“Ánh sáng của quá nhiều bóng đen” (phê bình). Mai Văn Phấn - “The glare of so much darkness” (review) - Translated by Nguyễn Thị Diệu Thúy - Edited by Katherine M. Hedeen

“Ánh sáng của quá nhiều bóng đen”

(Lời giới thiệu tập thơ “nghịch đảo” của Víctor Rodríguez Núñez[1])

 

 


 

 

Mai Văn Phấn

 

Những con thuyền trỗi dậy

Từ đáy đại dương

Những con thuyền

Cập những bến cảng thiên đường

V. R. Núñez  

 

 Dù được báo trước bằng tiêu đề khá lạ lùng và có phần khiêu khích “nghịch đảo”, nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên, hoang mang khi đọc tập thơ của nhà thơ Cuba Víctor Rodríguez Núñez. Thơ ông bày đặt trước mắt tôi một thế giới hỗn mang, đổ vỡ, đảo lộn. Từ nơi tro tàn tăm tối ấy, tôi được nhìn thấy ánh sáng, hay đúng hơn, thấy ánh xạ của những tương phản: khổ đau và hy vọng, hòa nhập và vong thân, nụ cười và những giọt nước mắt, Tổ quốc và thân phận lưu vong, bạo lực và nhân tính…

 

“Và không có ánh sáng nào chạm tới bóng tối

Ánh sáng của quá nhiều bóng đen”

 

Câu thơ ấy trong bài “Những phút nửa đêm/ Mười một” trong tập thơ “nghịch đảo” đã biểu đạt trọn vẹn căn cốt, tinh thần thơ Víctor Rodríguez Núñez. Bóng tối và ánh sáng ở đây dường như không có biên giới, vừa vô hình vừa hữu hình, nhào trộn, xung đột, xâm lấn nhau. Đó là bức tranh tổng thể của đời sống đương đại, một cuộc chiến, một quá khứ vừa khép lại; không, một tương lai thế giới viễn vọng. Câu thơ trên cho thấy, bóng tối và ánh sáng là hiện thân của Thiện và Ác, Thiên đàng và Địa ngục. Chúng chuyển động như gió, lỏng như những chất dung dịch, sẵn sàng pha trộn, nhuộm đen hoặc làm phai màu; tựa mưu mô và giảo hoạt, tinh ranh và tàn bạo trong cõi con người.

 

Thơ Víctor Rodríguez Núñez cho thấy, bản thân những hạt nhân của vạn vật không bị đập vỡ hoặc bóp méo, mà chúng vẫn được giữ nguyên, sắp đặt theo quy luật của riêng ông, phi lý nhưng đầy bất ngờ. Dưới con mắt của Núñez, những đường chân trời trở nên khô giòn và nứt vỡ, dòng nước hóa thành vật liệu cứng bị mài mòn đi:

 

Trà Digan đun sôi

Trên đống lửa đôi mắt của chú chim hồng tước

Làm tổ trong chiếc bàn” (Sự trở lại hay chú nhện cầm giữ một thắc mắc).

 

Hay, chúng ta hãy lắng nghe một ý thức ám thị của ông trong bài thơ “Những phút nửa đêm/ Mười ba”: Chúng ta đều được làm từ duy nhất một ngôi sao!

 

Nối thông các sự vật, hiện tượng trong thơ Víctor Rodríguez Núñez là tầng khí quyển khác lạ luôn phủ ngập, xâm chiếm trọn vẹn không gian. Sự “xâm chiếm” ấy khiến người đọc cảm nhận như có kẻ tàng hình tài ba đi xuyên qua bề mặt, lớp vỏ các vật thể và phi vật thể trong đời sống này. Trong bài thơ “Những phút nửa đêm/ Mười ba”, nhân vật đêm tối đã hóa thân thành chính nhà thơ, cho ông được gọi đích danh nó, được tự do bóc tách, soi chiếu nó trước mắt ta:

 

Bóng đêm thuận tay trái

Không có giá trị trao đổi”,

 

hay

 

“Màn đêm là tế bào tôi, hạt nhân của tôi”.

 

Trong tập thơ “nghịch đảo”, tác giả gọi tên bóng tối nhiều hơn ánh sáng. Phải chăng cũng là gam màu tối chủ đạo của bức tranh thế giới đương đại. Bóng đêm của Víctor Rodríguez Núñez không chỉ mang tính tư tưởng, mà còn biểu lộ chính kiến, quan niệm thẩm mĩ. Ông bày tỏ thẳng thắn và bộc trực bằng những câu thơ mang hàm nghĩa như: bóng đêm miễn phí, bóng đêm không biên giới, không rời đi, bóng đêm không ở lại, không bị kiểm duyệt.

 

Màn đêm không phải nô lệ

Trượt dài trong những buổi gặp mặt

Màn đêm không giả nhân giả nghĩa” (Những phút nửa đêm/ Mười ba).

 

Bóng đêm của ông mang tính dân chủ, được tự do báo chí, tự do ngôn luận... Bóng đêm không chịu phục tùng, bóng đêm nổi loạn, bóng đêm bất đồng chính kiến v.v... Và ông khẳng định: Không ai có thể phá vỡ bóng đêm.

 

Ông có bốn bài thơ viết về thời khắc đặc biệt của đêm, đó là “Những phút nửa đêm”, được ghi theo thứ tự: Một, Bốn, Mười mộtMười ba. Trong bài thơ “Những phút nửa đêm/ Mười một”, ông vận dụng thủ pháp tượng trưng và siêu thực kết hợp với ngôn ngữ hiện đại để khám phá tận cùng bản chất sự vật. Vẫn cái nhìn vũ trụ là nhất thể, thiêng liêng, sâu thẳm và vô tận, nhưng với cách sắp xếp hình ảnh cho thấy, thế giới thơ của Núñez đã được nhào trộn, hoán chuyển và luôn bình đẳng. Ở đây ta gặp lại con người “tàng hình”, như đã nói ở trên, giúp ta nhìn thấu suốt vạn vật, tự do trò chuyện với những linh hồn của sự vật.

 

Thứ gì đó vỡ ra thành bài hát

Trong khu vực đánh mất bởi bóng đêm” (Những phút nửa đêm/ Mười một).

 

Hoặc

 

Tôi là lớp sáng

Của không có gì được cháy”.

 

Những câu thơ tuyệt đẹp, kỳ lạ cho thấy Víctor Rodríguez Núñez đã thấu thị cả những cảm giác mơ hồ, hư vô, thậm chí thoảng qua. Trong những tình huống này, nhà thơ đã xuất hiện tựa một vị chúa tể trong vương quốc của ông:

 

Tôi ở khắp nơi

Cơn lốc của ánh sáng”.

 

Trong cả bốn bài thơ viết về “Những phút nửa đêm”, Núñez như đã chọn những vị trí khác nhau trong không gian thơ của để khoan xuống tìm mạch nước ngầm. Trong một thế giới đa cực, khó phân định, người đọc cảm nhận được nguồn nước mát lành từ lòng đất sâu phun lên làm ấm mềm mặt đất khô cằn. Dòng nước ấy xóa đi nhiều bất trắc, kết nối con người với nhau, con người với vạn vật, vũ trụ.

 

“Màn đêm và bạn không thể tràn ra được

Bị róc trần trong ánh sáng” (Những phút nửa đêm/ Bốn);

 

“Bóng tối đun sôi

Có những vết bùn

Của bạn ở khắp nơi

Màn khói dày này trong cơn khát

Sự sáng chói ẩm thấp

                                   Ngọn lửa để đến

Hầu hết các mùi hương này

Của ánh bình minh oi ả.” (Những phút nửa đêm/ Một).

 

Ngoài những “mũi khoan” sâu lúc nửa đêm như vừa nói, nhà thơ còn vẽ ra rất nhiều bóng tối, bóng đen, bóng đêm với muôn hình dạng.

 

Ngay cả bóng tối của một giọt nước mắt” (Người đội trưởng).

 

Bóng tối luôn lẩn khuất, xâm lấn mọi ngóc ngách tinh thần và đời sống con người, hủy diệt nhân cách và nhân tính:

 

“Sau tất cả tôi là

Một bóng ma trong hiệu cắt tóc

Những tấm gương bị bóng tối ăn mòn" (Khởi nguyên);

 

“Tại sao bỏ lại đằng sau bóng tối này

Vô số quần chúng vã mồ hôi

Với những giấc mơ bị bủa vây bởi đàn muỗi?” (Bảo vệ).

 

Bóng tối trong thơ Víctor Rodríguez Núñez thường bị nén chặt, dồn tụ, tựa ngọn lửa thiêu đốt nơi địa ngục. Chúng cũng giống như một cây cung đang kéo căng đợi thời khắc buông dây cho mũi tên vút đi. Nhà thơ sử dụng ánh sáng như một cứu cánh, một giải pháp, chìa khóa vạn năng để mở cửa những ngôi nhà kín bưng, là mục đích đi tới.

 

Giờ xuất hiện đường chân trời

Tôi có thể nghe thấy ánh sáng của nó” (Thung lũng sông Ohio);

 

Và bạn sẽ đến được kịp cho một ngày

Trong ánh sáng mờ của thư viện”;

Và ánh sáng chồng chất sự kinh hoàng” (Đôi mắt bị đánh cắp từ bầu trời).

 

Có lẽ ở bất kỳ quốc gia nào, hành trình con người hướng tới tự do, dân chủ và bình đẳng luôn là con đường gian nan, thử thách khắc nghiệt nhất; và có lẽ, những người tiên phong muốn đạt được mục đích ấy phải đi qua những chiếc cổng lửa, trả bằng máu và nước mắt. Đó là cái giá mà những người yêu chuộng hòa bình phải trả để đổi lấy cuộc sống công bằng, hạnh phúc.

 

Cuộc sống, tuy vậy, là những điều bình dị như mái ấm gia đình, một bông hoa chớm nở, một tách trà nóng vừa pha… Tất cả như đang thắp lên những ngọn lửa ấm áp trong thơ Víctor Rodríguez Núñez. Chúng tỏa sáng chậm chạp, e dè, nhưng nhiệt lượng và trữ lượng của nó thật lớn lao, mạnh mẽ:

 

“Tôi đổ ra hơi ấm áp vàng rực

Thấy vị trí của những gì còn ở bên trong

Dưới ánh trăng êm đềm vắng lặng

Những bông tu-lip ẩn trong khói mờ

Nở rộ trong màn tuyết chới với

Sẽ không hề có quãng nghỉ ngơi

Bình minh bén rễ

 …

 Ngọn lửa hướng dương cam chịu

Từ bùng cháy của mùa thu

Ngọn lửa đượm hồng

Trong ánh bình minh non nớt” (Sự minh mẫn hay bạn là giông tố trong ấm trà).

 

Những ngọn lửa mà Víctor Rodríguez Núñez thắp lên tỏa sáng cho mọi quốc gia, mọi dân tộc, nhưng ngọn lửa chói sáng nhất luôn hướng về Tổ quốc Cuba thân yêu của ông.

 

Tất cả hướng về Cu-Ba khi bóng đêm đổ xuống” (Những phút nửa đêm/ Mười ba).

 

Tuy sống ở nước ngoài phần lớn thời gian, song tâm hồn nhà thơ luôn hướng về quê hương Cuba yêu dấu, cái nôi nuôi dưỡng tài năng của ông và tạo nên tầm vóc cho thơ của ông trong nền văn chương Mỹ – Latinh. Trong “nghịch đảo”, nhà thơ đã nhiều lần gọi tên đất nước Cuba. Những hình ảnh thân thương, gần gũi thường xuyên xuất hiện trong cảm xúc của ông. Đó là những con phố, dòng sông, tên một loại nhạc cụ, một thể loại thơ, một loại rượu ngon đặc trưng quê hương ông. Vang động hơn nữa là những giai điệu, vũ điệu Mỹ Latinh sôi động với trang phục màu sắc rực rỡ.

 

Điều đặc biệt làm tôi cảm động là Núñez đã dành những bài thơ chứa chan cảm xúc viết về mẹ hiền, người chịu khổ đau gánh vác trên vai sức nặng và lỗi lầm của lịch sử. Mẹ trong thơ ông là hình tượng chở che, bao dung và độ lượng, là hình tượng của đức hy sinh, cam chịu, giản dị mà vĩ đại. Hình ảnh mẹ là biểu tượng thiêng liêng, làm nảy sinh tình yêu lớn trong đời sống này, như tình yêu quê hương, xứ sở, tình yêu con người, đồng bào, Tổ quốc v.v...

 

“Thấy mẹ nhìn chăm chú qua cánh cửa chớp

Không bị xối mòn bởi cơn mưa

Mà bởi tiếng ho của mẹ

Và những giọt nước mắt xa xăm” (Một lần và một lần nữa);

 

 “Tối nay mẹ tôi

                         Bật khóc trên giường

 Tiếng khóc của mẹ biến giấc mơ tôi thành than đá

Giấc mơ thật thà” (Khu phức hợp của tội lỗi).

 

Cũng trong bài thơ “Khu phức hợp của tội lỗi”, Víctor Rodríguez Núñez đã tra vấn những kẻ đã mang lại khổ đau cho người mẹ, cho quê hương ông

 

“Ai trong thế giới này ra lệnh

Mẹ tôi khóc?”.

“Kể cả khi chú chim kia quay lại

Tái sinh từ khói và bụi tro

Để chết thêm lần nữa

                                   Như một cái tổ

Trên cành cây buổi tối cô đơn” (Câu chuyện ngụ ngôn).

 

Ở Núñez có nguồn năng lượng sáng tạo mạnh mẽ với trữ lượng khổng lồ, nhưng người đọc cảm nhận ông luôn đi những bước khoan thai, trầm tĩnh. Trong bài thơ “Những bức chân dung tự họa” ông đã bày tỏ quan niệm sáng tạo của mình:

 

Mọi thứ thanh bình ngăn nắp theo thứ tự

Tại điểm nổ tung”.

 

Dù đời sống này, thế giới này còn đầy ắp bóng tối, nhưng thơ của Víctor Rodríguez Núñez cho chúng ta hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Mỗi bài thơ trong “nghịch đảo” mở ra trước mắt bạn đọc tựa bàn tay ấm áp, ân cần. Bàn tay ấy như ngọn lửa, hạt giống, như mầm cây tái tạo thế giới hỗn mang, đổ vỡ. Tôi mượn câu thơ trong bài “Tan” của ông để thay lời kết bài viết nhỏ này:

 

Nhưng vẻ đẹp tái tạo toàn thể

Đang dần hiện ra”.

 

28/2/2020

 

_____________________

[1] Víctor Rodríguez Núñez (1955 – ): nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình và dịch giả Cuba, hiện ông là Giáo sư tiếng Tây Ban Nha tại Trường Cao đẳng Kenyon (một trường cao đẳng nghệ thuật tự do tư thục ở bang Ohio, Mỹ); thơ của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tập thơ “nghịch đảo” (nguyên tác tiếng Tây Ban Nha: reversos) của ông do Vũ Việt Hùng dịch từ bản tiếng Anh, và được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020.

 

 

 


 


"THE GLARE OF SO MUCH DARKNESS"

(An introduction to "inverse," a book of poetry by Víctor Rodríguez Núñez, translated into Vietnamese by Vũ Việt Hùng, Publishing House of The Vietnam Writer’s Association, 2020)

 

 

Mai Văn Phấn

Translated from Vietnamese by Nguyễn Thị Diệu Thúy

Edited by Katherine M. Hedeen

 

"Boats rising

                      from the ocean floor

Boats docking

at the ports of heaven”

V.R. NÚÑEZ

 

Despite being warned by a strange and provocative title, “inverse,” I still couldn’t help my surprise and confusion when I read this poetry collection by Cuban poet Víctor Rodríguez Núñez. His poems presented a world full of chaos, disruption, and topsy-turvy right in front of me. And from those darkened ashes, I saw the light, or rather, the reflection of contrasts: suffering and hope, integration and death, smiles and tears, homeland and exile condition, violence and humanity, etc.

 

“And there’s no light to shadow

the glare of so much darkness”

 

This verse from “Midnight Minutes / Eleven” expresses the entire essence and spirit of Víctor Rodríguez Núñez’s poetry. The darkness and the light seem to have no borders, both invisible and tangible, they tumble, collide and invade one other. It is an overall picture of contemporary life, of a war, all the past has just closed off; no, rather, it is a hopeful future for the world. The above verse shows that darkness and light embody the Good and the Bad, Heaven and Hell. The author’s distinctive description makes us see they are not solid objects, but diluted like the air, or moving like the wind or liquid like solutions, ready to blend, dye or make things fade. It’s like conspiracy and subtlety, mischievousness and brutality in the human realms of this world.

 

Víctor Rodríguez Núñez’s poems show that the images and the center of all things are not broken or distorted, but keep their shape and are arranged according to the poet’s own rules, it’s absurd but full of surprise. In Víctor’s eyes, the horizons become brittle and cracked, the water turns into a hard abrasive material, “The gypsy tea boils / on the fire missing the eyes of a cardinal / that made its nest on the table” ([returns or that spider trapping a question]). Here, an example of an implicit sense of his autosuggestion in the poem “Midnight Minutes / Thirteen”: “We’re all made of just one star”!

 

Connecting things is a phenomenon in Víctor Rodríguez Núñez’s poems. It is a different level of climate, which always covers, floods and invades the whole space. This “invasion” allows readers to feel a talented invisible hand passing along the surface, the crust of objects and the intangible objects in this life. In “Midnight Minutes / Thirteen,” the “dark night” transforms into the poet’s entity, allowing him to call it by name, to freely analyze and shine through it onto readers: “Shadow is southpaw / has no exchange value” or “Night is my cell, my nucleus”.

 

In “inverse,” Rodríguez Núñez names “darkness” more than he names “light.” Perhaps it is also the main color in the image of our contemporary world. In the Vietnamese language version of the book, the poet mentions darkness 128 times; in the English language version, there are 169 words that reference “night”, “darkness”, or the meaning of darkness. This sum is of course relative, since the poetry collection was translated by the talented translator Katherine M. Hedeen from Spanish into English.

 

Víctor Rodríguez Núñez’s night is not only ideological, but also expresses political opinions and aesthetic ideas. He is frank and blunt in such meaningful verses like: night is free, night has no borders, night does not leave, night does not stay and it is uncensored. “Night isn’t servile / slips up at all the meetings / Night isn’t hypocritical” (Midnight Minutes / Thirteen). His night is democratic, and includes freedom of the press and freedom of speech ... The night of insubordination, the night of rebellion, the night of dissent, etc. And he asserts “Nobody’s been able to break shadow.”   

 

“Midnight Minutes” are four poems written about the special moment of the night recorded in numbers: One, Four, Eleven and Thirteen. In the poem “Midnight Minutes / Eleven”, he uses symbolic and surreal tactics combined with modern language to explore the deepest nature of things. Still with the view that the universe is unity, sacred, deep, and infinite, but with the arrangement of images, the poem demonstrates that Víctor's world of poetry has been mixed, transformed, and always equal. In this place we meet the “invisible” hand as mentioned above, helping readers to see through everything, free to talk to the souls of things. “Something breaks into song / in the area lost to shadow” (Midnight Minutes / Eleven). Or “I’m a glow/ of burning nothingness.” These beautiful and strange verses show that Víctor Rodríguez Núñez has perceived both vague, nihilistic, and even fleeting feelings. In these situations, the poet appears like a lord in his kingdom: “I’m everywhere / light’s vortex”.

 

In these four poems, Víctor seems to have chosen different locations in his poetic space to drill down to find the groundwater. In a multi-polar and indistinguishable world, readers can feel the cool water stream spraying up from the depths of the earth to soften the arid and dried earth. The stream of water erases many uncertainties, connecting people with each other, connecting people with everything and the universe. “Night and you can’t manage to overflow / bareboned in light” (Midnight Minutes / Four).

 

“The shadow boils

                               There are splashes

of you everywhere

This thick steam in thirst

Damp irradiation

                            fire to come

Most of all this scent

                                 of sweltered dawn”

(Midnight Minutes / One)

 

Apart from the deep “drills” into the middle of the night as mentioned, the poet also draws many shadows (darkness, night) with all shapes. “Even the shadow of a tear” (The Captain). Darkness is always hidden, invades every corner of human spirit and life, destroying personality and humanity:

 

“After all I’m

a phantom in this barbershop

mirrors eaten away by shadow”

([origins])

“Why leave behind this dark

sweaty multitude

with dreams besieged by mosquitoes?”

([protections])

 

The darkness in Víctor Rodríguez Núñez’s poems is often compressed and gathered, like a scorching fire in Hell. They are like a bow stretched, waiting for the moment when the bowstring is released to let the arrow go. The poet uses light as a savior, a solution, a universal key to open the doors of closed houses, which gives meaning to movement. “Now comes the horizon / I can hear its light” ([Ohio River Valley]). “And you’ll make it on time for the date / in the library’s half-light”; “And light piled up frightened” ([a pair of eyes that got stolen from the sky]).

 

In any country, every human journey towards freedom, democracy and equality is always the most arduous and challenging one; and maybe the pioneers who want to achieve that goal must go through fire gates, which they have to pay for with their own blood and tears. That is the price that peace-lovers have to pay for a fair and happy life.

 

Life is such a simple thing as a family, a budding flower, a cup of hot tea... Everything is like lighting the warm flames in Víctor Rodríguez Núñez’s poems. They shine slowly and shyly, but their heat and reserves are great and powerful:

 

“A golden warmth I pour

while my insides find their place

beneath the absent moon

smoky times when the tulips

bloom in the lingering snow

there’ll be no letup

                               the dawn taking root”

([sanities or you’re a tempest in a teapot])

“Sunflower fire suffering

from autumn’s burns

                                  tomato fire

in a dawn still unripe”

([sanities or you’re a tempest in a teapot])

 

The flames Víctor Rodríguez Núñez lights up shine for all of us, but the brightest always turns to his beloved homeland, Cuba. “When shadow falls everything turns to Cuba” (Midnight Minutes / Thirteen). In “inverse”, the poet repeatedly mentions the island. Intimate images often appear in his emotions. Streets, rivers, the name of an instrument, a genre of poetry or a typical delicious drink from his homeland. More echoing are the vibrant traditional tunes and dances with vivid, colorful costumes…

 

Something particular that touches me is when Víctor writes emotional poems about his gentle mother, who suffered the burdens and mistakes of history. The mother in his poems is the image of protection, tolerance and generosity, the figuration of sacrifice, endurance, the image of simplicity and greatness. The mother’s figuration is a sacred symbol, giving rise to great love in this life, like the love for homeland, country, the love for people, compatriots, etc.

 

“Look how she peers through the shutters

not rotted by rain

but by her cough

                           and distant tears”

(Once and Again)

“Tonight my mother

                               has gone to bed crying

Her sobs turn my dream to coal

a real dream”

(Guilt Complex)

 

In “Guilt Complex”, Víctor Rodríguez Núñez interrogates those who have made his mother and his homeland suffer, “Who in the world orders/ my mother’s cry?”.

 

“Even if that same bird returns

reborn from smoke and ashes

to perch once more

                               like a nest

on evening’s lone branch”

(Fable)

 

The beloved homeland, Cuba, is always the breath, the hot blood flowing in the poet’s veins. It nourished each of his cells, lifting him, making him taller and more stable. Víctor has a strong creative energy source with huge reserves, but readers know that he always takes quiet, calm steps. In the poem “Self-Portraits”, he declares his creative conception as: “Everything serene tidy in order / at the point of bursting”. 

 

Although this life, this world, is still full of darkness, Víctor Rodríguez Núñez’s poems give us hope for a better future. Each poem in “inverse” is opened to readers like a warm and caring hand. That hand is like a flame, a seed, or a sprout that recreates a chaotic and broken world. I would like to borrow a verse from “thaw” to replace the end of this brief essay: “yet beauty restores wholeness / trickles clarity”.

 

I am very pleased to introduce Vietnamese readers to “inverse”, a book of poetry by the great Cuban poet Víctor Rodríguez Núñez through the excellent translation of Vũ Việt Hùng!

 

Hải Phòng - Vietnam, February 2020

M.V.P

 

 

 

Thiết kế bìa sách: HS. Lê Đức Lợi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị