong mưa, đã cuốn theo mưa

Bỗng nhận ra mình trong tiếng kêu người khác

Những khẩu hình tựa phôi thai, miệng hạt, nhụy hoa...

(Từ hạt mưa)

Không gian thực đang “Sủi bọt. Rạn nổ. Vụn nát”. Câu thơ sáu chữ với ba lần chấm ngắt như thể hiện bước chân khựng lại, sửng sốt, trơ cứng trước “Sự đổi thay vượt quá sức mình”. Nhà thơ ngỡ ngàng, quay quắt trong nỗi âu lo trước cảnh con người bị cuốn vào những guồng quay tha hoá, biến chất:“Bỗng nhận ra mình trong tiếng kêu người khác/ Những khẩu hình tựa phôi thai, miệng hạt, nhụy hoa...”

Trong một bài thơ khác, Chuyện còn dài, tính khác thường, dị thường của hình tượng thơ càng trở nên đậm nét hơn khi:“Con gián bò quanh tôi và nói/ vừa đầu thai được ba tháng tuổikiếp trước từng là người đàng hoàng”  để rồi: “tôi và con gián cùng hội thảo khoa học/ cùng đeo khẩu trang, cùng ngắm hoa/cùng bẫy chim, cùng khắc phục hậu quảcùng lau mồ hôi, cùng tiên tri. Kết quả là: “Con gián và tôi từ giờ sòng phẳng”… Tính khác thường của câu chuyện có thể khiến người đọc bật cười. Nhưng hơn thế, tính chất giễu nhại của bài thơ và hình ảnh khác lạ của con gián đang cùng “hội thảo khoa học” kia còn làm độc giả đau đớn trong tiếng cười chua chát. Trong dòng sông cuộc đời, con người phải bơi cùng với rác rưởi, với những thứ xấu  xa, độc hại và rất dễ bị ám mùi từ chúng. Thơ Mai Văn Phấn chỉ nói đến điều đó nhưng khiến người đọc rùng mình bởi cái biến chất ghê gớm trong mỗi con người.

Bài thơ Không quán tính cũng mở ra một thế giới mà ở đó cái bình thường trộn lẫn với cái dị thường, thậm chí kinh dị: “Đặt tay để bước vàomở vòm ngực rộngmáu phun trào thành ngọn tócTrong nhà cùng cơm nóng, chè thơmtrái đã bổ/nước ngọt ròng ròngtrên lưỡi sắc”. Ta cũng bắt gặp hàng loạt những câu thơ gợi nghĩ đến những hình ảnh quái dị, kì quặc trong Được quyền nghĩ những điều đã ước: “Chùm lưỡi dìu nhau đứt cuống”, “Vùi trong mặt trời mù, dưa chua, nước chấm”…Nỗi u mê kì lạ trong Đợi mùa“Nỗi u mê xoã tóc/ tiếng trẻ con bén vào răng lược /chân tay chúng chạm nhau đánh lửa”. Những hình ảnh trong Mộng du: “Miệng chén hoằm sâu bầu vú khoét thủng”, “Mắt người thân hàn gắn các đồ vật”,“Chữ nghĩa làm đất mang thai”…

Ngay như trong ngôi nhà của mình, sau giấc ngủ, tác giả nhận ra mọi vật đều biến hình ở trạng thái “quay theo mái nhà”, kể cả “tôi”, dường như bị đánh thức, điều khiển bởi những thanh âm vọng lại từ thế giới bên kia, cõi vô thức, tâm linh: "Tôi quay cùng chai lọ, con giống, bóng đèn... qua môi người thợ thổi thủy tinh, qua con chữ rùng mình nhìn bột giấy chìm trong thuốc tẩy. Những giọt mực tụ lại rồi loang xa như một vết dầu. Bộ quần áo trang nghiêm rũ xuống. Đấy là giờ mặc niệm tơ tằm và những cây bông. Bóng tối nuốt sạch thực phẩm ôi thiu, không khái niệm về văn hóa ẩm thực. Hương trà thơm về rừng. Nước gào thét trong chiếc ấm bục đáy" (Quay theo mái nhà).

Và hình tượng con người, Đến trong ý nghĩ của nhà thơ, cũng mang một dáng dấp thật dị hình - HẮN:

Đôi mắt tấm liếp khoét thủng, cánh tay buồm chão, những bàn chân lá khô cong vênh lê trên mặt đất. Và miệng hắn, sâu hoắm, mở rộng, vỡ ra từng mảng để nung vôi. Hắn thường đến với tôi trong ý nghĩ. Bảo tôi sợ hắn, không phải. Muốn thu nạp hắn, không. Hay lãnh đạm, trốn tránh, nể trọng... cũng không. Thế mà hắn đan lẫn vào tôi từng hơi thở.

Tôi đi xe hết ga hết số. Răng nghiến chặt. Tay bóp cổ hắn. Kéo hắn lướt trên mặt đường… Hắn kéo căng mọi giác quan tôi, ninh nhừ ý nghĩ, đóng đinh dây thần kinh giữa hai đầu phố. Thoáng khuôn mặt vợ con trong khoảng lặng những quảng cáo thương hiệu.

Hắn là nỗi sợ hãi ám ảnh dai dẳng của“tôi”. “Tôi bị “Hắn” hấp dẫn,   khuất phục, bị cuốn vào guồng quay của Hắn trong những dằn vặt, tranh đấu và cả những mệt mỏi, sợ hãi hằn sâu. “Hắn” phải chăng là chính “Tôi” trong một nhân dạng dị hình, méo mó, vô nhân tính?

Vô cùng khó hiểu với những câu chữ rối rắm. Vô cùng bất an với những hình ảnh “nhảy cóc” xa xôi vô tận. Dường như đó cũng chính là sự hiện hình của nỗi đau khi nhận thức về phần Người đang dần bị nuốt chửng trước không gian sống ngột ngạt của xã hội đương đại, khi khoảng cách giữa con người - giấc mơ - con chó chỉ là “ba mét bảy mươi lăm xăng ti” với đầy những chua xót:

Nếu đêm qua không có cơn mưa?

Nếu tôi không ngủ trên giường?

Nếu không phải khoảng cách ba mét bảy mươi lăm xăng-ti?...

Đó phải chăng là “cảm thức hiện sinh” của con người thời hiện đại, nhất là người trí thức, trước những dư chấn dữ dội của đời sống lịch sử, chính trị, xã hội?

 

2.2. Những hình tượng siêu thực nổi bật trong thơ Mai Văn Phấn

Việc xây dựng hình tượng nghệ thuật thể hiện những thức nhận của  nghệ sỹ về cuộc sống hiện thực và nhu cầu bộc lộ cảm xúc của cá nhân giữa cuộc đời. Những hình tượng siêu thực xuất hiện khá phổ biến trong thơ Mai Văn Phấn. Chúng là kết quả của sự khái quát hiện thực, thể hiện cái nhìn của tác giả và gợi lên ở người đọc quan niệm, nhận thức sinh động về con người và cuộc sống. Toàn bộ 11 tập thơ trong phạm vi khảo sát có 346 bài thơ và có nhiều bài thơ dài, dung lượng lớn, hình tượng chứa sức ám gợi cao. Trong số đó, nổi bật là hình tượng “con người ngủ và hình tượng “thế giới xô lệch”.

 

2.2.1. Hình tượng “con người ngủ”

Cái tôi mang dấu ấn siêu thực chủ nghĩa của Mai Văn Phấn chủ yếu được định hình qua kiểu “con người ngủ” với các trạng thức “ngủ”, “hôn mê”, “ngái ngủ”, “ngủ mơ”, “buồn ngủ”, “nhắm mắt”, “lịm đi”, “ngủ gật”, “vùi cơn mơ vào gối chăn”, “ngủ thiu thiu”, “giấc ngủ”, “ngủ yên”, “hồn lang thang”, “giấc ngủ sâu”, “giấc mơ mùa hạ”, “mê ngủ”,” ngủ yên”,…  Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thống kê tần số xuất hiện các dạng thức trạng thái “con người ngủ” và thấy rằng số lần xuất hiện của chúng rất cao (chúng tôi cũng đồng thời tiến hành thống kê tần số xuất hiện của trạng thái đối lập là tỉnh, thức dậy, thức giấc… để so sánh, đối chiếu). Kết quả cụ thể thể hiện trong bảng thống kê sau đây.




Bảng 2.1

Bảng thống kê tần số xuất hiện của các trạng thái “con người ngủ”

STT

Ngủ

Số lần xuất hiện

 Mơ, mộng, mê

Số lần xuất hiện

Tỉnh, thức

Số lần xuất hiện

1

Ngủ

49

Mơ (mê)

50

Không ngủ

4

2

Nhắm mắt

12

Giấc mơ

54

Thức giấc

5

3

Mắt khép

4

Cơn mơ (mê)

11

Tỉnh dậy

16

4

Thiêm thiếp

1

Mộng

6

Tỉnh táo

1

5

Lim dim

1

Mơ màng

5

Tỉnh

11

6

Thiếp đi

4

Mộng du

4

Thức

5

7

Giấc ngủ

5

Mộng mị

4

Dậy

6

8

Ngái ngủ

5

Mê sảng

2

Mở mắt

8

9

Chợp mắt

1

U mê

4

Hồi sinh

10

10

Lịm đi

1

Mơ hồ

8

Tái sinh

6

11

Cung mê

3

Thức dậy

18

Tổng

83

151

90




2.2.1.1. “
Con người ngủ” với khả năng “sục sạo” vào chiều sâu nội tâm cá nhân

Chủ nghĩa siêu thực luôn mở rộng phạm vi hoạt động của trí tưởng tượng, chủ trương khai thác, định hình thế giới bằng mộng, bằng suy tưởng, trình bày một thế giới giấc mơ, ảo giác, vô thức, phủ nhận vai trò của lý trí nhằm phát hiện một thực tại đầy đủ hơn thứ hiện thực đời sống đã được bàn tay con người cố tâm nhào nặn và diễn tả. Thơ Mai Văn Phấn cũng mạnh mẽ khai thác theo hướng đó và hình tượng “con người ngủ” trỗi lên trong thơ ông như một phương diện tinh thần đáng chú ý của cái tôi chủ thể sáng tạo.

Những khoảng khắc ngủ - mơ của cái tôi (như một cách tư duy về thực tại độc đáo) xuất hiện khá nhiều trong thơ Mai Văn Phấnqua Nếu, Nghe tin bạn bị mất trộm, Biến tấu con quạ, Còn cậu hãy đứng đằng kia, Sống hồn nhiên, Nhắm mắt, anhanhemem, Để nhận ra anh, Anh đã rơi, Những bông hoa mùa thu... Giấc mơ ấy là sự kéo dài của thực tại và cũng là sự kéo dài của mơ ước và khát vọng: “Khi mưa phùn làm lại từ đầu/ Anh vẫn còn mơ hét vang trong tócEm bảo khi ấy em đã tỉnh/ Bởi không gian ẩm ướt đang về” (Bây giờ mưa phùn)…Cái tôi ấy dường như chìm đắm trong giấc ngủ, trong mơ, mộng, “bởi lúc đó anh vẫn muốn hết mình”. Thanh khiết và tinh khôi, đó chính là trạng thái của vạn vật sau khi được tưới tắm bằng những câu chuyện của mơ, mộng. Còn với thi sĩ, cái đẹp nhất của thế giới giấc ngủ chính là khám phá và sáng tạo một thế giới khác: “Vạt rừng đầy trăng sáng. Một người nằm ngủ, mơ có quả bứa vàng xếp thành ngai dưới trăng chờ anh ta thức dậy… Ánh sáng không có trong văn bản, anh tưởng tượng thêm hình ảnh dưới trăng. Những chuyện đầy trăng. (Tỉnh dậy trong mưa).

Về điều này, ta hãy phân tích thêm một đoạn trong Tĩnh lặng:

Tôi ngủ say trong khí núi

Bóng cây

Nước giã gạo

Tiếng chân hươu nai

Nằm trong vỏ trứng

Tôi dần thành hình kiến

Hình chim chóc, gia cầm

Như bao muông thú

Tôi lớn bằng giấc mơ

Của ánh bình minh

Của cơn mưa

Bầy sao sa

Trái đất

Rũ lớp vỏ ánh sáng

Tôi mở mắt đứng lên

(Tĩnh lặng - 25).

Đây là những câu thơ giàu sức gợi. Ngủ chính là nhìn đời bằng con mắt bên trong - con mắt “tĩnh lặng”. Ấy là trạng thái tinh thần đặc biệt, giúp nội thân con người có thể hòa tan mình giữa thiên nhiên, đại ngàn, cây cỏ, khí núi… Nơi đó, tâm có thể tĩnh, lòng có thể an và hồn có thể đẹp. Nhưng cũng ở trong trạng thái đó, con người có thể thức tỉnh và tự thức tỉnh cao độ về chính mình và về thế giới. Ấy là khi “Tôi lớn bằng giấc mơ” và có thể  “rủ lớp vỏ ánh sáng” để “mở mắt đứng lên”.

Bởi vậy, khi ngủ, mơ không phải là lúc khả năng quan sát và nhận thức nội tâm của cái tôi siêu thực ngừng nghỉ mà ngược lại, càng trở nên tỉnh táo và bén nhạy hơn bao giờ hết. Theo kiểu của chủ nghĩa siêu thực, ta có thể nói, lúc nhà thơ siêu thực ngủ là lúc anh ta đang làm việc. Trong/ bằng/ qua giấc mơ, cái tôi Mai Văn Phấn đã tỏ lộ một cái nhìn về thế giới vừa giản dị, vừa thực chất, đồng thời hàm chứa khao khát nội tâm về một đời sống thanh sạch và tràn ngập tình yêu. Đây là những gì nhà thơ nhìn thấy khi “nhắm mắt”: “Thế giới không còn ô nhiễm - Những khoảng không thanh sạch quanh ta - mình thuở nhỏ - Ánh sáng ngọn nến đang tràn vào hốc mắt, vào trũng đất sâu - rừng cây cũng giống khu vườn - Những cây song mây, dương xỉ, cỏ dại cao lớn - Những chiếc lá kim vươn - Con ong đất, con nhím, con sóc, con bò mộng - Sách bút, giường tủ, dao thớt, chiếc xe đạp cũ đều kích cỡ như nhau - Mỗi cơ thể con người mở ra nhiều con mắt lạ - em - sự im lặng của em vang lên những âm thanh kỳ lạ, mách bảo tình yêu đã thấm vào cây cối, đường xá, phố nhà, vào vườn tược, ruộng nương, sông suối... - Từ nay ta không cần nghi ngờ điều gì khi nhắm mắt” (Nhắm mắt).

Cũng khi “nhắm mắt”, vô thức, tiềm thức lại mách bảo thi nhân về sự tàn lụi, chết chóc và đồng thời với điều đó, là sự tái sinh màu nhiệm của cuộc đời: “Khẽ nhắm mắt, khẽ ngậm vào tóc em/ Đang chết đi và đang sinh sản/ Dù có lả đi thành âm u bóng tối/Lại thấy huy hoàng chạm những môi hôn” (Anh đã rơi). Câu chuyện giấc ngủ gợi lên một cái tôi mỏi mệt, cô đơn. Khoảng khắc “nhắm mắt” và “ngậm vào tóc em”, chủ thể trữ tình dường như đang ngập ngừng dự cảm về những âm u bóng tối đang nuối chửng cuộc đời và cỏ cả những mầm hy vọng đang sinh sôi : “Đang chết đi và đang sinh sản”. Hai mạch cảm hứng cái chết và sự hồi sinh, tái sinh đan cài trong giây phút nhắm mắt - ngủ - mơ như là sự mách bảo của vô thức về sự vận động và biến chuyển phong phú của đời thực, ở đó có cả niềm lạc quan về những gì đẹp nhất của sự sống sẽ không bao giờ lụi tắt. Chính bởi vậy, trong những xô bồ ồn ã của cuộc đời, Giấc mơ con nhện lại ru ngủ con người bằng nét thơ thuần khiết, tĩnh tâm:

Mơ thành người

Treo trên sợi tơ

Ngủ.

2.2.1.2. “Con người ngủ” với khả năng đào sâu vào bản chất hiện thực

Với Mai Văn Phấn, ngủ (hay nói cách khác là mơ mộng, tưởng tượng), cũng là một hình thức tư duy sáng tạo, để vô thức, trực giác bật lên những thanh âm chân thực nhất và cũng là cách để ông phát hiện ra bản chất của đời sống với những chiều kích đa dạng và phong phú của hiện thực và con người.

Bằng giấc ngủ, bằng mơ, mộng và trí tưởng tượng phóng túng, phong nhiêu, mãnh liệt, cái tôi Mai Văn Phấn đã phát hiện lại thế giới và đưa đến cho thơ ca một hiện thực mới – một siêu hiện thực. Nơi đó, thiên nhiên, con người, tình yêu… đẹp đến từng khoảnh khắc: 

Những mùa tái sinh trổ đòng chín rục

Sấm nổ vang trong lòng tay mầm hạt

Vòng phù sa tươi ròng ấp ôm thớ đất

Em cúi xuống và dòng sông ùa đến bất ngờ

(Bài hát mùa màng)

Quả thực, Bài hát mùa màng đã cất lên một “bản hòa âm điền dã” đầy sức sống. Bản hòa âm cuộc sống ấy được kết nối bằng những hình ảnh đầy bất ngờ, như chỉ được nẩy sinh và kết tụ trong trí tưởng tượng bay bổng và tươi mát nhất, tương phản mãnh liệt mà gợi cảm lạ lùng, gợi nên một “mùa tái sinh trổ đòng chín rục” trong lòng người.

Phần 24 của Những bông hoa mùa thu là sự mở rộng hơn ý tưởng về cái đẹp của đời sống đầy kỳ diệu, như thể chỉ tồn tại trong giấc mơ (và kỳ thực, nó cũng được diễn tả bằng thứ “ngôn ngữ” miên man lạ lùng của giấc mơ):

đất yên bình những ngọn đồi nhấp nhô trong thênh thang gợi lưng em mềm mại chuyển động qua cành la cành vượt hàng cây mới trồng gốc còn ẩm ướt bước tới chân trần eo thon yểu điệu anh nhìn bằng ý nghĩ biết lơ đãng quay lưng đuôi tóc cùng mở mắt thấu tỏ thôi đừng hỏi không nghe nhẹ hẫng bay cao vướng vào chim chóc luồng đạn hoa cải rơi xuống ngọt ngào cơn mê ai biết nói vô thức hoá thành bé nhỏ lặn sâu vào cơ thể không có sóng ngất ngây trong cân đối rã rời buông xuống thân anh làm đỉnh núi tôn vinh mặt đất ngước lên khuôn mặt em đọng mãi không gian trong suốt tỉnh dậy làm cục sắt nung nóng ngơ ngác giữa thiên nhiên suối chảy trái cây vừa rụng vỡ oà trên tảng đá nuối tiếc không uống hết thơm ngon đừng chảy ra ngoài vạn vật nối vào cuống nhau nuôi anh từ bất tận gọi sẽ thưa lay mạnh sẽ đau sang vật khác hài hoà chạm khẽ thanh cao

Mạch, nhịp của đoạn thơ được ngắt từ cảm xúc của người đọc. Trong những “cơn mê” tình ái, những giấc ngủ say “ngơ ngác” của anh trong không gian em, sắc - cảnh – tình hoà hợp đến không ngờ. Câu chữ tuôn tràn như dòng thác đổ vào trang giấy và cả lòng người. Cuộc sống quyến rũ đến nồng nàn. Tình yêu ngọt mật đến ngất ngây. Thế thì cần chi những vướng bận đời thường mà không bước nhịp vào cuộc sống đẹp để thấy hạnh phúc giản đơn nhưng tràn ý nghĩa?

Trong giấc ngủ, cái tôi Mai Văn Phấn vẫn phát hiện cái đẹp thuần nhiên của đời thực qua lăng kính tình yêu - tính dục. Trên cánh đồng tình ái này, Mai Văn Phấn nhìn tình yêu của con người như biểu tượng của cuộc gieo trồng thiêng liêng mà anh và em là những nông phu cần mẫn: “Trong hơi thở gấp anh biết/ Tay mang hạt giống/ Gieo… Gieo… / Ta gieo…”  (Tỉnh dậy trong mưa - 27). Tình yêu (mà một trong những biểu hiện đỉnh cao của nó trong thơ Mai Văn Phấn là lúc hoan hợp anh - em) là một thứ quả ngọt lành, rơi vào giấc mơ siêu thực thành thứ mật ngọt: “Quả ngọt lành. Mong manh đắng chát. Lơ lửng giữa trời. Lăn trên cỏ. Rơi vào giấc mơ dâng hiến đắm say. Tắm gội bằng bóng tối của đất. Nhắm mắt anh hình dung quả chín rụng vào cơ thể, nước quả óng vàng loang chảy, ấp ủ anh thành hạt nhân bùi trong ruột mát thơm. Tưởng tượng em nhặt anh lên, hít hà, cắn ngập vào lớp vỏ mịn. Nâng niu không vỡ hạt. Bao bọc. Chờ mưa phùn gieo anh nơi đất ấm” (Giấc mơ cây).

Nó trở thành một thứ động lực để sống, để sáng tạo:

Anh đang mở muôn cánh cửa vào mọi đồ vật

Vào khoảng không khác, những thế giới khác.

(Tỉnh dậy trong mưa-27)

Hình tượng “con người ngủ” mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng trong nhận thức của nhà thơ. Trong thi giới Mai Văn Phấn đó chính là cách nhà thơ “cảm nhận về thế giới”, tức là nó “không phải để gọi tên sự vật”, hay mô tả hình tượng cái tôi trong trạng thái vốn có của nó mà còn gánh trách nhiệm “khám phá thân phận thiên nhiên trong thế giới ngôn ngữ, trong quan hệ với con người” [32, 444].

Nhưng cũng trong giấc ngủ, cái tôi nhà thơ dường như đã dõi sâu hơn vào đời sống, và bằng cách riêng của vô thức, tiềm thức, trực giác, phát hiện ra những dáng vẻ, chiều kích khác của thế giới, nhiều khi bí ẩn, đen tối và đầy đe dọa. Biến tấu con quạ là một bằng chứng cho điều này:

Đậu trên chạc cây trong trạng thái bội thực và ngủ gật, con quạ mơ mỗi mẩu thức ăn đang nén chặt trong diều biến thành quả trứng. Đàn quạ con lũ lượt chui khỏi ngũ quan, lập tức sà xuống săn mồi theo bản năng của loài ăn thịt.

*

Những đau khổ tột cùng ngoái nhìn đời sống tưởng chừng đã chết. Áo khoác kêu thất thanh khi đi qua bàn tủ. Máy điện thoại im lìm ngủ. Chiếc kẹp ghim mở miệng cố giấu đi móng vuốt. Cán chổi móc vào tay người lao công, kéo chị ta về bên hố rác. Vành mũ trên đầu kêu thảng thốt, rồi cúi xuống rỉa hết mặt nhân viên bảo vệ. Không ai mở cổng. Nhiều người vẫn tìm được lối đi vào”.

Bài thơ dường như là hình ảnh của giấc mơ, những giấc mơ liên tục chồng lấn lên nhau, liên tục bôi xóa và tô đậm hình tượng trung tâm - con quạ, biểu tượng của hoàng hôn, bóng tối, sự chết chóc… Đi cùng với hình ảnh đậm tính tượng trưng ấy là một đời sống đang ngủ - ngưng chuyển động - tưởng chừng đã chết với những hình ảnh đầy nghịch dị, phi lí mà dẫu “đem ghép lại chẳng có gì đồng điệu”. Bằng một cách nói này, những những biến đổi ghê sợ, thậm chí có lúc xa lạ đến kì quái của hiện thực trở nên ám ảnh hơn và đa nghĩa hơn.

Những khi ấy, giấc mơ còn là tiếng nói dự báo bất an về cuộc đời trước lốc xoáy dữ dội của bạo lực, chiến tranh, chết chóc… Khi ấy giấc ngủ cũng “đã ngấm rượu độc”. Và khi ấy, “Trí nhớ rối mùMàn hình TV mất sóng/ Mí mắt mở căng hai quả trứng ung”. Và tiếp diễn là “Đêm nay/ Rắn rết, bọ cạp tràn vào thành phố” (Còn cậu hãy đứng đằng kia). Giấc ngủ đã để lại một cảm nhận về  một“bầu tử khí” bao phủ thế giới và nhấn rõ tình trạng bất lực của con người trước những ức chế của đời sống. Những giấc mơ u ám này còn tràn ngập trên những bài thơ Nếu, Chuyện còn dài, Biết thì sống, Hắn, Biến tấu con quạ...

 

2.2.1.3. Những giấc mơ lạ lùng của “con người ngủ”

Với thơ siêu thực, hình tượng giấc mơ và những ảo giác, ảo ảnh được xem như “một phương tiện có sức mạnh toàn năng”, giúp con người đi khám phá thế giới bên trong tiềm thức con người, tìm và khám phá cái “siêu tôi”, nhìn ra cuộc sống bằng lăng kính “siêu hiện thực”. Chúng có thể đi qua những chiều kích sâu thẳm mà tư duy duy lý không thấy được, mở rộng những vùng trời tâm linh, kết nối được những khoảng không vô tận của đời sống. Các nhà siêu thực chủ nghĩa thường nhấn mạnh vai trò tuyệt đối của vô thức, của giấc mơ và những ảo giác, ảo ảnh là vì vậy. Trong thơ Mai Văn Phấn, gắn liền với hình tượng “con người ngủ” là hình tượng giấc mơ, những giấc mơ cũng đậm tính siêu thực, lạ lùng.

Qua khảo sát 11 tập thơ, chúng tôi nhận thấy Mai Văn Phấn sử dụng khoảng 157 lần từ giấc mơ (với các biến thể như“mơ”, “cơn mơ”, “mộng”, “mộng du”, “mộng mị”, “mê sảng”....).Cụ thể từ mơ (mê) xuất hiện 50 lần, giấc mơ 54 lần, “cơn mơ (mê) 11 lần...  Đặc biệt, ở những tập thơ Hôm sau, Và đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái che thì tần suất hiện diện của hình ảnh giấc mơ với những ảo giác, ảo giác là khá dày. Có thể kể ra một số bài thơ tiêu biểu như: Chỉ là giấc mơỞ những đỉnh cộtGiấc mơ vô tậnKể lại giấc mơ... Giấc mơ hay những ảo giác, ảo ảnh chính là nơi gửi gắm thông điệp của nhà thơ về hiện thực khắc nghiệt của đời sống. Chúng giúp thi sĩ bộc lộ hết những muộn phiền, đau đớn, thậm chí cả sợ hãi của con người trong cuộc chiến đấu, vật lộn với những bôn ba thường nhật và cả với những biến dạng, tha hóa của đời sống và nhân cách. Đây “chỉ là giấc mơ” trong hàng vạn những giấc mơ đầy ám ảnh của thi nhân:

Xin tự nguyện làm đồ chơi, giẻ lau, trâu chó.

Tôi cúi xuống đón chiếc ách lên vai

Tôi xù lông và bắt đầu sủa lớn

Tôi lúc lắc và kêu bíp bíp

Tôi mài cơ thể mình xuống sàn nhà.

Tôi chạy quanh và miệng sùi sọt

Tôi nhễ nhại, giả chết, lồng lộn

Tôi rã rời, loạn nhịp, vỡ tung

Tôi thấm nước và vắt ra nước…

 

Trong trích đoạn Chỉ là giấc mơ ở trên, con người bị bủa vây trong thế giới của sợ hãi, bất công, phi lí, đau khổ, hèn hạ, tha hoá. Ở đó, muốn tồn tại, chỉ còn cách trở thành “đồ chơi”, “giẻ lau”, thậm chí là “trâu chó”, phải biết “xù lông”, “sủa”, biết “lúc lắc”, biết “kêu bíp bíp”... trở nên giả dối, phi nhân. Đây phải chăng là điềm báo cho nguy cơ đánh mất chính mình nhỡn tiền của con người trong một xã hội tàn bạo và vô nhân tính?

Đọc Ở những đỉnh cột, Kể lại giấc mơNếu... ta thấy Mai Văn Phấn luôn sống trong sự trăn trở, bất an trước sự tha hóa của con người, trong những ám ảnh về sự đổi thay một cách phi lý của xã hội: con người bị điều khiển, bị trói buộc, bị thống trị trong thế giới đồ vật lên ngôi. Đó là cái lưỡi “bị thắt”, bị “treo”, bị “co rút” và luôn phải “quẫy đạp”, giẫy giụa để tồn tại:

Lưỡi tôi bị thắt

Treo lên đỉnh cột

Mỗi lần nói

Chiếc lưỡi phải co rút

Kéo thân thể béo ị lên cao

Tôi giẫy giụa tựa mảnh vải quẫy trong gió mạnh.

(Ở những đỉnh cột)

Đó là cảm giác rất lạ của câu chuyện lồng ghép về người mơ chuyện người, chó mơ giấc mơ của chó và nỗi sợ hãi nếu khoảng cách giữa người và chó là 0 và có khi người hoá thành chó (Nếu). Đó cũng có khi là giấc mơ đan lồng trong những giấc mơ đầy ám ảnh sợ hãi:

Đêm qua tôi nằm mơ phải hoạt động gián điệp, loại gián điệp hai mang, có nơi gọi gián điệp nhị trùng. Vô tình bị kẹt trong cuộc vây ráp nên phải hoạt động, không vì tiền. Tôi còn nhớ rõ mật khẩu, biết cắt đuôi, đặt máy nghe trộm, bí mật đánh điện tín... Mà sao vẫn còn điện tín, loại phương tiện liên lạc thô sơ đầu thế kỷ trước? Lại mơ thấy mình già nua ở thể chế khác. Buổi sáng chống gậy ra đường nghe gió thổi, mỉm cười. Rồi vô tình bị phát giác. Có người thấy tên tôi trong đống giấy phế liệu, hồ sơ ghi làm gián điệp những hai mươi mang. Rõ ràng có kẻ đểu cáng đã cố tình viết thêm số O vào sau số 2. Làm gì ở miền quê hẻo lánh lúc đó có hai mươi thể chế? Miền quê là cuộc đấu trí? Là trung tâm thông tin? Hay điểm nóng? Tôi bị con cháu chê cười, khinh bỉ chẳng ra gì. Bị vu khống trắng trợn, không thể thanh minh. Trước khi tự tử tôi muốn khóc. Nhưng tự nhiên khóc là việc rất khó với một người già. Tôi đành dỗ dành một đứa trẻ sơ sinh vừa thức dậy trong tã lót còn cuốn chặt.

(Kể lại giấc mơ)

Có thể, những giấc mơ này chỉ là thuần túy hư cấu. Nhưng cũng rất có thể, đó chính là những giấc mơ có thực từng ám ảnh chúng ta hơn một lần trong đời. Ám ảnh bạo lực, sự cô độc, cảm giác lạc loài và bất lực... trong một đời sống hiện đại còn nhiều bất trắc và tàn bạo nhiều khi không thể diễn tả bằng một ngôn ngữ nào khác ngoài chính ngôn ngữ của giấc mơ. Chúng tôi cho rằng, đằng sau thế giới mơ ảo ấy là những trăn trở đến bất an của con người.

Để những giấc mơ xuất hiện, Mai Văn Phấn thường xây dựng liên tục “không gian vụt hiện và chập chờn giữa thực và ảo”, được “ đan cài, kết nối một cách đứt quãng các hình ảnh vừa thực vừa ảo. Những hình ảnh hiện thực bất ngờ “nhảy cóc”đến ở bên những hình ảnh của “giấc mơ” thật khó tìm ra ý nghĩa của văn bản ngôn từ nghệ thuật này khi ta kết nối hệ thống hình ảnh ấy theo tư duy tuyến tính thông thường của cách đọc truyền thống” [14, 99]. Em đừng thức giấc, Giấc mơ vô tận, Chuyện còn dài... là những minh chứng cho kiểu giấc mơ “nhảy cóc” ấy.

Tuy nhiên, say rồi phải tỉnh, ngủ mơ vẫn phải thức và tưởng tượng cũng sẽ đến hồi kết thúc. Mai Văn Phấn luôn ý thức về điều đó.  Bằng chứng là đồng hiện với biểu tượng giấc ngủ - mơ, hình ảnh “thức giấc” cũng hiện hiện khoảng 90 lần trong 346 bài thơ. Tỉ lệ xuất hiện này còn nhiều hơn so với những từ trực tiếp chỉ về giấc ngủ (khoảng 81 lần) và tất nhiên nó cũng tồn tại với nhiều hình thức “Thức dậy – thức giấc” (23 lần),“tỉnh dậy” (16 lần), “tỉnh” (11 lần), “hồi sinh” (10 lần), “mở mắt”(8 lần)...Vậy nên, nếu các nhà thơ siêu thực phủ nhận thực tại bằng ca ngợi vai trò tuyệt đích của giấc mơ thì Mai Văn Phấn lại mở một cánh cửa khác cho thi ca của riêng mình. Đó là phải ngủ say trong “tỉnh táo tột cùng”; giấc mơ phải nối liền hiện thực. Thơ ông là sự kết hợp tuyệt vời giữa thi ảnh giấc mơ và mạch duy lý trong quan niệm “sáng tạo đồng nghĩa với khai sinh một thế giới riêng biệt” [45, 421] để đưa người đọc khám phá một “siêu hiện thực của hiện thực” trên nền chữ nghĩa, hình ảnh quen thuộc, gần gũi với hơi thở đời sống.

Ta hãy xem hai phân đoạn của bài “Tỉnh dậy trong mưa”. Bài thơ này là một trầm tư về cuộc đời, đã dùng mưa để đưa nhân vật trữ tình từ giấc ngủ trở về tỉnh thức:

Tỉnh dậy cỏ cây láng ướt bầu trời

Mưa quần tụ mái nhà gõ nhịp

Mặt đất mềm hơi thở lan nhanh

Em luống cuống kéo chăn che ngực

Ngỡ ai qua đây xếp lại căn phòng

(Tỉnh dậy trong mưa - 3).

 

Bóng cây chợt tỉnh hoa xoè

Con nhện nước làm tổ trong rơm rạ mục

Rễ cỏ hương bài

Lòng đất quặn sâu

(Tỉnh dậy trong mưa - 6)

Cái hay được người đọc cảm nhận trong bài thơ không phải là cảm nhận từ không gian mà là cái tĩnh từ tâm. Nhân vật “tôi” thả mình ngủ say – mơ – thức giấc trong thiên nhiên, trong những gì êm ả nhất của tâm hồn. Và đúng như nhà phê bình Lê Hồ Quang nhận xét, chúng tôi thấy rằng giấc ngủ của thi nhân chính là lúc ông “tỉnh táo tột cùng” để “về với thiên nhiên để gột rửa tâm hồn bụi bặm của mình”[58]. Giấc mơ, như vậy, cũng là thế giới của Thiền, của cõi tâm linh, nó đã đưa thi nhân của trở về với bản nguyên thuần khiết, níu giữ khoảng trong trẻo nhất của hồn người.

Nói chung, trong thơ Mai Văn Phấn, hình tượng giấc mơ là phương tiện hữu ích cho nhà thơ bộc lộ những trăn trở của mình. Thi sĩ mượn nó như một phương thức đầy hiệu quả để cảm, hiểu và để tái hiện lại thế giới theo cách riêng của ông.

 

2.2.2. Hình tượng “thế giới xô lệch”

“Thế giới xô lệch” là một cách diễn đạt mang tính ước lệ, nhằm chỉ một đặc điểm khá riêng biệt của thế giới nghệ thuật Mai Văn Phấn, một thế giới đã được nhìn nhận, lý giải và thể hiện qua nhãn quan siêu thực. Đó là một thế giới dường như khác hẳn thế giới thông thường, dị hình, dị dạng, hàm chứa trong đó sự bất ổn của đời sống. “Xô lệch” gợi người ta nghĩ về sự nghiêng ngửa, xộc xệch, lệch mốc và rời bỏ những lằn ranh cố hữu nào đó. Và thế giới xô lệch ấy cũng chính là những biểu hiện cụ thể nhất cho “cái tôi cô đơn, đau đớn, hốt hoảng trước cái Ác, cái tiêu cực đang va đập trong vận động của văn minh “nút bấm” đằng sau bức tranh “đa tạp, thậm phồn của đời sống đương đại”. Bởi khi ấy, người sáng tạo mới có thể truyền tải hết những thông điệp mà thời đại đang băn khoăn, trăn trở.

Trong thơ Mai Văn Phấn, dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực được hiển lộ thông qua hình tượng thế giới mang tính chất “xô lệch”, nghiêng ngửa, quẫy đạp mạnh mẽ. Có lẽ giấc ngủ tạo giấc mơ và đánh thức ông bằng cái nhìn góc cạnh, mang tính dự báo, đầy hoài nghi về bao đổi thay tiêu cực của đời sống hôm nay. Đó là thế giới đầy những va chạm, biến đổi, bất ổn, chịu tác động của những ngoại lực xấu xa, vô nghĩa lý mà con người nhận ra trong những khoảnh khắc đời thường. Có khi, ngay trong ngôi nhà của mình, sau một giấc ngủ đã không còn vẹn nguyên nhà tồn tại trong tư thế đảo lộn, trong trạng thái rạn vỡ.

Không gian của sự xô lệch được miêu tả bằng hệ thống hình ảnh hài hước, phi lí, méo mó, dị hình dị dạng gợi người đọc nghĩ đến những bất công xã hội, những tiêu cực, những hiện trạng bất cập, những trạng thái sống hờ hững, xa cách, vô cảm… Thậm chí, con người từ mất dần cảm xúc đã chuyển hình tha hoá, biến chất thành đồ vật, con vật  như trong Anh tôi, Không thể tinQuay theo mái nhà…:

Nhưng hình như

mọi con vật trong nhà

vẫn chế tác từ đồ phế thải:

             con mèo tam thể được sinh ra từ mớ giẻ rách?

             con cá bơi trong bể được gò hàn từ vỏ lon beer?

             chim hoạ mi hót trong lồng là chiếc ấm vỡ?

             con chó giụi đầu vào tay mình là cuộn báo cũ?

            đàn kiến đang nhẫn nại tha mồi là đống mạt cưa?

(Không thể tin)

Có lẽ vấn đề này không ít nhà thơ đề cập nhưng mạnh mẽ, dữ dội thì chỉ rất đậm ở Mai Văn Phấn. Mười bài tập mùa xuâncũng góp phần thể hiện điều này:

4.... cánh bướm nặng nhọc nâng mặt đất trầm mặc sũng ướt lên cao mặt nước phẳng lặng giãn nở muôn vẻ hạt mưa rồi tự tin vung lưỡi rìu sóng nước quăn cùn bổ vào sườn đất hạc khô hoá thạch vọng lên mặt cỏ rân rân tiếng mùa xuân nơi nơi mù khói nứt nẻ dưới gót giày trẻ con mở viện bảo tàng khổng lồ soi ánh mắt ngây thơ vào khuôn mặt méo lệch đọng nước mắt rắn đanh hình dạng nham nhở màu máu thớ đất nhểu dài lời người lớn phân bua mơ hồ xa tít bông hoa gần nhất khiến bàn tay rền vang cùng tiếng bi bô tràn âm thanh dội ngược làm vũng nước nín thở rùng mình nghe hút nẻo tháng ngày tiếng sấm nổ gọi mùa hoa gạo...

(Mười bài tập mùa xuân)

Đọc đoạn thơ không ngắt nghỉ với hàng loạt những hình ảnh rối bời, cuộc xoắn, không biết nút tháo khiến nhiều người gợi nghĩ đến một con dốc chữ đang trên đà đổ xuống, ập vào, nuốt trọn. Cái “méo lệch”, “rắn đanh”, “nham nhở màu thớ đất nhểu dài”, “âm thanh dội ngược”, “vũng nước nín thở rùng mỉnh”… gợi sự dồn ép, nén chặt trái tim, co thắt lồng ngực và rờn rợn một nỗi sợ hãi như một tiếng thở nén lòng trước bao áp lực cuộc đời mà con người buộc phải đối diện (cũng có thể do họ tự biến mình trở nên như thế). Tất nhiên, đây cũng chỉ là một cách cảm thụ của một cá nhân. 

Có thể nhận ra rằng, những sự vật vốn quen thuộc hàng ngày nhưng bước vào thi giới của Mai Văn Phấn lại mang linh hồn, tồn tại như những sinh thể độc lập và tự nói tiếng nói của riêng mình trước bộn bề, bất cập của thực tại. Đây là một ví dụ trích trong bài thơ Di chứng:

Người ta nói, dòng sông kia đã được tiệt trùng. Tôi thận trọng tắm rửa bằng những hương liệu quý. Lội xuống, nước đến đâu cơ thể tôi bầm đen đến đó, rồi mọc ra những sợi lông vũ. Thế là nửa người trong nước hóa thành chim. Nhưng tiếng hót phải thoát qua vòm họng và lưỡi. Từ đấy, miệng tôi luôn chống lại quán tính của phần bầm đen trong nước đã ngập chìm.

Con người khao khát thanh tẩy nhưng lúc tưởng chừng thanh sạch nhất thì lại là lúc trở nên dị hình, dị dạng. Hình ảnh “cơ thể bầm đen” và “mọc ra những sợi lông vũ” phải chăng là tượng hình hóa của nỗi ám ảnh “Biến dạng” (tên một tác phẩm của F. Kafka), khi con người luôn đứng trước nguy cơ bị tha hóa, vật hóa? Một nghịch lý nhưng lại hoá có lý trong những đau đớn, mệt mỏi nhân sinh thường trực mà con người phải đối diện. Và để bản ngã con người tìm lại phần thanh sạch của mình “miệng tôi luôn chống lại quán tính của phần bầm đen trong nước đã ngập chìm.

Trong dự cảm đầy âu lo về cuộc đời của Mai Văn Phấn, mọi vật sẽ: “quay không thể dừng lại. Thùng rác quay mắc phải khung ảnh, quạt trần, dây điện thoại. Chiếc quần lót mắc kẹt giữa tủ bát đĩa và máy tập thể hình. Chổi cùn, bình diệt muỗi, đĩa CD chui vào tủ lạnh. Con cá tắt thở trên đường gần đến cửa sổ. Lũ chuột nhắt chết đuối bơi qua chảo mỡ. Bột giặt vừa quay vừa rắc lên hoa quả, dao thớt, bàn thờ. Bát nước chấm quay cùng bìa đậu phụ. Lọ tương ớt lao đi trong tư thế lộn ngược. Và kim giây quay chậm hơn hẳn kim giờ. Mọi người vừa quay vừa tỉnh dậy. Vẫn đủ thời gian uống nước và rửa mặt. Chọn cho mình một đồ vật bất kỳ. Và nhanh chóng đặt chân vào vạch Xuất phát.” (Quay theo mái nhà)

Đồ vật quay không thể dừng lại” không đơn thuần là câu kể. Nhiều người đọc sẽ cảm thấy, đây chính là một lời cảnh báo. Nếu không tự chủ, nếu không quyết đoán, nếu không mạnh mẽ, đến một lúc nào đó, anh sẽ thành đồ vật, thậm chí, một thứ phế thải. Và anh sẽ đánh mất nhiều thứ, kể cả chính anh.

Con người ngủ” với những giấc mơ, những ảo giác, ảo ảnh và “thế giới xô lệch”, đó là những hình tượng nổi bật trong thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn. Và đó cũng là cách mà nhà thơ lựa chọn để mô tả những “trạng thái đảo lộn và rạn vỡ của sự vật”, đồng thời qua đó, thể hiện đầy đủ “cảm thức hiện sinh của con người thời hiện đại, luôn hồi hộp và âu lo trước dòng đời luôn bộn bề, tất bật, trước những chấn động dữ dội của vũ trụ” và trước những cơn “gió lạnh lùa” của nhân sinh, thế sự. 






Chương 3

DẤU ẤN CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN,
NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN TỔ CHỨC LỜI THƠ
 



3.1. Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn thể hiện qua cách sử dụng 
ngôn ngữ

 

3.1.1. Từ, cụm từ

Mai Văn Phấn là một nhà thơ rất có ý thức trong việc sử dụng ngôn ngữ thơ để nhằm biểu thị ý tưởng nghệ thuật và xây dựng nên một không gian thơ riêng, độc đáo. Ngôn ngữ thơ ông khá gần gũi, giản dị, nhiều khi như lời nói thường. Trong một số trường hợp, chẳng hạn Đạo mạo, Hội chứng từ một tin đồn, Hải Phòng trước năm 2000, Cái miệng bất tử… ông còn sử dụng ngôn ngữ của đời thường, đôi khi khá thông tục, suồng sã, như một phương tiện để biểu hiện cuộc sống và mở rộng ranh giới sáng tạo. Song, dù giản dị, ngôn ngữ thơ ông vẫn cho thấy một sự cẩn trọng và kỹ lưỡng rất mực trong sự lựa chọn và tổ chức, sắp xếp. Cũng bởi vậy mà ngôn ngữ thơ ông có một sức mạnh và vẻ đẹp riêng.

Một đặc điểm dễ nhận thấy trong thơ Mai Văn Phấn, là ôngsử dụng khá nhiều các danh từ, các động từ với tần suất cao, nhưng hạn chế dùng tính từ. Đây là điểm khá biệt nếu ta so sánh sáng tác của tác giả này với sáng tác của các nhà Thơ mới lãng mạn. Trong thơ lãng mạn, các nhà thơ thường sử dụng nhiều tính từ, động từ để biểu thị những cung bậc tình cảm, cảm xúc, khiến người đọc cảm được tình cảm, chân thành và lãng mạn, bay bổng của cái tôi cá nhân. Hãy xem cách diễn tả vồ vập về thiên nhiên ở thì xuân sắc, một thiên nhiên rạo rực xuân tình của Xuân Diệu, nhà thơ được gọi là mới nhất trong các nhà thơ mới:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.

Mỗi sáng sớm thần Vui hằng  cửa; 

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây bay và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Cả non nước, cả cây và cỏ rạng

Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

(Vội vàng

Thế giới này được Xuân Diệu cảm nhận theo một cách riêng. Nó bày ra như một thiên đường trên mặt đất, như một bữa tiệc lớn của trần gian. Được cảm nhận bằng cả sự tinh vi nhất của một hồn yêu đầy ham muốn, nên sự sống cũng hiện ra như một thế giới đầy xuân tình. Cái thiên đường sắc hương đó hiện ra trong Vội vàng vừa như một mảnh vườn tình ái lại vừa như một người tình đầy đắm say. Màu sắc cảm xúc trữ tình có được là bởi tác giả không ngần ngại gia tăng các tính từ, động từ làm định ngữ mô tả sự vật trong thơ.

Thơ Mai Văn Phấn gần như ngược lại. Hướng về mục tiêu mô tả và nhận thức đời sống trong bề sâu bề xa của nó, thơ ông (nhất là ở giai đoạn sáng tác về sau) thường hạn chế sự xuất hiện trực tiếp cái tôi trữ tình trên bề mặt tác phẩm. Được đẩy lên bình diện thứ nhất của văn bản thơ Mai Văn Phấn không phải là cái tôi trữ tình cá nhân nồng nàn như trong thơ lãng mạn mà là thế giới hình tượng được mô tả, tái hiện. Thơ ông là sự chắt lọc hiện thực bằng ngôn ngữ đời thường, cảm xúc được giảm trừ tối đa. Ở đó, người đọc có thể thấy được ấm vỡ, vỏ lon beer, máy điện thoại, quang gánh, ruộng đồng, con gián, đống mạt cưa, xác chết nửa dơi nửa chuột… bước hồn nhiên vào trang thơ Mai Văn Phấn và tỏa nồng hương vị riêng. Đó là hình ảnh trung thực của hiện thực về đủ mọi lĩnh vực đến từng ngóc ngách của đời sống, kể cả những hành vi nhếch nhác vốn được giấu kín trong bộ nhớ được tác giả nhìn từ tâm tưởng.

Do đó, nhà thơ thường dùng danh từ và động từ như thứ công cụ hữu hiệu để thực hiện sứ mệnh của thơ kể chuyện, suy tưởng. Sau đây chúng tôi sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một số ví dụ để phân tích cụ thể hơn về vấn đề vừa nêu: 

*

Hôn em hút hết bóng đêm

Vừa nứt trái cây chín rục

Cây trúc cây tre thêm đốt

Đống lửa bùng lên bởi những que cời

Một con còng trước bình minh lột xác

 

Giữa em là anh

một con hoẵng vừa sinh trên cỏ ướt

một bát nước ngùn ngụt bốc hơi

một thế giới đang vội vàng hoàn hảo

*

Vươn thẳng

Tán cây quang hợp mặt trời

Lá chồng lên nhau hoan hỉ

Bật dậy thở chung dòng nhựa

Máu từ đất đai chạy qua bàn chân

(Nhịp VI - Hình đám cỏ)

Biển nội giới rực lên

hát trong trơ trụi, thất lạc, bung rã

cây đông nhựa

thân xác không kháng thể

yên lặng chết

Tất cả không sợ chết

Phấn hoa rối tung trộn xác bướm ong

Tròng mắt nổ bên ngoài mắt kính

Lưỡi thiếu nữ ngủ trong hàm răng giả

Nụ hôn quay về truy nã khoảng không

Miệng khô đắng tiếng cười sặc nước

(Được quyền nghĩ những điều đã ước)

Trong hơi ẩm nồng nàn

Hạt nắng chảy vào em

Mùa nước về rạng rỡ

Con ong rạch đường bay

Gió lên thẳng đứng

Cây cao vươn bóng anh

Chim bồ câu ra ràng

Sương đêm côn trùng tỉnh dậy

Lũ nấm rơm mở mắt

Trùm lên non nớt xanh

(Giai điệu xuân)

Ngựa hoang tung vó trên thảo nguyên

kéo mây làm gió, sấm chớp

nước từ đáy sâu trào lên mặt đất

dồn thành ao chuôm thành hồ nước lớn

cuộn chảy vào sông suối, vào cơ thể

dâng lên ngực, lên đỉnh tóc anh

Biến anh thành bó đuốc, que diêm, sáp nến...

(Những bông hoa mùa thu)

Căn cứ vào chức năng từ loại, thống kê, chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện danh từ, tính từ, động từ như sau:

Ở Nhịp VI - Hình đám cỏ, tác giả dùng 37 từ, cụm từ và tần số danh từ, tính từ, động từ là: 21/37, 13/37, 3/37.

Trong đoạn thơ Giai điệu xuân, người đọc thấy được 12 lần sử dụng danh từ, 9 động từ và 4 tính từ trên tổng thể 25 từ và cụm từ.

Từ phần trích trong Được quyền nghĩ những điều đã ước, tác giả dùng 37 từ và cụm từ, trong đó có tần suất sử dụng là 16danh từ, 13 động từ, 3 tính từ.

Ở đoạn thơ trong Những bông hoa mùa thu  có 36 từ, cụm từ và tỉ lệ tương ứng như trên là: 18/36, 7/36, 2/36.

Như vậy, qua một số ví dụ trên, có thể thấy trong thơ Mai Văn Phấn tần số xuất hiện cao nhất thuộc về danh từ. Tính từ xuất hiện rất ít. Hiện tượng tính từ bị giảm thiểu, danh từ, động từ lên ngôi tức là làm hạn chế sức biểu lộ cảm xúc trực tiếp của thơ. Hiện diện trong thơ Mai Văn Phấn, do đó, là một thế giới tự thân, tồn tại (dường như) khách quan. Đó là một thế giới được xây dựng bởi những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống, của thiên nhiên quanh ta: cây trúc, cây tre, con còng, cây, lá, đất đai, trái cây, con còng, con hoẵng, thảo nguyên, mây gió, sấm, chớp, ao chuôm, sông suối, hồ...nhưng đồng thời còn là một thế giới của những điều bí ẩn, mơ hồn, huyền hoặc. Nó có tiếng nói riêng, sự sống riêng và độc giả, nếu muốn “giao tiếp” với nó, cũng phải học thứ “ngôn ngữ” của nó. Giãi bày xúc cảm dường như không phải là cái đích chính của tác giả. Trong thơ ông, cái đích nhận thức dường như cao hơn cái đích giãy bày, thổ lộ xúc cảm. Sự “tiết chế” có dụng ý ấy thể hiện ngay trên một phương diện nghệ thuật cụ thể - cách sử dụng từ loại mà chúng tôi vừa phân tích ở trên.

Có thể nói trong thơ Mai Văn Phấn, hệ thống danh từ và động từ trở thành người cộng sự đắc lực trong việc trợ giúp nhà thơ dựng cảnh, kể chuyện. Dường như nhà thơ không chỉ muốn mô tả đời sống mà còn muốn cắt nghĩa chúng bằng những suy tư rất riêng của mình. Đây là một trong những khởi đầu cho một hành trình kiếm tìm, đấu tranh và “vượt thoát”, để đi tới cái đẹp đích thực theo quan niệm của nhà thơ.

 

3.1.2. Các biện pháp tu từ


3.1.2.1. So sánh

Theo tác giả Đinh Trọng Lạc, “so sánh (còn gọi so sánh hình ảnh, so sánh  tu từ) là một biện pháp tu từ ngữ nghĩa, trong đó, người ta đối chiếu hai đối tượng khác loại của thực tế khách quan không đồng nhất với nhau hoàn toàn mà chỉ có một nét giống nhau nào đó, nhằm diễn tả một lối tri giác mới mẻ về đối tượng” [20, 154].  Điều này rất dễ nhìn thấy qua bất kì một tác phẩm thơ ca nào, mà dấu hiện đơn giản nhất chính là dùng từ ngữ đặc trưng của so sánh (như, bao nhiêu – bấy nhiêu, là), như: “Đôi ta làm bạn thong dong/Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng” (ca dao), “Anh với em như một cặp vần (Xuân Diệu).

Tuy nhiên, trong thơ siêu thực, so sánh là phương thức đơn giản và ấn tượng nhất để phản ánh hiện thực, và nhờ đó giúp nhận thức một hiện thực sâu xa hơn. Cũng như nhiều cây bút chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực, Mai Văn Phấn thường dùng những hình ảnh so sánh vô cùng mới lạ, độc đáo, thể hiện một cách nhìn, một cách tư duy mới về thế giới.

Theo khảo sát của chúng tôi, trong tập Vừa sinh ra ở đó, số lần sử dụng hình thức so sánh là 15 lần/18 bài (trong đó, phần nhiều nằm ở hai bài thơ Tỉnh dậy trong mưa và Tĩnh lặng), trong hoa giấu mặt là 2 lần/99 bài, ở Bầu trời không mái cheđược sử dụng 9 lần/ 20 bài, và đột nhiên gió thổi là 11 lần /27 bài,  tập thơ Hôm sau có 6 lần/ 27 bài có sử dụng biện pháp so sánh. Tổng số lần sử dụng hình thức so sánh được kể qua một vài tập thơ nêu trên là 43lần/191 bài thơ. Có thể kể một vài chi tiết trong một số bài như Tĩnh lặng, Giấc mơ cây, Buông tay cho trời rạng, Ở những đỉnh cột, Cửa Mẫu...“Buông anh như gieo hạt”, “Suốt giấc mơ hoa không héo/ Gần sáng cánh như co lại/Thành nụ”, “Kìa một… hai… cánh hoa vừa rụng/ Chạm vào mặt đất như có tiếng kêu”, “Em vẫn mơ canh giữ con thuyền/ Thức dậy đổ đầy trăng vào nắng sớm”, “Sự sống ra đời như ta khát khao vùi lưỡi mềm vào thân thể nhau, như trời rộng ùa xuống chật căng mầm hạt”, “Tôi giẫy giụa tựa mảnh vải quẫy trong gió mạnh”, “Như bao muông thú/ Tôi lớn bằng giấc mơ”, “Như trườn qua cơn chạng vạng/ Rút dần cơ thể khỏi lớp vỏ bọc/ Con hớp những giọt sương”...

Trong thơ Mai Văn Phấn, hình tượng so sánh cụ thể thường xuất hiện ở những giai đoạn thơ trước, nhất là từ trước năm 2000 với lối thơ còn mang chút lãng mạn, bay bổng. Với những thi phẩm sau này, nhà thơ có nhiều tìm tòi đổi mới thi pháp, nhất là trong chọn lựa các biện pháp tu từ. Ở so sánh, ông  đặc biệt chú ý lối so sánh ngầm nhằm tăng cường sức mạnh của sức biểu hiện. Có khi tác giả còn bỏ ngỏ, để trống đối tượng so sánh và được so sánh. Thậm chí chính giữa những câu chữ nhiều khi đã lược bỏ những quan hệ từ để người đọc tự đặt vào đấy những từ ngữ thích hợp nhất theo ý riêng.

Chẳng hạn trong một đoạn bài thơ Tĩnh lặng, người đọc có thể điền trống:

Nét chữ (như, là, giống, đầy, chứa...) nhịp thở

Bàn tay (như, đã, đang, vừa, còn, rồi, sẽ, sắp, mới, phải...) lật lên

Nét tóc cứng

Da vàng

Có thể thấy, với mỗi chữ thêm vào người đọc sẽ dễ hơn trong hiểu và cảm thơ nhưng sẽ mất đi nghĩa mơ hồ nhoè ào theo ý đồ riêng của tác giả. So sánh kiểu Mai Văn Phấn còn gọi là so sánh chìm, tạo trường liên tưởng độc đáo, kích thích sự làm việc của trí tuệ để nhận ra những thông điệp thơ ông. Sau đây là một ví dụ khác:

Trăng tỏa mềm đất rộng. Mặt đất lặng thinh dưới sức mạnh trăng. Như những lằn roi ngựa hằn lên vai, quất mạnh xuống lưng anh. Gió.

Gió tung bờm đột ngột

tiếng vó anh khua vào xa tít

(Nhìn anh)

Ta có cảm giác như được lạc vào một vùng đất lạ. Nơi đó,"anh" và trăng, mặt đất, gió... hoà cùng làm một. Từng chuyển động tinh vi của cuộc sống được thu hết trong thủ pháp so sánh : Gió như những lằn roi ngựa, gió như “hằn lên vai”, như“quất mạnh xuống lưng”, “tung bờm” về phía xa tít dưới sự điểu khiển của trăng. Một so sánh gợi liên tưởng quá đặc biệt dẫu hình ảnh thơ cũng khá gần gũi, dễ hiểu.

Trong thơ Mai Văn Phấn, so sánh xuất hiện không chỉ nhằm thấy "sự tương đồng của hai đối tượng vốn rất xa nhau" mà thực chất muốn nêu lên một cách tri giác mới mẻ, hoàn chỉnh về đối tượng trên nhiều hướng tìm. Điều này khiến thế giới nghệ thuật thơ ông vừa giản dị, gần gũi, song đầy lạ lùng, biến ảo và đa tầng nghĩa.  

3.1.2.2. Ẩn dụ

Mai Văn Phấn thường đưa vào thơ mình những hình ảnh quen thuộc với đời sống nhưng được tổ chức theo một cách hoàn toàn khác. Điều này giúp ông chuyển tải những cảm giác và ý tưởng mới, lạ. Một trong những cách tổ chức ngôn ngữ hiệu quả đó là tu từ ẩn dụ.

Theo định nghĩa của Đinh Trọng Lạc, ẩn dụ “là sự định danh thứ hai, mang ý nghĩa hình tượng, dựa trên sự tương đồng hay giống nhau (có tính chất hiện thực hoặc tưởng tượng giữa khách thể A được định danh với khách thể B có tên gọi được chuyển sang dùng cho A” [20,52]. Từ đó, tác giả cũng dựa vào từ loại và chức năng của từ ẩn dụ để chia chúng thành ba loại: Ẩn dụ định danh, ẩn dụ nhận thức và ẩn dụ hình tượng. Khi đứng trên những đặc điểm ngữ nghĩa, ẩn dụ lại được chia thành “ẩn dụ của ngôn ngữ với hình ảnh đã bị phai mờ” và “ẩn dụ của lời nói với hình ảnh còn tươi tắn, được xây dựng từ văn cảnh cụ thể, bao giờ cũng gắn với nó” [20, 55]. Tác giả Phan Cảnh cũng nói: “Năng lực mã hoá các đơn vị ngôn ngữ của ẩn dụ là to lớn đến mức tác giả dễ dàng vượt giới hạn các câu ngữ pháp”[5, 86]. Điều này lí giải vì sao nhiều nhà thơ, trong đó có Mai Văn Phấn, rất thành công trong việc tạo mối liên tưởng dày đặc trong thơ, giúp thế giới nghệ thuật trở nên đa tầng bậc và đa nghĩa.

Trên thực tế, trong thơ Mai Văn Phấn, ẩn dụ có mặt dày khít, ngay cả trong tiêu đề: Tôi với mọi người, Nỗi đau phát sáng, Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Nghe tin bạn bị mất trộm, ghi ở Vạn lý Trường Thành, Hội chứng từ một tin đồn, Phía trước bàn chân, mũi tên bóng tối, Dối thoại với thời gian, Im trôi, Cấu trúc tạm thời, Những ý nghĩ không sắp đặt, dàn ý, Mười bài tập mùa xuân, Phía sau ánh sáng, Dấu vết bình minh, Biến tấu con quạ ... mà có lúc những ẩn ý giấu đằng sau bài thơ cũng không thể “cụ thể hoá”, nói theo cách của Inrasara là “không biết đường nào mà lần” (!). Và thậm chí rất khó để thống kê bởi trong 346 bài thơ được khảo sát thì cũng có ít nhất 346 lần sử dụng hình ảnh ẩn dụ. Các ẩn dụ này hàm chứa thông tin mang ý khái quát, tượng trưng cao. Đó cũng là cách nhà thơ thể hiện những tìm tòi sáng tạo của riêng mình. Vậy nên ngay những hình ảnh biểu tượng quen thuộc như trời, đất, nước, mây, trăng, bình minh, bóng tối, cỏ, tiếng chuông... khi vào thơ Mai Văn Phấn, cũng đã được "cấp" thêm những ý nghĩa mới.

Phổ biến trong thơ Mai Văn Phấn là kiểu ẩn dụ tượng trưng. Ẩn dụ tượng trưng được hiểu là "là sự kết hợp của một khái niệm trừu tượng và một khái niệm về cảm giác… Ẩn dụ tượng trưng là một đặc điểm của ngôn ngữ thơ. Nó trở thành một phương tiện tu từ đắc lực trong việc bộc lộ tâm hồn sâu kín qua cái cảm quan kỳ diệu" [20, 59].  Chẳng hạn, khi ông viết: “Lỡ vin vào bóng mây qua/ Lỡ nghe đắm đuối tiếng ma gọi đò” (Gom nhặt cuối mùa) thì “vin vào bóng mây qua” là ẩn dụ về cái khoảnh khắc, cái nổi trôi biến đổi không ngừng qua từng khoảnh khắc của cuộc đời mà chỉ có thể đặt trong mạch văn thì nghĩa thực mới được cảm nhận. Ẩn dụ tượng trưng giúp mở rộng và đẩy xa hơn phạm vi liên tưởng, tưởng tượng. Ví dụ, khi diễn tả phút sinh nở của người mẹ: “Mặt đất vừa qua phút lâm bồnAnh về hụt bước trước hoàng hônChân trời phía ấy vừa se lạiChiều rỗng mặc kim chỉ gió luồn” (Nghe tin em sinh con)… Người đọc có thể cảm được “mặt đất”, “chân trời phía ấy” là hình ảnh thay thế gợi nghĩ đến người mẹ, thân thể đau đớn của người mẹ rứt ruột sinh con. Đây cũng là một hình ảnh mà sau này sẽ xuất hiện với một ý nghĩa biểu tượng trùng phức hơn trong Cửa mẫu:  Đặt con lên đất/ Lòng sông đau xé thân đêm (Cửa Mẫu - II). Ẩn dụ cũng giúp nhà thơ khái quát những hiện thực đời sống đầy mâu thuẫn, nghịch lý một cách nhạy bén và ấn tượng. Chẳng hạn:

Trong thùng rác có bộ xương cá

bị rỉa hết thịt trong tư thế đang bơi

cạnh chiếc thớt dọc ngang vết máu

loại thớt dùng một lần.

Những thi ảnh đầy tính siêu thực này thực chất là một ẩn dụ, đấy cũng là cảnh báo về một xã hội đầy nghịch lý, nơi dơ bẩn nhất chính là nơi trong sạch nhất và ngược lại. Bản chất xấu xa, đen tối đã được che giấu bằng vỏ ngoài “đạo mạo”, bị phủi sạch thói đạo đức giả và che đậy bằng những hào quang giả dối:

Nắp thùng rác có dòng chữ in sẵn:

“Ở đây không ô nhiễm. Xin bạn yên tâm!"

Sử dụng ẩn dụ tượng trưng, Mai Văn Phấn rất chú trọng sự chuyển đổi và tương giao cảm giác nhằm “tổng hoà các giác quan của sự tương hợp bên trong để đi sâu vào bản chất của sự vật và nắm bắt linh hồn của nó ”[70]. Điều này dễ khiến ta liên tưởng đến những tìm tòi của thơ Thanh Thảo giai đoạn sau 1975. Chẳng hạn Thanh Thảo miêu tả âm thanh tiếng đàn bằng những hình ảnh đẹp, giàu màu sắc, hình khối đến đường nét ở Đàn ghi - ta của Lor-ca“Những tiếng đàn bọt nước”, “tiếng ghi ta nâu”, “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy”, “tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan”,  tiếng ghi ta ròng ròng/ máu chảy”, “tiếng đàn như cỏ mọc hoang”... Tiếng đàn nhưng gợi liên tưởng đến số phận, đến tâm, đến hồn, đến tình yêu và khát vọng cũng như thái độ của người sau đối với Lor - ca. Đây là cái hay của ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Trong tinh thần sáng tạo đổi mới, Thanh Thảo quan niệm rằng hiện thực là cái nằm sau hiện thực có tính siêu nghiệm. Và “sự hòa trộn vi tế giữa âm thanh, hình ảnh, màu sắc, mùi vị và hương thơm có tác dụng đánh thức những mối liên tưởng xa xôi nằm sâu trong vùng mờ của ký ức” [70].

Trong thơ Mai Văn Phấn xuất hiện rất phổ biến những ẩn dụ chuyển đổi cảm giác như vậy. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, thơ ông vẫn là những cảm giác tu từ hơn là cảm giác trực giác - siêu thực - tâm linh như sau này. Điều này có thể thấy khá rõ trong Bài ca buổi sớm, Thu đến, Đỉnh gió, Vườn em, Nỗi đau phát sáng,... là những bài thơ ít nhiều sử dụng lối chuyển đổi cảm giác. Có thể kể đến một số hình ảnh và chi tiết như: “Nỗi đau phát sáng”, “Nỗi cô đơn hình lục giác”, “Cà phê đằm vào da thịt”, “Sự im lặng vang lên những âm thanh kì lạ”, “Miếng khô đắng tiếng cười sặc nước”, “Bao bình minh sinh ra có hình bọc trứng”, “Ta nhận biết mình trong tiếng chim mê ngủ”, “Tiếng vạc chưa tan vào nước”, “Rồi mùa đông em phủ lá vàng lên mặt/ Nỗi ưu phiền mục ra trong lấm chấm mưa xuân”…

Trong thực tế, khi sáng tác, ngòi bút Mai Văn Phấn đặc biệt chú ý tới “những trạng thái dịch chuyển mơ hồ, những phức hợp cảm giác mong manh, sự tương giao lạ lùng giữa hình ảnh, âm thanh, đường nét, sắc màu…” [57] hơn là việc chuyên chú khai thác mạch tương giao cảm giác đơn thuần. Tức là nhà thơ không sử dụng chọn lọc sự chuyển đổi các giác quan thông thường mà ông thường dùng hình ảnh phối kết âm thanh, màu sắc để tạo nên trong tâm thức người đọc những cảm giác về cái đẹp huyền ảo, tươi mới; về những dự cảm bất an trước con người, cuộc đời, về mối quan hệ và tình yêu của con người với thiên nhiên, vũ trụ.

Trong Ghi ở Vạn Lý Trường Thành, những cảm xúc được gợi lên từ hình ảnh của “mây”, đôi mắt “nhoè” của “cát” và hơi thở nhọc mệt khiến người ta liên tưởng đến con người, số phận con người, trách nhiệm con người với bao thử thách:

Mây xếp lên vai từng tảng đá nặng

nhòe mắt cát

thở đầy ngực cát

Và hành động đẩy nắng, đẩy gió để đến với hoa còn mở thêm những hướng nghĩ về bổn phận của những người tạo nên kì quan thế giới, trong đó có cả những người nghệ sĩ như Mai Văn Phấn:

Còng lưng đẩy nắng đi

Chồn chân đẩy gió đi

Miễn sao gần được bông hoa

đang mởn mơ trong gió lớn.

Hoặc, những mối tương giao giữa trời đất vũ trụ, thiên nhiên và con người quyện hoà khăng khít được người đọc trải nghiệm qua những vần thơ trong trẻo, ngập hương sắc của tình yêu đôi lứa:

Rừng nụ chờ em bước đến mới nở, điệp trùng hoa trắng lan nhanh.

Anh là cây mận trắng trong mưa xuân se lạnh, càng quay quắt nhớ hoa càng trắng muốt. Mắt nhìn, hơi thở rung rinh. Vầng hoa đang rụng bớt những cánh mỏng.

Mùa hoa lộng lẫy đến nghẹn thở. Em đi đừng e ngại làm đau mặt đất, dù những cánh hoa mong manh sẽ rụng.

Đồi núi úp lên nhau cho hoa nở. Hơi lạnh và gió nhẹ phủ đều. Anh hình dung con ngựa bạch đến bên em hiền từ cúi xuống.

Cứ mùa này đường đất mùa xuân, ta còn yêu nhau hoa còn nở.

(Mùa hoa mận)

Hình ảnh trong như sương, hơi thở thiên nhiên ngọt lành như nước, những cánh hoa trắng trong, thanh mát, mong manh mà lộng lẫy như em, như anh, như tình yêu. Cảnh và tình thẩm thấu, chan hòa.

Trong thơ ông về sau, những ẩn dụ tượng trưng này còn được sử dụng để xây dựng nên những biểu tượng mang tính phổ quát về nhân sinh và vũ trụ. Những hình ảnh thiên nhiêntĩnh lặng này chính là sự ám gợi trạng thái tĩnh lặng tinh thần của con người:

Nước đọng dưới chân núi

Một viên cuội nằm trên phiến đá cao

Không chớp mắt trong tinh khôi, yên tĩnh

Đây là ước vọng rủ sạch những tạp chất và bước vào nội tâm bằng một trạng thái tinh thần an lành, thuần khiết. Trong khát khao trở về hài hòa với bản nguyên tinh thần đó, nhà thơ khẳng định: “Đúng, rất đúng/ Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó”. Cách nhận thức, mô tả con người trong sự tương giao, hòa hợp với thiên nhiên này giúp nhà thơ mở rộng hơn cánh cửa đến với hiện đại từ truyền thống và “trầm tích thành truyền thống”.

Đọc thơ Mai Văn Phấn, người đọc như đi thám hiểm rừng sâu của những hình ảnh - biểu tượng. Và ẩn dụ tượng trưng là một trong những biện pháp tạo nên hệ thống biểu tượng trùng phức, giàu sức gợi này.


 

3.2. Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn thể hiện qua bút pháp tạo hình

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, "bút pháp" được hiểu là "cách thức hành văn, dùng chữ, bố cục, cách sử dụng các phương tiện biểu hiện để tạo thành một hình thức nghệ thuật nào đó” [12, 29]. Đặc trưng bút pháp tạo hình trong thơ Mai Văn Phấn được thể hiện khá rõ trên hai phương diện: cách lựa chọn chất liệu và cách tạo hình. 


 

3.2.1. Các chất liệu tạo hình

Ngôn ngữ là chất liệu để nhà thơ gia công thành những sản phẩm thơ ưng ý bởi “thơ là tinh hoa tối cao của ngôn từ” (Gamawa), “thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mỹ của nó” (Jacobson). Ngôn ngữ trong thơ Mai Văn Phấn thường mang yếu tố hàm ngôn, giàu sức gợi hay nói cách khác, người sáng tác thường kết hợp một cách sáng tạo các từ ở những trường ngữ nghĩa khác nhau làm nên vẻ đẹp mới lạ. Những hình ảnh, biểu tượng cuộc sống đời thường là chất liệu tạo hình mang dấu ấn thi pháp Mai Văn Phấn. Nguyễn Đức Hạnh nhận định: “Mỗi bài thơ của Mai Văn Phấn là một ngôi nhà, các biểu tượng là vật liệu. Cách kết nối các biểu tượng ấy theo logic “nhảy cóc, liên tưởng xa và lạ” đã tạo ra một thế giới vừa quen vừa lạ, đặc biệt rất độc đáo” [32, 316]. 

Trước hết, về mặt chất liệu, nhà thơ thường chọn những chi tiết, hình ảnh mang tính tả thực. Những bông hoa mùa thu, Nét quê, Nghe em trong điện thoại, Hình đám cỏ, Cửa Mẫu…với hình ảnh quang gánh, đồng ruộng, xe cộ đến bát canh, miếng mộc nhĩ, nồi nước hầm, cánh cò, cầu ao… đều là những chi tiết tả thực. Thơ Mai Văn Phấn cũng không thiếu cảnh đời sống sinh hoạt dân giã : Đang tắm dở, Bát cơm, quả trứng/ Người chết không ăn/ Nhường giun dế,  Cỏ trên mộ cha, Con ếch lơ láo/ Nhìn tôi , Con chuột và tôi/ Băng qua  đường… Thơ ông cũng tràn ngập những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc và gần gũi: “Thương lắm dấu chân gốc rạ /giếng sâu, sông ngòi, ao chuôm ” , nơi có “ rau xanh, cá quẫy/ Cắn miếng dứa thơm, núi cam ngọt/ từng giọt rơi xuống đất nâu” (Từ nhà mình)… Bằng những chi tiết tả thực, Mai Văn Phấn đã thực sự khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên và tâm hồn con người, hình ảnh cuộc đời một cách sâu sắc và bất ngờ, hấp dẫn và thú vị.

Tuy nhiên, thơ Mai Văn Phấn còn được tạo hình bằng những chi tiết, hình ảnh tưởng tượng, giàu tính siêu thực. Tự thú trước cánh đồng, Bài hát mùa màng, Gió thổi,Tắm đầu năm;  Những bông hoa mùa thu, Để nhận ra anh, Đỉnh gió, Mùa trăng, Hình đám cỏ, Ngậm em trong miệng, Tỉnh dậy trong mưa, Buông tay cho trời rạng, Giấc mơ cây… đều là những thi phẩm chứa những chi tiết, hình ảnh hết sức phi thực, lạ lùng.

Tắm đầu năm là một minh chứng. Xưa nay, người ta ý thức, tắm là một hành động làm sạch cơ thể, tắm vào ngày cuối cùng của năm mang ý nghĩa đẹp hơn. Đó là hành động “tổng kết” cơ thể cuối năm, loại bỏ tạp chất trên người để con người “sạch” nhất vào năm mới như lời chào đón “vạn sự như ý”. Nhưng Mai Văn Phấn lại tắm vào dịp đầu năm và bằng ngọn đèn, chứa đầy ánh sáng, càng lúc càng tỏ, xối sâu vào “tận lò thúc mầm”:

xối ánh sáng vào từng góc khuất

góc khuất như lò thúc mầm

như thép nóng đem tôi vào nước

như quả trứng trong ổ đang ấp

rễ thân cành đã chiết đâm ngang

tắm gội cho mùa xuân về

vừa lặn vào ánh sáng

vừa gọi thầm ông bà, cha mẹ

cơ thể bốc cao về phía ngọn đèn

vừa xối mạnh vừa gọi tên em

ánh sáng bồng bềnh bụng mang dạ chửa

thử gọi một ai xa lắc xa lơ

ngọn đèn lặng phắc càng tỏ

càng tỏ

Người đọc có thể cảm thấy thứ ánh sáng đang được dội khắp ngõ ngách cơ thể ấy chính là “nước thánh”, để thanh lọc bụi bẩn cuộc đời, tẩy rửa những ố hoen tâm hồn, để con người hướng về những tình cảm đơn thuần nhất giữa người với người, để đón mùa xuân của đất trời, và đón chào cả mùa xuân tâm hồn của chính mình sau nghi lễ “rửa tội” đầy thiêng liêng, thành kính.

Ngậm em trong miệng cũng là một bài thơ được kiến tạo bởi rất nhiều chất liệu, vật liệu siêu thực như vậy :

Luôn tin có em trong miệng anh

Nơi không có chiến tranh, dịch hạch

Mũi tên bắn lén tẩm độc

Thị phi, cạm bẫy, lọc lừa

Lối em đi không còn gai nhọn

Bão tràn qua anh dựng tường ngăn

Bình yên trong miệng anh

Em thúc nhẹ bờ vai

Vòm ngực ngón chân vào má

Huyên thuyên và hát thầm

Hồn nhiên cho lưỡi và răng anh chạm vào cơ thể

Anh là con cá giàn giụa trăng

Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động

“Miệng anh” là một "vật liệu" mô tả cụ thể, của đời thực nhưng lại là yếu tố tạo nên một không gian siêu thực bởi đấy là một khuôn “miệng giàn giụa trăng”. Cái cấu trúc ngôn từ, hình ảnh này vừa rất thực (gợi nhớ hình ảnh " bậc thềm giàn giụa trăng mỗi tối" trong thơ Dương Kiều Minh), song đồng thời cũng đầy hư ảo (nó gợi nhớ những câu thơ điên cuồng và đắm say của Hàn Mặc Tử : Cả miệng ta trăng là trăng/ Cả lòng ta vô số gái hồng nhan…). Ở đây, Em chính là tượng trưng cho Cái đẹp của tình yêu, cuộc đời và của lý tưởng thi ca. Bởi vậy, khi có Em, Con - cá - anh  không ngần ngại "từ bỏ bầy đàn quẫy vào biển động". Đấy quả là những thi ảnh tuyệt đẹp.


 

3.2.2. Các biện pháp tạo hình

3.2.2.1. Tạo hình bằng cách sử dụng thủ pháp phân mảnh, lắp ghép

“Phân mảnh” là cách nhìn nhận, mô tả sự vật, hiện tượng trong sự chia biệt, tách rời, như những “mảnh rời” ngẫu nhiên, bất thường của đời sống. “Lắp ghép, cắt dán” cách mô tả sự vật theo kiểu xếp đặt, “lắp ghép” ngẫu nhiên các sự vật, hiện tượng, như là “lộn xộn”, bất tuân trật tự bình thường, phi logic thông thường. Phân mảnh và lắp ghép thường được kết hợp trong bút pháp tạo hình của Mai Văn Phấn, thể hiện một cách nhìn riêng của nhà thơ về con người và đời sống. Thế giới, qua “con mắt nghiêng” đó, cũng hiện lên một cách rời rạc, bất toàn, phi tuyến tính, phi logic, song vẫn hiển hiện chất thơ theo cách nào đó. Đó là một thế giới đậm tính huyền ảo, siêu thực.

Ta có thể thấy rất rõ cách tạo hình này trong nhiều tác phẩm viết vào giai đoạn sau của Mai Văn Phấn, chẳng hạn Vách nước, Hôm sau, Bầu trời không mái che… Bài thơ Anh tôiđược viết theo cách trên, như một truyện siêu ngắn, với các biểu tượng xuất hiện trong nó thật lộn xộn, phi logic nếu nhìn theo cách hiểu quen thuộc:

Lúc gần đất xa trời, anh nhờ tôi giữ hộ ký ức. Anh dặn đây là dữ liệu quý. Nhưng kho ký ức tôi đã đầy ứ, cả mốc meo, thối rữa. Tôi khuyên anh nên vẽ tranh hoặc viết sách. Nhưng anh đâu phải nhà văn, hoạ sỹ. Tôi nêu nhiều giải pháp khác: cắt rời, khởi động lại, thu nhỏ, dừng đột ngột, ninh nhừ, nghiền thành bụi...

Anh nhìn tôi buồn lắm!

Tôi nhìn nước sông thay màu lướt qua bờ cỏ rũ rượi. Phù sa láng mịn. Trăng mọc sớm, thơ ngây và thoảng mùi rơm rạ. Nhớ người yêu vô cùng.


Anh nhìn tôi buồn lắm!


Chiếc áo vừa giặt nhàu nhĩ, nước lặng lẽ bốc hơi tôi đâu có biết. Rồi những sợi vải mỏng manh lại phẳng phiu dưới bàn là nóng bỏng. Giặt–là, giặt–là... Đời sống đôi khi giống quả lắc chiếc đồng hồ quá cũ. Tôi tập nghĩ vẩn vơ để có thể nghĩ tiếp.

Anh nhìn tôi buồn lắm!

Anh chờ tôi rửa tay. Vòi nước xối mạnh, rất sạch, mát mẻ vô cùng. Thương anh. Tôi nhìn bọt xà phòng ngầu lên trên da trơn ướt thật dễ chịu.

Câu chuyện về người anh nhân vật nhờ tôi giữ hộ ký ức đã là một phi lý. Nhân vật “tôi” 4 lần từ chối kèm khuyên anh lên vẽ tranh hoặc viết sách, không thì cắt rồi, khởi động lại, thu nhỏ, dừng đột ngột, ninh nhừ, nghiền thành bụi… và ba lần xót xa “Anh nhìn tôi buồn lắm” cũng đầy phi lý. Khổ kết bài thơ còn bất thường hơn: “Anh chờ tôi rửa tay” còn “tôi” thương anh và “nhìn bọt xà phòng ngầu lên trên da trơn ướt thật dễ chịu”. VớiAnh tôi, người đọc thấy được quá khứ không thể níu giữ, thời gian không thể nắm bắt và nỗi cô đơn của mỗi người là không thể trao gửi. 

Bài thơ Nếu là một ví dụ khác.

Tôi ngủ trên giường

Con chó dưới sàn

cách tôi ba mét bảy mươi lăm xăng-ti.

Sau này vợ tôi đo và bảo thế.

Trời bắt đầu mưa

Chúng tôi bắt đầu mơ.

Con chó mơ:

      thức dậy trong nắng sớm

      quen hơi những khách qua đường

      không cần xồ ra và sủa giận dữ

      không bị khinh rẻ đánh đập

      thức ăn quen đã bày

Tôi mơ:

      đêm ngủ không cần khoá cửa

      ra đường chẳng ai lừa mình

      họ nghĩ sao nói vậy

      thoáng món ăn ngon và nắng đẹp

Thật tội nghiệp con chó!

Nước mắt làm tôi tỉnh dậy

Nỗi đau cuộn sóng bạc đầu.

Nếu đêm qua không có cơn mưa?

Nếu tôi không ngủ trên giường?

Nếu không phải khoảng cách ba mét bảy mươi lăm xăng-ti?

Trong bài thơ, hiện diện một hệ thống hình ảnh mà thoạt nhìn không có bất kì mối liên hệ nào: con chó, ba mét bảy mươi lăm xăng - ti, mưa và mơ. Các biểu tượng ấy phải nhìn bằng sự liên tưởng “nhảy cóc”: Người mơ giấc mơ của người, chó mơ giấc mơ của chó, và khoảng cách là ba mét bảy mươi lăm xăng - ti - một khoảng cách là cố định, bất biến không thể thay đổi. Khuất sau những hình ảnh “vụn rạn, sủi bọt” phảng phất sắc thái u mua, giễu cợt ấy là nỗi đau thân phận đọng lại trong một thế giới phi nhân, đang trở nên méo mó, tha hóa.

Ghi ở Vạn lý Trường Thành, một bài thơ xuất sắc khác của Mai Văn Phấn cũng được “tạo hình” theo kiểu lắp ghép hình ảnh:

Mây xếp lên vai từng tảng đá nặng

nhòe mắt cát

thở đầy ngực cát

 

Vạn lý Trường Thành còn xây dở?

Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ

Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ

đánh hộc máu mồm

Khâm thử!

 

Ngước lên gặp một khuôn mặt bì bì

tay lạnh, mắt chì, giọng mỡ

Mái Phong hỏa đài màu huyết dụ

hình thanh long đao dính máu đang kề cổ

 

Còng lưng đẩy nắng đi

Chồn chân đẩy gió đi

Miễn sao gần được bông hoa

đang mởn mơ trong gió lớn.

 

Tâu Hoàng thượng/ thưa ngài/ báo cáo đồng chí....

Bỉ chức/ thảo dân/ em…

sẽ làm trọn bổn phận

  

Đây là đỉnh trời

hay đáy vực sâu

chỉ thấy trên lưng lằn roi bỏng rát

Mồ hôi du khách trên đá xám

nở thành hoa phù dung.

Những chi tiết, hình ảnh:“Mây xếp, tảng đá, cát, tiếng hoạn quan truyền chỉ bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ, đánh hộc máu mồm, khuôn mặt bì bì, tay lạnh, mắt chì, giọng mỡ, tâu Hoàng thượng, thưa ngài, báo cáo đồng chí, bỉ chức, thảo dân, em…” được đặt cạnh để cất tiếng khẳng định “Sẽ làm tròn bổn phận” làm không ít người yêu thơ bối rốiTuy nhiên, chính sự “lắp ghép”, “cắt dán” có chủ ý và có nghệ thuật đó đã tạo nên một cấu trúc trùng phức, “đa tầng, đa nghĩa và đa thanh”. Ở đó, những chiều kích không gian và thời gian đan cài, chồng chéo, trùng trùng vang hưởng, tạo nên một độ sâu và chiều dài đặc biệt, dường như phi thực. Nó gợi nên những suy ngẫm không cùng về quá khứ và hiện tại, về lịch sử của máu và nước mắt, về những khát vọng vô cùng của con người, vượt lên sự tàn bạo, mù quáng và phi nhân...

Nhìn trên hình thức văn bản, biểu hiện của tính lắp ghép, phân mảnh là hiện tượng những câu thơ gián đoạn bất thường, bị ngắt rời một cách như ngẫu nhiên, phi logic, hoặc nói một cách hình ảnh là “trật bản lề chữ nghĩa”. Điều này rất khác so với thơ truyền thống. Chẳng hạn, ở các thể thơ cách luật, dòng thơ được quy định khá chặt chẽ từ số chữ mỗi dòng, số dòng trong một bài, cách gieo vần, ngắt nhịp, hài thanh... và tương ứng, mỗi câu thơ là dòng thơ diễn đạt trọn vẹn một ý. Hoặc trong Thơ mới lãng mạn, tính logic trong phát ngôn của những “câu thơ điệu nói” là rất rõ, chẳng hạn: Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng nhưng lượng đời cứ chật/ Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian/ Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn/ Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại? (Vội vàng – Xuân Diệu). Nhưng trong thơ Mai Văn Phấn, tư duy mĩ cảm mới đã tự động chối bỏ trật tự tuyến tính để tạo hình thơ bằng những thể thức, cách thức khác biệt. Từ chối trật tự tuyến tính, hình ảnh thơ “nhảy cóc” rất đột ngột, câu chữ như đứt rời, phế bỏ gần như triệt để các các quan hệ từ, từ nối, những cách diễn đạt tạo tính logic cú pháp thông thường… Sự phân mảnh, gián đoạn này ở hình thức thơ góp phần gia tăng độ căng cảm xúc, sự đứt đoạn của ngôn ngữ thể hiện sự đứt gãy trong tâm trạng, trong ý thức, đồng thời thể hiện sự hoài nghi đối với đời sống. Nguyên tắc gián đoạn đã phá vỡ tính thống nhất liền mạch của dòng cảm xúc và liên tưởng trong bài thơ. Nhà thơ có thể đem hòa vào bài thơ nhiều mạch cảm xúc, liên tưởng khác nhau, từ đó tạo ra sự giao thoa giọng điệu, điểm nhìn khiến cho bài thơ có xu hướng đa tuyến. Do đó, tiếp cận thơ hiện đại, trong đó có thơ Mai Văn Phấn, đòi hỏi chúng ta cần quan sát các hình ảnh thơ trong mối tương quan đồng hiện, từ đó phát hiện ra những mối liên hệ ở bề sâu của nó.

3.2.2.2. Tạo hình bằng cách sử dụng yếu tố nghịch dị

Nghịch dị (tiếng Pháp: grotesque) được hiểu như là một kiểu tổ chức hình tượng nghệ thuật dựa vào huyễn tưởng, tiếng cười, sự phóng đại, lối kết hợp và tương phản một cách kì quặc cái huyễn hoặc với cái thực, cái đẹp với cái xấu, cái bi với cái hài, cái giống như thực với cái biếm hoạ” [13, 203].

Tính nghịch dị được xem như phương tiện tạo hình đặc thù để nhà thơ mô tả thế giới  “dị thường, trái tự nhiên” để vạch trần, lột tả một thế giới đang tồn tại tự nhiên trước mắt với đầy rẫy những nghịch lí, bất công, tha hoá... Với những sáng tác mang dấu ấn siêu thực, Mai Văn Phấn đã lựa chọn xây dựng hình ảnh sự vật mang tính nghịch dị để vẽ bức tranh biếm hoạ nhưng chân thực, rõ nét về đời sống.

Trong Dạy trẻ con, Hắn, Không thể tin, Chuyện còn dài, Ở những đỉnh cột, Cái miệng bất tử, Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, biến tấu con quạ, Quay theo mái nhà, Không thể tin, Hội chứng từ một tin đồn, Đúng vậy, Nếu, Hắn, Đến trong ý nghĩ, Anh tôi, Chỉ là giấc mơ, Kể lại giấc mơ, Còn cậu hãy đứng đằng kia... ta thấy vẫn là hiện thực nhưng là một hiện thực lộn xộn, nham nhở, phản chiếu sự xô lệch, biến dạng của chính đời sống nhân sinh hiện tại. Đó là một thế giới bị đảo lộn, “xô lệch”, méo mó, bất ổn; thậm chí tha hoá, mất cân bằng và đầy “tử khí”. Đó là những hình ảnh xấu xí, biến dạng, dị thường: con vật, đồ vật, con người biến dị… gợi nghĩ về phần tha hoá, biến dạng của thế giới và cả sự méo mó nhân cách của con người. Nhà thơ nhìn mọi vật xung quanh bằng sự hoang mang, hoài nghi, bất an để khao khát hướng về một giá trị sống nhân văn hơn.

Hãy đi vào một số ví dụ cụ thể. Đây là câu chuyện của cái lưỡi bị thắt:

Lưỡi tôi bị thắt

treo lên đỉnh cột

mỗi lần nói

chiếc lưỡi phải co rút

kéo thân thể béo ị lên cao

Tôi giẫy giụa tựa mảnh vải quẫy trong gió mạnh.

(Ở những đỉnh cột)

Đây lại là một nỗi ám ảnh người hoá gián và con gián sống kiếp con người trong mối quan hệ song đôi:

Con gián và tôi từ giờ sòng phẳng

Nó chui ra. Tôi vô cảm.

Nó gặm nhấm. Tôi ngập chìm.

Nó leo tường. Tôi thù vặt.

Nó bài tiết. Tôi ăn gian.

Nó hôi xì. Tôi lì lợm.

Nó dò xét. Tôi mở đường.

Nó nghênh ngang. Tôi u muội

(Chuyện còn dài)

Đây là hình ảnh của con người, “một kẻ khác” mang tên Hắn:

Hắn là nơi hoàn thiện:

của gương đã lành/ sâu đã nở/ trinh đã mất/ cáp đã đứt/ cống đã thông...

là bãi phế thải của giẻ rách/ mảnh thủy tinh/ băng vệ sinh/ giày dép lạc mốt...

là viên đạn bay đi chạm đích/ những vòng kinh hồi sinh/ dòng sông gặp biển...

Hắn là ai? Là thực thể của thế giới đang tồn tại với bóng tối hay là khoảng kín ẩn sâu trong tâm hồn con người? Hay nó là sự đấu tranh của chính con người với những thứ xấu xa? Cái thế hắn “ngồi lẩm bẩm”… và “lầm rầm âm thanh tiếp diễn”, mà ở đó màu đen, bóng tối cứ lần dần như một thứ ám ảnh len lỏi vào cảm xúc của người đọc và đọng lại thành nỗi sợ hãi. Người ta còn mơ hồ thấy rằng hắn rất đáng sợ bởi có bóng tối làm nền phủ che và hắn có khả năng thay đổi diện mạo ghê sợ. Nhưng cái day dứt nhất chính là sự băn khoăn: liệu mình có thành hắn?

Và đây là những bức tranh đời sống bao quát hơn:

Tôi quay cùng chai lọ, con giống, bóng đèn… qua môi người thợ thổi thủy tinh, qua con chữ rùng mình nhìn bột giấy chìm trong thuốc tẩy. Những giọt mực tụ lại rồi loang xa như một vết dầu. Bộ quần áo trang nghiêm rũ xuống. Đấy là giờ mặc niệm tơ tằm và những cây bông. Bóng tối nuốt sạch thực phẩm ôi thiu, không khái niệm về văn hóa ẩm thực. Hương trà thơm về rừng. Nước gào thét trong chiếc ấm bục đáy.

(Quay theo mái nhà)

Áo khoác kêu thất thanh khi đi qua bàn tủ. Máy điện thoại im lìm ngủ. Chiếc kẹp ghim mở miệng cố giấu đi móng vuốt. Cán chổi móc vào tay người lao công, kéo chị ta về bên hố rác. Vành mũ trên đầu kêu thảng thốt, rồi cúi xuống rỉa hết mặt nhân viên bảo vệ.

(Biến tấu con quạ)

Hiện thực đời sống bị “sổ tung”, phân thành nhiều mảnh và hầu như chẳng có mối nối qua sắp xếp các chi tiết tôi quay cùng đồ vật, hình ảnh giọt mực, bộ quần áo, phút mặc niệm, bóng tối nuốt thực phẩm ôi thiu, hương trà, nước... Cứ như trẻ con chơi ghép hình, mãi cũng “chẳng có gì đồng điệu”. Thế giới thực tại trở nên dị hình, dại dạng qua hình ảnh cái miệng đang trôi “không phát ra tiếng động/ chỉ hiện lên một đoạn phim câm”, những đứa trẻ “nghẹn ngào nước mắt chảy vào trong”, giấc mơ của con chó...  Bức tranh đời sống nghịch dị đó phản chiếu cái nhìn “tỉnh táo tột cùng” của nhà thơ về hiện thực đời sống. Có lẽ,  yếu tố nghịch dị không chỉ là cách nhà thơ dùng để thể hiện ý thức đổi mới thi ca, mà còn là phương thức quyết liệt và mạnh mẽ để thức tỉnh dậy những tâm hồn còn ngái ngủ trong hư ảo cuộc đời.   

3.2.2.3. Tạo hình bằng thủ pháp tương phản, đối lập

Tương phản, đối lập là giúp con người nhận thức nhanh nhạy hơn, sâu sắc những mối liên hệ đa dạng, phức tạp của đời sống. Đây cũng là một cách tạo hình có tính đặc thù trong thơ Mai Văn Phấn.

Theo khảo sát của chúng tôi, trong thơ tác giả này, nhất là những tác phẩm mang hơi thở siêu thực, thường xuất hiện hai tuyến hình ảnh tương phản. Đó là không gian đẹp, thi vị, cao cả với những hình tượng thiên nhiên “hoa” , “cỏ”, “cá”, “mẫu”, “đất”, “em”,“sông nước”… được đặt sóng đôi với những hình ảnh thô kệch, xấu xí, nghịch dị, méo mó, biến dạng, kiểu như lưỡi thủy tinh vỡ ra tiếng nói”, “hình người chết dính”, “tiếng ma gọi đò”, “lưỡi thiếu nữ ngủ trong hàm răng giả”, “cái miệng đang trôi”, “lưỡi bị thắt”... thậm chí cả những hình ảnh con người bị vật hoá thành con chó, con gián... Trong thơ Mai Văn Phấn, tương phản còn được xác lập bằng những chi tiết thể hiện sự đối lập giữa tư tưởng giáo điều, lối nghĩ lạc hậu, cũ kĩ, với sức sống của đời sống thực tế. Tác phẩm Những bông hoa mùa thu, Mùa trăng, Đỉnh gió, Ghi ở Vạn Lý trường thành... là minh chứng. Điều này khá khác so với thơ Nguyễn Quang Thiều. Bởi thơ của Nguyễn Quang Thiều thường đối lập khá gay gắt và mạnh mẽ giữa cái nhỏ bé bình thường (thậm chí cái tầm thường) với cái phi thường, lớn lao; cái linh thiêng thần thánh hay bị đặt chung với cái trần tục, dung tục để buộc sự vật phải cất tiếng nói đầy đủ và trọn vẹn nhất diện mạo đời thường. Tuy nhiên, điểm hoà hợp giữa hai nhà thơ là đều mượn cái tương phản, đối lập để dễ dàng chỉ ra các phương diện khác biệt của thực tại đời sống và hướng đến những khát vọng nhân đạo hơn.

Tương phản còn được sử dụng để xây dựng những sự vật gợi ý nghĩa mâu thuẫn nhằm khắc hoạ một đời sống dị biệt, xa lạ, đối lập. Đó là hình ảnh con quạ, cái miệng bất tử trong tác phẩm Biến tấu con quạ, Cái miệng bất tử...

Hình ảnh con quạ xuất hiện mang tính chất như một nhà tiên tri mang theo những câu sấm truyền huyền bí:

Tử khí kéo ngọn bấc tới đỉnh trời

Con quạ rực sáng.

Con quạ là hình ảnh đầy mâu thuẫn, nó “trở thành một biểu tượng trùng phức vớ sự song hành của nhiều ý nghĩa đối nghịch : sự chết chóc/ sự khai sinh, tái sinh ; sự kết thúc/ sự bắt đầu ; Kẻ phá hoại/ Đấng tái tạo ; cái ác/ cái thiện ; sự huỷ diệt/ sự khởi đầu mới... ” [57]. Hình ảnh ấy được gợi mở trong khúc biến tấu ma quái bằng chi tiết “tử khí - khai sinh, không cất tiếng - cố ngước lên, đau khổ tột cùng ngoái nhìn đời sống tưởng như đã chết - viết con chữ đầu tiên của bài học mới, bóng quạ - lễ Thiên táng”... ­ Và thế giới bị "sổ tung" khi "bóng quạ/ ập tới":

- Móc từ hốc mắt

Những nhãn quan

- Bóc từng mảng thịt

Tháo rời tứ chi

Sổ tung lục phủ ngũ tạng

- Hộp sọ vừa được dựng lên

Rêu đã phủ đầy

- Con quạ mơ

Mọi cái chết đều được sắp đặt

- Con cá nhảy vào đám mây tự vẫn

Buông ngang trời ngàn vạn lưỡi câu

- Nhà thơ trú trong bóng râm

Từng con chữ bị khoét mất mắt

Qua từng phân đoạn nhỏ của bài thơ (chúng tôi kí hiệu bằng dấu -), hiện lên hình ảnh của lịch sử, chính trị, văn hoá nghệ thuật và cả đời sống con người bị “dồn tụ trong một độ nén dị thường”, có lúc “xa lạ đến kì quái”. Rõ ràng, với hướng đi này, nhà thơ muốn hướng đến một cách diễn tả khác, giàu tính tượng trưng, siêu thực để nhìn thấy rõ, đầy đủ, tỉ mỉ một bản chất đầy đối nghịch, mâu thuẫn, bất toàn của hiện thực đời sống. Nhưng khép lại bài thơ, hình tượng con quạ lại được lồng ghép vào giấc mơ của nhà thơ: “Con quạ khật khừ xuyên đêm/ Thảng thốt kêu/ Lần đầu tiên tiếng động ra đi không vọng lại” (Biến tấu con quạ). Những huyễn tưởng, ảo giác được xây nền trên nghệ thuật tương phản, đối lập đã giúp bài thơ gửi đến nhiều bài học ý nghĩa mà một trong đó là đời sống luôn luôn có tính tương đối, mang nhiều diện mạo và con người phải học cách đối diện, đấu tranh để tái tạo một đời sống khác.

Thủ pháp tương phản xuất hiện như phương tiện nghệ thuật hữu hiệu để nhà thơ biểu đạt những u uất, những cái nhìn trái chiều, những cảm xúc sâu sắc hơn về thế giới, không chỉ để nhận thức thế giới mà còn để thay đổi thế giới.


 

3.2.3. Sự gần gũi giữa bút pháp tạo hình trong thơ Mai Văn Phấn và bút pháp tạo hình trong hội họa siêu thực

Nhiều người cho rằng thơ siêu thực (kể cả hội hoạ siêu thực và các loại hình nghệ thuật siêu thực khác) là những sản phẩm “điên rồ” bởi tính chất rối nghĩa, khó hiểu, lạ kì từ câu chữ, đường nét, hình ảnh đến màu sắc. Tuy nhiên như chúng tôi đã nhiều lần đề cập tới trong luận văn, thực chất của cái phi thực "điên rồ" ấy là sự thể hiện của một hiện thực khác, hiện thực trực giác, vô thức hay tiềm thức, và được nhận thức, lý giải và mô tả bằng một con mắt khác của nghệ s – con mắt siêu thực. Nó đánh đố trí tưởng tượng và lối tư duy logic của con người. Cùng xuất phát từ chủ nghĩa hiện đại, hội họa siêu thực và thơ siêu thực có những điểm rất gần gũi, xét từ quan niệm mĩ học đến bút pháp tạo hình… Ta cũng có thể thấy điều này qua một số sáng tác của Mai Văn Phấn.

Điểm gặp gỡ đầu tiên, dễ nhận thấy giữa thơ Mai Văn Phấn và hội hoạ siêu thực là phát triển thủ pháp phân mảnh - lắp ghép, cắt – dán, là sự sắp xếp đồ vật và hình ảnh một cách không trật tự, không mạch lạc, cho nhiều hình ảnh, sự vật "gặp nhau" một cách ngẫu nhiên. Chẳng hạn hình ảnh “cái miệng đang trôi – mấp máy sống động – không phát ra tiếng động – vẫn trôi” trong thi phẩm Cái miệng bất tử gợi nghĩ về bức tranh tiếng thét của Munch. Chúng vẫn là những hình ảnh sắp nối một cách kì lạ, rối rắm, không mối dây liên kết nhằm muốn “tìm một hiện thực khác bằng mộng tưởng vô thức”, “là một thế giới của những trăn trở, tìm tòi từ nội tâm” [7]. Tiếng thét như diễn tả sực chịu đựng có giới hạn của con người trước sự biến dị của chính hoàn cảnh và nhân cách con người ấy. Bức tranh vẽ một nhân vật đầy âu lo tuyệt vọng tương phản với phong cảnh hòa cùng bầu trời đỏ trong nền tranh nghiêng ngả, không cân bằng, chói gắt. Nơi ấy, dường như có tiếng thét dữ dội phát ra nhưng không đọng được thành lời. Và bức tranh màu sắc của Munch cùng nét vẽ bằng thơ siêu thực của Mai Văn Phấn đã gặp nhau trong những phản quang màu sắc dữ dội, hình ảnh gắt gỏng, đường nét lập dị để gửi gắm những dự cảm âu lo về cuộc đời.

S. Dali cũng là một họa sỹ nổi tiếng của hội họa siêu thực. Có thể kể đến Sự dai dẳng của ký ức, Dự cảm nội chiến, Người xuất tinh vĩ đại, Kỵ sĩ chết, Cô đơn... Bức tranh Sự dai dẳng của ký ức (The persistence of memory), một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Dali nói riêng và hội hoạ siêu thực nói chung nhờ hình tượng độc đáo của những chiếc đồng hồ mềm, chảy xuống từ phiến đá và vắt trên cành cây cũng có nhiều điểm đồng điệu với tạo hình về sự vật trong thơ Mai Văn Phấn. Nó gợi nghĩ về câu chuyện Anh tôi, về con gián với buổi hội thảo khoa học, về thế giới biến dị trong Kể lại giấc mơ,Quay theo mái nhà... Chúng mang theo nỗi ám ảnh về thời gian, cuộc đời méo mó, bị nung chảy nhưng vẫn cứ luôn bám víu, tồn tại trong kí ức con người. Và có lẽ, thông điệp gửi đằng sau những bức tranh đời ấy phải phụ thuộc vào trình độ, cách hiểu của người thưởng thực qua việc tìm hiểu về người sáng tạo và những tác phẩm của họ.

Nhìn chung, khi các nhà siêu thực chọn cách tạo hình mới, dẫu có nhiều lạ lẫm, có khi nghịch dị, phi logic, cái đích chính của họ là “phải cải tạo thế giới” (Marx) và “phải thay đổi cuộc sống” (Rimbaud); bởi trong ý thức sáng tạo của mình các nhà siêu thực đều mong muốn trở thành “người xây dựng” (lời của Apollinaire). Cũng như các nghệ sỹ hiện đại chủ nghĩa, Mai Văn Phấn chủ trương giải phóng tiếng nói trực giác, vô thức, tâm linh, giải phóng ngòi bút ra khỏi những trói buộc có tính tiên nghiệm trong quan niệm, bút pháp; điều này dễ thấy ở việc ông chọn hình thức sáng tác, thể thơ, dùng từ, viết câu và chọn hình ảnh, bút pháp mô tả, thể hiện…


 

3.3. Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn thể hiện qua thơ tự do và thơ văn xuôi

Nhìn vào xu hướng vận động của thơ cách tân, ta thấy những thể nghiệm mới để đổi mới thi ca không dừng lại ở bề mặt nội dung và còn hướng tới những thay đổi về cách sử dụng thể thơ. Đường biên hình thức thơ đang mờ dần từ khuôn phép sang tự do, từ thơ có vần sang thơ không vần, từ thơ cách luật sang thơ tự do, thơ văn xuôi… Mai Văn Phấn sử dụng nhiều thể thơ: lục bát, ngũ ngôn, thơ hợp thể, thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ ba câu. Song dường như thơ tự do và thơ văn xuôi giúp ông phô bày “cái tôi siêu thực” của mình hiệu quả hơn cả.

 

3.3.1. Thơ tự do

Ở thơ tự do, bài thơ không có sự ràng buộc về hình thức, gò bó về câu chữ, vần điệu, cách tổ chức câu thơ hay bố cục bài thơ. Thậm chí, thơ có thể mở rộng ranh giới khổ thơ, kéo dài số tiếng, xen kẽ nhịp ngắn dài, kết hợp nhiều thể thơ trong cùng một cấu trúc của bài thơ. Đặc điểm này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thể hiện tình cảm một cách tự nhiên, giải phóng cảm xúc ra khỏi khuôn khổ, trật tự. Nhờ đó, thơ xuất hiện bằng những tình cảm chân thành, hồn hậu, chất phác mà không sáo rỗng, ước lệ; vừa miêu tả chân thực được trạng thái cụ thể của đời sống vừa ghi lại được tỉ mỉ những cảm xúc của con người trước thực tại, kể cả những cảm xúc mơ hồ, mộng mị.

Đây là thể thơ chiếm tỷ lệ cao nhất trong sáng tác của Mai Văn Phấn, và càng về sau thì thể tự do càng chiếm ưu thế về số lượng trong thơ của ông. Nếu tính trong tập thơ Vách nước, Hôm sau, và đột nhiên gió thổi, bầu trời không mái che, ta sẽ thấy trong 102 bài thơ có đến 87 bài sử dụng hình thức thơ tự do và riêng trong tập thơ Bầu trời không mái che thì cả 20/ 20 bài đều dùng thể thơ tự do. Điều này cho thấy tác giả xem thơ tự do như một thể thơ chủ đạo trong sáng tác.

Mai Văn Phấn đã đưa bạn đọc đến “thế giới của tự do” từ hình thức đến nội dung thể hiện. Điều này được thể hiện rõ trongCòn cậu hãy đứng đằng kia, Chỉ là giấc mơ, Ghi ở Vạn lý Trường Thành, Biết thì sống, Ngậm em trong miệng, Vô tình trong nắng sớm, Nơi cội nguồn thế giới, Nhật kí đô thị, Giấc mơ đi qua, Khúc dạo đầu, Mũi tên bóng tối, Cấu trúc tạm thời, Biến tấu con quạ, Đỉnh gió, Đổ về phía khuất vầng trăng, Im trôi, Được quyền nghĩ những điều đã ước... Bằng hình thức thơ tự do, nhà thơ có thể đa dạng hóa cách phản ánh hiện thực và đời sống nội tâm con người. Và ở đó, thi sĩ có thể tái hiện linh hoạt các cung bậc tình cảm và làm sống lại những điều ẩn sâu trong tâm hồn của con người một cách mạnh mẽ, chân thực nhất.

Bài thơ Sống hồn nhiên là một minh chứng cho điều này. Bài thơ được đánh số I, II, III, không vần, không đăng đối và người đọc phải nhìn theo cái gồ ghề, trúc trắc, khập khiễng... và bằng cả sự liên tưởng đa thanh, đa âm để cảm hết tư tưởng nhân sinh thẩm mĩ mà nhà thơ gửi gắm:

Vợ tôi bảo muốn chữa bệnh đau đầu

 phải hồn nhiên như cây cỏ.

Về thôn quê thấy cỏ ngút ngàn

tôi giang tay nhờ gió lay lắt

giống các fan hâm mộ đưa theo nhịp bài hát.

Đung đưa một lúc cũng mỏi

càng thêm đau đầu trong nắng tháng sáu

bởi phải tưởng tượng ra mưa xuân

trời âm u và có gió nhẹ

Phần I của bài thơ chỉ gồm ba câu, ngắt thành mười dòng như đổ tràn cảm xúc về câu chuyện khá hài hước của người chồng muốn sống hồn nhiên và buộc mình phải tưởng tượng khoảnh khắc mưa xuân, mùa xuân. Phần II lại là những hành động việc làm kì quái là giật sợi dây bị buộc vào chỏm tóc, vắt ngang xà nhà. Khép lại bài thơ lại là những hình ảnh đầy phi thực, lạ lùng khác:

Muốn thoát ra ngoài phải cắn vỡ tiếng chim

Hàm tôi yếu và răng không còn sắc

Lại ngập ngừng thêm bao thơ mộng

Tôi pha trà đem dâng cho cây

Ta có thể nhìn thấy ở đây một cuộc sống với bao trói buộc, mệt mỏi, gượng ép và cả cái khát vọng muốn thoát ra ngoài của con người. Ta cũng có thể thấy cả những dao động, ngập ngừng, băn khoăn bởi sức lực con người là có giới hạn. Nhưng đồng thời, ta cũng nhận ra từ cái hành động chừng như vô thức, bản năng của cái tôi trữ tình (“Tôi pha trà đem dâng cho cây”) một triết lý sống: phải biết “hồn nhiên như cây cỏ”.

Có thể nói, thơ tự do đã giúp Mai Văn Phấn mở rộng phạm vi mô tả đời sống, kích thích hoạt động tưởng tượng của con người (từ người sáng tạo đến người thưởng thức). Nó giúp thể hiện đa dạng, đa giọng và trọn vẹn dáng vẻ của những quan niệm, tư duy về đời sống và con người. Đồng thời, chọn thể thơ này, nhà thơ có thể bộc lộ tiếng nói nội tâm, thế giới tinh thần của con người một cách mạnh mẽ, phóng khoáng, đầy sáng tạo.

 

3.3.2. Thơ văn xuôi

Thơ văn xuôi là thể thơ đã làm đứt đường biên ranh giới giữa thể loại thơ và văn xuôi và là một hình thức tổ chức thơ có sự cách tân trong thơ ca hiện đại. Là người có khát vọng đổi mới thi pháp mạnh mẽ và liên tục, thơ Mai Văn Phấn không thiếu những sự biểu đạt bằng hình thức thơ văn xuôi.

Tuy nhiên, so với thơ tự do, trong sáng tác của Mai Văn Phấn, thơ văn xuôi không nhiều bằng. Trong Vách nước, Hôm sau, và đột nhiên gió thổi, bầu trời không mái che, thơ văn xuôi chỉ có 15/102 bài, ngoài ra còn sự kết hợp giữa thơ tự do và thơ văn xuôi trong một vài thi phẩm như Những bông hoa mùa thu, Nghe em qua điện thoại, Hắn, Anhanhemem... Có thể kể đến những tác phẩm thơ văn xuôi tiêu biểu của Mai Văn Phấn như: Viết cho cây sáo, Nước mắt, Em cho con bú, Bừng tỉnh trên tàu, Kí sự mùa thu, Giải pháp, Bến cuối, Di chứng, Vòng cung thời gian, Những ý nghĩ không sắp đặt, Niệm khúc số 18, Dấu vết, Quay theo mái nhà, Nghe tin bạn bị mất trộm, Kể lại giấc mơ, Mưa trong đất, Những tiếng nổ nhỏ, Nhắm mắt, Mười bài tập mùa xuân, Mùa hoa mận, Giấc mơ cây, Quang phổ, Dạy trẻ con…

Hầu hết những bài thơ văn xuôi này đều có cốt truyện, tuy nhiên, đấy phần lớn cũng là những câu chuyện tưởng tượng, giả tưởng. Những hình ảnh, sự kiện liên tục nhảy cóc, gián đoạn. Ngôn từ được tổ chức theo một trật tự phi tuyến tính. Trên văn bản, dòng nối dòng, thậm chí không dấu câu, đầu câu (đoạn) không viết hoa, nhiều chỗ để phân đoạn, tác giả chỉ sử dụng hình thức dấu hoa thị (*)... Nhiều bài thơ văn xuôi của ông, quả thực, hết sức khó đọc. Thơ văn xuôi của ông có khi hài hước, nghịch dị như Dạy trẻ con, Hắn, Di chứng, Chuyện còn dài... song cũng có lúc tràn ngập xúc cảm và lòng biết ơn trước thiên nhiên và cuộc sống như Anhanhemem, Những bông hoa mùa thu...

Đây là một trích đoạn trong Anhanhemem, một trích đoạn với những hình ảnh thật đẹp, chan chứa những cả xúc thi vị về tình yêu, tình đời của tác giả :

Miệng anh còn thơm trái cây và hương trà em uống. Chiếc bánh ngọt pha kem lẫn với quế chi. Anh còn nhớ. Chiếc ghế rộng lắm. Khi bờ vai trổ những bông hoa, môi anh thắp ngọn đèn linh thiêng góc tối. Bông hoa chỉ nói được phần nhỏ nhoi lòng đất rộng. Lòng đất rung chuyển khi bông hoa đứng yên. 

Ánh sáng đã rách. Nếu một sớm. Thật phản cảm khi thấy nhau giống những con cá mắt lồi. Em hắt về anh nhiều dị ảnh bông hoa. Dễ loạn trí nếu phải sống trong một thế giới loạn thị. Không, ta vẫn còn giọng nói. Mỗi âm tiết lúc ấy hiện lên một sự thật. Sự thật hiển nhiên đảo lộn mọi quy ước phổ thông. 

Yêu nhau. Là những nghi thức dâng tụng trời đất. Bây giờ là mùa xuân. Anh mệnh Kim và em mệnh Hoả. Từ lửa làm ra Thổ, ra Mộc, ra Thuỷ. Đất rùng mình. Sông chảy. Ngàn vạn đọt mầm từ thân thể nở bung.

Nhìn từ góc độ cảm hứng, có thể thấy đây là một bài thơ tình mang đậm cảm hứng lãng mạn. Tình yêu được “thắp” lên từ trong hương thơm trái chín, trong vị trà nóng, trong “nhiều dị ảnh bông hoa”, từ “thân thể nở bung”. Đó là một sự thật hiển nhiên, nó “đảo lộn mọi quy ước phổ thông”. Đó cũng là một bài thơ đậm tính triết lý. Có điều, những triết lý ấy đã ẩn thân sau những hình ảnh thơ đậm tính siêu thực. Đọc bài thơ, người đọc sẽ bị ám ảnh bởi những hình ảnh, chi tiết hết sức ấn tượng và lạ lùng, chẳng hạn “ánh sáng đã rách”, “em hắt về anh nhiều dị ảnh bông hoa”, “đất rùng mình”, “ngàn vạn đọt mầm từ thân thể nở bung”…

Thơ văn xuôi Mai Văn Phấn còn cho thấy khá rõ nỗ lực đào sâu hơn vào tiếng nói của vô thức, trực giác, tâm linh của tác giả. Trong nhiều bài thơ văn xuôi, rất dễ bắt gặp hiện tượng những câu chữ miên man, liên tục, không ngừng nghỉ, không ngắt dòng, không dấu ngăn cách cú pháp. Phải chăng, với nhà thơ, đó là một hình thức phù hợp hơn cả trong việc diễn tả/ gợi ra cái miên man, rối bời của mộng mị, của suy tư bời rối? Ta hãy đọc lại một phần trong Mười bài tập mùa xuân để thấy rõ hơn “hình hài” của dòng tâm tư bất định này

… đọt mầm vươn trong vòm họng tốt tươi dịch vị cỏ mật đắng rôn rốt trái non đàn dế mở tiếng hoan hỉ thoát nạn mùa đông mặt hồ đang khai sinh ra nước rơm rạ tự nguyện hiến thân trong tro trấu nguội tàn mọi nghiêm cẩn bỡn cợt đều nhầm lẫn bởi muôn đời chim chóc về chao lượn bầu trời không hình nhân nón rách trên đồng không sợ hãi mọi người đi trong tự tin ướt át không lời răn hay van vái ý nghĩ ước phục sinh của vòm diệp lục đang thở mùi chăn ấm gọi da thịt em trong trái chín mắt cắt gọt từng lớp vỏ nhói ngực cuồng si từ đỉnh đầu chảy xuống thắt lưng em sinh thành anh hạt nước to mọng rơi xuống đám kiến vừa từ chối phô diễn bản năng đằng đẵng xếp hàng trong sương khói phủ mờ quan niệm mất đà mọi quán tính anh ước trong sự không rõ ràng được thả hết mọi hoang tưởng mà hy vọng nhiều điều...

Song thơ văn xuôi cũng là một cách để nhà thơ mô tả hiện thực đời sống, một hiện thực đời sống phức tạp, đầy bất toàn. Ta hãy đọc thêm một ví dụ khác, trích đoạn trong Di chứng:

Sau giấc ngủ dài mới hay cả quá khứ bị đánh cắp. Trên cỏ xanh kia, những đỉnh núi đã bị san phẳng, hàng rào được đan bện cẩn thận đang co lên lơ lửng trên đầu. Mắt ngọn đèn soi trong đêm lầy lội cùng vẻ mặt quan trọng của người hàng xóm giờ mủn bục. Trên cỏ xanh kia ta được sinh ra và ủ ấm bằng nhiều quan niệm. Từng xả thân, từng lắt léo, từng kính trọng, từng bợ đỡ, từng hãnh hỗ, từng nịnh nọt, từng mạo nhận, từng thủ dâm, từng thánh thiện, từng vu oan, từng thiêng liêng... Cỏ lừng lững dựng lên trước ta uy hiếp.

Hiển hiện trong những câu thơ là nỗi niềm ám ảnh về “quá khứ bị đánh cắp”. Đấy là một quá khứ “từng xả thân, từng lắt léo, từng kính trọng, từng bợ đỡ, từng hãnh hỗ, từng nịnh nọt, từng mạo nhận, từng thủ dâm, từng thánh thiện, từng vu oan, từng thiêng liêng...”. “Quá khứ bị đánh cắp” ấy đang từng ngày “lơ lửng” trên đầu hiện tại, “lừng lững uy hiếp” hiện tại. Bài thơ là một sự suy ngẫm về nhiều giá trị đời sống, lịch sử, về quá khứ và hiện tại, về Cái thiện và cái ác, về sự thật và ngụy tạo, giả dối… Nó cũng thể hiện khao khát của tác giả hướng đến một quan niệm sống, một cách sống của con người chân chính:Vội ve vuốt một mầm cây vừa mọc dưới chân và tưởng tượng ra mùi hoa trái dâng lên trong một khung cảnh mới. Đứng lên, ta hiểu mình vừa xua đi một nỗi kinh hoàng”. Chất văn xuôi đã góp phần đem lại cho thơ có khả năng ôm chứa một hiện thực rộng lớn hơn mà vẫn không đánh mất đi sắc thái biểu cảm vốn có. Và quan trọng hơn, nó giúp tác giả đào sâu hơn vào đời sống tinh thần, tư tưởng con người hiện đại (cũng là của tác giả), vốn cũng đầy phức tạp và ngổn ngang như chính đời sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn vẫn có những hạn chế. Sự lớp lang, tỉ mỉ, chi tiết trong một số tác phẩm khiến ngôn ngữ thơ nhiều khi trở nên dài dòng, rối rắm, mất đi những “khoảng trống và độ mờ thẩm mĩ” (Bừng tỉnh trên tàu, Kể lại giấc mơ, Dạy trẻ con...). Từ đó, dù đem lại những ấn tượng thông tin xác thực, nó cũng làm giảm đi sức hút và sức nặng tư tưởng thẩm mỹ của thơ.






KẾT LUẬN


1. Mai Văn Phấn là một gương mặt cách tân nổi bật của thơ Việt Nam sau 1975. Những tìm tòi, đổi mới của ông trong hơn mười năm trở lại đây đã được giới nghiên cứu chuyên nghiệp nói riêng và độc giả nói chung đã công nhận và đánh giá cao. Nghiên cứu, tìm hiểu sâu về thơ Mai Văn Phấn, chúng tôi thấy ông đặc biệt chú ý đến tiếng nói của trực giác, vô thức, tâm linh trong sáng tạo. Nhà thơ khát khao lí giải về thế giới trong chiều sâu bản chất của nó và phát hiện ra đằng sau cái hiện thực bề mặt là những mối liên hệ “âm u và sâu xa” giữa những hiện tượng tưởng chừng rời rạc, xa lạ. Có thể nói, xuất phát từ một quan niệm nghệ thuật độc đáo, kết hợp với việc tích cực học hỏi, tiếp thu tinh hoa của những trào lưu, khuynh hướng sáng tạo phương Tây hiện đại, trong đó có chủ nghĩa siêu thực, hiện diện trong thơ Mai Văn Phấn là một thế giới đậm tính siêu thực.

   

2. Chịu sự chi phối của một nhãn quan nghệ thuật đậm tính siêu thực, thơ Mai Văn Phấn có nghệ thuật tổ chức hình tượng khá đặc biệt, khác lạ. Những định hướng cơ bản trong cách tổ chức hình tượng của nhà thơ này, đó là: a) Đi sâu khai thác tiếng nói của vô thức, trực giác, tâm linh; b) Dùng tưởng tượng như một phương thức mô tả, tái hiện đặc thù; c) Tô đậm tính ngẫu nhiên, đứt đoạn, phi logic trong mạch cảm xúc, liên tưởng; d) Nhấn mạnh tính khác lạ, dị thường của hình tượng thơ. Như một tất yếu, tương ứng với những nguyên tắc tổ chức hình tượng nói trên, những hình tượng siêu thực nổi bật trong thơ ông là hình tượng “con người ngủ” và hình tượng “thế giới xô lệch”. Đi cùng với nghệ thuật tổ chức hình tượng là nghệ thuật tổ chức lời thơ. Dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực thể hiện khá rõ trên những phương diện tổ chức lời thơ sau: a) Cách sử dụng ngôn ngữ; b) Bút pháp tạo hình; c) Cách sử dụng thể thơ tự do và thơ văn xuôi. Nhìn trên phương diện tổ chức hình tượng và tổ chức lời thơ, có thể thấy dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn khá đậm nét.

3. Ý thức học hỏi, tinh thần sáng tạo và tình yêu tiếng Việt tạo động lực thúc đẩy Mai Văn Phấn không ngừng hăng hái tìm kiếm, thử nghiệm để sáng tạo một loại thơ hiện đại nhưng mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Nhờ đó, thơ ông dù biến đổi hết sức đa dạng (chủ nghĩa siêu thực chỉ là một trong nhiều hướng tìm tòi, cách tân đó) song vẫn rất nhất quán ở tinh thần vận động hướng về cái mới và đó cũng là lý do giải thích vì sao Mai Văn Phấn luôn được nhắc tới với tư cách một nhà thơ cách tân đầy nội lực. Trên thực tế, những tìm tòi, thể nghiệm cách tân của Mai Văn Phấn theo hướng siêu thực chủ nghĩa không phải lúc nào cũng đạt đến cái đích hiệu quả nghệ thuật như mong muốn. Tuy nhiên, một cách bao quát, có thể khẳng định, những đóng góp của những tìm tòi, cách tân theo hướng hiện đại chủ nghĩa, cụ thể là theo hướng siêu thực chủ nghĩa trong thơ Mai Văn Phấn là không thể phủ nhận. Chính điều này đã góp phần tạo nên một trường thơ Mai Văn Phấnđộc đáo trong dòng chảy thơ Việt Nam đương đại.






TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.  Andre Breton, “Tuyên ngôn thứ nhất của chủ nghĩa siêu thực” (bản dịch), http://giaitri.vnexpress.net.

2. Andre Breton, “Chủ nghĩa siêu thực và hội hoạ” (bản dịch của Nguyễn Bích Thuỷ), http://phebinhvanhoc.com.vn.

3. Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

4. Phạm Quốc Ca (2003), Mấy vấn đề thơ Việt Nam 1975 - 2000, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

5. Nguyễn Phan Cảnh (2000), Ngôn ngữ thơ, Nxb văn học, Hà Nội.

6. Nguyễn Việt Chiến (2007), Thơ Việt Nam, tìm tòi và cách tân (1975-2000), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

7. Nguyễn Văn Dân (2012), “Đi tìm một hiện thực khác bằng con đường siêu thực”, http://tonvinhvanhoadoc.vn

8. Nông Hồng Diệu (2014), “Mai Văn Phấn và trò chơi xúc xắc”, http://maivanphan.vn

9. Nguyễn Hữu Điện (1993), “Giọt nắng, tập thơ của Mai Văn Phấn”, http://maivanphan.vn

10. Lý Đợi (2011), “Mai Văn Phấn, đã thong dong hơn”,vanchuongviet.org.

11. Hà Minh Đức (1994), Nhà văn nói về tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

12. Ngô Hương Giang, Nguyễn Thanh Tâm (2015), Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

13. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

14. Nguyễn Quang Hà (2012), Một số cách tân nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn, Luận văn cao học, Trường Đại học Thái Nguyên.

15. Đào Duy Hiệp (2004), “Hình ảnh trong thơ siêu thực”,http://evan.com.vn

16. Đào Duy Hiệp (2010), “ Cấu trúc ngôn ngữ và hình ảnh trong tập thơ và đột nhiên gió thổi”,  http://vanchuongviet.org

17. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

18. Lê Hương, “Chúng ta đang đứng bên rìa dòng chảy văn học thế giới”, http://maivanphan.vn

19. Inrasara (2009), “Mai Văn Phấn, kết thúc cho một khởi đầu”, http://maivanphan.vn

20. Đinh Trọng Lạc (1994) 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội

21. Mã Giang Lân (2001), Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà  Nội.

22. Vi Thuỳ Linh (2012), “Một khoảng trống sau “Mùa xuân gấp gáp””, http://trannhuong.net

23. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (2005), Văn học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

24. Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hoà, Thành Thế Thái Bình (2004), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

25. Nguyễn Đăng Mạnh (1991), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

26. Gjeke Marinaj, "Nhà thơ Mai Văn Phấn: con đường khác tìm đến  thơ Việt hiện đại", http://Vanvn.net.

27. Dương Kiều Minh (2009), “Hiện thực giả định và hiện thực tâm tưởng trong thơ Mai Văn Phấn”, http://Văn nghệ công an, (114).

28. Cao Năm (2014), “Mai Văn Phấn và một kỷ lục thơ”,http://vnca.cand.com.vn

29. Hoàng Thị Thanh Nhàn (2014), Thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn, Luận văn cao học, Trường Đại học Vinh.

30. Yến Nhi (2010), "Vẻ đẹp siêu thực trong thơ",http://4phuong.net/ebook.

31. Hoàng Kim Ngọc (2011), “Đồng sáng tạo để giải mã văn bản thơ “hoa giấu mặt” của Mai Văn Phấn, http://Vietvan.vn.

32. Nhiều tác giả (2011), Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

33. Nhiều tác giả (1997), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

34. Lê Lưu Oanh (1998),  Thơ trữ tình Việt Nam (1975 - 1990), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

35. Mai Văn Phấn (1992), Giọt nắng,  Hội Liên hiệp VHNT TP. Hải Phòng

36. Mai Văn Phấn (1995), Gọi xanh, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

37. Mai Văn Phấn (1997), Cầu nguyện ban mai, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

38. Mai Văn Phấn (1999), Nghi lễ nhận tên, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

39. Mai Văn Phấn (1999), Người cùng thời, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

40. Mai Văn Phấn (2003), Vách nước, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

41. Mai Văn Phấn (2009), Hôm sau, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

42. Mai Văn Phấn (2009), và đột nhiên gió thổi, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

43. Mai Văn Phấn (2010), Bầu trời không mái che, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

44. Mai Văn Phấn (2010), “Thơ Việt Nam đương đại, buổi ra đi và trở về”, http://maivanphan.vn

45. Mai Văn Phấn (2011), Thơ tuyển cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

46. Mai Văn Phấn (2012), hoa giấu mặt, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

47. Mai Văn Phấn (2013), Vừa sinh ra ở đó, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

48. Mai Văn Phấn (2013), “Mấy suy nghĩ về thơ hay”,http://maivanphan.vn

49. Mai Văn Phấn (2013), “Vẻ đẹp quyền năng của thơ ca”, http://maivanphan.vn

50. Hoàng Phê (chủ biên) (2006) , Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng. Đà Nẵng.

51. Lương Kim Phương (2014), “Thơ Mai Văn Phấn tái sinh trong ánh sáng”, http://mai vanphan.vn

52. Vũ Quần Phương (1993), “Mai Văn Phấn, một hướng tìm”,http://maivanphan.vn

53. Vĩnh Phúc, “Mai Văn Phấn với Hôm sau và và đột nhiên gió thổi”, http://doanvinhphuccr.vnweblogs.com  

54. Nguyễn Thị Bích Phụng (2013), “Cảm thức hiện sinh trongBầu trời không mái che”, http://maivanphan.vn

55. Nguyễn Thị Bích Phụng (2014), “Cảm quan thẩm mỹ trong tập thơ hoa giấu mặt của Mai Văn Phấn”, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

56. Lê Hồ Quang (2011), “Đọc thơ Nguyễn Bình Phương”,http://tonvinhvanhoadoc.vn

57. Lê Hồ Quang (2014), "Đặc trưng thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn", http://maivanphan.vn

58.  Lê Hồ Quang (2014), “Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó”,http://maivanphan.vn

59. Lê Hồ Quang (2015), “Âm thanh của trí tưởng tượng” (về tuyển thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều),http://phebinhvanhoc.com.vn

60. Đặng Văn Sinh (2009), “Mai Văn Phấn và khúc biến tấuHôm sau”, http://vanchuongviet.org

61. Vương Tâm, “Mai Văn Phấn, khối Rubic thơ huyền ảo”,http://maivanphan.vn

62. Hoài Thanh, Hoài Chân (2005), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.

63. Liêu Thái (2010), “Vài cảm nghĩ nhân đọc tập thơ của Mai Văn Phấn”http://maivanphan.vn

64. Đặng Thân (2009), “Mai Văn Phấn và công nghệ cách tân thơ”, http://maivanphan.vn

65. Vũ Thị Thảo (2012 ), Đặc điểm nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, Luận văn cao học, Trường Đại học Đà Nẵng.

66. Đỗ Lai Thuý (2004), “Andre Breton và chủ nghĩa siêu thực”, http://giaitri.vnexpress.net/tintuc

67. Đặng Thu Thủy (2011), Thơ trữ tình Việt Nam từ giữa thập kỉ 80 đến nay – Những đổi mới cơ bản, NXB Đại Học Sư Phạm Hà Nội, Hà Nội.

68. Nguyễn Thị Minh Thương (2011), “Vài suy nghĩ về khuynh hướng siêu thực trong Thơ mới 1932-1945”,http://nguvan.hnue.edu.vn

69. Phạm Quang Trung (2013), “Về một đặc trưng của trường ca qua Người cùng thời của Mai Văn Phấn”,http://maivanphan.vn

70. Nguyễn Thanh Tuấn, “Sự tương giao cảm giác trong thơ Thanh Thảo”, http://phongdiep.net

71. Nguyễn Thanh Tuấn, “Cơ sở hình thành khuynh hướng sáng tác tượng trưng siêu thực trong văn học Việt Nam hiện đại”, http://phongdiep.net
72. Lê Thuỵ Tường Vi (2011), “Tính chất bước ngoặt của chủ nghĩa siêu thực”, http://qlkh.hcmussh.edu.vn


































BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị