Tiếng rạn vỡ trong “mảnh mảnh mảnh” - (phê bình) - Mai Văn Phấn

Tiếng rạn vỡ trong “mảnh mảnh mảnh”

(Đọc tập thơ (mảnh mảnh mảnh" của Lê Anh Hoài, Nxb Văn học, 2012)





Nhà thơ Lê Anh Hoài



Mai Văn Phấn


Tôi vừa len qua các bài thơ đã được dịch sang ngôn ngữ Kh'mer, K'Ho, Lô Lô, và bản chữ Nôm để đến với phần Việt ngữ trong tập thơ đa ngôn ngữ “mảnh mảnh mảnh” (Nxb Văn học, 2012) của nhà thơ, nghệ sĩ mỹ thuật đa phương tiện Lê Anh Hoài.

 

16 bài thơ trong tập thơ “mảnh mảnh mảnh” gợi cho tôi liên tưởng đến mười sáu miếng ghép. Trong mỗi miếng ghép ấy còn chồng lấn nhiều miếng ghép nhỏ với đa dạng hình dáng, sắc điệu… “mảnh mảnh mảnh” đã bật lên mười sáu ngọn đèn mờ tỏ ở mười sáu góc tối khác biệt trong tâm thức, cho bạn đọc đủ hình dung, tưởng tượng theo cách riêng của mỗi người về đời sống đương đại đang tồn tại, vận động, thức dậy cả quá khứ tăm tối, xa xăm. Tập thơ đã tạo một sân chơi kỳ thú và hấp dẫn, cho tôi được tự do hình dung một đời sống riêng biệt và phồn tạp mà mình từng tích luỹ, trải nghiệm. Đó là cách bày đặt trò chơi của Lê Anh Hoài mời gọi mọi người vào tham gia “cuộc chơi” với tinh thần khai phóng và tự do. Tôi gặp cảm giác bề bộn, ngổn ngang trong không gian thơ Lê Anh Hoài. Trong đó, một số góc đã hoàn thiện bên những khu nhà cao tầng mới kịp “trồng mộc”, nhưng kiến trúc tổng thể của nó đủ cho ta hình dung một quần thể hiện đại, đồ sộ.

 

Lê Anh Hoài  kiến tạo không gian thơ qua thứ lăng kính đặc biệt, làm người đọc khó đoán định về thế giới hình ảnh và tâm trạng thơ của anh. Đời sống hiện tồn trong thơ Lê Anh Hoài, do vậy, thường hiển thị như được nhìn từ những kiếp khác, mang hệ quy chiếu khác, như những ánh trăng suông tỏa không tiếng (Không tiếng). Hiện thực ấy mờ ảo như nhìn qua một lớp sương mù, hình ảnh chập chờn, đứt quãng và phi lý trong một cơn mơ, hay mang một sắc diện khác, tựa như quan sát nhật thực qua một chiếc kính lọc đặc biệt. Tác giả thường kết hợp những hiện thực giả định với ảo giác, gây hoang mang xen lẫn giễu nhại tạo ra những hiệu ứng khác với thơ truyền thống: 

 

Những gì trong đầu tôi liệu có phải là thật?

Một sớm sương dày tầm nhìn ba mét

Một chiều gió chuyển luồn qua lục địa

Những khuôn mặt người những cười những khóc những ôm ấp những đê mê những lạnh lùng những huỵch toẹt những rãi rớt

Hay tôi đã chết hồi nào khi tàu điện chạy qua đầu ngõ lúc tôi mặc chiếc áo đỏ mới toanh?

Những gì tôi ăn uống cầm nắm từ một thế giới khác đến?” (mảnh mảnh mảnh).

 

Trò chơi của Lê Anh Hoài đôi lúc mở ra để mọi người vào chơi “cút bắt” cùng các thi ảnh trong đó, nhưng đến khi người đọc lạc vào mê cung, anh lại bất ngờ nhảy ra khỏi “ván cờ” nhân thế bày đặt từ đầu: 

 

nấp sau trò chơi, nấp sau lòng mình

nấp sau cười cợt thấy mình đang mất”.

 

Đó là đoạn kết bất ngờ trong bài “Trò chơi”, một trong nhiều cách về đích độc đáo, tiêu biểu của nhà thơ. Lê Anh Hoài còn có nhiều lối kết thúc bài thơ rất đặc biệt. Bài thơ “Mùa” làm tôi cứ giở đi giở lại trang sau tìm xem còn khổ thơ nào không, thậm chí nghi ngờ cả lỗi in ấn (!). Nhưng hóa ra bài thơ không hề “dang dở” như tôi tưởng lúc đầu, mà hoàn chỉnh trong vẻ ngoài hụt hẫng, xô lệch.

 

Trong tập thơ ta bắt gặp nhiều câu thơ tinh tế, đầy ma lực như: 

 

Làn nước lạnh u buồn

ta chết chìm trong làn nước tối

để lại khát khao trần mình trên bãi

nướng xác và hồn mình dưới nắng vàng” 

 

được đặt bên những câu thơ đa nghĩa, như mê sảng, bí hiểm như mật ngôn: 

 

tan chảy lung linh giọt mình nguyên chất

tan chảy thành hơi bay vào cõi mất” ().

 

Những câu thơ sắc lạnh, giản dị được đan xen với cách nói giễu nhại: 

 

ôi mắt em trong như mẹ mari” (Em trôi trên ngã tư giáng sinh).

 

Ta cũng thấy cả những “miếng ghép” chẳng ăn nhập gì với nhau bởi nhiều trạng thái cảm xúc và tâm lý riêng rẽ, trái ngược, biến hóa, lúc hiển lộ sáng rõ, lúc mờ ảo, u tối.

 

Giọng điệu trong tập thơ phong phú, lạ lùng, khiến không ít những độc giả đã quen với phong cách thơ du dương, diễm tình dị ứng gay gắt. Những câu thơ tối giản, chính xác bất ngờ xuất hiện trong bài thơ như mở ra không gian không có giới hạn, xâm chiếm mọi giác quan, cảm xúc, có lúc chạm tới cả những vùng húy kị.

 

Những hình ảnh trong tập thơ “mảnh mảnh mảnh” thường chuyển động nhanh, gấp khúc, đôi lúc thoáng qua như cố tình không muốn cho người khác nhìn thấy đường đi và đích đến của nó, gây hoang mang và cả khó chịu cho những ai chỉ quen với quan điểm thẩm mỹ cũ, cách đọc cũ. Tập thơ “mảnh mảnh mảnh” phần lớn viết về sự phân rã, tàn lụi, những cảnh tượng tha hóa, suy đồi phơi ra trước mắt bạn đọc như tự cất tiếng gào gọi, kêu cứu. Nhưng trong những câu thơ như đưa người đọc vào đường hầm tối tăm ấy vẫn bật sáng những hình ảnh lạ lùng, dù chỉ mơ hồ: 

 

nhưng

cây đầy lá

hồ đầy nước

người loang loáng đi” (Loang loáng).

 

Bóng loang loáng trong câu thơ trên gợi cho bạn đọc hình dung những ảo ảnh chuyển động nhanh trong đời sống công nghiệp có vô vàn những bất trắc luôn bất ngờ rình rập.

 

tôi bật đèn hòng xóa đêm

chợt nghe những gì vỡ khẽ”.

 

Đó là câu thơ trong bài thơ “Không tiếng”. Nó cho tôi hình dung một Lê Anh Hoài vào thời khắc hừng đông chuẩn bị xuất hiện, lúc bóng đêm còn ngự trị khắp nơi nhưng đã bắt đầu trốn chạy, tan rã cùng những giấc mơ mờ nhạt, chập chờn thường xuất hiện trong diễn trình cuối của một đêm trường nhiều mộng. Ngọn đèn được bật lên hòng xóa đêm, chắc không ít người cho đấy là ảo tưởng, hay một hành động điên rồ, có chăng nó chỉ đủ soi sáng đoạn đường ngắn ngủi trước mắt để không bị vấp ngã, nhưng những gì vỡ khẽ đã chợt đến với nhà thơ như có ai đó bí ẩn mách bảo, dẫn dụ anh tự tin dấn bước trên con đường mịt mù và bất tận phía trước. Đó là tiếng nứt của mầm hạt, của mặt đất cứng, của tảng băng khổng lồ dưới chân nhà thơ, báo hiệu một ngày mới đến khác hẳn ngày hôm qua và những ngày trước đó. Lê Anh Hoài đã thức dậy và dũng cảm khởi trình trong một sớm mai với bao dằn vặt, âu lo, nhưng tràn đầy nội lực và tự tin như vậy.

 

6/2012

 


























BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị