Dạo phố cùng nhà văn Agneta Pleijel
Nhà văn Agneta Pleijel
Mai Văn Phấn
Ngày cuối cùng trong
chuyến thăm Thụy Điển. Tôi hẹn với nhà văn Agneta Pleijel và nhà nghiên cứu văn
hóa và dân tộc học Eva Lindskog đi dạo phố Drottninggatan ở trung tâm thủ đô
Stockholm. Phố đi bộ này tiếp nối từ phố Norrmalm, trải dài 1,5 km, thông với
phố Observatoriegatan. Từ đây có thể rẽ mấy bước sang nhà thờ Adolf Fredrik
(xây dựng vào năm 1768 – 1774), nơi yên nghỉ của cố Thủ tướng Olof Palme,
cố Thủ tướng Hjalmar Branting,
nhà vật lí Carl Benedicks
và nhà soạn nhạc Anders Eliasson...
Agneta Pleijel và Eva
Lindskog đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng cả hai đều nhanh nhẹn, minh mẫn và
rất hóm hỉnh. Tôi cũng đã quen với cách đi bộ nhanh sải bước rộng của người Nga
nên theo kịp hai chị. Nhà văn Agneta Pleijel đã đến Việt Nam hai lần, thăm Hà
Nội và Huế vào mùa xuân và mùa thu. Chị rất ấn tượng với tính cách người Việt:
mến khách, nhân hậu, và nói như hát. Agneta khoác tay tôi, còn tay kia khoát
rộng miêu tả sương khói Hồ Tây lúc hoàng hôn, hương vị ly cà phê “đen đá trong
một quán giải khát không nhớ tên nằm bên hồ.
Chị Eva giải thích thêm
cho Angeta Pleijel biết vì sao mặt hồ ở Hà Nội bảng lảng sương khói vào mùa
xuân và lấp lánh ánh vàng vào mùa thu. Rồi chị Eva quay sang nói với tôi về
cuộc đời và những cuốn sách của Agneta Pleijel. Agneta Pleijel là một trong
những nhà văn lớn của Thụy Điển hiện nay. Chị đồng thời là nhà viết kịch, nhà
phê bình văn học, dịch giả, nhà hoạt động nữ quyền.
Agneta Pleijel sinh năm
1940 tại Stockholm. Cha của chị là nhà toán học lừng danh Åke Pleijel, mẹ là
nhạc sĩ Sonja Berg Pleijel được nhiều người yêu thích. Năm 1973, Agneta Pleijel
bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng viết tiểu luận và phê bình văn học. Sau đó
chị làm biên tập viên cho một số tờ báo và tạp chí văn học uy tín. Chị cũng làm
thơ, viết văn từ đó. Agneta Pleijel từng là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Thụy
Điển thuộc [Tổ chức] Văn bút Quốc tế (Swedish
Center of Pen International) từ năm 1988 đến năm 1990. Năm 1969 – 1970, chị
viết chung vở kịch đầu tiên “Ordning
härskar i Berlin” (tạm dịch: Quy tắc trật tự ở Berlin) với Ronny Ambjörnsson và được các nhà hát ở Thụy Điển dàn dựng và công diễn
nhiều kỳ. Năm 1983 chị công bố tiểu thuyết đầu tiên, có tên “Vindspejare” (tạm dịch: Người dẫn đường). Đây là cuốn sách viết
về năm thế hệ trong một gia đình có nguồn gốc Thụy Điển. Liên tiếp những năm
sau chị cho xuất bản các tiểu thuyết khác, trong đó một số cuốn sách tiêu biểu
như “En vinter i Stockholm”, 1997 (“Một mùa đông ở Stockholm”), “Lord Nevermore”, 2000 (tạm dịch: “Chúa tể Nevermore”), “"Släkttrilogin" (tạm dịch: Ba gia đình), “Drottningens chirurg”, 2006 (tạm dịch: Bác sĩ phẫu thuật của Nữ hoàng, “Kungens komediant”, 2007 (tạm dịch: Vua hài) và “Syster och bror”,
2009 (tạm dịch: Em gái và anh trai).
Agneta Pleijel là một trong những nhà văn Thụy Điển hiện đang sống được dịch
sang nhiều ngôn ngữ nhất. Chị đã nhận được nhiều giải thưởng văn học uy tín của
Thụy Điển và quốc tế, trong đó có giải thưởng mang tên nhà văn Thụy Điển Selma
Lagerlöf (1858 – 1940) – nhà văn nữ đầu tiên trên thế giới đoạt giải Nobel Văn
học vào năm 1909. Tiểu thuyết “Chúa tể
Nevermore” của Agneta Pleijel từng được đề cử cho giải thưởng lớn của Hội
đồng Văn học Bắc Âu.
Về đời tư, hai vợ chồng
chị đều hoạt động trong lĩnh vực văn học: chồng chị là nhà báo đồng thời là nhà
nghiên cứu văn hóa Maciej Zaremba, người gốc Ba Lan, di cư sang Thụy Điển từ
năm 1969. Ông cũng chính là cha của nữ dịch giả Maja Thrane, người đã cùng nhà
thơ-dịch giả Erik Bergqvist dịch thơ của tôi sang tiếng Thụy Điển.
Chúng tôi ghé vào một
quán cà phê ở cuối phố Drottninggatan. Angeta nói rằng hàng ngày chị thường
uống Cappuccino, nhưng hôm nay sẽ uống một ly cà phê nguyên chất ướp lạnh để
nhớ ly “đen đá Hà Nội”. Tôi mở máy đi động đưa cho chị Angeta xem tấm ảnh tôi
chụp trước ngày ra sân bay. Đó là hình trang bìa cuốn tiểu thuyết “Một mùa đông Stockholm” của Angeta
Pleijel, do dịch giả Hoàng Cường dịch từ bản tiếng Pháp sang tiếng Việt, Nhà
xuất bản Văn học ấn hành, 2007. Chị cười hiền, ánh mắt tinh nghịch như quét vào
tôi, giọng quả quyết: “Exactly!” (Chính nó!). Một người bạn ở Hà Nội, hình
như lúc đó làm ở Nhà xuất bản Văn học, đã gửi cho nhà văn cuốn sách này. Tác
giả Bửu Nam đã viết về cuốn tiểu thuyết ấy như sau: "...điều gây ấn tượng mạnh đối với ta là tấn
kịch riêng tư bi thiết của một nhân vật – thiếu phụ trí thức, một giáo sư Đại
học vừa là một nhà văn, về tình yêu và hôn nhân giữa đam mê và tỉnh táo, giữa
ảo tưởng và vỡ mộng, giữa chịu đựng và nổi loạn, giữa vị kỷ và hướng thiện,
lồng vào bi kịch của một tuổi thơ với những vết thương tâm hồn do sự khác biệt,
xung đột và chia ly giữa cha và mẹ, những con người có đam mê và tài năng, ước
vọng, nhưng không thể đem hạnh phúc cho nhau, không thể hiểu nhau..."
Ngoài lĩnh vực văn
chương, Agneta Pleijel còn là nhà hoạt động dân chủ, chống áp bức, bảo vệ các
nhà văn bị thể chế độc tài cầm tù. Đặc biệt trong sáng tác, nhà văn lên tiếng
đấu tranh cho nữ quyền rất mạnh mẽ. Tiêu biểu nhất về đề tài này là cuốn tiểu
thuyết “Doften av en man" (tạm
dịch "Mùi của đàn ông") của
chị. Nhà văn tâm sự: “Tôi viết về sự lo
lắng, bất an của một phụ nữ trẻ trong những mối quan hệ rắc rối, phức tạp mà cô
ấy gặp phải. Tôi căm ghét sự bất công, tàn nhẫn trong tình yêu và nhất là trong
tình dục mà phụ nữ phải gánh chịu. Phụ nữ cần được tôn trọng và bình đẳng với
nam giới dù ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào”. Chị nhấn mạnh, nữ quyền phải
được hỗ trợ bởi luật pháp, phong tục và tập quán địa phương.
Chúng tôi tiếp tục dạo
bước và dừng lại khá lâu ở số nhà 85 Drottninggatan. Agneta Pleijel giới thiệu
với tôi đây chính là bảo tàng cố nhà văn Thụy Điển August Strindberg (1849 –
1912), nơi ông đã sống bốn năm trước khi qua đời. Bảo tàng được khánh thành vào
năm 1973, hiện thuộc quyền sở hữu của Hiệp hội August Strindberg Thụy Điển.
August Strindberg là một nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà viết tiểu
luận và cũng là một họa sĩ nổi tiếng. Ông viết nhiều về những trải nghiệm cá
nhân. Sự nghiệp sáng tác của August Strindberg kéo dài liên tục trong 4 thập kỷ
với trên 60 vở kịch và hơn 30 tác phẩm tiểu thuyết tự truyện, lịch sử, phân
tích văn hóa và chính trị. A. Strindberg sáng tác theo phong cách chủ nghĩa tự
nhiên và chủ nghĩa biểu hiện. Ông được coi là "cha đẻ" của văn học
Thụy Điển hiện đại. Cuốn sách “Căn phòng
màu đỏ” (1879) của ông được đánh giá là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của
văn học Thụy Điển. Tuy vậy, ông được thế giới biết đến nhiều hơn với vai trò là
nhà soạn kịch. Ông được xem là một trong những nhà cách tân sân khấu hiện đại
tiêu biểu của châu Âu và thường được so sánh với nhà viết kịch nổi tiếng Henrik
Ibsen
của Na Uy.
Cũng chính trên mặt đường Drottninggatan này, người ta đã khảm những dòng chữ
tiếng Thụy Điển bằng đồng. Đó là những câu nói, đoạn trích từ các tác phẩm tiêu
biểu của nhà văn August Strindberg.
Chị Agneta cố ý chạy lên
phía trước, rồi dừng lại ở cuối mỗi dòng chữ của August Strindberg đã nhẵn bóng
vì dấu chân khách bộ hành. Chị đưa ngón tay như nhấn từng ký tự, chậm rãi dịch
sang tiếng Anh cho chị Eva và tôi nghe. Nhà văn Agneta Pleijel tự hào vì đất
nước Thụy Điển đã có August Strindberg.
Trong những ngày ở
Stockholm, tôi được nghe các bạn Thụy Điển nói nhiều về nhà văn Agneta Pleijel
với lòng mến mộ chân thành nhất. Độc giả Thụy Điển đương thời rất tự hào vì đã
có Agneta Pleijel. Một đất nước có lịch sử và nền văn hóa vĩ đại, chiếc nôi của
văn chương thế giới đã có những nhà văn và độc giả tinh hoa đáng kính như vậy.
Tôi nói với chị Eva rằng sau này các con cháu tôi sẽ đến thăm đất nước của chị.
Chắc chắn chúng sẽ dạo chơi nơi đây, hoặc có thể trên một con phố bất kỳ ở Thụy
Điển. Nơi ấy sẽ khảm những dòng chữ bằng đồng được trích từ những tác phẩm xuất
sắc của Agneta Pleijel mà mọi người thích thú thưởng ngoạn.
Stockholm – Hải Phòng, 24 – 28/10/2018
Ronny Ambjörnsson (1936 – ): tác gia,
nhà nghiên cứu lịch sử (nhánh History of
ideas, tạm dịch là Lịch sử tư tưởng),
viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển.
(Nguồn: https://sv.wikipedia.org/wiki/Ronny_Ambj%C3%B6rnsson#Bibliografi).

Với nhà văn Agneta Pleijel và nhà báo Jesper Bengtsson