Cảnh vật phát sáng nơi “Động Phật thâm u” - Mai Ngọc Phát

Cảnh vật phát sáng nơi “Động Phật thâm u”

 

 

 

 

Tranh của HS Nguyễn Tuấn Sơn

 

 

 

Mai Ngọc Phát

 

 

Cuộc đời và sự nghiệp của nữ sĩ Hồ Xuân Hương luôn hàm chứa những điều kỳ thú, bí ẩn cần giải mã. Bạn đọc đã gặp trong thơ chữ Nôm của bà một thi sĩ táo bạo, tài năng, độc nhất vô nhị khi viết về tình dục, trực diện đấu tranh cho nữ quyền, cho hạnh phúc và tự do của con người. Nhưng thơ chữ Hán của bà lại cho thấy một khía cạnh khác trong bức chân dung tinh thần của bà. Ở đó ta gặp được một Hồ Xuân Hương đằm thắm, trữ tình, khiêm cung và hồn hậu. Phong cách đa diện ấy nằm trong hai hình mẫu thơ của bà, có thể ví như mặt trên và mặt dưới một chiếc lá. Phía trên lá, tựa thơ chữ Hán của bà, luôn ánh lên màu diệp lục mướt xanh, mềm mịn tràn ra tận đường viền. Phía sau, ví như thơ chữ Nôm, luôn nổi rõ những góc cạnh của từng đường gân lá, thấy cả gai góc, thô ráp và chân thực. Cần khẳng định rằng, phải nghiên cứu đủ hai hình mẫu thơ chữ Hán và chữ Nôm, ta mới thấy được trọn vẹn chân dung thi sĩ Hồ Xuân Hương tài năng, độc đáo, đa diện và đầy bí ẩn.

 

Thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương có phong cách khá nhất quán, thường miêu tả ngoại cảnh hoặc xướng họa với bạn bè bằng giọng thơ trữ tình chân thực, khắc khoải, đôi khi thoáng gợn nỗi u hoài. Trong những bài thơ vịnh cảnh chùa chiền, ta gặp một Hồ Xuân Hương thông tuệ, tinh thông kinh Phật, mang tâm thế an nhiên, thơ thới, đậm tính thiền. Bài thơ “Động Phật thâm u” (Phật Động tầm u) nằm trong mạch cảm xúc ấy của Hồ Xuân Hương về cảnh Phật.

 

Động Phật thâm u

 

Tương truyền Phật tích tại Linh Sơn,

Mới được sơn ông chỉ đỉnh non,

Cửa động nông sâu đầy cỏ dại,

Chữ mờ đậm nhạt dấu rêu mòn.

Ngoài hồ đèn thả, nơi cầu đó,

Múc nước khe trong, chẳng cạn dòng.

Sắc tức thị không, không thị sắc,

Thiền gia như thấy việc trần gian.

(Lương Trọng Nhàn dịch) Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

 

Phật động tầm u

 

Truyền văn Phật tích tại Linh San,

Cận đắc sơn ông chỉ thử gian.

Động khẩu thiển thâm hoang thảo kính,

Tự ngân nồng đậm ấn đài ban.

Phóng đăng hồ ngoại kiều do tại,

Cấp thủy biên khê tỉnh bất can.

Sắc tức thị không, không thị sắc,

Thiền gia đương tác như thị quan.

 

Hồ Xuân Hương viết bài thơ “Động Phật thâm u” cùng nhiều tác phẩm khác về đề tài Phật Giáo trong giai đoạn chế độ phong kiến suy yếu nghiêm trọng ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Đạo Phật ở nước ta khi ấy đã mở rộng phạm vi hoạt động và bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ. Tiến sĩ Phạm Quý Thích[1] viết trong cuốn sách “Lập Trai văn tập” (Tập văn của Lập Trai) rằng: “chưa bao giờ Phật Giáo thịnh như lúc này”. Cùng với một số học giả cùng thời như tiến sĩ Lê Quý Đôn và đại thi hào Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương là người uyên bác và tinh thông Tam Giáo (Nho, Phật, Lão). Tác giả Tốn Phong, người tình thân thiết của Hồ Xuân Hương đã viết trong lời tựa tập thơ “Lưu hương ký” của bà như sau: “Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ dùng phép tắc mà văn hoa, thực là một bậc tài nữ”.

 

Bài thơ chữ Hán “Phật Động tầm u” là một trong tám bài thơ Hồ Xuân Hương vịnh cảnh ở Đồ Sơn (Đồ Sơn bát vịnh). Lần theo dấu tích từ các bài thơ của Hồ Xuân Hương, tôi thấy bà đã viết chùm thơ tám bài “Đồ Sơn bát vịnh” sau khi Quan Tham Hiệp Trần Phúc Hiển trở lại cưới bà làm thiếp, khoảng những năm 1814-1818. Trong thời gian này, Hồ Xuân Hương tham dự việc quan cùng chồng, thăm thú nhiều danh thắng vùng Đông Bắc. Ngoài tám bài thơ vịnh cảnh ở Đồ Sơn, bà còn viết chùm thơ sáu bài về cảnh đẹp Hạ Long.

 

“Tương truyền Phật tích tại Linh Sơn”

 

Câu thơ mở đầu bài “Động Phật thâm u” gợi cho người đọc nhớ về chốn linh thiêng miền đất Phật, ấy là núi Linh Thứu (Grdhrakuta) ở Ấn Độ, cách Bồ Đề Đạo Tràng 70km. Theo Kinh Đại Thừa, tại đây, Đức Phật đã thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa - bộ kinh quan trọng của Đại Thừa Phật Giáo.

 

Hồ Xuân Hương đã đến Chùa Hang[2] (Cốc Tự) gần bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng để tham thiền. “Mới được sơn ông chỉ đỉnh non”. Lời thơ mô tả khi được một ông già mách bảo trên núi có dấu chân Đức Phật, Hồ Xuân Hương đã linh cảm khắp vùng không gian nơi bà đứng thấm đẫm sự nhiệm màu trong sạch của Đức Thế Tôn. Chính sự nhiệm màu ấy đã khai mở nhãn quan, tâm hồn để bà nhận biết chân diện và ý nghĩa linh thiêng cảnh vật quanh mình.

 

“Cửa động nông sâu đầy cỏ dại,

Chữ mờ đậm nhạt dấu rêu mòn.

Ngoài hồ đèn thả, nơi cầu đó,

Múc nước khe trong, chẳng cạn dòng.”

 

Bức tranh lụa khổ lớn vừa được Hồ Xuân Hương hoàn tất bằng những câu thơ mang vẻ đẹp mơ màng, tinh tế. Những hình ảnh nơi cửa động, cây cỏ, dòng chữ khắc trên đá, rêu xanh, đèn hoa đăng, hồ nước, dòng suối… tất cả đều lãng đãng, thấp thoáng ẩn hiện trong sương khói. Cách mô tả những hình ảnh này cho thấy, tác giả đã đứng ở vị trí không gần và cũng không quá xa cảnh vật để quan sát. Khái niệm “nông sâu” trong câu thơ “cửa động nông sâu đầy cỏ dại” ám chỉ cách tính phỏng đoán, ước chừng khoảng cách. Nó tạo cho người đọc ấn tượng mờ nhòe, không rõ nét khi cố gắng quan sát kỹ sự vật. Cách mô tả này được nhà thơ sử dụng cho tất cả những hình ảnh trong bài thơ. Cũng chính sự xuất hiện mờ nhòe ấy đã làm cho khung cảnh thấm đẫm màu sắc huyền thoại, biến một địa danh trên đất nước ta thành vùng đất linh thánh: “Tương truyền Phật tích tại Linh Sơn”. Sự linh thiêng nơi cửa động đã cho Hồ Xuân Hương có được cái nhìn của Tuệ nhãn, của Phật nhãn:

 

“Sắc tức thị không, không thị sắc

Thiền gia như thấy việc trần gian”

 

Câu thơ này thừa hưởng từ tinh thần giáo lý tối thượng của Bát Nhã Tâm Kinh: “Nhân duyên tạm bợ nương gá nhau mà thành”[3] (lời giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma). Tinh thần của Bát Nhã cho ta hiểu được vạn hữu trên trần gian tồn tại, kết nối với nhau nhờ chữ “Duyên”. Khi “Duyên” kết thúc thì sự hiện hữu bằng sắc tướng trở về với hư vô, cát bụi. Sắc tướng và tính không luôn tương tác, hoán chuyển không ngừng để làm nên cuộc sống muôn vẻ nơi cõi tạm.

 

Bài thơ có tên “Động Phật thâm u”, nhưng tác giả không khắc họa sắc diện bên trong động Phật mà chỉ tập trung mô tả cảnh vật bên ngoài. Ngoại cảnh nơi cửa động đã được Hồ Xuân Hương làm cho phát sáng, soi chiếu vào tận đáy sâu tâm thức người đọc, để mỗi người tự hình dung một động Phật của riêng mình thông qua bài thơ. Hồ Xuân Hương đã viết bài thơ này với lòng thành kính Đức Thế Tôn, Người mang chân lý, những bí mật của vũ trụ và nhân sinh, nền đạo đức chân xác của Phật Giáo cho loài người.

 

Trở lại với những bài thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương viết cùng đề tài này thì thấy, giữa hai hình mẫu thơ chữ Hán và chữ Nôm của bà có khoảng cách rất xa, phải nói là khác biệt về tư tưởng, tâm thế, bút pháp và cảm xúc. Nếu đặt bài thơ “Động Phật thâm u” cạnh những câu thơ chọc ghẹo giới tu sĩ trong Phật Giáo như: “Một sư đầu trọc ngồi khua mõ/ Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am” (Chùa Sài Sơn), bạn đọc quả rất khó tưởng tượng chân dung da diện của Hồ Xuân Hương.

Nhân bàn bài thơ “Động Phật thâm u” của Hồ Xuân Hương, tôi đọc lại bài thơ “Đề chùa Trấn Quốc” (Đề Trấn Quốc tự) cùng tám bài thơ vịnh cảnh ở Đồ Sơn (Đồ Sơn bát vịnh), thấy rằng, Hồ Xuân Hương rất thông tuệ và am tường Phật pháp. Trong bài thơ “Lên núi Tháp nhớ xưa” (Tháp sơn hoài cổ), nhà thơ đã nhắc đến sự tích vua A-Dục (Asoka). Nhà vua này sinh sau Ðức Phật ba trăm năm, là người đã thống nhất Ấn Ðộ, dựng chùa kết tập kinh điển và truyền bá Phật Giáo khắp nơi.

 

“Cổ tháp di khư loạn thảo đôi,

Dục Vương khứ hậu ủy hôi đồi.”

(Bản tiếng Hán)

 

“Tháp cũ cỏ dại xưa mọc lan,

Vua A Dục khuất cảnh hoang tàn.”

(Lương Trọng Nhàn dịch)

 

Trong bài thơ “Dạo chùa Khánh Minh cảm hứng” (Bộ Khánh Minh tự cảm hứng), Hồ Xuân Hương đã nhắc tới Đức Phật Như Lai Thiên Thủ.

 

“An đắc Như Lai Thiên Thủ Phật,

Hư không nhất dạ khởi lâu đài.”

(Bản tiếng Hán)

 

“Như Lai Thiên Thủ giúp công,

Hư không một tối dựng xong lâu đài.”

(Lương Trọng Nhàn dịch)

 

Trong bài thơ “Lên chơi Đông Sơn tự kỳ 2” (Đăng Đông Sơn tự kiến ký kỳ 2), Hồ Xuân Hương đã viết về Đức Phật Tổ với lòng thành kính, trong sáng nhất:

 

“Ngộ đạo cao tăng huề tích khứ,

Hiện thân Cổ Phật đáo kim truyền,

Ðăng lâm độc bộ Ðông Sơn thượng,

Thừa hứng lâm lưu nguyệt mãn thuyền.”

(Bản tiếng Hán)

 

“Hiện thân Phật Tổ đến truyền,

Cao tăng giác ngộ đạo thiền tiêu dao.

Một mình dạo Ðông Sơn nào,

Thi hứng sáng rọi trăng sao đầy thuyền.”

(Lương Trọng Nhàn dịch)

 

Những dẫn chiếu trên cho thấy, Hồ Xuân Hương đã viết thơ chữ Hán về cảnh Phật trong tâm thế an nhiên, bằng sự uyên bác cùng cảm xúc trong sáng, chân thành. Những bài thơ chữ Hán này đặt bên cạnh những bài thơ chữ Nôm của bà, như “Chùa Quán Sứ”, “Sư bị ong châm”, “Động Hương Tích”, “Hang Thánh Hóa”… thì lại đối lập nhau như nước với lửa. Sự khác biệt này chính là bí ẩn lớn nhất mà cho đến nay nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học chưa có giải đáp thỏa đáng. Có ý kiến cho rằng, một số bài thơ chữ Nôm truyền tụng về đề tài Phật Giáo mang tên Hồ Xuân Hương là những văn bản ngụy tạo. Ý kiến này cần được khảo cứu kỹ lưỡng, đánh giá khoa học các văn bản cổ còn lưu giữ, đồng thời đối chiếu với các tác phẩm của những tác giả khác để đi đến kết luận.

 

Tác phẩm và cuộc đời của Hồ Xuân Hương còn ẩn chứa nhiều điều kỳ thú và bí ẩn cần khám phá. Những bài thơ vịnh cảnh Phật bằng thơ chữ Hán và chữ Nôm của bà đặt cạnh nhau luôn đặt ra rất nhiều câu hỏi cho các nhà nghiên cứu, bạn đọc đương thời và cả sau này.

 

M.N.P

 

 

 

____________

[1] Phạm Quý Thích (1760-1825), tự: Dữ Đạo, hiệu: Lập Trai, pháp danh: Thảo Đường cư sĩ. Ông sinh tại xã Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông đỗ Tiến sĩ lúc 19 tuổi, được bổ Đông các hiệu thư, rồi lần lượt trải qua các chức: Hàn lâm viện hiệu thảo, Kinh Bắc đạo Giám sát ngự sử, Thiêm sai tri Công phiên.

[2] Chùa Hang (Cốc Tự) có từ trước Công nguyên, nằm ở phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Đây là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta.

[3] Trích lời giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại chùa Điều Ngự, 20/6/2016.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị