Dấu ấn hậu hiện đại trong “Hôm sau” của Mai Văn Phấn nhìn từ cái tôi trữ tình (Khóa luận tốt nghiệp đại học) - Thiều Thị Thùy Linh

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - KHOA NGỮ VĂN




 



Thiều Thị Thùy Linh
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Ngô Minh Hiền

 


DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG HÔM SAU CỦA MAI VĂN PHẤN NHÌN TỪ CÁI TÔI CHỮ TÌNH



KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

NGÀNH CỬ NHÂN VĂN HỌC



ĐÀ NẴNG - 2018







PGS.TS. Ngô Minh Hiền & Cử nhân Thiều Thị Thùy Linh







MỤC LỤC

 

MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài      

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề   

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu    

4. Phương pháp nghiên cứu    

5. Bố cục đề tài

CHƯƠNG 1: THƠ MAI VĂN PHẤN TRONG DÒNG CHẢY THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI  

1.1. Một số điểm nổi bật của thơ Việt Nam đương đại  

1.1.1. Cái tôi cá nhân được đề cao trong chiều sâu nhân bản     

1.1.2. Ngôn ngữ được gia tăng tính chất tự do 

1.1.3. Thơ Việt Nam đương đại mang đậm dấu ấn hậu hiện đại

1.2. Hành trình sáng tạo nghệ thuật của Mai Văn Phấn

1.2.1. Mai Văn Phấn - nhà thơ của “những cuộc vong thân”   

1.2.2. Các giai đoạn sáng tác của Mai Văn Phấn          

1.2.2.1. Từ khởi đầu đến năm 1995     

1.2.2.2. Từ năm 1995 đến năm 2000   

1.2.2.3. Từ năm 2000 đến nay 

1.2.3. Quan niệm nghệ thuật của Mai Văn Phấn           

1.2.4. Hôm sau – Tập thơ đánh dấu quá trình bứt phá của Mai Văn Phấn  

CHƯƠNG 2: BIỂU HIỆN CÁI TÔI TRỮ TÌNH ĐA DIỆN TRONG HÔM SAU CỦA MAI VĂN PHẤN       

2.1. Tâm thế bất an trước cuộc đời      

2.1.1. Hoài nghi các giá trị       

2.1.2. Cô đơn trong cuộc sống 

2.1.3. Dự cảm về tương lai      

2.2. Khao khát cuộc sống toàn nguyên 

2.2.1. Được là chính mình       

2.2.2. Vươn tới những giá trị sống tốt đẹp        

CHƯƠNG 3: MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC NGHỆ THUẬT MANG ĐẬM DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG HÔM SAU CỦA MAI VĂN PHẤN THỂ HIỆN CÁI TÔI TRỮ TÌNH 

3.1. Không gian và thời gian nghệ thuật

3.1.1. Không gian u huyền, hư ảo        

3.1.2. Thời gian tâm lý đầy ảo giác      

3.2. Ngôn ngữ và giọng điệu nghệ thuật           

3.2.1. Ngôn ngữ nghệ thuật     

3.2.1.1. Ngôn ngữ lạ hóa, dị biệt          

3.2.1.2. Ngôn ngữ đời thường, mộc mạc         

3.2.2. Giọng điệu nghệ thuật    

3.2.2.1. Giọng giễu nhại           

3.2.2.2. Giọng suy ngẫm, triết lý          

3.3. Biểu tượng nghệ thuật      

3.3.1. Con quạ 

3.3.2. Bóng tối 

KẾT LUẬN      

TÀI LIỆU THAM KHẢO           



MỞ ĐẦU

 

1. Lí do chọn đề tài

 

Từ sau 1986, thơ Việt Nam đã không ngừng thay đổi và và làm mới mình hơn. Các nhà thơ trong thời gian này cũng tìm cho mình những lối đi riêng với những cách tân nghệ thuật đầy bất ngờ. Bước vào thế kỉ XXI, thơ Việt Nam đạt được những thành tựu đáng khả quan, mang lại niềm tin cho công chúng và bạn đọc. Độc giả được thưởng thức những bài thơ mang diện mạo mới từ cách nhìn nhận vấn đề đến cách đánh giá những hiện tượng cuộc sống của các nhà thơ. Những cây bút tiêu biểu trong thời kì này như Nguyễn Quang Thiều, Vi Thùy Linh, Mai Văn Phấn, Inrasara, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thế Hoàng Linh… đã góp phần làm nên sự thay đổi lớn cho thơ ca đương đại.

 

Mai Văn Phấn là nhà thơ được đông đảo bạn đọc quan tâm bởi những tác phẩm thơ mới lạ mang đậm màu sắc hậu hiện đại. Hôm sau của Mai Văn Phấn được coi là một trong những tác phẩm thể hiện cách tân nghệ thuật độc đáo đậm dấu ấn hậu hiện đại. Chọn đề tài Dấu ấn hậu hiện đại trong Hôm sau của Mai Văn Phấn nhìn từ cái tôi trữ tình,chúng tôi mong muốn làm nổi bật những dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại được biểu hiện cụ thể qua thế giới tâm trạng của thơ ông. Từ đó, có thể đánh giá khách quan về sự đặc sắc của thơ Mai Văn Phấn, cũng như những đóng góp nghệ thuật của ông đối với sự vận động và phát triển của thơ ca Việt Nam đương đại.

 

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

 

Mai Văn Phấn - một nhà thơ với số lượng tác phẩm lớn không chỉ được lưu hành trong nước mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài. Có thể nói ông là nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ và dồi dào. Vì thế thơ ông được nghiên cứu nhiều và phổ biến rộng rãi đến bạn đọc.

 

Trong cuốn Mai Văn phấn và hành trình vào cõi khác của hai nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang và Nguyễn Thanh Tâm đã lí giải về Mai Văn Phấn – một mẫu hình nhân học. Cuốn sách được chia làm ba chương. Chương một là Chú giải về thơ Mai Văn Phấn, tác giả giải thích những vấn đề khúc mắc trong các tập thơ đã xuất bản của nhà thơ. Chương hai là Mai Văn Phấn và sự chuyển dịch văn hóa qua thơ, trong chương này tác giả đi sâu vào lí giải nhà thơ như một hiện tượng từ góc nhìn quan niệm sáng tạo và sự diễn giải kinh nghiệm tri thức bằng lời. Chương ba là Thơ Mai Văn Phấn trong dòng chảy thơ Việt Nam đương đại, đây là chương tổng quát hành trình của nhà thơ trong nền thơ ca Việt Nam, cho thấy được quá trình phát triển thơ của Mai Văn Phấn từ lúc mới bắt đầu cho đến lúc tồn tại thư một thực thể.

 

Và PGS.TS Hồ Thế Hà, trong bài viết Thơ tạo sinh nghĩa Mai Văn Phấn, đã phân tích thơ của Mai Văn Phấn trên hai bình diện: thế giới hình tượng và khả năng tạo sinh nghĩa; bản thể chữ và khả năng tạo sinh nghĩa để làm rõ quan điểm của mình. Đồng thời ông khẳng định “Mai Văn Phấn là một hiện tượng riêng của nền thơ đương đại Việt Nam – mà là một hiện tượng riêng, liên tục lấp lánh và mới lạ. Ý thức đổi mới thi ca luôn thường trực trong từng cảm giác bé nhỏ của chính nguời thơ mà anh tự gọi là “vong thân”  tức phủ định bản ngã thi sĩ truớc đó của mình để được tồn tại trong một trạng thái tình cảm luôn luôn mới và trong một trạng thái ngôn ngữ luôn luôn khác – nghĩa là luôn luôn tạo sinh nghĩa – đã làm cho thế giới thơ Mai Văn Phấn không ngừng vận động…” [22]

 

Còn Cao Năm trong bài Nhà thơ Mai Văn Phấn – hiện thân của sự sáng tạo lại khẳng định: “Khép lại vài ý kiến tản mạn của mình, tôi chỉ muốn nói rằng, 20 năm đọc thơ, dõi theo con đường thơ Mai Văn Phấn, điều tôi nhận ra ở nhà thơ đầy năng động này là một bản lĩnh sáng tạo luôn kiên định con đường mình đi, dù biết trước là đầy chông gai, đau đớn và cả tai tiếng, nhưng đấy đích thực là con đường của riêng mình, khoảng trời của riêng mình, để từ đấy có thể góp được cái gì đó vào bầu trời cao xanh vời vợi của muôn loài…” [28]

 

Ở một khía cạnh khác, Phạm Xuân Nguyên với bài Ban mai và ngọn lửa đã khảo sát và chỉ ra các biểu tượng ánh sáng ban mai và ngọn lửa trong thơ Mai Văn Phấn. Ông cho rằng “Mai Văn Phấn làm thơ dưới luồng sáng linh thiêng dẫn dắt ban mai và ngọn lửa. Anh tin vào sự hồi sinh, phục thiện, hoàn nguyên của đất đai bầu trời, của cỏ cây hoa lá” [8; 377]. Lửa và ban mai được xem là từ khóa trong thơ Mai Văn Phấn, ban mai là khởi đầu, lửa thắp sáng con đường và bước chân của loài người từ xa xưa đến nay. Đây là ý nghĩa mang đầy tính nhân văn trong thơ Mai Văn Phấn. Còn trong bài Thơ là Ngôi Lời, ông chỉ ra cái khác trong thơ Mai Văn Phấn. Cái khác không chỉ trong mỗi câu thơ mà trong tư tưởng của tác giả, Mai Văn Phấn luôn muốn khác, tìm kiếm cái khác nên mỗi tập thơ của ông khi ra đời là một sự khác. Trong quá trình tìm kiếm, nhà thơ tạo ra chữ trong mọi hoàn cảnh, cũng có thể cái hoàn cảnh đó tạo nên chữ. “Chữ bật ra Lời. Thơ là/thành Ngôn Lời. Run rẩy và sừng sững. Thiêng liêng và huyền hoặc” [8;380]

 

Cũng trên tinh thần đó, PGS.TS Phạm Quang Trung trong bài viết Không gian và hành trình thơ Mai Văn Phấn đã khái quát được đặc trưng thơ Mai Văn Phấn ở chặng đầu nằm trong phạm trù “cái đẹp”. Thơ của ông luôn gắn với đời sống theo yêu cầu nghiêm ngặt của mỹ học hiện thực cổ điển. Sau đó, thơ ông có dấu hiệu chuyển mình từ phạm trù cái đẹp sang phạm trù cái cao cả bắt đầu từ tập Nghi lễ nhận tên. Nhà nghiên cứu cũng nêu rằng: “Con đường và không gian thơ cho đến giờ của Mai Văn Phấn nhìn đại thể là vậy. Phía trước vẫn còn đó: Một khoảng không rộng mở… Cùng một khát vọng da diết… Có điều, ngay giữa lúc này, tôi vẫn tha thiết mong mỏi đông đảo bạn đọc chúng ta hãy mở rộng lòng đón nhận sự cách tân đầy ý thức mà cũng đầy hiệu quả của thơ anh” [32.

Bên cạnh đó, bài Từ những “không gian khác”… của nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm đã cho người đọc thấy được sự bứt phá không ngừng, tìm tòi và học hỏi trong quá trình sáng tạo thơ của Mai Văn Phấn. Ông không chỉ sáng tác thơ mà còn viết phê bình, cụ thể Mai Văn Phấn đã cho xuất bản tập phê bình – tiểu luận Không gian khác.

 

Không chỉ có những bài viết của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong nước mà thơ Mai Văn Phấn còn được đào sâu, khai thác qua các luận văn:

 

Đầu tiên là luận văn Thạc sĩ của Nguyễn Quang Hà Một số cách tân nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn, bảo vệ năm 2012. Công trình đã chỉ ra những nét mới, đặc sắc trong quan niệm nghệ thuật và cấu trúc thơ Mai Văn Phấn đó là cách tân trong quan niệm thơ và nhà thơ; cách tân trong cấu trúc hình ảnh, biểu tượng, ngôn ngữ. Luận văn khẳng định: “Với những tìm tòi và cách tân về cấu trúc thơ, hình ảnh, biểu tượng, ngôn ngữ thơ, tạo cho mình một giọng điệu thơ riêng, Mai Văn Phấn đã cho thấy một diện mạo thơ mới có thể chuyển tải được những bộn bề, phức tạp của cuộc sống và tâm trạng với nhiều cung bậc tình cảm của cái tôi luôn mang nặng ý thức trách nhiệm với con người và cuộc sống, phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội.” [23].

 

Cũng trong Luận văn thạc sĩ bảo vệ ở Đại học Đà Nẵng Đặc điểm nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn của Vũ Thị Thảo năm 2012. Công trình đã làm rõ quan niệm nghệ thuật của thơ Mai Văn Phấn. Từ các kiểu tư duy thơ, các chủ đề chính và các hình ảnh mang tính biểu tượng đến ngôn ngữ giọng điệu và các biện pháp nghệ thuật đắc sắc trong thơ Mai Văn Phấn đều ghi được dấu ấn riêng.

 

Tiếp theo là Mai Thị Thảo với luận văn thạc sĩ Cảm hứng tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn của bảo vệ năm 2014 đã khẳng định cảm hứng tôn giáo không chỉ chi phối đến hệ thống hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lối kết cấu, ngôn ngữ và giọng điệu thơ Mai Văn Phấn. Tác giả cũng nhấn mạnh: “Đưa vào thơ ca những vấn đề có tính chất triết học tâm linh, Mai Văn Phấn không hề hướng người đọc xa rời tinh thần “nhập thế” tích cực mà trái lại ông hướng người đọc đến những tầm sâu để nhìn vào đời sống của chính mình, từ đó hiểu được cách tiếp cận đời sống ở chiều sâu tâm linh” [31].

 

Và công trình nghiên cứu Hoàng Thị Thanh Nhàn Thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, bảo vệ luận văn Thạc sĩ năm 2014 đã làm rõ thế giới nghệ thuật thơ trong thơ Mai Văn Phấn qua hai bình diện Hình tượng cái tôi và Hình tượng thế giới. Hình tượng cái tôi trong thơ Mai Văn Phấn có bốn đặc điểm cơ bản: giàu khát vọng và năng lượng cách tân  thi ca; say đắm, nồng nàn trong tình yêu; thống nhất giữa lý tính tỉnh táo và trực giác nhạy cảm; khao khát hướng tới một thế giới tinh thần lý tưởng, “thuần Việt”. Đi cùng hình tượng cái tôi là hình tượng thế giới, đó là một thế giới viên mãn và thuần khiết; tương giao và hài hòa; và đầy ắp  những cảm giác siêu nghiệm.

 

Sau đó là công trình luận văn Thạc sĩ của Nguyễn Tiến Lượng bảo vệ năm 2015 Nghệ thuật tứ cấu trong thơ Mai Văn Phấn đã làm rõ những kiểu tứ cấu đặc thù trong thơ của nhà thơ. Tính đặc thù ấy được tập trung khám phá và thể hiện trên các bình diện chính là: cấu tứ dựa trên dòng trôi của cảm giác; cấu tứ dựa trên mối quan hệ liên văn bản; cấu tứ dựa trên việc triển khai các cuộc đối thoại và sự chú ý đồng bộ giữa cấu tứ của từng bài với cấu tứ của toàn tập thơ. Góp phần tạo ra một khung trời riêng, một thế giới riêng của thơ Mai Văn Phấn.

 

Nhìn chung, đã có nhiều công trình nghiên cứu về thơ Mai Văn Phấn, tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu vấn đề Dấu ấn hậu hiện đại trong tập thơ Hôm sau của Mai Văn Phấn nhìn từ cái tôi trữ tình một cách hệ thống. Vì thế việc nghiên cứu Dấu ấn hậu hiện đại trong tập thơ Hôm sau của Mai Văn Phấn nhìn từ cái tôi trữ tình là cần thiết. Những kết quả nghiên cứu của các công trình trên sẽ là những gợi mở quan trọng cho chúng tôi trong quá trình thực hiện luận văn này.

 

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

 

3.1.Đối tượng nghiên cứu

 

Tập thơ Hôm sau của Mai Văn Phấn do nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành năm 2009.

 

3.2.Phạm vi nghiên cứu

 

Những dấu ấn hậu hiện đại làm nên giá trị nội dung và nghệ thuật của tập thơ Hôm sau của Mai Văn Phấn nhìn từ cái tôi trữ tình.

 

4. Phương pháp nghiên cứu

 

Để phục vụ cho việc nghiên cứu, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

 

4.1.Phương pháp hệ thống cấu trúc

 

Cấu trúc toàn bộ thơ trong tập thơ Hôm sau thành một hệ thống theo yêu cầu nghiên cứu để xem xét, đánh giá một cách xác đáng dấu ấn hậu hiện đại trong tập thơ này.

 

4.2.Phương pháp phân tích – tổng hợp

 

Xem xét cụ thể các vấn đề và nội dung và nghệ thuật để làm rõ dấu ấn hậu hiện đại trong tập Hôm sau. Đồng thời đưa ra những đánh giá, nhận xét chính xác về giá trị nghệ thuật của thơ Mai Văn Phấn đối với thơ ca Việt Nam đương đại.

 

4.3.Phương pháp so sánh đối chiếu

 

So sánh tập thơ Hôm sau của Mai Văn Phấn với các tập thơ khác của ông để khẳng định sự đặc sắc của dấu ấn hậu hiện đại trong tập thơ.

 

5. Bố cục đề tài

 

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận Tài liệu tham khảo, Nội dung của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Thơ Mai Văn Phấn trong dòng chảy thơ Việt Nam đương đại.

Chương 2: Biểu hiện cái tôi trữ tình đa diện trong Hôm sau của Mai Văn Phấn.

Chương 3: Một số phương thức nghệ thuật mang đậm dấu ấn hậu hiện đại trong Hôm sau của Mai Văn Phấn thể hiện cái tôi trữ tình.



 

CHƯƠNG 1

THƠ MAI VĂN PHẤN TRONG DÒNG CHẢY
THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

 

1.1.Một số điểm nổi bật của thơ Việt Nam đương đại

 

1.1.1. Cái tôi cá nhân được đề cao trong chiều sâu nhân bản

 

Thơ Việt Nam từ sau 1986 có nhiều thay đổi so với trước đây, cái tôi cá nhân được đề cao và được chú ý khai thác khám phá một cách mới mẻ. Thế giới nội cảm của con người được nhìn nhận ở chiều sâu nhân bản. Cảm hứng ngợi ca và tính sử thi mờ dần để nghiêng về định giá các giá trị đã ổn định, tính hoài nghi được tăng cao. Nhà thơ không còn là người giáo dục nữa mà bây giờ họ là người có khả năng đánh thức, thúc giục, khơi dậy cảm xúc trong tâm hồn con người. Những tác phẩm trong giai đoạn có khả năng đánh thức những khát khao, ước mơ cho người đọc. Đời sống nội tâm và chiều sâu ẩn dấu trong tâm hồn được nhà thơ khai thác một cách triệt để. Con người trở thành một sinh thể bí ẩn, phức tạp. Con người hướng dẫn nhà thơ khám phá và lột tả thế giới nội tâm của họ.

 

Nhà thơ nói nhiều hơn về nỗi buồn nhân sinh, về những cảm nhận của cái tôi trước một thực tại nghiệt ngã. Nhiều nhà thơ công khai bày tỏ nỗi buồn. Đó là nỗi buồn gắn chặt với một thực tại mới, một cảm quan nghệ thuật mới. Nỗi buồn vì cuộc sống mưu sinh, những trắc ẩn về riêng tư, đôi lứa: Em chết trong nỗi buồn/ Chết như từng giọt sương/ Rơi không thành tiếng (Lâm Thị Mỹ Dạ). Các nhà thơ rung động trước những thay đổi tâm lý tinh tế, sâu kín, nhiều khi ngỡ như thật mong manh. Tuy nhiên cũng xuất hiện không ít nỗi đau giả, những tiếng khóc vờ vì cảm xúc hời hợt và thói triết lý vặt trong thơ. Người đọc cảm nhận nỗi buồn, cô đơn là một phạm trù thẩm mĩ và cũng là một đề tài nổi bật của thơ ca. Không hẳn nỗi buồn nào cũng nhất thiết phải có nguyên cơ, điều quan trọng là nhà thơ phải thể hiện được những nỗi buồn sâu sắc và thấm đầy chất nhân bản. Thơ viết nhiều về nỗi buồn nhưng dường như vẫn còn hiếm những nỗi buồn cao cả được thể hiện một cách sâu sắc và ám ảnh.


1.1.2. Ngôn ngữ được gia tăng tính chất tự do

 

Ngôn từ của thơ Việt Nam đương đại tự do, “không có vùng cấm” nào cho ngôn từ. Nhiều ngôn từ phong phú, ngôn ngữ sang trọng, bóng bẫy, ngôn ngữ chợ búa, ngôn ngữ bụi đời, ngôn ngữ đời thường đều xuất hiện trong thơ. Ngoài ra trong các tác phẩm thơ xuất hiện cảm hứng giải thiêng – con người phá vỡ những chuẩn mực được cho là cao cả, phá vỡ những chuẩn mực thiêng liêng không thể thay đổi mà người đi trước đã tạo lập. Các nhà thơ đã đưa ra một quan điểm mới theo quan niệm cá nhân. Ví dụ trong bài Tự hát của Xuân Quỳnh: Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng/ Trái tim anh đã từng biết đấy/ Anh là người coi thường của cải. Phụ nữ được tự do nói về quan niệm tình yêu của mình, có khi họ còn tự động tán tỉnh đàn ông nữa.

 

Thơ chú ý đến tính đa nghĩa của ngôn ngữ thơ ca, gia tăng chất ảo trong thơ. Nhà thơ ý thức tạo sự nhòe mờ cho ngôn ngữ nghệ thuật, vì thế để hiểu thơ người đọc phải giải mã các sinh thể nghệ thuật qua nhiều chiều liên tưởng văn hóa khác nhau. Tức là người đọc phải có trình độ và kiến thức thì mới có thể hiểu được thơ. Ví dụ bài Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ Ôi Tiếng Việt như bùn như lụa.

 

Trên thi đàn, xuất hiện nhiều giọng thơ lạ mang đậm chất phương Tây, trong đó thể hiện rõ ý thức phá vỡ những chiều tuyến tính tạo nên những dòng chảy đứt nối. Nó còn gia tăng tính đồng hiện của hình ảnh thơ. Nhà thơ luôn đặt các hiện tượng khác nhau, bên cạnh nhau, cố gắng tỉnh lược các mối quan hệ bề nổi buộc người đọc phải tự xác lập các mối liên hệ giữa chúng.

 

1.1.3. Thơ Việt Nam đương đại mang đậm dấu ấn hậu hiện đại

 

Hậu hiện đại là một khuynh hướng lớn trong văn học thế giới nên việc văn học Việt Nam mang dấu ấn hậu hiện đại là điều dễ hiểu. Khuynh hướng này xuất hiện trong thơ Việt Nam khá muộn, phải đến khi cải cách vào năm 1986, văn chương Việt mới đi vào quỹ đạo văn chương thế giới và thơ mới mang dấu ấn của khuynh hướng này. Khuynh hướng hậu hiện đại phát triển cho phép nhà thơ đi ngược lại quy luật đã có, cái tôi cá nhân nhìn đời thực bằng nhiều màu sắc, được đánh giá mọi vấn đề không toàn diện. Từ đó khiến cho nội dung thơ trở nên phong phú hơn, nhìn từ những góc nhau nên có những suy tư, chiêm nghiệm, bài học, kinh nghiệm khác nhau. Có thể nhận thấy điều này ở thơ Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm…

 

Thơ Việt Nam trong khoảng từ năm 2000 – 2010 là bước tiến đột phá trong quá trình thơ hậu hiện đại. Khi Internet và các loại hình thông tin bùng nổ, người sáng tác trẻ có cơ hội tiếp cận mọi trào lưu văn học trên thế giới. Đặc biệt là năm 2002, với sự ra đời hàng loạt website văn học tiếng Việt, đã được xem là thời điểm định hình cho thời kì văn học hậu hiện đại Việt Nam. Theo Inrasa, nhà thơ hậu hiện đại chối bỏ mọi dạng đại tự sự bằng cách hiệu quả nhất là giải thiêng sự thể. Mang tư tưởng tự do, nhà thơ hậu hiện đại luôn có tiếng nói phản biện xã hội đương thời, bóc trần sự mê hoặc mà thông tin đại chúng muốn tác động vào xã hội. Đồng thời thơ hậu hiện đại tự thân mang ý hướng phi tâm hóa, xóa bỏ mọi sự phân biệt trong đội ngũ sáng tác. Lực lượng sáng tác thơ mang dấu ấn của trào lưu hậu hiện đại bấy giờ như: nhóm Mở Miệng, Inrasara, Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Hoàng Nam, Phan Thị Vàng Anh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Quang Thiều, Bùi Chát, Khế Iêm…

 

Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Việt Nam đương đại cho thấy sự phát triển và mở rộng lãnh thổ của thơ và hướng đi mới của bộ phận tác giả trẻ nước ta hiện nay. Từ đó mang lại niềm tin cho công chúng một quá trình chuyển mình trong thi ca đầy năng động. Người đọc được thưởng thức những dòng thơ mang những sắc diện hoàn toàn mới mẻ trong nhìn nhận, đánh giá những hiện tượng của đời sống, cũng như trong bình diện ngôn ngữ, giọng điệu…

 

Tóm lại, nền thơ Việt Nam càng ngày càng phong phú với những cách tân mới mẻ, độc đáo cùng nhiều khuynh hướng thơ. Nhìn một cách tổng quát, thơ sau 1975 đã vận động một cách mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa. Với sự đổi mới về nghệ thuật, sự nhận thức sâu sắc về bản chất thơ Việt Nam đương đại đã tạo ra một đà phát triển mạnh mẽ cho nền thi ca dân tộc.

 

 1.2. Hành trình sáng tạo nghệ thuật của Mai Văn Phấn

 

1.2.1. Mai Văn Phấn - nhà thơ của “những cuộc vong thân”

 

Mai Văn Phấn sinh năm 1955 tại một làng quê thuộc huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Từ nhỏ, cái mộng văn chương đã ấp ủ trong lòng nhà thơ. Ông yêu thơ và làm thơ từ khi còn là cậu bé mười sáu, mười bảy tuổi. Bài thơ đầu tay Hoa xoan ghi dấu lại những ngày tháng sống và chiến đấu gian khổ trong quân ngũ của Mai Văn Phấn. Cũng từ đây, nhà thơ bắt đầu có những trăn trở về con đường thơ của mình, muốn xóa đi tất cả những quan niệm, hiểu biết về thơ ca trước đó. Là nhà thơ thuộc thế hệ hậu chiến, một trong những cây bút xuất sắc của dòng thơ cách tân sau 1975, những tác phẩm của ông đã góp phần không nhỏ trong cuộc cách tân thơ ca Việt Nam. Mai Văn Phấn đã tìm cho mình một giọng thơ riêng rất tinh tế với những cảm xúc sâu lắng và ngôn từ được trau chuốt. Nhà thơ đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm ấn tượng: Giọt nắng (1992), Gọi xanh (1995), Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999), Người cùng thời (1999), Vách nước (2003), Hôm sau (2009), và đột nhiên gió thổi (2009), Bầu trời không mái che (2010), hoa giấu mặt (2012), Vừa sinh ra từ đó (2013), Thả (2015), Phê bình tiểu luận Không gian khác (2016), Lặng yên cho nước chảy (2018)… Thơ Mai Văn Phấn hiện được dịch ra nhiều thứ tiếng và giới thiệu tại nhiều quốc gia như Anh quốc, Hoa Kì, Thái Lan, Indonesia, Thụy Điển,… Thành công trong sáng tác thơ ông đã được ghi nhận bằng hàng loạt các giải thưởng uy tín như: Giải thưởng Cuộc thi thơ tuần báo Người Hà Nội năm 1994, Giải thưởng Cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ năm 1995, chuỗi giải thưởng Văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) trong các năm 1991, 1993, 1994, 1995, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam dành cho tập thơ Bầu trời không mái che năm 2010 và mới nhất là Giải thưởng văn học Cikada của Thụy Điển trao năm 2017.


1.2.2.Các giai đoạn sáng tác của Mai Văn Phấn

 

1.2.2.1.Từ khởi đầu đến năm 1995

 

Bắt đầu bằng bài thơ Tản mạn về cỏ viết năm 1990. Mai Văn Phấn đã bước vào làng thơ Việt Nam một cách vô cùng mộc mạc và giản dị.

 

Hai tập thơ Giọt nắng (1992) và Gọi xanh (1995) được xem là sự đánh dấu thành công cho giai đoạn sáng tác đầu của tác giả. Ra đời trong giai đoan khởi đầu nên đa số các bài thơ được viết bằng thể thơ lục bát xoay quanh những chủ đề như tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, thiên nhiên…

 

Trong giai đoạn này, ý thức cách tân nghệ thuật đã trỗi dậy trong nhà thơ mặc dù thơ ông vẫn chưa thoát khỏi hệ hình thi pháp truyền thống. Cùng với thể thơ lục bát truyền thống, hình thức vắt dòng cũng được Mai Văn Phấn sử dụng trong một số bài thơ làm cho thơ thêm cảm xúc hơn, diễn tả được tâm trạng của nhân vật trữ tình trong thơ.

 

“ (…)

Giờ nỗi cô đơn lại sà xuống vần xoay

Chiếc vòi rồng muốn hóa thân tôi thành cát bụi

Mặt trời chiều hay trái cây chín vội

Rụng xuống lòng mình

Trĩu nặng

Trần gian.

(…)”

(Cát bụi và tôi - Gọi xanh)

 

Tuy chưa nhuần nhuyễn và đột phá nhưng thơ vắt dòng thể hiện rõ ý đồ nghệ thuật và sự sáng tạo không ngừng của nhà thơ.

 

1.2.2.2.Từ năm 1995 đến năm 2000

 

Đây là giai đoạn Mai Văn Phấn đã dần bước ra khỏi dàn đồng ca truyền thống trong văn đàn thi ca dân tộc để tạo cho mình một lối đi riêng. Với sức sáng tạo không ngừng ông đã cho ra đời ba tập thơ: Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999) và trường ca Người cùng thời (1999).

 

Tập thơ Cầu nguyện ban mai được xem là sự giao thoa giữa cái cũ ở giai đoạn trước và cái mới ở giai đoạn này. Cảm xúc cá nhân trong thơ được rõ nét hơn, tình yêu lứa đôi được đề cập nhiều hơn, thế giới nội cảm của nhân vật trữ tình trong bài thơ được khai thác và khám phá sâu hơn giai đoạn trước. Những chất liệu thuyền thống trong thơ như thuyền, biển, máu, ao, mùa thu, cá… được Mai Văn Phấn kết hợp trong thể thơ văn xuôi và tự do tạo nên nhịp thơ mới, căng tràn và hấp dẫn hơn.

 

Nghi lễ nhận tên là tập thơ mang tính bước ngoặt trong hành trình thơ Mai Văn Phấn. Là tập thơ chuyển từ phạm trù tư duy cái đẹp sang phạm trù cái cao cả. “Tên của tập thơ gợi lên từ một ý niệm về bản thể trong thời khắc nhận ra bản mệnh của mình. Quả thực, từ Giọt nắng, Gọi xanh, Cầu nguyện bạn mai đến Nghi lễ nhận tên, Mai Văn Phấn đã có một nhận thức về chính những chuyển động trong cấu trúc tư duy nghệ thuật cũng như hình thái thơ mà anh tìm kiếm.” [4;41].

 

Đến Trường ca Người cùng thời ngôn từ thơ của Mai Văn Phấn đã trở nên trau chuốt, tứ thơ mới mẻ và đặc sắc hơn, không theo cấu trúc tự sự quen thuộc mà theo mạch suy tưởng. Trường ca gồm mười chương thể hiện nhiều quan niệm mới lạ của tác giả về con người và thế giới. Đây là tác phẩm chứa đựng những quan niệm mới mẻ và đầy tính nhân sinh cao cả của ông.

 

1.2.2.3.Từ năm 2000 đến nay

 

Đây là giai đoạn sáng tác gặt hái được nhiều thành công của Mai Văn Phấn trong suốt những chặng đường thơ ca. Ông cho ra đời hàng loạt tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng người đọc: Vách nước (2003), Hôm sau (2009), và đột nhiên gió thổi (2009), Bầu trời không mái che (2010), Hoa giấu mặt (2012), Những hạt giống của đêm và ngày (2013), Vừa sinh ra từ đó (2013), Thả (2015), Lặng yên cho nước chảy (2018). Sự cách tân sáng tạo trong nghệ thuật cũng như quan niệm giúp cho nhà thơ đạt được nhiều giải thưởng lớn và các tác phẩm trong giai đoạn này được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài.

 

Tập Hôm sau và tập và đột nhiên gió thổi là hai tập thơ thể hiện cái nhìn mới về hiện thực, về con người và về nghệ thuật của nhà thơ. Tập thơ Hôm sau có cảm xúc chủ đạo là bi quan, hoài nghi đầy lo âu của con người trong vũ trụ bao la. Còn tập thơ và đột nhiên gió thổi lại mang những niềm tin và nhiều hi vọng về tương lai. Hai tập thơ như gắn kết chặt chẽ với nhau thể hiện ý đồ nghệ thuật của nhà thơ.

 

Tiếp theo phải kể đến Bầu trời không mái che, tập đạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 đồng thời cũng là bước đánh dấu sự phát triển của thơ Mai Văn Phấn trên hành trình hướng đến một thế giới nghệ thuật không có ranh giới, không có mái che. Tập thơ gồm ba phần: Cửa Mẫu, Mùa trăng và Hình đám cỏ. Cửa Mẫu gồm có chín khúc, mỗi khúc đều được gắn với những hiện tượng, quy luật trong nhận thức vạn vật tương thông: sinh - lão – bệnh – tử.

 

Trong khi đó là tập thơ Hoa giấu mặt lại mang cảm xúc an nhiên, lặng lẽ, hướng sâu vào cảnh giới của siêu nghiệm. Ở tập thơ này Mai Văn Phấn đi tìm những mảnh vỡ của kí ức tinh thần, những tàn dư của giá trị nhân bản trong cuộc mua bán, trao đổi với văn minh của con người. Cảm thức về sự vô thường hiện lên xuyên suốt tập thơ, Hoa giấu mặt tỏa ra hương thơm nhắn nhủ con người về sự hiện hữu của sự sống diệu kì, thiêng liêng.

 

Những hạt giống của đêm và ngày Vừa sinh ra ở đó, đã thể hiện một thế giới thiền, tinh khiết, trong lành, nguyân sơ và nguyên thủy. Đó là kết tinh những ý niệm của Mai Văn Phấn vê thế giới, sự sống và thi ca. Tập thơ biểu hiện rõ quan niệm thơ như là những tưởng tượng, mơ mộng, tạo sinh, giàu nhịp điệu và ngôn từ gợi cảm.

 

Ngoài ra Mai Văn Phấn còn sáng tác tập thơ ba câu Thả hàm chứa tinh thần buông bỏ triệt để của cái tôi cá nhân nhàm tìm lại bản ngã của con người. Tập thơ như một ám thị về thời gian theo kiểu Mai Văn Phấn – thời gian của những khoảnh khắc nhân sinh đẹp đẽ, đáng nhớ và đáng sống. Đồng thời cũng chính là hành trình buông mình của cái tôi trong nhà thơ để sau đó đi sâu vào cõi mơ hồ của tâm linh và sáng tạo.

 

Và đầu năm 2018, tập thơ Lặng yên cho nước chảy được ra đời gồm có năm phần: Trong sương, Thay mùa, Đất mở, Cái miệng bất tử Buông tay cho trời rạng. Trong sương là những bài thơ 2 câu, 3 câu; Thay mùa là những bài thơ theo lối truyền thống; Đất mở là thơ tự do về đất đai mùa màng; Cái miệng bất tử  là thơ cách tân với những vấn đề thế sự; Buông tay cho trời rạng là thơ văn xuôi và trường thi. Dễ dàng nhận ra đây là tập thơ gộp tất cả những cách tân nghệ thuật và những quan niệm ông đã viết từ khi khởi đầu đến nay. Tất cả các thể thơ trong Lặng yên cho nước chảy đều đã được nhà thơ viết trong tất cả các tác phẩm của mình. Đây là cuộc trở về và nhìn lại với hành trình thơ Mai Văn Phấn nhưng mang một diện mạo mới đó là tâm thức của con người thời đại với cái nhìn mới.

 

1.2.3. Quan niệm nghệ thuật của Mai Văn Phấn

 

Xuyên suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật, Mai Văn Phấn là người luôn trăn trở và suy tư một cách  nghiêm  túc về nghề nghiệp. Trong một bài phỏng vấn, nhà thơ Mai Văn Phấn đã nêu ra quan niệm nghệ thuật của mình: “Thật kinh hãi khi phải ngắm nhìn một nghệ sĩ cứ đứng mãi một chỗ mà biểu diễn quá nhiều lần một tiết mục tới gần như vô cảm, nói cách khác là thương hại những ai thâm canh triền miên trên một mảnh đất đã cỗi cằn. Quá trình vượt thoát khỏi cá tính chính là quá trình vong thân. Với cá nhân tôi, quá trình vong thân là khoảng cách giữa những giai đoạn tạm ngừng sáng tạo. Đó là khoảng thời gian đông cứng, vô nghĩa nhất. Tôi từng cảm giác bị nhấn chìm trong sự trống rỗng, trầm cảm, thậm chí bi phẫn… Nhưng trạng thái ấy giúp tôi tìm được cách vượt thoát. Sau mỗi lần vượt thoát, có cảm giác mình vừa may mắn tỉnh ngộ, tái sinh, hay được đầu thai vào một thân xác khác” [10;399]. Vì thế, quá trình “vong thân” của nhà thơ thường đồng hành với quá trình đổi mới và cách tân thơ của ông. Với Mai Văn Phấn: “Đổi mới thi pháp trước hết là từ chối ve vuốt những sở thích của người đọc, nhằm tạo những sóng từ khác, những mã số khác trong không gian thơ vừa được khám phá. Lý tưởng thi ca của sự cách tân nhằm gọi đúng bản chất của sự vật trong nhịp điệu đời sống hiện đại” [10;378].

 

Qua đó, ta thấy nhà thơ Mai Văn Phấn luôn coi quá trình sáng tạo nghệ thuật là một cuộc “vong thân”, một cuộc vượt thoát chính bản thân mình. Ông cho rằng, mỗi nhà thơ phải biết tự phủ định mình, tức là phải coi cái mà mình vừa viết ra là cái đã cũ thì mới mong đạt đến thành công đỉnh cao trong nghệ thuật. Và bài thơ mà nhà thơ viết ra không còn thuộc về họ nữa mà thuộc về độc giả. Cũng trong Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, nhà thơ Bằng Việt nhận xét: “Thơ Mai Văn Phấn hay dùng từ vong thân (thoát ra khỏi mình khỏi các khái niệm cũ) và vượt thoát là dấu hiệu đáng mừng của thế hệ - với tư duy ấy chúng ta có thể mang thơ đi xa là chìa khóa để sáng tạo trong thong dong và nhẹ nhõm sau khi đã vứt bỏ cái gánh nặng của quá khứ. Quan niệm của Mai Văn Phấn mà tôi rất thích đó là hậu hiện đại chỉ là cái sẽ đi qua mà thôi để trở lại với tân cổ điển (nó chỉ là chỗ giải thoát bế tắc)”[26].

 

Tương lai rồi sẽ đến nhưng cái đáng quý nhất chính là ở thời điểm thực tại phải làm tốt và quan trọng là phải có tâm huyết với mọi việc. Không thể có thơ hay khi mà tác giả không tự xây dựng cho mình một cá tính, một bản sắc riêng trong thế giới tinh thần. Là một nhà thơ đầy trách nhiệm xã hội, Mai Văn Phấn đã can đảm cất lên tiếng nói của mình, ông quan niệm đã là người cầm bút không phải chỉ có tài năng mà còn luôn nhiệt huyết với nghề của mình.

 

1.2.4. Hôm sau – Tập thơ đánh dấu quá trình bứt phá của Mai Văn Phấn

 

Tập thơ Hôm sau được xuất bản tại Nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2009, gồm 27 bài thơ viết theo thể tự do và văn xuôi. Đó là: Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Không thể tin, Quay theo mái nhà, Anh tôi, Nghe tin bạn bị mất trộm, Biến tấu con quạ, Đúng vậy, Bài học, Chỉ là giấc mơ, Ở nhũng đỉnh cột, Giấc mơ vô tận, Ghi ở Vạn Lý Trường Thành, Đêm lập xuân, Dậy trẻ con, Còn cậu hãy đứng đằng kia, Hắn, Đến trong suy nghĩ, Hội chứng từ một tin đồn…, Nhìn kỹ, Tỉnh táo tột cùng, Kể lại giấc mơ, Biết thì sống, Nếu, Cái miệng bất tử, Chuyện còn dài, Sống hồn nhiên Giả viết cho buổi sáng hôm sau.

 

Tập thơ Hôm sau là một cuộc tự đổi mới thơ mình của Mai Văn Phấn, làm nên một bước tiến mới của tác giả. Khi dòng chảy thi ca đương đại trong quá trình hội nhập có phần ít dao động, Mai Văn Phấn đang cố gắng tạo cho mình một sự bứt phá vượt khỏi vết mòn xưa cũ và tiếp tục tự vấn bằng những thôi thúc sáng tạo.

Hôm sau mang cái tôi cá nhân đầy u buồn, bế tắc và bi quan của con người trong cuộc sống. Trong tác phẩm, ta bắt gặp một cái nhìn mới về hiện thực, con người và nghệ thuật. Xuyên suốt tập thơ là chuỗi những mảnh ghép phi logic của hiện thực. Nói phi logic nghĩa là chúng ta đang bị chi phối bởi logic của quan niệm, của sự áp đặt. Chính xác hơn đó là một logic mới, nó không đáng bị khinh khi, bị chối bỏ. Đồng nghĩa với điều đó là con người cũ kỹ, tha hoá dần đi. Sự chân thực của huyễn tưởng đã nói lên thân phận của con người trong môi trường sống ngày càng khắc nghiệt, quay cuồng bất trắc. Trong tập thơ, niềm bi quan về thân phận của cái tôi cá thể hiện lên rõ nét và đặc sắc. Cái tôi hoàn toàn mất đi bản lĩnh tự tôn, cái tôi làm con người mệt mỏi, rũ rượi, muốn chết, muốn bóp cổ mình để hoá giải, nhưng cái tôi cũng khát khao hướng tới một sự sống trọn vẹn, tràn đầy.


Hôm sau
nghĩa là còn chưa tới. Phải chăng tập thơ là dự cảm của tác giả về một tương lai, thế giới mà ông nói đến trong thời kì hội nhập này?




CHƯƠNG 2

BIỂU HIỆN CÁI TÔI TRỮ TÌNH ĐA DIỆN

TRONG HÔM SAU CỦA MAI VĂN PHẤN

 

2.1.  Tâm thế bất an trước cuộc đời

 

2.1.1. Hoài nghi các giá trị

 

Trong tập thơ Hôm sau của Mai Văn Phấn, những cảm xúc cá nhân, suy tư nội tại được thể hiện thông qua những chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc sống. Có thể thấy, hoài nghi là cảm giác xuyên suốt trong tập thơ Hôm sau ở đó nhân vật trữ tình thể hiện cái nhìn, cảm xúc của mình về mọi thứ xung quanh, về vạn vật, về con người … Trong các bài thơ Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Kể lại giấc mơ, Không thể tin… sự hoài nghi các giá trị tự nhiên được thể hiện sâu sắc qua góc nhìn của chủ thể trữ tình bằng những câu nghi vấn.

 

“Nhà mình

Mọi sự đảo lộn

Không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ

Đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót?

Bộ ấm chén giả cổ ai cho?”

(Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ)

 

Cuộc sống ngày càng phát triển, con người có nhiều thứ phải quan tâm, từ đó khiến họ quên đi những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật. Những thói quen hằng được ngày lặp lại khiến bản chất thật sự của việc mà mà con người đã làm không còn nguyên giá trị. Chỉ khi con người nhận ra mọi thứ xung quanh không còn nguyên vẹn thì họ mới nhận ra mọi sự đảo lộn trong cuộc sống. Người ta “không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ” và bắt đầu hoài nghi về mọi thứ trong nhà: “Đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót?/ Bộ ấm chén giả cổ ai cho?”.

 

Dưới góc nhìn của nhân vật trữ tình, cuộc sống đã thay đổi. Mọi thứ không còn nguyên vẹn như ban đầu. Mọi giá trị đều bị đổ vỡ. Và một hiện thực không thể tin đang tồn tại. Trong sự hoài nghi của cá nhân, những con vật vốn được tạo hóa ban sẵn sự sống bây giờ lại trở thành sản phẩm được “chế tác từ đồ phế thải”. Sự hoài nghi của cái tôi như một lời phản biện với quan niệm thông thường, những hình dung mới làm thay đổi ý niệm về những mặc định. Những sinh thể tự nhiên “Con mèo”, “con cá”, “con chó”, “chim họa mi”, “đàn kiến”, dưới góc nhìn của nhân vật trữ tình hoàn toàn có thể được sinh ra từ những tác nhân khác, những thứ nhỏ nhặt nhất trong đời thường.

 

Không chỉ hoài nghi trong lúc tỉnh táo tri nhận, cái tôi còn hoài nghi, mất niềm tin về cuộc đời trong trạng thái vô thức:

 

“Có người thấy tên tôi trong đống giấy phế liệu, hồ sơ ghi làm gián điệp những hai mươi mang. Rõ ràng có kẻ đểu cáng đã cố tình viết thêm số 0 vào sau số 2. Làm gì ở miền quê hẻo lánh lúc đó có hai mươi thể chế? Miền quê là cuộc đấu trí? Là trung tâm thông tin? Hay điểm nóng?”

(Kể lại giấc mơ)

 

Từ việc con số nêu khống từ hai lên hai mươi, cái tôi đặt câu hỏi “Làm gì ở miền quê hẻo lánh lúc đó có hai mươi thể chế? Miền quê là cuộc đấu trí? Là trung tâm thông tin? Hay điểm nóng?”. Câu hỏi như lời khẳng định chắc chắn rằng cái tôi bị oan, thông tin trong những tờ giấy đó hoàn toàn sai sự thật.

 

Không chỉ mang tâm thế hoài nghi về những giá trị tự nhiên mà tập thơ còn hoài nghi về các giá trị mang tính quy chuẩn, các tiêu chí đạo đức của con người (Nếu, Cái miệng bất tử, Chuyện còn dài, Bài học…)

 

Cuộc sống đầy khó khăn, cạm bẫy và giả dối làm con người luôn lo lắng. Ngay cả trong vô thức của nhân vật trữ tình, những câu hỏi luôn được đặt ra cho thấy sự hoài nghi về cuộc sống càng lúc càng tăng lên. Sự an toàn, thân thiện và tốt đẹp trong cuộc đời này dường như là không thể:

 

“Nếu đêm qua không có cơn mưa?

Nếu tôi không ngủ trên giường?

Nếu không phải khoảng cách ba mét bảy mươi lăm xăng-ti?”

(Nếu)

 

Trạng thái nghi ngờ với tất cả mọi thứ xung quanh mình khiến cái tôi trở nên hoảng loạn:

 

“Tôi đặt vào cái miệng những ngữ âm

như gõ lên ô Search một website tìm kiếm

Kết quả làm tôi choáng ngợp

Tôi bị lạc vào ổ phục kích?

Là phần mềm bị nhiễm virus?

Hay hòn than vừa rơi xuống tảng băng?”

(Cái miệng bất tử)

 

Con người cảm thấy bất lực và không biết bản thân đang mong muốn tìm kiếm điều gì. Bản thân sẽ lạc vào “ổ phục kích”, sẽ sa vào “phần mềm nhiễm virus” trong máy tính hay “sẽ là hòn than rơi xuống tảng băng”. Sự hoài nghi về những giá trị đạo đức, những quy chuẩn của xã hội có thể được coi như là một phản xạ tự nhiên của tinh thần con người khi nhận thức bản chất giả dối của những vấn đề đời sống. Cố gắng tìm kiếm một câu trả lời, chủ thể tự đặt ra những câu hỏi trong sự hoài nghi về sự phi logic của cuộc sống:

 

“Con gián bò quanh tôi và nói

vừa đầu thai được ba tháng tuổi

kiếp trước từng là người đàng hoàng

Đàng hoàng sao chịu phận xẹp lép?

Tôi không tin và đu lên khung cửa

Thế nhân chứng đâu? Vật chứng đâu?”

(Chuyện còn dài)

 

Những giá trị quy chuẩn, đạo đức của xã hội đang bị nghi ngờ. Nghi ngờ sự đàng hoàng của con gián thực chất chính là nghi ngờ bản chất thực sự của con người, về những giá trị đạo đức và những quy chuẩn làm người trong xã hội đương đại. Trong xã hội đầy rẫy sự dối trá, giả tạo… liệu “đàng hoàng” có còn tồn tại? Chủ thể trữ tình dường như đã mất niềm tin vào cuộc sống thực tại, vào những giá trị đạo đức đang bị tha hóa nghiêm trọng.

 

Sự hoài nghi về những giá trị đạo đức của chủ thể trữ tình còn được Mai Văn Phấn thể hiện qua bài thơ Bài học:

 

“Cánh và khuỷu tay vẫn cứng

Từ cổ tay xuống đến ngón phải mềm

Đạo mạo múa tay trong bị

Tôi học bài này từ nhỏ

(Một lần bị khinh như mẻ

Thằng đạo mạo đạp mình xuống lề đường

Cạch đến già!)

….”

 

Ngay từ nhỏ, đứa trẻ đã nhận thức được sự dối trá ẩn lấp đằng sau dáng vẻ đạo mạo của con người. Đó là bài học học kinh nghiệm được nhân vật “Tôi” rút ra khi nhận thấy được sự thật về những quy chuẩn đạo đức đã không còn tồn tại. Bị đối xử ghẻ lạnh, thân phận nhỏ bé không được tôn trọng từ đó sinh ra tâm thế hoài nghi về sự tương giao trong mối quan hệ giữa con người với con người.

 

Tâm thế bất an trước cuộc đời còn được chủ thể trữ tình thể hiện qua sự hoài nghi về các giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống:

 

“Vợ tôi bảo muốn chữa bệnh đau đầu

phải hồn nhiên như cây cỏ.

Về thôn quê thấy cỏ ngút ngàn

tôi giang tay nhờ gió lay lắt

giống các fan hâm mộ đưa theo nhịp bài hát.

Đung đưa một lúc cũng mỏi

càng thêm đau đầu trong nắng tháng sáu

bởi phải tưởng tượng ra mưa xuân

trời âm u và có gió nhẹ.”

(Sống hồn nhiên)

 

Không tin rằng muốn “chữa bệnh đau đầu” thì phải sống một cuộc sống tốt đẹp, “hồn nhiên như cây cỏ”, chủ thể trữ tình tìm về thôn quê để thử trải nghiệm và sống như lời “vợ” dặn, sống hòa mình vào thiên nhiên “giang tay nhờ gió lay lắt”. Nhưng sự thật không như mong đợi, chủ thể “càng thêm đau đầu” vì trong thời tiết oi bức “nắng tháng sáu” của mùa hạ “phải tưởng tượng ra mưa xuân”. Một sự thật hiển nhiên cho thấy con người luôn suy nghĩ, đau khổ trong mọi hoàn cảnh. Vì thế không thể sống “hồn nhiên” trong xã hội đương đại.

 

Trong tập thơ Hôm sau, chủ thể trữ tình mang một thế giới nội tâm phong phú, trong đó cái tôi hoài nghi được Mai Văn Phấn tô đậm bằng nhiều góc nhìn khác nhau. Một thế giới với sự thay đổi nhanh chóng, làm con người không còn nhận ra mọi thứ, không thoát ra được những quy chuẩn của xã hội. Chính vì thế, cái tôi nghi ngờ đời sống thực tại, cảm thấy không thể tin vào mọi thứ. Cái tôi vì thế, gần như hoàn toàn mất đi bản lĩnh của mình, không nhận ra đâu là hư thực, ngờ vực tất cả mọi thứ hiện hữu trong cuộc sống. Do sự nhạy cảm của cá nhân hay do cuộc sống có quá nhiều thứ không chân thật khiến con người mất đi niềm tin?

 

2.1.2.Cô đơn trong cuộc sống

 

Trong bản chất, mỗi con nguời là một vũ trụ thu nhỏ, trong đó phản ánh và tồn tại toàn bộ thế giới hiện thực. Trong chiều sâu của chính mình, con người mới tìm thấy chiều sâu của thực tại cuộc sống, các tầng bí ẩn thầm kín nhất. Và cô đơn là trạng thái luôn tồn tại trong con người trong thế giới hậu hiện đại. Đầu tiên đó là nỗi cô đơn trong các mối quan hệ xã hội:

 

“Nhà thơ trú trong bóng râm

Từng con chữ bị khoét mất mắt.”

(Biến tấu con quạ)

 

Hình ảnh “Nhà thơ trú trong bóng râm” cho thấy sự yếu đuối, cô đơn và chơi vơi của con người xã hội. Cái chết ẩn náu đâu đó trong những bóng râm, những khoảng tối rồi bất thần ập đến khiến chủ thể trữ tình không kiểm soát được. Hiểu theo một cách khác, con quạ trong bài thơ có có ngụ ý là con vật hay nó là biến tấu của con người. Có thể quạ chính là một phiên bản con người khi ta nhìn chính ta dưới nhãn quan siêu thực. Nhà thơ – những người làm nghệ thuật cô đơn trong chính ngôi nhà lớn mà họ đang sống và làm việc, không những chỉ cô đơn mà còn có khả năng gặp nguy hiểm. “Từng con chữ bị khoét mất mắt”, những bức tranh hiện thực được nhà thơ đưa vào trang viết đang gặp những mối nguy, bị xâu xé và khoét đục dần.

 

Bằng góc nhìn đa chiều về cuộc sống, Mai Văn Phấn đã đưa vào trang thơ của mình một xã hội hậu hiện đại thu nhỏ. Ở đó con người hiện lên với những hình ảnh đáng thương, cô độc:

 

“Lật đống chăn nơi ông vẫn nằm

thấy mẩu giấy với nét chữ nguệch ngoạc:

“Ai tìm thấy tôi ở đâu, gọi về số...

Xin cảm ơn và hậu tạ”.

sau mẩu giấy vẫn văng vẳng:

quấy rồi đục... nhục rồi than... tan rồi huề... mê rồi tỉnh... thỉnh rồi buông...”

(Đúng vậy)

 

Cái tôi cô đơn được thấy rõ nét qua nhân vật “ông” trong bài thơ. Ở cái tuổi sắp bước qua bên kia của cuộc đời, với trí nhớ không còn minh mẫn đến nỗi mỗi lần bước ra khỏi nhà là phải viết một mẫu giấy ghi chú lại “Ai tìm thấy tôi ở đâu, gọi về số...”. Trong cái cô đơn “ông” tự ý thức được mình phải làm như vậy để có thể trở về nhà khi lạc đường. Điều đó cho thấy cái tôi cô đơn trong chính gia đình của mình, không có ai cùng đi, không có ai cùng chia sẻ, cái tôi ấy sợ không ai biết mình đi đâu và ở đâu để tìm. Trí nhớ lẫn – có ý thức – trí nhớ lẫn, ông ý thức được việc mình bị lẫn trí nên phải viết vào tờ giấy nhưng ông lẫn đến mức ra đường quên mang theo chúng. Những câu nói văng vẳng của một cụ già “quấy rồi đục... nhục rồi than... tan rồi huề... mê rồi tỉnh... thỉnh rồi buông...” chính là một sự lặp lại cả một hành trình sống của chính bản thân ông lúc bấy giờ.

 

Con người trong Hôm sau không chỉ cô đơn trong các mối quan hệ của xã hội mà còn cô đơn trong chính gia đình của mình: “Tôi bị con cháu chê cười, khinh bỉ chẳng ra gì. Bị vu khống trắng trợn, không thể thanh minh. Trước khi tự tử tôi muốn khóc. Nhưng tự nhiên khóc là việc rất khó với một người già. Tôi đành dỗ dành một đứa trẻ sơ sinh vừa thức dậy trong tã lót còn cuốn chặt”. Trong Kể lại giấc mơ nhà thơ kể về một người đàn ông đau khổ thất vọng đến mức muốn tự tử khi bị người thân ghẻ lạnh. Người đàn ông đã tự an ủi chính bản thân mình bằng cách “dỗ dành một đứa trẻ sơ sinh vừa thức dậy”, coi đó như một niềm vui con người đã tự tạo ra cho mình.

 

Hay trong bài Giả thiết cho buổi sáng hôm sau ta bắt gặp hình ảnh một cụ già tuy bên ngoài mang dáng vẻ ung dung nhưng bên trong lại ẩn chứa một nỗi cô đơn. Đó là sự cô đơn trong chính bản thể con người:

 

“Về già ông ít nói

không buồn, không giận

suốt đêm ngồi buông cần câu bên vũng bùn

để di dưỡng tinh thần?”

 

Khi về già ai cũng mang trong mình những tâm sự, những suy nghĩ về cuộc đời. Và họ sẽ tìm cho mình những niềm vui để khỏa lấp đi những suy nghĩ. Chủ thể trữ tình trong bài thơ tìm đến thú vui thanh cao câu cá để tìm niềm vui trong cuộc sống. Nhưng ngay câu thơ đầu tiên của bài đã mang cái cô đơn của cái tôi trước thời cuộc: “Về già ông ít nói/ không buồn, không giận”. Nhân vật trữ tình thay đổi tính cách khi về già đó là ít nói, là vì không tìm được niềm vui, người bầu bạn để tâm sự cũng có thể không có ai để ông chia sẻ. Đã là con người ai cũng có những cảm xúc riêng, “không buồn, không giận” chỉ là họ không bộc lộ ra bên ngoài, bởi vì họ đã nén tất cả cảm xúc trong trong tâm hồn. Một cụ già kiên nhẫn “suốt đêm ngồi buông cần câu bên vũng bùn”, mới nhìn qua có vẻ mang một vẻ diềm tĩnh nhưng nội tại bên trong bản thân chủ thể như thế nào khó ai biết được. Ban đêm là khoảng thời gian con người là chính mình nhất, sống và được làm những điều mình thích.

 

Cái tôi cô đơn trong chính bản thể của mình nên dẫn đến tuyệt vọng về thân phận trong xã hội rộng lớn:

 

“Tôi phải tiếp tục tưởng tượng

kẻo bị kẻ khác chê là mù

tôi và con gián cùng hội thảo khoa học

cùng đeo khẩu trang, cùng ngắm hoa”

(Chuyện còn dài)

 

Hình ảnh cái tôi cô đơn đến bi quan hiện lên lạ khi đi hội thảo cùng con gián. Cái tôi ấy sợ mình bị chê cười, sợ mình bị khinh khi và bị chê là mù khi không liên tưởng được những sự việc trong cuộc sống. Cái tôi phải tiếp tục tưởng tượng trong trạng thái bị ép buộc và bi quan bởi những chê bai từ người khác. Đi hội thảo khoa học nhưng “đeo khẩu trang và ngắm hoa”, bởi vì cái tôi ấy thu mình lại, không dám nêu quan điểm của mình hay chỉ là thân phận xẹp lép như con gián nên mới “đeo khẩu trang” để không ai thấy mặt. Chủ thể trữ tình đặt bản thân và con gián cạnh nhau để thấy sự nhỏ bé về thân phận của mình.

Rõ ràng, cái tôi cô đơn trong Hôm sau của Mai Văn Phấn mang dấu ấn hậu hiện đại rõ nét. Trước hết đó là sự cô đơn trong các mối quan hệ của xã hội, tiếp đến là cô đơn trong gia đình và cuối cùng là cô đơn trong chính bản thể mỗi người. Sự cô đơn đó luôn tồn tại trong tâm thức của con người ở xã hội đương đại. Nhà thơ Mai Văn Phấn đã đi sâu vào khám phá từng ngóc ngách của nội tâm con người, lột tả tận cùng nỗi cô đơn ấy bằng nhiều cách khác nhau. Thơ ông vì thế thấm đẫm nỗi cô đơn của con người Việt Nam đương đại.

 

2.1.3.  Dự cảm về tương lai

 

Trong tập thơ Hôm sau bên cạnh nỗi cô đơn chất ngất, Mai Văn Phấn còn thể hiện những dự cảm của mình về tương lai. Đó là những dự cảm có phần bi quan về một thế giới khác, ở một tương lai khác của con người:

 

“Bên kia tấm bìa là thế giới khác. Biển báo, thầy giáo cũ, biên bản giám định, chợ búa, kỷ niệm chương, thợ thông cống, hội đồng hương, tu sỹ, dầu tắm, bẫy chuột, nhà tiên tri... Và thời trang cũng khác (hắn nghĩ thế!). Hèn gì không chui nốt cả tay kia (!).”

(Hắn)

 

Chủ thể trữ tình trong bài thơ ý thức rằng nếu không cố gắng thay đổi, tìm tòi và sáng tạo thì sẽ mãi sống trong một xã hội không phát triển. “Hắn” biết nếu như hắn bay qua tấm bìa mang thế giới cũ với những quy định và ràng buộc như “biển báo” và “biên bản giám định”, những bài học cũ “của người thầy giáo cũ”, những đồ dùng không hiện đại như “dầu tắm” và “bẫy chuột”thì hắn sẽ không còn tự do, không đạt được những điều hắn muốn. Từ đó, “hắn” sẽ mãi sống với những điều đã cũ khi thế giới ngoài kia đang hướng tới những điều mới mẻ, hiện đại và văn minh hơn.

 

Từ ý thức về sự đổ vỡ những giá trị cuộc sống, Mai Văn Phấn lên tiếng báo động về tương lai đầy nguy hiểm dành cho con người. Ở đó, mọi người phải sống trong xã hội bất biến với những suy nghĩ không bình thường. Họ luôn phải sống trong tâm thế lo lắng, sợ hãi sẽ phải mất đi những giá trị của bản thân bất cứ một lúc nào. Những trạng thái đảo lộn, ảo và rạn vỡ của sự vật và con người được Mai Văn Phấn tô đậm trong bài thơ Ở những đỉnh cột:

… “Tôi tồn tại bởi cánh bướm, biển quảng cáo và thiếu nữ

không quen biết

Họ nói giùm tôi cuống lưỡi vực sâu” …

 

Những trạng thái đó còn tiếp diễn thì những bất an khác rồi sẽ đến. Có một dự cảm đau đớn về tương lai con người phải sống phụ thuộc vào “cánh bướm”, “biển quảng cáo” và “thiếu nữ”. Con người không làm chủ cuộc sống của mình thì họ có thể sẽ trở thành nô lệ của thế giới đồ vật và thiên nhiên, trở thành nô lệ của những dục vọng . Ở đó con người sẽ mất đi tiếng nói của mình, cơ thể sống được phải nhờ vào những thứ khác. Con người sẽ không còn là chính mình khi bị trấn lột, lấy đi tất cả:

 

“Chúng bịt miệng

trấn lột mọi thứ

và xin tôi bộ phận sinh dục.

Nói rằng xin

bởi nếu tôi không đồng ý

của quý kia phải liệng xuống hố phân

(chúng biết cả bí quyết thần chú).”

(Ở những đỉnh cột)

 

Những hình ảnh thơ táo bạo, đầy sự gây hấn đã được Mai Văn Phấn sáng tạo như một lời cảnh tỉnh đối với mọi người về một nguy cơ có thật: sự thay đổi lớn về nhân cách của con người trong xã hội đương đại.

 

Đặc biệt trong Hôm sau, Mai Văn Phấn còn lên tiếng báo động về tương lai của trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, những mầm xanh cần được chăm sóc và yêu thương từng ngày. Trong bài Dậy trẻ con nhà thơ kể về việc những đứa trẻ mắc căn bệnh của tuổi già và mang những biểu hiện của người lớn: “Đêm đêm chúng thường tụ tập, thì thào trong những khu vườn vắng, phân công đứa canh gác để đứa khác đào hầm, chôn giấu những đồ vật cũ nát, đề phòng lúc biến động. Chúng hay hốt hoảng lúc hoàng hôn chuyển màu, lúc sóng vỗ, lúc quả vỡ… Chúng rủ nhau ăn kiêng đề phòng cao huyết áp, mỡ máu, u xơ tuyến tiền liệt… Ít thấy chúng gào khóc ăn vạ…”. Những đứa trẻ ấy sẽ mang đến xã hội một diện mạo mới, một sự thay đổi khác. Trẻ con ở thời đại ngày nay được nhận xét và thông minh và lanh lợi hơn so với những trước đây rất nhiều. Chúng được tiếp xúc và sống trong môi trường hiện đại, có điều kiện được ăn uống những chất bổ bởi vậy việc tiếp thu nhanh mọi thứ là điều có thể. Nhưng việc chúng cư xử như người già một cách thuần thục như vậy là một biểu hiện kì lạ và đáng lo lắng. Biết đề phòng lúc biến động, biết hốt hoảng, biết ăn kiêng đề phòng bệnh, và đặc biệt là không còn gào khóc ăn vạ. Bởi vì chúng học được những điều đấy từ những người già xung quanh chúng nên không còn đúng với lứa tuổi của mình, lứa tuổi thơ ngây trong sáng. Đáng thương cho những trẻ nhỏ không có một tuổi thơ đúng với độ tuổi của mình nhưng cũng đáng khen khi chúng sớm trưởng thành. Tương lai của đất nước sẽ như thế nào nếu có những trẻ em như vậy, là tích cực hay tiêu cực khi trẻ nhỏ sớm có những ý thức và suy nghĩ như một người trưởng thành? Với hi vọng sẽ xây dựng nên một cuộc sống tốt đẹp, mang lại những điều có ích trong xã hội.


2.2. Khao khát cuộc sống toàn nguyên

 

2.2.1. Được là chính mình

 

Có thể thấy, trong Hôm sau, Mai Văn Phấn luôn thể hiện một khao khát cháy bỏng. Trong Biến tấu con quạ, khi cận kề với cái chết, con người vẫn khao khát được sống, được tìm ra lối thoát. Sự đói khát, bất lực của con người dưới thế lực quạ hùng mạnh, mọi thứ dường như trở nên bất lực, ngay cả thiên nhiên:

 

“Cả chúng ta nữa, đang cồn cào cùng dòng sông đói khát. Những giọt nước đục tìm cách lọt qua khe vải. Mặt nước khổng lồ ghìm nén xao động, mong giữ lại bóng người. Bật que diêm rồi, vẫn nhớ ngọn bấc còn rất xa. Vung tay lên, nói to một mình trong bóng tối.”

(Biến tấu con quạ)

 

Một ánh nhìn sáng le lói phát ra từ que diêm như nguồn sống lúc bấy giờ, thứ ánh sáng đó tuy nhỏ nhoi, le lói nhưng có hơi ấm. Nó truyền cho con người sức mạnh dẫu biết “ngọn bấc còn rất xa” để có thể cháy bùng lên, nhưng cũng là một động lực để tìm đến sự sống. Bằng sự khao khát “vung tay lên” một cách mạnh mẽ, cái tôi cất tiếng nói to trong không khí bao trùm tử khí và bóng tối. Cả bài thơ đã bộc lộ được khao khát cháy bỏng đứng lên giải thoát bản thân tìm đến nguồn sống.

 

Được là chính mình, thực chất đây là sự ý thức cao độ của nhà thơ về vị trí của bản thân. Trong Anh tôi, ta bắt gặp một chủ thể trữ tình với một khao khát sống và ý thức về giá trị sống của bản thân mình trong người sắp phải lìa xa trần thế:

 

“Lúc gần đất xa trời, anh nhờ tôi giữ hộ ký ức. Anh dặn đây là dữ liệu qúy. Nhưng kho ký ức tôi đã đầy ứ, cả mốc meo, thối rữa. Tôi khuyên anh nên vẽ tranh hoặc viết sách. Nhưng anh đâu phải nhà văn, hoạ sỹ.”

 

Dù thân xác không còn sống và không còn hiện hữu trên cõi đời, nhưng người anh vẫn mong được lưu giữ những kỉ niệm, những nỗi nhớ mang tên “ký ức” của mình ở nơi này. “Anh nhờ tôi giữ hộ ký ức”, người anh không muốn mình bị quên lãng sau khi đã mất, cũng không muốn những thứ tốt đẹp anh ta đã từng trải qua phải đi theo đến cõi vĩnh hằng. Anh ta muốn ký ức của mình được sống mãi qua việc nhờ người em giữ nó. Bởi vì là “dữ liệu qúy” nên anh muốn người em nuôi dưỡng kí ức của mình, cũng như muốn người em có những ký ức tốt đẹp và quý báu của tuổi thanh xuân.

 

Khao khát một cuộc sống là chính mình còn thể hiện ở bản chất và cá tính của con người trong Hôm sau của Mai Văn Phấn. Con người dám liều mình chiến đấu, đối mặt với kẻ thù. Cái tôi dám khác biệt với những thứ tồn tại trong cuộc sống đương đại. Chủ thể trữ tình trong Hôm sau mang dáng dấp của nhà thơ Mai Văn Phấn ngoài đời thực, mà ở đó nhà thơ luôn không ngừng sáng tạo, luôn mạnh mẽ vượt qua khỏi những quy chuẩn cũ, hướng đến những điều mới mẻ. Điều này mang đến cho thơ ông một diện mạo khác (Nghe tin bạn bị mất trộm, Biến tấu con quạ, Còn cậu hãy đứng đằng kia…)

 

Có thể nhận thấy, bài thơ Nghe tin bạn bị mất trộm thể hiện cái tôi cá tính của chủ thể trữ tình một cách mãnh liệt: “Tôi muốn thành thám tử tư, tóm ngay kẻ vừa chui vào nhà bạn.”. Mai Văn Phấn là một nhà thơ luôn khắc khoải với những vấn đề trong xã hội, nên ông luôn tập trung khai khác những vấn đề ấy trong thơ của mình. Bị trộm vào nhà là điều không lạ lẫm trong cuộc sống đương đại, cái tôi ấy dám lên tiếng, dám đối diện với tên trộm để “tóm ngay kẻ vừa chui vào nhà bạn”. Chủ thể bất bình trước những thực tại, như một thám tử tư để tìm hiều sự việc “nhà bạn” mất trộm. Từ những cảm xúc ấy, hiện lên hình ảnh của một con người có cá tính mạnh mẽ, sống vì bạn bè trong mọi lúc khó khăn, hoạn nạn.

 

Hay trong bài thơ Biến tấu con quạ, Mai Văn Phấn đã bộc lộ một cái nhìn sắc sảo về sự thống trị của thế lực “quạ” trong thế giới con người. Con người trong Hôm sau nói riêng, thơ Mai Văn Phấn nói chung không hẳn là những con người yếu đuối mà trong họ luôn tiềm ẩn những sức mạnh to lớn, có khả năng chống trả quyết liệt để bảo vệ những giá trị người ngay cả khi họ chỉ còn là những linh hồn:

 

“Những linh hồn thoát xác tìm cách quay về chiến đấu với loài quạ dữ. Sau những loạt đạn không gây sát thương, khói hương căng thành bảng, viết con chữ đầu tiên của bài học mới.”

 

Tuy chỉ còn là linh hồn, nhưng cái tôi đã mạnh mẽ tìm về để chiến đấu với con quạ. Trong cuộc chiến, cái tôi ý thức được kẻ thù của mình, không chịu khuất phục ngay khi đã mất mạng và còn muốn chiến đấu với kẻ ác dù chỉ còn là linh hồn. Cuộc chiến không gây sát thương bởi vì họ đã chết, kẻ thù không thể bắn trúng những linh hồn.

 

Để được là mình, con người không thể sống nhạt nhòa mà phải thể hiện mình, bằng chính cá tính của mình. Trong Hôm sau, cái tôi cá tính mạnh mẽ không chỉ được thể hiện qua những hành động cụ thể mà nó còn được thể hiện bằng những lời tự căn dặn, động viên mình:

 

“Đêm nay

Rắn rết, bọ cạp tràn vào thành phố

Nhưng đừng sợ!

Nhà nào bây giờ cũng thiết kế kiểu lô cốt

Trời tối không ai ra đường.

Ai đang rình nấp trên cây

Thôi được

Để tớ mai phục ở đây

và thức dậy lúc năm giờ sáng.”

(Còn cậu hãy đứng đằng kia)

 

Sau những thông tin dự đoán về những thay đổi kì lạ sẽ xãy ra “Rắn rết, bọ cạp tràn vào thành phố”, chủ thể trữ tình như đối thoại với chính bản thân mình để chấn an nỗi sợ “Nhưng đừng sợ!”. Cái tôi đưa ra hàng loạt những chứng cứ, những giả thiết để bình tĩnh “Nhà nào bây giờ cũng thiết kế kiểu lô cốt/ Trời tối không ai ra đường”. Một cái tôi đầy mạnh mẽ quyết liệt đấu tranh với nỗi sợ hãi của chính bản thân và của rất nhiều người, biết làm cho mọi thứ trở nên đơn giản hơn và làm chủ tình huống hơn. Không những thế, khi biết rõ có kẻ lợi dụng thông tin trên để “rình nấp trên cây”, thực hiện ý đồ đen tối, chủ thể đã đối diện với nó không một chút ngần ngại “Thôi được/ Để tớ mai phục ở đây/ và thức dậy lúc năm giờ sáng”. Những câu thơ ấy thể hiện cái tôi can đảm, mạnh mẽ dám đối diện với mọi thử thách trong xã hội đầy luôn có những nguy hiểm rình rập, đe dọa tính mạng và những âm mưu của kẻ xấu.

 

Có thể khẳng định rằng, trong Hôm sau của Mai Văn Phấn, cái tôi với khao khát được là chính mình đã cho thấy được bản lĩnh và nỗi lực không ngừng nghỉ của con người trong bất cứ thời điểm nào đặc biệt là ở hậu hiện đại. Cái tôi ấy dù cô đơn, hoài nghi, bi quan đến nhường nào nhưng sẽ có những lúc phải tỉnh táo tột cùng đứng dậy để chiến đấu với những khó khăn trong cuộc sống phức tạp.

 

2.2.2.  Vươn tới những giá trị sống tốt đẹp

 

Tập thơ Hôm sau của Mai Văn Phấn mang cảm xúc chủ đạo từ những hoài nghi, bi quan về thân phận, cô đơn đến dự cảm. Nhưng không vì thế mà nó chìm đắm trong sự hoài nghi và bi quan. Hôm sau của Mai Văn Phấn không chỉ là nỗi khát khao được sống là mình của con người mà nó còn bộc lộ những khát vọng được vươn tới những giá trị sống tốt đẹp. Cái tôi trong Hôm sau còn khát khao hướng tới một cuộc sống toàn nguyên, trọn vẹn với những giá trị sống tốt đẹp qua cách sống có trách nhiệm (Hắn, Ghi ở Vạn Lý Trường Thành,Chỉ là giấc mơ, Đến trong ý nghĩ…)

 

Trong bài thơ Hắn, Mai Văn Phấn đã viết:

 

“Hắn liệng tấm bìa vào thùng rác, xuống tấn, đấm liên hồi vào lỗ thủng ước lệ, lao đi tốc độ chóng mặt.

 

Một dự báo về tương lai của thể thao. Với nhan đề trang trọng của tờ báo buổi chiều, hắn có tên trong danh sách những nhà vô địch.”

 

“Hắn”, con người khát khao những giá trị sống tốt đẹp đã chọn cách vứt “tấm bìa” đó đi, chính là vứt bỏ những cái cổ hủ, cũ kĩ để hướng đến những giá trị sống tốt đẹp, nơi hiện diện cái mới, sự hiện đại hơn ở đó có thể phát triển sự nghiệp của “hắn”, để có một “dự báo về tương lai” tươi sáng với “danh sách những nhà vô địch” trong đó có tên “hắn”.

Hay trong bài thơ Vạn Lý Trường Thành, Mai Văn Phấn đã mượn bối cảnh thời vua Tần Thủy Hoàng cho xây Vạn Lý Trường Thành liên hệ với bối cảnh đương đại để bày tỏ quan niệm sống đầy trách nhiệm của mình. Con người dù sống trong xã hội nào cũng phải luôn làm tròn bổn phận của một người dân. Với Mai Văn Phấn, nếu ở thời xưa, người dân trong kinh thành bất kể là dân thường hay nhà nho tri thức “sẽ làm trọn bổn phận” của mình nghe theo lệnh vua thì ở thời đương đại, thơ ca được tự do hơn, cái tôi được đề cao nhưng “Bỉ chức/ thảo dân/ em” vẫn phải tuân theo quy định của quốc gia. Mọi thứ được tự do nhưng vẫn có mức độ và đúng giới hạn cho phép. Con người sống phải có trách nhiệm với những trọng trách được giao, sống đúng với bổn phận của mình:

 

“Vạn Lý Trường Thành còn xây dở
Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ
Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ
Đánh hộc máu mồm
Khâm thử!

Tâu Hoàng thượng/ thưa ngài/ báo cáo đồng chí....
Bỉ chức/ thảo dân/ em…
sẽ làm trọn bổn phận”

 

Trong bài thơ Đến trong ý nghĩ:

 

“Tôi đi xe hết ga hết số. Răng nghiến chặt. Tay bóp cổ hắn. Kéo hắn lướt trên mặt đất. Những hàng cây, bức tường mới cũ, cùng những bóng người trôi vụt lại sau. Đích đến là buổi lấy phiếu tín nhiệm đề bạt, trả lời phỏng vấn, chuẩn bị phong bao một đám hiếu, cuộc gặp gỡ một nhân vật quan trọng... Hắn kéo căng mọi giác quan tôi, ninh nhừ ý nghĩ, đóng đinh dây thần kinh giữa hai đầu phố.”

 

“Hắn” là sự thử thách của cái tôi, “hắn” như là phân thân của cái tôi để đi tìm lẽ sống. Cuộc đối đầu giữa cái tôi và hắn, cho thấy cái tôi khao khát hướng tới một sự sống an toàn nguyên nhưng không dám chắc mình sẽ sống sót vì “đi xe hết ga hết số”. Nhưng những hành động “Răng nghiến chặt/ Tay bóp cổ hắn/ Kéo hắn lướt trên mặt đất” cho thấy cái tôi làm chủ trong cuộc giao tranh này. Cái tôi ấy có thể kiểm soát hắn và bảo vệ sự sống của mình dù cho “Hắn kéo căng mọi giác quan, ninh nhừ ý nghĩ, đóng đinh dây thần kinh giữa hai đầu phố”. Đích đến của cuộc đối đầu này là những công việc quan trọng như “buổi lấy phiếu tín nhiệm đề bạt, trả lời phỏng vấn, chuẩn bị phong bao một đám hiếu, cuộc gặp gỡ một nhân vật quan trọng”…Đó là những công việc cái tôi hướng đến, cái tôi muốn làm và cái tôi muốn đạt được.

 

Sự ý thức này được chủ thể trữ tình bộc lộ rất quyết liệt trong Hôm sau. Từ trong vô thức, dù bị trấn lột nhiều thứ, ngay cả thứ thiết yếu nhất, nhưng cái tôi nhất định không đồng ý:

“Tôi bảo:

 

các ông có thể lấy hết

nhưng cho tôi giữ lại chút riêng

xin tự nguyện làm đồ chơi, giẻ lau, trâu chó.”

(Chỉ là giấc mơ)

Dù bị dồn vào đường cùng cái tôi vẫn có trách nhiệm đối với chính bản thân, muốn “giữ lại chút riêng” của mình. Tự nguyện trở thành những thứ có ích như “đồ chơi”, “giẻ lau”, “trâu chó” chứ không muốn đi thứ quý nhất của mình để rồi phải trở thành một người vô ích. Niềm khao khát được sống trọn vẹn là một con người đúng nghĩa, dù phải trở thành một vật khác, cái tôi cũng xin trở thành những thứ có tác dụng. Làm đồ chơi giải trí cho mọi người, làm giẻ lau để lau sạch những vết bẩn, làm con trâu con chó – loài vật giúp con người làm việc, trông coi nhà cửa và giữ gìn đồ đạc. Cái tôi muốn được sống và sống đúng nghĩa của một con người.

Con người ai cũng mong có được cuộc sống bình yên, trọn vẹn, từ đó vươn tới những giá trị sống tốt đẹp. Nhà thơ gửi gắm vào cái tôi trữ tình một thông điệp về cá nhân mỗi người rằng hãy sống có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Tuy cách sống, suy nghĩ… không giống nhau nhưng đều hướng tới một mục đích là khát khao được sống, có cuộc sống trọn vẹn và sống có nghĩa.




CHƯƠNG 3

MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC NGHỆ THUẬT MANG ĐẬM DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG HÔM SAU CỦA MAI VĂN PHẤN THỂ HIỆN CÁI TÔI TRỮ TÌNH

 

3.1. Không gian và thời gian nghệ thuật

 

3.1.1. Không gian u huyền, hư ảo

 

Theo Từ điển thuật ngữ văn học “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian, nên mang tính chủ quan. Không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối, không quy được vào không gian địa lí. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô hình hóa các mối quan hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti, trật tự”[5;160].

 

Không gian nghệ thuật là nơi để nhà thơ thể hiện rõ được chiều sâu nhân vật, chiều sâu của cái tôi trong những cách nghĩ. Tập thơ Hôm sau mang dấu ấn hậu hiện đại nên không gian nghệ thuật trong tác phẩm mang màu sắc u huyền, hư ảo.

 

Trước hết đó là không gian bóng đêm, nơi con người đang sinh sống. Nổi bật nhất là trong bài Còn cậu hãy đứng đằng kia Hắn. Khi màn đêm buông xuống, những gì tạo hóa đã ban tặng bỗng chốc bị thay đổi, không còn nguyên vẹn:
 

… “Hãy thức chờ xem rêu phủ bầu trời

Mặt nước ăn những vì sao cuối cùng”…

(Còn cậu hãy đứng đằng kia)

 

Bầu trời ban về đêm như cao hơn trong không gian tĩnh mịch. Nhưng chi tiết “rêu phủ bầu trời”, làm con người tò mò về sự khác lạ của tự nhiên. Rêu vốn là loại thực vật mọc ở dưới đất nơi ẩm ướt nhưng bây giờ nó lại xuất hiện trong không trung, làm bao bọc cả một bầu trời đầy sao. Không gian như u buồn hơn, mọi thứ đang bị một thế giới ngầm thống trị làm thay đổi toàn bộ sự sống của con người. “Mặt nước” và “bầu trời” tưởng chừng như không bao giờ chạm đến nhau nhưng giờ đây nó lại “ăn những vì sao cuối cùng”. Vòm trời bao la, mênh mông kia bị nuốt bởi những thứ chưa bao giờ có mặt trên đó, một không gian bị che khuất ánh sáng xuất hiện báo hiệu một sự thay đổi lớn. Phải chăng tiếp theo đó là:

 

“Nơi bóng tối ăn thịt bóng tối

hắn ngồi lẩm bẩm...

... lầm rầm âm thanh tiếp diễn

của bóng tối chưa thành

của bóng tối nuốt dần bóng tối

của màu đen không thể đen hơn.”

(Hắn)

 

Bóng tối bao trùm gần hết các bài thơ trong Hôm sau, đó là không gian của những hoạt động về đêm, không gian gợi sự u buồn. “Nơi bóng tối ăn thịt bóng tối”, gợi mở nơi sâu thẳm, không có một ánh sáng le lói nào có thể đến đấy. Cùng với những “âm thanh tiếp diễn” kêu “lầm rầm” tạo một sự hoang vu, mang cảm giác ghê sợ cho con người. Như một nơi không có sự sống, chỉ có bóng tối bao phủ và một con người cô độc “ngồi lẩm bẩm”, run rẩy trong không gian tối tăm, u huyền này. Cách cảm nhận về cuộc sống, con người từ những góc khuất sâu khác nhau của hiện thực cuộc sống đã làm cho bạn đọc cảm nhận được những hiện thực đa chiều, những mảnh vỡ song song tồn tại.


Nhà thơ Mai Văn Phấn luôn là người tìm tòi và đổi mới thi ca của mình. Không chỉ thấy sự khác nhau qua các tập thơ mà trong mỗi tập các bài thơ đều mang những màu sắc khác nhau. Như nhà thơ Đỗ Minh Tuấn cho rằng: “Nàng Thơ của Mai Văn Phấn không chịu ngồi yên trong tọa độ thi ca mà luôn cưỡi con ngựa liên tưởng bất kham để thực hiện những cuộc phiêu lưu xuyên thế giới làm nên thi pháp lập lờ biến hình ảo thuật của những đám mây. Và hành trình xuyên thế giới của Phấn luôn luôn đi từ đời thực đến giấc mơ từ không gian cận kề đến bầu trời vũ trụ từ đồ vật tầm thường đến những cảnh giới đầy ánh sáng tâm linh”[26]. 

Nếu không gian của Hắn, Còn cậu hãy đứng đằng kia là không gian tối tăm của bóng đêm thì Đêm lập xuân lại mang không gian huyền ảo với những thay đổi của tự nhiên:

 

“Chờ quanh ngọn đèn

ánh sáng lan tỏa, đứt đoạn

ngỡ ai cầm bó đuốc

soi lên mặt mỗi người.

Những chuyện bông lơn

vô tình vận vào trời đất

Đồ vật tự chuyển dịch

lắt lay bóng núi

Chim kêu gió thay mùa.”

 

Thời khắc giao thoa của đất trời để chuyển sang một mùa khác để bước vào năm mới được tác giả miêu tả một cách chi tiết và sinh động. Trong đêm tối, những ngọn đèn với “ánh sáng lan tỏa, đứt đoạn”, ở đó có những người đang ngồi quây quần bên nhau. Ánh sáng của đèn le lói xen qua bóng tối làm cho không gian trở nên huyền ảo hơn giống như những cầm đuốc soi lên mặt mỗi người. Ánh sáng khai mở những hình ảnh mới về cuộc sống, về vũ trụ bao la và những ý tưởng mới chứ thể giải thích. Những câu chuyện vui đùa của con người trong không gian yên “vô tình vận vào trời đất” như làm tăng thêm sự thay đổi của vạn vật, cây cỏ: “Đồ vật tự chuyển dịch/ lắt lay bóng núi/ Chim kêu gió thay mùa”.

 

Và không gian thực - ảo càng rõ nét hơn trong bài Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ. Ở đó, con người rơi vào trạng thái ảo giác, không xác định rõ không gian và thời gian đâu là hiện tại đâu là quá khứ:

 

“Trong nhà

Trà vẫn nóng

Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi.

Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt

Chốc lại cúi gập”.

 

Không gian trong nhà cùng với những chi tiết “trà nóng”, “ông khách” tạo nên sự cổ xưa trong xã hội hậu hiện đại. Cùng với sự cổ xưa ấy là “Luồng tử khí” tạo một cảm giác u ám, huyền ảo của người đã chết nhưng vẫn “cúi gập”. Pha một chút “liêu trai” vào thơ, Mai Văn Phấn đã tạo ra một góc nhìn, một khía cạnh khác trong không gian xã hội đương đại. Đó là không gian lạnh lẽo, u mịch khi có xác chết giữ trong nhà, con người bị lẫn trí luôn trong trạng thái không rõ thực hay ảo.

 

Không những thế, không gian u huyền, hư ảo của cõi chết còn được Mai Văn Phấn thể hiện rõ trong tập thơ Hôm sau này. Trong Quay theo mái nhà, ta bắt gặp không gian của những người đã chết:

 

“Trong bóng tối, tiếng những nghệ nhân đã khuất cùng đồng vọng:

- Hãy quay theo mái nhà đánh thức các đồ vật!

 

Tôi quay cùng chai lọ, con giống, bóng đèn… qua môi người thợ thổi thủy tinh, qua con chữ rùng mình nhìn bột giấy chìm trong thuốc tẩy. Những giọt mực tụ lại rồi loang xa như một vết dầu. Bộ quần áo trang nghiêm rũ xuống. Đấy là giờ mặc niệm tơ tằm và những cây bông. Bóng tối nuốt sạch thực phẩm ôi thiu, không khái niệm về văn hóa ẩm thực. Hương trà thơm về rừng. Nước gào thét trong chiếc ấm bục đáy.”

 

Trong đêm tối hoang vu, mọi thứ bị điều khiển bởi ma lực của người đã khuất. Ngay trong ngôi nhà của mình, khi bừng tỉnh dậy, mọi vật đều đã không còn là chúng nữa. Chúng quay tròn theo mái nhà, chúng bị đánh thức theo tiếng vọng từ cõi âm của “những nghệ nhân đã khuất” hiện về mách bảo “Hãy quay theo mái nhà đánh thức các đồ vật”. Một không gian u huyền hiện ra với những đồ vật trong nhà bay lơ lửng, hư hỏng và vương vãi. Một thế giới khác hiện ra, đó không phải là thế giới mà con người làm chủ mà thế giới của những đồ vật, linh hồn đã chết làm chủ. Mọi thư vận động theo một chiều hướng khác biệt với thế giới của con người.

 

Không gian lạnh lẽo, ám mùi tử khí của cõi chết được nhà thơ Mai Văn Phấn sử dụng khá nhiều trong tập thơ:
 

“Tử khí kéo ngọn bấc tới đỉnh trời

Con quạ rực sáng.

Khai sinh

Sau tiếng quạ kêu

Ra đi không cưỡng lại

Gói bọc được mở ra

Sự băng hoại không thể cất giấu

Thày lang đốt sách cuối vườn

Tân dược trong kho đều quá hạn sử dụng

Những phù thủy chịu hình phạt

Miệng bị đóng bởi những móc sắt”

(Biến tấu con quạ)

 

Không chỉ là không gian của người chết mà còn là không gian mang sự chết chóc của loài vật. Cũng là một không gian với sự chết nhưng ở mỗi bài thơ lại là một sự khác biệt, làm người đọc đi từ sự ma mị này đến sự run sợ khác. “Tử khí kéo ngọn bấc tới đỉnh trời” là một không gian tối tăm và tang thương, trong không gian ấy xuất hiện hình ảnh “con quạ rực sáng” trở nên huyền ảo đan xen trong đó là sự u ám đầy tử khí. Khung cảnh dần dần hiện ra đó là tiếng quạ kêu ám ảnh vang vọng trong không gian tĩnh mịch, sự thật được hiện ra những người mang trách nhiệm cứu người phải từ bỏ công việc vì “Tân dược trong kho đều quá hạn sử dụng, Những gã phù thủy chơi trò lưu manh, lừa bịp bị hình phạt móc sắt vào miệng”. Trật tự xã hội quy ước bị đảo lộn. Tất cả cho thấy một không gian xã hội nhuốm màu tối tăm và suy đồi.

 

Như vậy, không gian nghệ thuật u huyền, hư ảo ta thấy được cách cảm nhận cuộc sống, con người của mỗi cá nhân là riêng biệt, chủ quan. Được nhìn từ những góc khuất, sâu, khác nhau của cuộc sống. Từ đó, thấy được một hiện thực đa chiều với những mảnh vỡ của xã hội đương đại mà chủ thể trữ tình thể hiện trong tập thơ.

 

3.1.2. Thời gian tâm lý đầy ảo giác

 

Khác với không gian nghệ thuật, “thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật…Khác với thời gian khách quan được đo bằng đồng hồ và lịch, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược, quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát, lại có thể kéo dài cái chốc lát thành vô tận. Thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại của các hiện tượng đời sống được ý thức: sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, màu khác,… tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm. Như vậy thời gian nghệ thuật gắn với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật”. [5;322]

 

Thời gian nghệ thuật là thời gian mang tính quan niệm cá nhân, mỗi tác giả đều có cách cảm nhận khác nhau về thời gian để thiện ý đồ nghệ thuật của mình. Trong tập thơ Hôm sau, biểu hiện của thời gian ở đây không mang theo dòng thời gian tuyến tính mà đó là dòng thời gian tâm lý đan xen giữa thực tại – quá khứ.

 

Con người mang cảm thức của xã hội hậu hiện đại, luôn có trong mình những kí ức tưởng chừng như đã đi vào dĩ vãng giữa cuộc sống xô bồ hiện tại. Khi mọi thứ đang dần thay đổi theo một hướng khác thì con người cũng vậy. Và có những ngày bất chợt:

 

“Pha xong ấm trà

Quay ra

Ông khách không còn ở đó

Gọi điện thoại

Người nhà bảo ông mất đã bảy năm

Nhầm lẫn”

(Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ)

 

Trong bài thơ Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Mai Văn Phấn đã dựng một tứ thơ khá mới lạ, với dòng thời gian phi tuyến tính, thực tại và quá khứ lẫn lộn tạo ra sự ảo giác về thời gian cho nhân vật trữ tình. Sự xuất hiện không rõ ràng của một chân dung, một nhân vật được gọi là “ông khách” không còn tồn tại trong đời sống “mất đã bảy năm”. Nhưng vẫn luôn lảng vảng ở xung quanh chủ thể trữ tình, tồn tại trong kí ức của ông như một ám ảnh luôn phải nghĩ tới. Diện mạo chân dung ấy rất có thể là của một ông khách hàng xóm mà cũng có thể còn là một chân dung ngộ nhận nào khác, tùy theo sự liên tưởng của mỗi người. Thời gian trong bài thơ không rõ ràng, mà nó đi theo chiều tâm lí của cái tôi trữ tình.

 

Thời gian giữa ý thức – vô thức đan xen trong các bài Quay theo mái nhà Giấc mơ vô tận… Trong Quay theo mái nhà, thời gian làm con người và những đồ vật bị cuốn theo những người đã khuất và tâm tưởng của nhân vật bị xáo trộn. Bắt đầu từ:

 

“Đêm tỉnh dậy. Đồ gỗ trong phòng mọc tua tủa nấm nhĩ. Bức tượng chảy xệ xuống thành nắm đất nhão. Chiếc quạt mở ra lần cuối rồi khép lại làm ống tre…"

 

Và trong khoảng thời gian vô thức ấy, mọi thứ bị đảo lộn không còn theo đúng trật tự, ngay cả chiếc đồng hồ: "Và kim giây quay chậm hơn hẳn kim giờ.”


Nhân vật trữ tình như sống trong một thế giới ảo khác, ở đó, thời gian không còn là thước đo chuẩn mực nữa. Kim giây vốn là đại lượng đo thời gian nhỏ nhất, nó chạy nhanh nhất nhưng lại đổi chỗ cho kim giờ - đơn vị đo thời gian gấp 3600 lần kim giây. Đó là một sự thay đổi hoàn toàn không thể xảy ra. Khi khoảng thời gian hư ảo ấy kết thúc, con người sẽ quay về với thực tại:

 

“Mọi người vừa quay vừa tỉnh dậy. Vẫn đủ thời gian uống nước và rửa mặt. Chọn cho mình một đồ vật bất kỳ. Và nhanh chóng đặt chân vào vạch Xuất phát.”

 

Khi quay về với hiện tại, mọi vật trở lại bình thường và con người lại cuốn vào vòng xoay của cuộc sống đương đại, chứ không phải là một thế giới ảo nào khác. Họ làm những công việc hằng ngày, nơi mà con người làm chủ cuộc sống của mình và không bị chi phối hay ảnh hưởng bởi một thế lực nào khác.

 

Trong trục tọa độ về thời gian, chủ thể trữ tình mở rộng biên độ của thời gian đó là lúc trời bắt đầu mưa rồi đi vào giấc mơ. Sau đó, lại thu hẹp vào cái bé nhỏ của tâm hồn, thả cái tôi vào vũ trụ rộng lớn của vô thức rồi quay lại thực tại khi nước bắt bắt rơi:

 

“Trời bắt đầu mưa

Chúng tôi bắt đầu mơ.

Nước mắt làm tôi tỉnh dậy

Nỗi đau cuộn sóng bạc đầu.”

(Nếu)


Những ước mong và hi vọng được cái tôi gửi gắm vào giấc mơ, ở đó, nhân vật trữ tình được sống như mong ước. Có thể thấy cuộc sống khắc nghiệt ở hiện tại, làm con người chỉ muốn thoát khỏi và bước vào cuộc sống trong mơ. Giọt nước mắt như một sự đánh thức đưa con người quay trở về với thực tại. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc của cuộc sống trong mơ, là giọt nước mắt tiếc nuối, đau buồn khi cuộc sống hiện thực quá áp lực, gian nan. Càng hiện rõ hơn khi chủ thể trữ tình cảm nhận được “Nỗi đau cuộn sóng bạc đầu”
. Đó là nỗi đau của những người đã hai thứ tóc trên đầu nhưng chưa thể sống cuộc sống mình mong muốn, vẫn trong vòng xoáy của cuộc sống của xã hội khắc nghiệt.
 

Thời gian thực - ảo đan xen với nhau trong bài thơ Giấc mơ vô tận. Ở khổ thơ đầu là thời gian của hư ảo, khổ thơ thứ hai thời gian quay về với thực tại:

 

“Mưa thôi làm anh lạnh

đổ vào giấc mơ gần sáng

những con sóng đục ngầu

vỗ vào bãi sú lúc sinh anh.

Bầu trời không mái che

ngôi sao soi tỏ cặp kính dầy

đặt tạm lên bàn phím

buổi sáng, ngày 28 tháng 12, mưa rơi”.

 

Thời gian trong các sáng tác của Mai Văn Phấn là sự kéo dài vô tận cả về thời gian sinh học lẫn thời gian tâm trạng. Trong bài thơ, thời gian được đặt đan xen trong “giấc mơ gần sáng” và “buổi sáng, ngày 28 tháng 12”. Từ đó diễn tả được tâm trạng buồn và trống vắng, sự nhớ thương của chủ thể trữ tình dành cho người anh đã khuất của mình. Trong tiết trời mưa, nhân vật trữ tình cảm thấy trùng lòng hơn, nghĩ về người “anh” đang được đất mẹ che chở sưởi ấm dưới “Bầu trời không mái che”

 

Có thể coi thời gian tâm lý đầy ảo giác là một thủ pháp thể hiện rõ dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Mai Văn Phấn. Đó là lối đi vào tâm trạng của cái tôi với những cảm xúc suy tư, trăn trở về những mảnh ghép của cuộc đời.

 

3.2. Ngôn ngữ và giọng điệu nghệ thuật

 

3.2.1. Ngôn ngữ nghệ thuật

 

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: Ngôn ngữ là công cụ, chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được gọi là loại hình nghệ thuật ngôn từ. M.Gorki khẳng định ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học. Trong tác phẩm, ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn. Mỗi nhà văn lớn bao giờ cũng là tấm gương sáng về mặt hiểu biết sâu sắc ngôn ngữ nhân dân, cần cù lao động để trau dồi ngôn ngữ trong quá trình sáng tác”[5;215].

 

Hôm sau có sự thay đổi rõ rệt về ngôn ngữ của Mai Văn Phấn. Bởi là người luôn có ý thức trong đổi mới tư duy nghệ thuật nên trong tập thơ này Mai Văn Phấn đã tạo ra những lớp ngôn từ mới mẻ hơn, hiện đại hơn được lạ hóa dị biệt song cũng rất đời thường mộc mạc.

 

3.2.1.1. Ngôn ngữ lạ hóa, dị biệt

 

Ngôn ngữ trong Hôm sau là một hệ thống từ ngữ hiện đại, được tác giả kết hợp và sử dụng một cách nhuần nhuyễn tạo thành sự lạ hóa và dị biệt. Mai Văn Phấn từng tự đánh giá sự dị biệt trong ngôn ngữ thơ của mình. Với ông, đó chính là “dị biệt từ trong tư duy sáng tạo. Khoảng mươi năm gần đây, tôi ít khi xa nhà, hằng ngày hầu như chỉ qua lại với lối ngõ nhỏ và những cảnh quan quen thuộc của mình. Tôi kết nối được với thế giới và biết được từng cơn dư chấn bên ngoài chủ yếu thông qua chiếc máy tính cá nhân. Từng đợt sóng của những cơn dư chấn ấy đã dội vào tôi, thôi thúc tôi không ngừng sáng tạo. Bằng cảm xúc và năng lượng cá nhân, tôi biết nhìn những điều tưởng như đơn giản, lặp đi lặp lại, thậm chí vặt vãnh trong đời sống hằng ngày qua lăng kính của một đứa trẻ…[20].

 

Ngôn ngữ lạ hóa dị biệt trước tiên thể hiện ở sự tạo dạng thức mới cho ngôn ngữ, thể hiện rõ trong các bài Quay theo mái nhà, Ghi ở Vạn lý Trường Thành…

 

Trong bài Quay theo mái nhà nhà thơ viết: “Đồ gỗ trong phòng mọc tua tủa nấm nhĩ. Bức tượng chảy xệ xuống thành nắm đất nhão. Chiếc quạt mở ra lần cuối rồi khép lại làm ống tre…” cũng là những từ ngữ chúng ta tiếp xúc hằng ngày như “chảy xệ” đó là một từ gợi hình. Nó được đặt cạnh từ “bức tượng” tạo nên sự thay đổi về bức tượng từ một vật cứng cáp không bị ảnh hưởng và thay đổi về chất liệu bởi những tác động nào nhưng giờ đây nó chuyển động, chảy xệ thành nắm đất nhão. Có thể thấy sự liên tưởng của tác giả đã tạo thành một cụm từ lạ hóa và từ đó thấy được sự dị biệt của bức tượng.

 

Đa số những người đã đọc qua Hôm sau đều đánh giá bài thơ Ghi ở Vạn lý Trường Thành của Mai Văn Phấn là một trong những bài thơ hay. Bởi lẽ, với bài thơ này, nhà thơ đã làm nên được những dạng thức mới của ngôn ngữ thơ và ông đã biết cách giữ được đặc thù của ngôn ngữ  thơ trong chuyển động đổi mới của những con chữ:

 

"Mây xếp lên vai từng tảng đá nặng

nhòe mắt cát

thở đầy ngực cát

 

Vạn lý Trường Thành còn xây dở?

Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ

Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ

đánh hộc máu mồm

Khâm thử!

 

Ngước lên gặp một khuôn mặt bì bì

tay lạnh, mắt chì, giọng mỡ

Mái Phong hỏa đài màu huyết dụ

hình thanh long đao dính máu đang kề cổ

 

Còng lưng đẩy nắng đi

Chồn chân đẩy gió đi

Miễn sao gần được bông hoa

đang mởn mơ trong gió lớn.

 

Tâu Hoàng thượng/ thưa ngài/ báo cáo đồng chí....

Bỉ chức/ thảo dân/ em…

sẽ làm trọn bổn phận

  

Đây là đỉnh trời

hay đáy vực sâu

chỉ thấy trên lưng lằn roi bỏng rát

Mồ hôi du khách trên đá xám

nở thành hoa phù dung."

 

Những từ ngữ trong bài thơ được tác giả sắp xếp cùng nhau tạp thành tầng ý nghĩa mới, khác biệt và đầy mới lạ như “nhòe mắt cát”… Trong không gian đầy nắng và gió ở Vạn lý Trường Thành, tác giả vẽ nên bức tranh cực khổ, đày đọa “thở đầy ngực cát” của những người dân phải vác những tảng đá to đi qua rất nhiều bậc thang để xây Trường Thành. Đặc biệt còn nói lên tâm trạng của nhân vật trữ tình, một tâm thế của người làm thi sĩ dưới thời vua Tần Thủy Hoàng. Dù phải “Còng lưng đẩy nắng đi/ Chồn chân đẩy gió đi” nhưng vẫn mang tâm hồn đẹp của người làm thơ “Miễn sao gần được bông hoa/ đang mởn mơ trong gió lớn”. Những từ ngữ ấy kết hợp với nhau nhằm nâng cao vẻ đẹp của ngôn - ngữ - thơ bằng những ý tưởng mới lạ và độc đáo.

 

Trong nhiều bài thơ của Mai Văn Phấn, sự kết hợp giữa các lớp từ vựng dựa trên cơ sở ngữ cảnh cụ thể, nhà thơ đã khéo léo tạo những từ ngữ mang ý nghĩa mới dẫn người đọc vào một trường liên tưởng, kéo độc giả vào trò chơi chữ nghĩa. Đặc biệt, trong tập thơ Hôm sau, tác giả đã vận dụng tối đa trò chơi ngôn ngữ - một biểu hiện của hậu hiện đại. Nhiều bài thơ với hệ thống từ vựng tuy không mới hoàn toàn nhưng thành công của nó nằm ở khả năng liên kết trong trường ngữ nghĩa tạo nên phản ứng dây chuyền. Đây được xem là cách viết khá táo bạo nhưng bước đầu Mai Văn Phấn đã thử nghiệm thành công qua các bài thơ, đặc biệt là trong các bài Đến trong ý nghĩ, Biến tấu con quạ…

 

“Bổ nhào từ đỉnh cao

Bằng đôi cánh sắc

Lấy tâm điểm xác chết

Chém toác bầu không

Gió hấp tấp không kịp băng bó.
 

Móc từ hốc mắt

những nhãn quan

Di ảnh là vật chứng

Mổ vào lưỡi

và kéo dài

Phơi dưới trời bài học khẩu ngữ
 

Bóc từng mảng thịt

Tháo rời tứ chi

Sổ tung lục phủ ngũ tạng”

(Biến tấu con quạ)

 

Một loạt những động từ mạnh: “Bổ nhào”, “chém toạc”, “móc, mổ”, “kéo”, “bóc”, “tháo rời”, “sổ tung”kết với những danh từ biểu thị bộ phận của cơ thể tạo nên một trường thơ dị biệt, ám ảnh. Tương tự, trong bài Đến trong ý nghĩ, nhà thơ viết:

 

“Đôi mắt tấm liếp khoét thủng, cánh tay buồm chão, những bàn chân lá khô cong vênh lê trên mặt đất. Và miệng hắn, sâu hoắm, mở rộng, vỡ ra từng mảng để nung vôi.”

 

Tưởng chừng như các từ “đôi mắt và tấm liếp” không kết hợp được với nhau nhưng tác giả lại làm điều đó một cách dễ dàng tạo nên một cụm từ mới lạ và giàu hình ảnh. “Cánh tay buồm chão” – một cụm danh từ mới được tác giả tạo nên miêu tả mức độ to của cánh tay, “bàn chân lá khô cong vênh” diễn tả mức độ xấu xí, khô cằn về đôi bàn của “hắn” Tất cả các từ ngữ ấy tạo nên những vần thơ văn xuôi sinh động, và tạo nên hình ảnh thơ “dị biệt”, gây ám ảnh cho người đọc.

 

Có thể nói Hôm sau là tập thơ đấy ắp những cách tân ngôn ngữ của Mai Văn Phấn. Chính ngôn ngữ lạ hóa, dị biệt đã làm cho thơ ông mang một màu sắc mới mẻ và đặc sắc, mang lại giá trị biểu đạt cao cho tập thơ.

 

3.2.1.2. Ngôn ngữ đời thường, mộc mạc

 

Hôm sau là tập thơ viết về cuộc sống đời thường với những nhân vật rất bình thường trong xã hội đương đại. Vậy nên ngôn ngữ thơ cũng mang đậm nét đời thường, mộc mạc. Có thể thấy rõ điều đó qua cách Mai Văn Phấn đặt nhan đề cho các tác phẩm của mình. Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Nghe tin bạn bị mất trộm, Ghi ở Vạn lý Trường Thành, Còn cậu hãy đứng đằng kia, Hội chứng từ một tin đồn…, Chuyện còn dài, Giả thiết cho buổi sáng hôm sau… là những nhan đề tạo được sự gần gũi, dễ hiểu cho người đọc, xóa nhòa ranh giới ngôn ngữ giữa đời sống và ngôn ngữ thơ.

 

Mai Văn Phấn đã sử dụng hệ thống từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, gần gũi với đời sống thường nhật để bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ của mình về cuộc sống, về con người. Trong bài thơ Anh tôi, ông viết:

 

Anh nhìn tôi buồn lắm!

Tôi nhìn nước sông thay màu lướt qua bờ cỏ rũ rượi. Phù sa láng mịn. Trăng mọc sớm, thơ ngây và thoảng mùi rơm rạ. Nhớ người yêu vô cùng.

 

Anh nhìn tôi buồn lắm!

Chiếc áo vừa giặt nhàu nhĩ, nước lặng lẽ bốc hơi tôi đâu có biết. Rồi những sợi vải mỏng manh lại phẳng phiu dưới bàn là nóng bỏng. Giặt–là, giặt–là... Đời sống đôi khi giống quả lắc chiếc đồng hồ quá cũ. Tôi tập nghĩ vẩn vơ để có thể nghĩ tiếp.”

 

Những từ ngữ nhà thơ thể hiện trong bài là những từ chỉ những sự vật, hiện hiện tượng, hoạt động trong cuộc sống hằng ngày, xung quanh con người. Tất cả đi vào thơ một cách rất tự nhiên, mộc mạc, tạo sự gần gũi cho người đọc. Nhà thơ dường như đang muốn chuyển tải đến người đọc một thông điệp rằng: con người ngày nay dưới ảnh hưởng của môi sinh đang phải hứng chịu một sự hủy diệt ở cả thể xác, tâm hồn lẫn trí tuệ trong khi mọi thứ chung quanh đang chuyển động một cách tự nhiên.

 

Hầu hết trong tập Hôm sau, ta có thể thấy bằng việc sử dụng nhiều dạng thức kết hợp ngôn ngữ, Mai Văn Phấn đã đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ. Thậm chí, nhà thơ còn tỏ ra linh hoạt khi đưa khẩu ngữ vào thơ tự do. Sống hồn nhiên Đến trong ý nghĩ là những ví dụ điển hình về khả năng tạo hiệu quả thẩm mỹ mới, chân chất và bình dị:

 

“Vợ lại bảo dù trí tuệ uyên bác

nhưng chân tay ngại cử động

cũng chẳng nghĩa lý gì

Tôi vắt sợi dây qua xà nhà

buộc một đầu vào chỏm tóc

cả lúc chăm chú đọc sách

tay vẫn giật như culi kéo quạt”

(Sống hồn nhiên)

 

Hay trong Đến trong ý nghĩ ngôn từ đậm chất khẩu ngữ cũng đã tạo ra những hiệu ứng nghệ thuật hết sức đặc biệt:

 

“Bảo tôi sợ hắn, không phải. Muốn thu nạp hắn, không. Hay lãnh đạm, trốn tránh, nể trọng... cũng không. Thế mà hắn đan lẫn vào tôi từng hơi thở. Vợ tôi giải thích: Trong âm có dương, trong dương có âm.

Hết tranh luận.”

 

Chính cái cách sắp xếp hệ thống từ ngữ của Mai Văn Phấn đã vô hình chung làm cho ranh giới giữa ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ văn xuôi và ngôn ngữ thơ bị xóa nhòa. Đúng như  PGS. TS. Hồ Thế Hà đã nhận xét: “Thơ anh chú trọng vào nhịp điệu, tu từ theo cách của anh – nhịp tình cảm có thật thông qua suy nghĩ, triết luận - đặc biệt là những liên kết từ lạ, đa dạng và bất ngờ. Những câu thơ văn xuôi hóa của anh lại súc tích, vì được đặt trong một “từ trường ngôn ngữ thơ” giàu tính biểu tượng và tượng trưng. Chúng có sức mạnh tạo nghĩa và ám ảnh hơn nhiều lần những câu mang nhịp điệu của một dàn đồng ca quen thuộc. Điều ấy đã tạo ra chất tự sự hiện đại và cả hậu hiện đại trong thơ anh…” [22].

 

Sử dụng một hệ thống từ đậm chất đời thường phong phú, tác giả đã vẽ nên câu chuyện kể về cuộc sống của nhân vật trữ tình. Những vần thơ tự do như những câu văn xuôi, sắp xếp theo trình tự, liệt kê những sự việc trong đời sống của cái tôi:

 

“Tôi trả gấp đôi giá tiền đánh giày

gấp đôi tiền mua dép nhựa

gấp đôi tiền mua chiếc quạt, gói tăm

Xin anh (chị) đừng chống tay xuống đất

đừng gầm gừ, thót bụng, cuộn mình...

Tôi không mặc cả tiền cho trẻ học thêm

không mặc cả tiền phong bao hội nghị

không mặc cả tiền cắt tóc, gội đầu

không mặc cả tiền kê đơn bốc thuốc

không mặc cả tiền mái hiên trú mưa

không mặc cả tiền ghế ngồi ven biển”

(Hội chứng từ một tin đồn)

 

Sự bộc trực và thật thà của chủ thể trữ tình trong bài thơ như muốn thanh minh mình là một người đàng hoàng. Không câu nệ, mặc cả mọi vấn đề, cái tôi đã tự liệt kê hàng loạt sự việc để minh chứng cho phẩm chất của mình. Bằng kiểu ngôn ngữ giản dị này Mai Văn Phấn đã đưa bài thơ đến gần bạn đọc hơn, gửi vào đó một thông điệp về sự phán xét con người.

 

Như vậy, qua Hôm sau, người đọc có thể nhận ra phong cách ngôn ngữ của Mai Văn Phấn, không chỉ ở sự lạ hóa, khác biệt mà còn ở tính chất đời thường, giản dị của nó. Việc sử dụng trò chơi ngôn ngữ qua cách tạo dựng ngôn ngữ khác lạ, tạo nên nhiều tầng  của Mai Văn Phấn giúp người đọc tự khám phá và trở thành người đồng sáng tạo cùng với tác giả. Bằng cách này, Mai Văn Phấn đã xóa mờ danh giới giữa ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ thơ, mang lại hiệu quả thẩm mỹ chân chất, bình dị cho Hôm sau.

 

 

Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ gần xa, thân sơ, thành kính hay suồng sả, ngợi ca hay châm biếm… Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật. Nhóm nghiên cứu giải thích thêm:  Giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học. Nó đòi hỏi người trần thuật, kể chuyện hay nhà thơ trữ tình phải có khẩu khí, có giọng điệu… Giọng điệu trong tác phẩm có giá trị thường đa dạng, có nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu chủ đạo, chứ không đơn điệu” [5;134].

 

Trong thi đàn Việt Nam phong phú và nhiều màu sắc, nhà thơ Mai Văn Phấn là một trong những tác giả ghi được dấu ấn đậm nét về giọng điệu. Giọng điệu thơ ông bắt nguồn từ quan niệm nghệ thuật về nhân sinh và thế giới. Thơ ông thể hiện sự phong phú về sắc điệu: khi thì giễu nhại cười ra nước mắt, lúc lại triết lý, chiêm nghiệm.

 

3.2.2.1. Giọng giễu nhại

 

Nếu hoài nghi là tâm thế thì giọng giễu nhại là giọng điệu chủ yếu của văn học hậu hiện đại. Ở bình diện này, nhà thơ Mai Văn Phấn có những đổi mới khá rõ. Ở tập thơ Hôm sau, giọng giễu nhại có thể được coi là giọng chủ âm.

 

Giọng giễu nhại trong Hôm sau thể hiện thái độ của nhà thơ về sự giả dối của con người. Nổi bật là trong Bài học, nhà thơ đã vẽ nên chân dung của nhưng con người đội lốt đạo mạo trong xã hội đương đại. Bằng cách liệt kê hàng loạt hành động mang tên “đạo mạo” theo cách tăng tiến dần lên theo chiều hướng giễu, nhà thơ đã tạo cái cười cho người đọc. Hành động “giết một con muỗi” là chuyện thường không có gì đáng bàn nhưng hành động “phát biểu chung chung rồi nghiêng mình trống rỗng” kia đã tạo ra sự nghi hoặc. Phải chăng “tên đạo mạo” phát biểu để đối phó, để cho qua chuyện và để thể hiện bản thân nhưng đằng sau đó là lừa phỉnh và giấu dốt. Tư thế nghiêng mình có vẻ rất lịch thiệp nhưng lại toát lên phong thái đạo mạo, ẩn sau đó là sự giả tạo, xu nịnh người khác. Đến câu “Đạo mạo lấy trộm áo mưa” thì hình tượng đạo mạo đã lộ rõ bản chất trong mắt chủ thể trữ tình và bạn đọc. Dáng dấp là một người văn minh, lịch thiệp có học nhưng lại làm những việc của những người thô lỗ và bất lịch sự: “trộm áo mưa”, “thở mùi hôi vào miệng người khác”, “bọc nhầm một chiếc răng sâu”, “tiểu tiện nơi công cộng”, “xụt xịt trong khăn mùi xoa”, “chỉnh lại con c… trong túi quần nơi hội họp”, “xỉ mũi vào cửa kính”, “moi tiền của gã ăn mày”, “nghe trộm điện thoại”, “nhìn ngực chị em trong đám tang”, “thả virus vào email người khác”, “đánh tráo bài thi”, “tiêu tiền âm phủ...”. Chủ thể trữ tình như một máy quay quanh cuộc sống của tên đạo mạo, vạch trần, lột rõ bản chất của một con người đáng chê cười, sống giả dối, làm những việc trái với lương tâm, xấu xa nhưng luôn thể hiện mình là người đàng hoàng, văn minh. Thật không còn gì có thể cứu vãn được hình tượng ấy qua cách miêu tả có vẻ rất vô tư, tự nhiên, khách quan của nhà thơ. Bằng cách nói này, Mai Văn Phấn đã gợi cho ta nhớ đến cái xã hội “chó đểu” một thời mà nhà văn tiền bối Vũ Trọng Phụng đã khắc họa trong thiên tiểu thuyết nổi tiếng mang tên Số đỏ. Hai câu thơ kết thúc đã tạo thành tiếng cười đầy nghi hoặc trong lòng người đọc về thế giới của những kẻ đạo mạo trong xã hội ngày nay:

 

… “Cánh và khuỷu tay vẫn cứng

Từ cổ tay xuống đến ngón phải mềm”

Không chỉ giễu vào mặt những kẻ đạo mạo, giả dối mà ngay chính chủ thể trữ tình cũng tự vấn để thể hiện sự bất lực của bản thân cái nhìn đầy chua xót và hài hước:

“Tôi cúi xuống đón chiếc ách lên vai

Tôi xù lông và bắt đầu sủa lớn

Tôi lúc lắc và kêu bíp bíp

Tôi mài cơ thể mình xuống sàn nhà.

Tôi chạy quanh và miệng sùi sọt

Tôi nhễ nhại, giả chết, lồng lộn

Tôi rã rời, loạn nhịp, vỡ tung

Tôi thấm nước và vắt ra nước”.

(Chỉ là giấc mơ)

 

Cười ra nước mắt trước số phận của bản thân mình, vì muốn giữ lại của quý nên cái tôi tự nguyện trở thành “đồ chơi”, “giẻ lau”, “trâu chó”. Tự biến bản thân mình thành con rối, con vật, những đồ dùng dơ bẩn, chủ thể trữ tình tự hình dung ra mọi việc, vẽ ra mọi viễn cảnh: “xù lông và bắt đầu sủa lớn”, “lúc lắc và kêu bíp bíp”, “mài cơ thể mình xuống sàn nhà”. Đó là những việc hạ thấp bản thân mình, liệu có đáng trả giá để bản thân phải biến thành những thứ như vậy? Đường đường là một người có tất cả khiến “chúng” thèm khát và muốn lấy đi tất cả nhưng giờ lại phải tự nguyện làm những vật nhỏ bé, tầm thường. Sâu cay hơn khi cái tôi tự miêu tả mình bằng những hình ảnh đáng thương, tội nghiệp: “chạy quanh và miệng sùi sọt”, “nhễ nhại”, “giả chết”, “lồng lộn”, “rã rời”, “loạn nhịp”, “vỡ tung”, “thấm nước” và “vắt ra nước”. Đằng sau tiếng cười ấy, sau sự giễu nhại chính bản thân mình là sự đau khổ của chính cái tôi khi sống trong xã hội mà con người bị chèn ép, ganh ghét và đố kị.

 

Không chỉ dừng lại ở đó, trong Hôm sau giọng giễu nhại còn bày tỏ thái độ giễu cợt đối với sự đổ vỡ của các giá trị sống. Có thể nhận thấy rõ điều này trong các bài thơ như Chuyện còn dài, Hắn

 

…“tôi và con gián cùng hội thảo khoa học

cùng đeo khẩu trang, cùng ngắm hoa

cùng bẫy chim, cùng khắc phục hậu quả

cùng lau mồ hôi, cùng tiên tri

Con gián và tôi từ giờ sòng phẳng

Nó chui ra. Tôi vô cảm.

Nó gặm nhấm. Tôi ngập chìm.

Nó leo tường. Tôi thù vặt.

Nó bài tiết. Tôi ăn gian.

Nó hôi xì. Tôi lì lợm.

Nó dò xét. Tôi mở đường.

Nó nghênh ngang. Tôi u muội”

(Chuyện còn dài)

 

Cái tôi tự ti về bản thân đã đặt chính mình ngang hàng với các loài vật, loài côn trùng cụ thể là gián... để tự vấn về nhân cách, từ đó, tự chê cười bản thân mình, coi mình chỉ bằng một loài côn trùng hôi hám, với những tính cách “vô cảm”, “ngập chìm” trong những thú vui hưởng lạc, “thù vặt” mọi người, “ăn gian” trong mọi cuộc chơi, “lì lợm” bướng bỉnh không chịu thay đổi, “mở đường” cho những thứ tiêu cực, “u muội” mù quáng trước những sự việc…

 

Trong Hôm sau, Mai Văn Phấn còn sử dụng giọng giễu nhại để bày tỏ thái độ cười cợt nhưng đau đớn của mình về sự đổ vỡ của các giá trị sống qua nhân vật trữ tình “hắn”. “Hắn” ở khắp nơi nhưng luôn ẩn trong bóng tối và có khả năng biến hình tùy theo hoàn cảnh và môi trường. “Hắn” phải chăng cũng chính là tác giả hoặc chủ thể trữ tình, có thể là chúng ta:

 

“Hắn là nơi hoàn thiện:

của gương đã lành/ sâu đã nở/ trinh đã mất/ cáp đã đứt/ cống đã thông...

là bãi phế thải của giẻ rách/ mảnh thủy tinh/ băng vệ sinh/ giày dép lạc mốt.

là viên đạn bay đi chạm đích/ những vòng kinh hồi sinh/ dòng sông gặp biển..."

… Hắn cười,  vung tay đấm qua lỗ thủng khoét sẵn trên tấm bìa. Những ngón tay xương xẩu co lại thành quả đấm thép lao qua tâm điểm không vật cản

… Một dự báo về tương lai của thể thao. Với nhan đề trang trọng của tờ báo buổi chiều, hắn có tên trong danh sách những nhà vô địch.”

(Hắn)

 

“Hắn” có khi là những âm bản của đời sống, sinh ra từ những điều đã đổ vỡ, vụn nát như “gương đã lành/ sâu đã nở/ trinh đã mất/ cáp đã đứt/ cống đã thông...” Là “bãi rác” lịch sử, là tập hợp số đông của những bộ óc hoang tưởng, thậm chí hắn có thể là chủ tập đoàn bao thầu những đồ “phế thải của giẻ rách/ mảnh thủy tinh/ băng vệ sinh/ giày dép lạc mốt” là những thứ không ai có thể sử dụng và nhìn đến. Đồng thời lại là trung tâm chế tác những ý tưởng điên loạn tầm cỡ nhân loại như cách “hắn” chơi trog đấm qua tấm bìa cứng. Đó là hành vi tự kỷ, hoàn toàn ngẫu hứng để được những ai đó vinh danh là “nhà vô địch”. Những hành động, chi tiết về hắn thật đáng cười. Dường như nhà thơ muốn cảnh báo với chúng ta rằng: thế giới đang biến đổi một cách chóng mặt và ngày càng trở lên nhiễu loạn.

 

Ở một góc nhìn khác, Biết thì sống không đơn giản chỉ là chuyện “mèo mỡ” mà là một câu chuyện muôn thuở. Bài thơ được diễn đạt bằng lối thơ không vần, ngôn ngữ đậm chất đời thường nhưng lại chêm hai câu văn sặc mùi hành chính khiến người đọc bật cười:
 
… “Biên bản lập thành 05 bản
Có giá trị pháp lý như nhau”…


Chủ thể trữ tình còn hướng tiếng cười về những ý nghĩ ngẫu hứng giàu tính giễu nhại của trạng thái Tỉnh táo tột cùng để từ đó hoài nghi những theo đuổi của bản thân, làm cho người đọc không khỏi ngạc nhiên, thú vị:

 

“Ý nghĩ tôi muốn điều khiển con chuột chui từ cống hẹp

từ tốn bò vào thùng rác nằm chết ngay ngắn

Xe chở rác đem những con chuột đi chôn

vĩnh viễn trong thành phố không còn chuột.

Một cách nghĩ khác:

Múc nước ở cảng Hải Phòng

nước tự biến thành tinh khiết

tự đóng chai lăn đến các nhà hàng, khách sạn

Người nghèo đến đó mà thu tiền”

 

Tuy nhiên, điều đáng nói là đằng sau tiếng cười châm biếm và giọng giễu nhại ấy là cả một nỗi đau đớn vô cùng tận của nhà thơ trước hiện thực cuộc sống hôm nay. Tiếng nói của thơ tuy nhẹ nhàng và có vẻ rất tự nhiên nhưng đằng sau nó, hàng loạt những vấn đề lớn lao được đặt ra đối với toàn xã hội. Phải chăng, bằng lối nói giễu nhại, hoài nghi này, nhà thơ đang đề nghị mỗi chúng ta hãy dũng cảm nhìn vào thực trạng đời sống hôm nay để đổi thay nếp nghĩ, lối sống cho phù hợp với cuộc sống hậu hiện đại đầy hoài nghi và bất an?

 

3.2.2.2. Giọng suy ngẫm, triết lý

 

Không chỉ có giọng thơ giễu nhại mà trong tập Hôm sau còn xuất hiện giọng suy ngẫm, triết lý đặc sắc. Giọng điệu này trong thơ Mai Văn Phấn chủ yếu được bắt nguồn từ quan niệm của ông về nhân sinh và thế giới, thể hiện những suy nghĩ, cách nhìn của nhà thơ đối về cuộc đời và nghệ thuật. Những triết lý, suy ngẫm trong tập thơ không cao siêu, trừu tượng mà rất phổ biến trong cuộc sống đời thường nhưng sẽ là nghịch lý nếu nhìn nhận theo logic thông thường. Chẳng hạn, như trong bài Đúng vậy ta thấy những triết lý, suy ngẫm về những nghịch lý, đời thường của chủ thể trữ tình:

 

“chốt cửa gỗ

kéo cửa sắt

ông bấm năm chiếc khóa

rồi ném chìa vào trong nhà

Lật đống chăn nơi ông vẫn nằm

thấy mẩu giấy với nét chữ nguệch ngoạc:

“Ai tìm thấy tôi ở đâu, gọi về số...

Xin cảm ơn và hậu tạ”

 

Qua bài thơ, thấy được cái nhìn sâu sắc của tác giả về con người đặc biệt là những người lớn tuổi. Khi về già, họ thường mắc bệnh lãng nhưng lại ý thức được phải cẩn thận hơn trong mọi việc như “chốt cửa gỗ/ kéo cửa sắt/ ông bấm năm chiếc khóa”. Mọi việc sẽ là bình thường nếu không có một nghịch lý lại xãy ra khi ông “ném chìa khóa vào trong nhà”, là vì “ông” cẩn thận quá sợ làm rơi mất chùm chía khóa hay ông lại bị lẫn, không nhớ được việc mình làm. Trong một trường hợp khác, ông cũng cẩn thận như ghi vào một mẫu giấy rằng: “Ai tìm thấy tôi ở đâu, gọi về số.../ Xin cảm ơn và hậu tạ” và nghịch lý lại xãy ra khi ông để quên nó dưới đống chăn ở giường của mình. Qua bài thơ, tác giả muốn cho người đọc thấy một triết lý sâu sắc đó là tất cả mọi thứ trên đời này không có gì là hoàn hảo cả, chúng ta dù có cẩn thận, có cố gắng đến mức nào cũng vẫn còn một sai sót nhỏ vì vô tình không để ý mà bỏ qua.

 

Trong bài thơ Nhìn kỹ, chiếc thùng rác là môi trường bẩn thỉu nhất, chỉ thích hợp với chuột, gián và ruồi, muỗi, người ta lại in đậm dòng chữ “Ở đây không ô nhiễm, xin bạn yên tâm”, chính là một nghịch lý. Từ hiện tượng nghịch lý trên nhà thơ đi đến triết lý về sự nghịch lý khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên về cái nhìn sắc sảo cùng những lý giải hết sức mới mẻ trong quá trình nhận thức những hiện tượng xã hội đương đại.

 

Ở một không gian khác và góc nhìn khác, trong bài Không thể tin chủ thể trữ tình đã suy ngẫm triết lý về sự thay đổi cuộc sống. Những điều trong cuộc sống thường ngày có thể thay đổi theo một hướng khác khác. Sự vật không còn theo quy cũ từ trước đến nay: tại sao lại gọi đó là con mèo mà không phải là mớ giẻ rách? tại sao lại gọi đó là “con cá” mà không phải là “vỏ lon beer”? Tại sao lại là “chiếc ấm vỡ” mà không phải là “con chim”?... Hàng loạt câu hỏi kiểu như thế được đặt ra trong trạng thái nghi ngờ nhưng thực ra nó lại mang một triết lí sâu sắc như một lời phản biện với quan niệm thông thường. Những hình dung mới của chủ thể trữ tình vì thế đã làm thay đổi ý niệm về những cái đã mặc định. Qua bài thơ này, tác giả Mai Văn Phấn muốn gửi một thông điệp: trong cuộc sống này, nhiều điều ta không ngờ vẫn có thể xảy ra và nó vẫn tồn tại một cách bình thường trong đời sống.

 

Không chỉ dừng lại ở đó, nhà thơ còn gửi vào thơ những thông điệp sâu sắc về con người qua những suy ngẫm triết lý về giá trị cuộc sống từ kinh nghiệm của bản thân. Anh tôi là bài thơ chất chứa những suy tưởng, chiêm nghiệm của tác giả được đúc kết từ những trải nghiệm của nhiều năm tháng sống:

 

“Lúc gần đất xa trời, anh nhờ tôi giữ hộ ký ức. Anh dặn đây là dữ liệu qúy. Nhưng kho ký ức tôi đã đầy ứ, cả mốc meo, thối rữa. Tôi khuyên anh nên vẽ tranh hoặc viết sách. Nhưng anh đâu phải nhà văn, hoạ sỹ. Tôi nêu nhiều giải pháp khác: cắt rời, khởi động lại, thu nhỏ, dừng đột ngột, ninh nhừ, nghiền thành bụi...”

 

Việc nhờ người khác giữ hộ kí ức của nhân vật anh là việc rất khó và khác thường, đây là một một ý tưởng lạ. Lời khuyên của người em cũng lạ không kém: “Tôi khuyên anh nên vẽ tranh hoặc viết sách. Nhưng anh đâu phải nhà văn, họa sĩ. Tôi nêu nhiều giải pháp khác: cắt rời, khởi động lại, thu nhỏ, dừng đột ngột, ninh nhừ, nghiền thành bụi”. Lời khuyên ấy của nhân vật tôi cũng là một sự phi lí hết sức so với logic thông thường. Chính sự phi lí ấy cũng phản ánh một triết lý khác, đó là đời sống tâm hồn của mỗi con người luôn tồn tại biệt lập nên không thể giữ hộ kí ức cho ai được. Dù rất thương anh nhưng nhân vật “tôi” không thể làm được gì hơn cho anh ngoài việc đưa ra những lời khuyên có vẻ thiếu thuyết phục. Anh ta phải sống một cuộc sống của anh ấy, vẫn ngắm trăng, vẫn nhớ người yêu, vẫn giặt là, vẫn tắm gội sạch sẽ, thơm tho...chẳng điều gì có thể thay đổi cuộc sống của anh ta. Đồng nghĩa với việc đó người anh sẽ phải mang theo kí ức quý báu của mình sang thế giới bên kia vì kí ức đó thuộc về người anh.

 

Và đôi khi bằng những kinh nghiệm sống, những suy nghĩ và triết lí mà tác giả có được, ông để chủ thể trữ tình Tỉnh táo tột cùng và nhận ra:

 

“Đừng gượng dậy nói về lòng tin và niềm hy vọng

khi qua khe cửa hẹp

gió biển đang bắn vào từng mũi tên mát rượi.”

 

Trong cuộc sống, đừng đặt quá nhiều lòng tin và hi vọng về một điều gì. Hãy nhìn thực tại và từ đó cố gắng hoàn thành mục tiêu mình đề ra. Cứ mãi sống trong những hi vọng mà bản thân không bắt tay vào công việc, không hành động thì sẽ không có một kết quả như ý muốn. Ngoài xã hội rộng lớn kia có rất nhiều điều khó khăn phải trải qua, tìm hiểu nó và chiến đấu với nó.


Tóm lại, với giọng giễu nhại và suy ngẫm, triết lí cái tôi trữ tình trong thơ Mai Văn Phấn đã được lột tả một cách sinh động và đặc sắc, đồng thời góp phần làm phong phú, phát triển cho nền thơ hậu hiện đại Việt Nam và hơn thế là tạo nên dấu ấn riêng đậm màu sắc hậu hiện đại. Bằng giọng điệu thơ riêng này, Mai Văn Phấn đã “có cuộc lột xác đầy chông gai để chui ra khỏi cái vỏ truyền thống vấn điệu giảng giải nói thay bạn đọc”[26] để khẳng định “một giọng thơ Mai Văn Phấn riêng biệt và độc đáo”
[26]
 

3.3. Biểu tượng nghệ thuật

 

Theo Từ điển thuật ngữ văn học “Biểu tượng như là thuật ngữ của mĩ học, lí luận văn học và ngôn ngữ học còn được gọi là tượng trưng, nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật. Đặc điểm cơ bản của hình tượng nghệ thuật là sự tái hiện thế giới, làm cho con người và cuộc sống hiện lên y như thật. Nhưng hình tượng cũng là hiện tượng đầy tính ước lệ. Bằng hình tượng, nghệ thuật sáng tạo ra một thế giới hoàn toàn mang tính biểu tượng. Cho nên, trong nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một qua niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời…” [5;24]

 

3.3.1. Con quạ

 

Trong văn thơ, biểu tượng con quạ được xem như một đại diện xấu xa, độc ác và mang lại sự chết chóc. Mai Văn Phấn đã mượn hình ảnh đó đưa vào trong thơ biến nó trở thành một biểu tượng độc đáo. Trước hết, nó đại diện cho sự xấu xa, đen tối: “Tử khí kéo ngọn bấc tới đỉnh trời/ Con quạ rực sáng”. Đó là một thế lực làm thay đổi cuộc sống loài người khi màn đêm buông xuống “Bóng đêm chui dần vào bụng quạ”. Một thế giới đầy rẫy những con quạ và cuộc sống của loài người bị hủy diệt bởi chính nó. Nó mang bóng tối cùng với bầu không khí đầy mùi tử khí làm cuộc sống của loài người ngột ngạt, bế tắc, rơi vào tình trạng đói khát, run sợ:

 

“Đừng đến gần bóng râm

Chúng là con quạ

Xõa cánh lúc hoàng hôn, rạng đông

Nanh vuốt bám gió

Xay nghiền lá khô

Bẻ những cành vượt

Nhà thơ trú trong bóng râm

Từng con chữ bị khoét mất mắt”.

 (Biến tấu con quạ)

 

Cái chết hiện lên qua hình ảnh những con quạ đen, bầu tử khí vẫn theo bóng quạ, xuyên qua màn đêm, reo rắc niềm kinh hãi lên sự yếu đuối đã kiệt quệ đức tin của con người. Trong thế giới của nhân vật trữ tình, con quạ chiếm hữu bầu không khí, nó có sức mạnh lấn áp con người. Con người bây giờ không phải là chủ của môi trường sống nữa mà trở thành những người yếu thế. Hình ảnh “Nhà thơ trú trong bóng râm” cho thấy sự yếu đuối và cô đơn của con người trong thế giới đen tối mà những con quạ là thế lực hắc ám. Cái chết ẩn náu đâu đó trong những bóng râm, những khoảng tối rồi bất thần ập đến khiến con người không kiểm soát được.

 

Bằng sự liên tưởng đặc biệt về mối quan hệ giữa con người hiện đại với văn hóa truyền thống, Mai Văn Phấn đã biến con quạ - một con vật hoang dã, chuyên ăn xác thối thành một đối tượng để phân tích, dự báo về hung tin và chết chóc. Sau tiếng quạ kêu:

 

“Những đau khổ tột cùng ngoái nhìn đời sống tưởng chừng đã chết. Áo khoác kêu thất thanh khi đi qua bàn tủ. Máy điện thoại im lìm ngủ. Chiếc kẹp ghim mở miệng cố giấu đi móng vuốt. Cán chổi móc vào tay người lao công, kéo chị ta về bên hố rác. Vành mũ trên đầu kêu thảng thốt, rồi cúi xuống rỉa hết mặt nhân viên bảo vệ. Không ai mở cổng. Nhiều người vẫn tìm được lối đi vào”.

 

Và:

 

“Con quạ mơ

Mọi cái chết đều được sắp đặt

Sau tiếng quạ

Ai tự nguyện nằm xuống”

 

Những câu thơ chứa đầy phẫn uất, đau đớn mang đầy nỗi bất an về thân phận.  “Ai tự nguyện nằm xuống” chính là sự buông xuôi, bất lực của con người đối với những tội ác, những đảo lộn của xã hội. Sự tự nguyện sắp đặt kế hoạch sẵn cho cái chết của một cá nhân đã bộc lộ một cách đầy đủ sự suy đồi, không còn nhân tính của xã hội loài người.

 
3.3.2. Bóng tối

 

Trong văn hóa truyền thống, bóng tối tượng trưng cho sự u buồn, sự hủy diệt. Khi đi vào Hôm sau của Mai Văn Phấn, bóng tối được đặt trong sự đối lập với ánh sáng để làm nổi bật sự chết chóc, héo mòn và thay đổi của mọi vật trong thế giới đương đại. Một quy luật tự nhiên đó chính là khi màn đêm buông xuống, bóng tối xuất hiện sẽ nuốt chửng đi những ánh sáng của sự sống, của sự sinh sôi. Trong bóng tối, con người được sống với chỉnh bản năng của mình, những tâm trạng được bộc lộ một cách rõ rệt.

 

Trong bài thơ Nghe tin bạn bị mất trộm hình ảnh “đêm tối” đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật:

 

“Tên trộm tựa que cời bới tung lò than đỏ rực. Ngọn lửa lùa qua cửa sổ, ổ khoá, lỗ thông hơi… như người căm giận cầm những thỏi bạc ném vào đêm tối, hay tua tủa ngón tay giơ lên bấm vào một huyệt đạo khổng lồ”

 

Khi bóng tối bao trùm sự sống, cũng là lúc một số người bắt đầu làm những việc trái với đạo lí thông thường. Lợi dụng thời khắc không có một ánh sáng, ngay cả những tia lửa trong lò than đỏ rực kia cũng không thể nào soi tỏ khuôn mặt, hành động bất nhân của tên trộm, tạo điều kiện cho tên trộm ấy dễ dàng thực hiện ý đồ xấu xa của mình. Ngọn lửa tượng trưng cho nền văn minh của loài người, nhưng giờ đây lửa không còn đủ để đánh thức sự mê muội, tham vọng trong bản thân tên trộm. Từ đó, chủ thể trữ tình cho thấy giá trị đạo đức của con người trong xã hội đương đại bấy giờ bị vỡ nát, không còn nhân tính.

 

Bên cạnh đó, xã hội tăm tối với những giá trị đổ vỡ còn được biểu trưng qua hình ảnh “Đêm đêm, chúng thường tụ tập, thì thào trong những khu vườn vắng…” trong bài Dậy trẻ con. “Chúng”, cái tôi được nhắc ở đây chính là lũ trẻ con trong xóm, dường như chúng được ngụy trang cho mình những suy nghĩ, hành động không đúng với lứa tuổi. Trong bóng đêm, trẻ con không còn là những đứa bé ngây thơ, trong sáng, những giá trị mà chúng vốn có được không còn ngự trị trong tâm hồn mà thay vào đó là sự già cỗi vì chúng biết quá nhiều về người lớn.

 

Hay trong bài thơ Hắn, hình ảnh “bóng tối” được lặp đi lặp lại năm lần để nhấn mạnh sự tối tăm “Nơi bóng tối ăn thịt bóng tối”. Dự báo một xã hội mang một màu đen không thể đen hơn nữa. Bóng tối làm hủy diệt sự sống của con người, làm mất đi những giá trị đẹp đẽ vốn có thay bằng một màu đen u buồn, lạnh lẽo. Nó làm con người lạc mất đi những phương hướng, những nhận định của bản thân, trở thành những thứ không còn giá trị: “Hắn là nơi hoàn thiện:/ của gương đã lành/ sâu đã nở/ trinh đã mất/ cáp đã đứt…/ là bãi phế thải của giẻ rách/ mảnh thủy tinh/ băng vệ sinh/ giày dép lạc mốt…” Tất cả cho thấy một xã hội với những đổ nát sắp được hình thành.

 

Bóng tối trong Hôm sau còn là biểu tượng đăc biệt, thể hiện một cách độc đáo cái nhìn của chủ thể trữ tình về sự u muội của loài người trong một xã hội tăm tối, nơi những giá trị đích thực bị đổ nát kéo theo nguy cơ bị hủy diệt. Biểu tượng bóng tối đã không chỉ lột tả những sự tối tăm của xã hội đương đại mà còn chỉ rõ quá trình thay đổi, đổ vỡ và bị hủy diệt của cuộc sống, gây ám ảnh cho người đọc. Điều này được thể hiện rõ qua bài Quay theo mái nhà:

 

“Đêm tỉnh dậy. Đồ gỗ trong phòng mọc tua tủa nấm nhĩ. Bức tượng chảy xệ xuống thành nắm đất nhão. Chiếc quạt mở ra lần cuối rồi khép lại làm ống tre. Trong bóng tối, tiếng những nghệ nhân đã khuất cùng đồng vọng:

- Hãy quay theo mái nhà đánh thức các đồ vật!”

 

Bóng tối nuốt đi những điều trong cuộc sống trần tục nhường chỗ cho cuộc sống tâm linh, nơi cõi chết hiện hữu. Bóng tối gắn liền vói những linh hồn, những bóng ma, đi theo cùng họ là những âm thanh vang vọng trong màn đêm tĩnh mịch điều khiển mọi thứ trong thế giới mà nó ngự trị.

 

Sử dụng biểu tượng bóng tối để nói về những u uất, những đen tối trong xã hội là một nét độc đáo trong nghệ thuật biểu hiện của Mai Văn Phấn. Điều này đã làm nên giá trị biểu đạt cao cho Hôm sau của ông.




KẾT LUẬN

 

Mai Văn Phấn luôn đi tìm sự thay đổi và cách tân nghệ thuật cho thơ mình. Ông quan niệm hành trình sáng tạo thơ như một cuộc “vong thân”, tự thoát ra khỏi những cái đã cũ và tìm đến những cái mới. Mỗi tập thơ là một sự bứt phá, đổi mới khỏi chính mình của tác giả để thực hiện sứ mệnh cách tân thơ theo hướng đi tìm một diện mạo riêng cho thơ dân tộc. Hành trình thơ Mai Văn Phấn phản ánh sự sáng tạo không ngừng nghỉ, vốn kiến thức văn hoá dồi dào cũng như tài năng thơ của ông.

 

Hôm sau đậm dấu ấn của sự hoài nghi, cô đơn bi quan, dự cảm về tương lai và quan trọng nhất là những khát khao về cuộc sống tốt đẹp, khát khao về một cuộc sống toàn nguyên. Không chìm đắm trong tâm thế tiêu cực, cái tôi trong thơ Mai Văn Phấn còn khát khao được sống được thể hiện tính cách mạnh mẽ của mình. Hôm sau đã tạo ấn tượng mạnh mẽ cho độc giả, để lại một thông điệp về cuộc sống và về con người đời thường trong xã hội đương đại.

 

Nhìn từ cái tôi trữ tình có thể thấy các phương thức nghệ thuật trong tập thơ Hôm sau cũng mang đậm nét dấu ấn hậu hiện đại. Đó là những không gian u huyền, tối tăm nơi con người sinh sống, thời gian đan xen giữa thực và ảo tạo nên một bức tranh sinh động của chủ thể trữ tình. Giọng giễu nhại và giọng suy ngẫm, triết lý về các vấn đề trong cuộc sống mà tác gỉa gửi vào các trang thơ của mình đã tạo nên đạc sắc của thơ hậu hiện đại. Bằng cách vận dụng một cách linh hoạt và kết hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ đời thường , giản dị gần gũi với người đọc, Mai Văn Phấn cũng tạo nên các từ ngữ lạ hóa, dị biệt thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của mình. Việc xây dựng thành công các biểu tượng con quạ, bóng tối đã cho thấy được tài năng của Mai Văn Phấn trong cách xây dựng các biểu tượng mang ý nghĩa mới dựa trên các biểu tượng truyền thống.

 

Tóm lại, Mai Văn Phấn là một nhà thơ luôn có những cách tân nghệ thuật mới mẻ và độc đáo. Điều này thể hiện qua Hôm sau, tập thơ mang đậm dấu ấn hậu hiện đại. Hôm sau thể hiện tâm thế bất an trước cuộc đời và khao một cuộc sống toàn nguyên của tác giả. Tập thơ còn mang những phương thức nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn hậu hiện đại.





TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Tài liệu sách, báo

 

1. Lê Huy Bắc, (2011), Văn học hậu hiện đại lý thuyết và tiếp nhận, NXB Đại học Sư phạm

2. Lê Huy Bắc, (2013), Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, NXB Tri thức

3. Hà Minh Đức, (2010), Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, NXB Thuận Hóa

4. Ngô Hương Giang, Nguyễn Thanh Tâm, (2015), Mai Văn Phấn và hành trình vào cõi khác, NXB Hội nhà văn

5. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, (2010), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục Việt Nam

6. Phương Lựu, (2011), Lý thuyết văn học hậu hiện đại, NXB Đại học Sư Phạm

7. Phương Lựu, (2013), Tiến trình văn học tập 3, NXB Đại học Sư phạm

8. Phạm Xuân Nguyên, (2014), Nhà thơ Thị Nở, NXB Hội nhà văn

9. Mai Văn Phấn, (2009), Hôm sau, NXB Hội nhà văn

10. Mai Văn Phấn, (2011), Thơ tuyển Mai Văn Phấn cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, NXB Hội nhà văn

11. Mai Văn Phấn, (2012), Bầu trời không mái che, NXB Hội nhà văn

12. Mai Văn Phấn, (2013), Vừa sinh ra ở đó, NXB Hội nhà văn

13. Mai Văn Phấn, (2015), Thả, NXB Hội nhà văn

14. Mai Văn Phấn, (2016), Không gian khác, NXB Hội nhà văn

15. Trần Quang Thái, (2011), Chủ nghĩa hậu hiện đại các vấn đề nhận thức luận, NXB Tổng hợp TPHCM

16. Vũ Thị Thảo, (2012), Đặc điểm nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, Đại học Đà Nẵng

17. Nguyễn Hồng Dũng, (2016), Tâm thức hậu hiện đại trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 – 2010, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 3

18. PGS.TS Đoàn Lê Giang, (2011), Hồ Xuân Hương từ cái nhìn hậu hiện đại, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 6

19. Lã Nguyên, (2007), “Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài”, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 12.

 

Tài liệu Internet

(Cập nhật sau)

 

 

 

 









































BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị