Sinh ra từ niềm hạnh ngộ với thi ca (Phạm Thị Thùy Linh PV) - Nguyễn Thanh Tâm

Sinh ra từ niềm hạnh ngộ với thi ca

(Nhà văn Phạm Thị Thùy Linh phỏng vấn tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm)



Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm

 

 

maivanphan.com: Sau khi Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành cuốn sách chuyên luận “Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác” của 2 tác giả Ngô Hương Giang và Nguyễn Thanh Tâm, nhà văn Phạm Thị Thùy Linh đã thực hiện phỏng vấn tác giả Nguyễn Thanh Tâm. Chúng tôi trân trọng gửi đến Quý Bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện thú vị này. 

 

 

Nhà văn Phạm Thị Thùy Linh

 

 

1 - Thưa anh Nguyễn Thanh Tâm, tôi đọc phần chú giải của anh về thơ MVP với một cảm giác thán phục. Bởi thời gian mà anh để tâm nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích và đưa ra những đối chiếu với từng chi tiết, từng bài thơ trong từng tập thơ khó có thể cân, đo, đong, đếm được. Song tôi vẫn muốn hỏi anh một câu có tính chất “định lượng”. Anh mất bao lâu để đọc, nghiên cứu thơ MVP trước khi hoàn thiện phần chú giải công phu như thế này?

 

Nguyễn Thanh Tâm (NTT) – Cảm ơn chị! Đúng là thật khó có thể đưa ra con số định lượng về thời gian dành cho việc nghiên cứu và chú giải thơ Mai Văn Phấn. Nếu tính thời gian đọc và suy ngẫm về Mai Văn Phấn một cách có ý thức như là đối tượng của nghiên cứu, phê bình, để có thể đưa ra được những luận giải của mình, tôi đã trải qua hơn 6 năm. Trong 6 năm đó, tôi có điều kiện đọc Mai Văn Phấn một cách hệ thống, theo dõi những động thái của thi sĩ, nhận diện những vận động và biểu hiện của tư duy, mỹ cảm Mai Văn Phấn qua từng tập thơ, từng chặng đường thơ. Trong 6 năm đó, tôi cũng từng bước tích lũy tri thức, kinh nghiệm, cân nhắc các suy ngẫm của bản thân về Mai Văn Phấn, đặt trong bối cảnh của thơ Việt Nam đương đại, của các phạm trù mỹ học, luân lý, các thang bậc và quan niệm giá trị của xã hội, của chủ thể. Tất cả là điều kiện để tôi có thể bắt đầu sự chú giải về thơ Mai Văn Phấn, dù biết rằng, tôi sẽ phải tiếp tục công việc này trên những hành trình kế tiếp!

 

2 - Đọc thơ, cảm thơ thuộc về vấn đề cảm nhận. Hay nói đúng hơn là sự đồng cảm với nhà thơ, với tứ thơ và ngôn ngữ thơ. Ở đây, tôi nhận ra anh cảm thơ trước rồi mới chú giải thơ sau. Anh đặt mình vào bạn đọc để đưa ra nhận định “Đó không phải tâm hồn MVP, đó là thế giới của chủ thể đọc, chủ thể luận giải được sản sinh từ niềm hạnh ngộ với thi ca”. Vậy là theo anh, nhà thơ biến mất rồi chăng?

 

NTT – Chúng ta sẽ bắt đầu từ câu chuyện đọc và cảm nhận mà chị nêu lên. Đọc cũng có nhiều cách. Cảm – thường nghiêng về khía cạnh ấn tượng. Trong khi sự đọc có nhiều ngả đường để tiếp cận tác phẩm. Bởi vậy, khi chú giải – hoạt động hiện thực hóa, văn bản hóa sự đọc, là khâu cuối cùng trong quy trình thông diễn một hiện tượng thi ca trên cơ sở hội đủ các căn cứ của sự đọc. Không chỉ là cảm nhận!

 

Thứ hai: vấn đề đồng cảm! Tôi không cổ vũ cho cách nói nhà phê bình đồng cảm với nhà thơ. Chú giải, phê bình, như tôi đã trình bày trong chuyên luận, đó là quá trình tìm kiếm chính mình của chủ thể phê bình. Bản ngã tự xác lập, kiến tạo thông qua việc gặp gỡ với tha nhân - ở đây là thi phẩm. Và như thế, những gì trình hiện trong luận giải là thế giới được hình dung từ chủ thể luận giải về thế giới trữ tình mà anh ta bắt gặp và thẩm nhập. Nhận hiểu điều này chúng ta sẽ thấy rằng, đồng cảm chỉ là một khoảnh khắc nào đó. Có những cái khác biệt, những kiến tạo xa lạ với chính thi sĩ. Dĩ nhiên, nó không thể suy diễn hồ đồ, phá vỡ các nguyên tắc khách quan của văn bản.

 

Từ hai ý trên, câu trả lời đã có cho ý hỏi của chị: “nhà thơ biến mất rồi chăng?”. R. Barthes cho rằng tác giả đã chết với dụng ý nhấn mạnh tính độc lập, tự trị của tác phẩm, trong tư cách là một khách thể tinh thần. Tác phẩm có đời sống riêng và tác giả không thể chi phối đến nó. Điều này cũng hàm nghĩa về việc “sự đọc tự bon đi” (Antoine Compagnon). Chỉ có sự đọc mới đưa văn bản văn học trở thành tác phẩm văn học. Như thế, trong tinh thần của sự chú giải về Mai Văn Phấn, tôi không biết Mai Văn Phấn là ai. Tôi chỉ biết một thế giới trữ tình, thế giới nghệ thuật, một hệ thống ký hiệu được tổ chức trong các văn bản thơ. Sự diễn giải bắt đầu từ đó.

 

3 - Thơ MVP khó đọc, khó hiểu, căn cứ vào đâu anh xóa nhòa đi tâm hồn MVP để đưa những bài thơ sang chủ thể đọc khi đối tượng đọc của mảng thơ này còn đếm trên đầu ngón tay?

 

NTT – Tôi hiểu và phân định câu hỏi này thành hai vấn đề như sau: - Thứ nhất, căn cứ vào đâu để tôi có thể xóa nhòa tâm hồn MVP, để khẳng định rằng đó là tâm hồn của chủ thể đọc. Ở đây từ “xóa nhòa” có lẽ chưa thích đáng lắm. Mai Văn Phấn (con người tiểu sử) không ở đó – trong không gian của sự đọc. Chỉ có văn bản thơ. Vậy thì, cái gì được hiện diện? Tất cả những gì diễn ra trong tinh thần, lý trí của chủ thể đọc khởi sinh từ ngôn ngữ, hình tượng, - ta gọi chung là những ký hiệu. Chị biết đấy, hình tam giác nhìn thấy Thượng đế là tam giác, hình tròn thấy Thượng đế là hình tròn. Bởi vậy, không phải là xóa nhòa, mà là sự tự kiến tạo thế giới của chủ thể đọc từ việc tri nhận, giải mã hệ thống ký hiệu. Mỗi chủ thể đọc có tầm đón nhận riêng phụ thuộc vào tri thức, kinh nghiệm, môi trường, không thời gian, chủng tộc, thời đại,.. Vì vậy, thế giới ẩn giấu trong hệ thống ký hiệu – văn bản thơ Mai Văn Phấn, không đồng nhất ở mọi chủ thể tiếp nhận. Nó càng không phải là một bưu kiện để người đọc mở ra và tất cả đều thấy giống nhau. Mai Văn Phấn (tác giả) không có thẩm quyền trong giao tiếp với chủ thể đọc. Thứ hai, chủ thể đọc của loại thơ này đếm trên đầu ngón tay. Vấn đề này báo chí cũng bàn nhiều. Song, số người đọc ít không phải là tất cả tiêu chí để đánh giá giá trị tác phẩm. Người đọc ít nhưng là những độc giả tinh hoa lại rất quý! Bởi đây mới là bộ phận có thẩm quyền thẩm định giá trị của văn bản thơ. Mặt khác, văn hóa đọc, nhất là đọc thơ đang rơi vào khủng hoảng – như tôi trình bày trong chuyên luận, nên số độc giả ít ỏi nhưng tinh tuyển lại càng quan trọng.

 

4 - Trong một chú giải về giai đoạn thơ lục bát của chặng đầu, anh có nhận ra MVP cô độc trong suy tưởng về cuộc đời. Điều này dường như là đặc điểm chung của các nhà thơ khi đặt bút làm thơ?

 

NTT - Ở đây có ba vấn đề: Thứ nhất, đặc trưng thể loại. Thơ là thể loại mang tính chủ quan rất cao. “Ý hướng tính” của chủ thể sáng tạo mang tính hướng nội. Mọi hiện tượng của đời sống phải được vận hành trong cảm niệm chủ quan của thi sĩ. Bởi thế, tính cô độc luôn nằm ở dạng thế năng, tiềm chứa. Thứ hai, tâm thức của chủ thể sáng tạo trong bối cảnh đương đại. Sự cô độc trong suy tưởng về cuộc đời xuất phát từ chính “đôi mắt” của chủ thể sáng tạo, phụ thuộc vào kinh nghiệm thẩm mỹ, tri thức, giá trị quan của anh ta. Con người đương đại sống trong bối cảnh hội nhập, rộng mở, đã thoát ra khỏi tính tự tôn của cái tôi thời Thơ mới – có tính cá thể, cái tôi trong thơ cách mạng mang tính đoàn thể để đi đến cái tôi bản thể mang tính nhân loại. Các giá trị phổ quát của con người bị đe dọa, bị tác động của công nghệ, truyền thông, đô thị, lợi ích kinh tế,… trở nên bất an. Một trong những mối bất an đó chính là việc không được chia sẻ. Đó là ngọn nguồn của sự cô độc. Thứ ba, cô độc còn hàm nghĩa về sự khác biệt, độc đáo trong hình thức thể hiện. Hiện hữu cần phải khác, phải độc đáo chính là một khía cạnh hàm chứa sự cô độc. Và như thế, khi nói rằng Mai Văn Phấn cô độc trong những suy tưởng về cuộc đời là nói đến sự cô độc trong nội giới với nét độc đáo và khác biệt thể hiện ở thế giới hình tượng, ký hiệu của anh ta.

 

5 - Sáng tác thơ là sáng tạo độc lập. Mỗi nhà thơ có một bản sắc riêng, cá tính riêng. Điều này càng đúng với MVP. Anh có liên tưởng gì khi dẫn giải từ hiện tượng Hàn Mặc Tử trong lúc đề cập tới cái tôi của MVP đã manh nha hơi hướng đa ngã, đa nhân cách khi chú giải bài thơ “Hồn nhiên” trong tập “Giọt nắng” xuất bản năm 1992?

 

NTT – Kể ra thì tôi đã nói đến trong chú giải. Nhưng, với câu hỏi này tôi xin làm rõ thêm. Cái tôi của Hàn Mặc Tử là cái tôi cá thể - thuộc về Thơ mới. Đó là cái tôi – Nguyên tôi. Dù bị vỡ ra thành nhiều nhân cách: Trăng – Hồn – Máu – Lệ,… vẫn là cái tôi đau thương. Cái tôi này có tính lưỡng cực: hy vọng – tuyệt vọng, thiên đàng – địa ngục, sống – chết, cứu rỗi – đọa đày,… Còn Mai Văn Phấn – cái tôi bản thể phân mảnh thành: Hồn – Xác – Hoa – Sương – Đất – Sóng – Con chim – Chồi rễ - Ánh sáng – Bóng tối – Âm thanh – Lửa – Bào thai,… mang trong mình nhiều thân phận, dự cảm. Một cái tôi đa ngã, đa cực bởi chính tâm thức bất an, trạng thái bất toàn, bất định, rời rạc, đổ vỡ của thời hậu hiện đại (nó lại càng rối bời hơn trong hoàn cảnh Việt Nam đan xen cả yếu tố tiền hiện đại và hiện đại). Dẫn Hàn Mặc Tử tôi không có ý so sánh, mà muốn chỉ ra một diễn trình vận động của Thơ Việt từ phương diện cái tôi trữ tình. Và, trong ý hướng của tôi, Hàn Mặc Tử là một đỉnh cao của thơ trữ tình Việt Nam - Thơ mới, đã vang hưởng đến đời sống thi ca hôm nay, cho phép ta có những khám phá về tính kế thừa, liên tục hay đứt gãy của diễn trình thơ ca dân tộc.

 

6 - Như tôi nói ở trên, mạch chú giải của anh thiên về cảm thơ. Anh thành chủ thể đọc khi phân tích các chi tiết thơ MVP. Tôi nhận ra những lời khen, tán dương nhiều hơn. Nhưng không phải là tất cả. Điều tôi cảm thấy khá thú vị là khi đọc phần chú giải có tính “phê bình”, “phản biện” với bài thơ “Bừng tỉnh trên tàu” và “Cấu trúc tạm thời”. Anh nói, điểm tựa cảm xúc vững nhưng ngôn ngữ thi ca còn thiếu nội lực, chất thơ cần thiết. Tính gợi của chuỗi biểu đạt không như mong đợi, mạch cảm xúc bị rơi vào dễ dãi. Nhưng ít phản biện quá. Chẳng lẽ, thơ MVP không có nhiều chi tiết để anh mổ xẻ trái chiều?

 

NTT – Phần chú giải không hướng đến việc tán dương mà đặt ra yêu cầu chú giải. Nghĩa là trả lời câu hỏi: Như thế nào? Câu trả lời lại cũng không phải là kết luận mà là sự bày tỏ ý kiến, cách mà tôi hiểu về thơ Mai Văn Phấn. Do vậy, nó mang ý hướng vẫy gọi những ý kiến khác. Có thể, người khác sẽ hiểu khác tôi, có cách chú giải khác. Đời sống của tác phẩm nằm ở đấy. Vấn đề nữa, chị thấy “ít phản biện” cũng phải. Vì đây là hành trình của tôi nên thoạt tiên tôi chỉ để tâm đến những cái khiến lòng tôi say mê. Nghĩa là cái có giá trị với tôi. Còn những gì tôi không chú ý, tôi im lặng, có thể là do tôi không thấy được sức hấp dẫn của nó, hoặc nó ít giá trị. Do vậy, công việc này rất cần người khác chỉ chính, bổ khuyết. Mặc dù chuyên luận đã có phần tuyển 100 thi phẩm tiêu biểu của Mai Văn Phấn, nhưng tôi cũng phải nói rằng, trong quá trình chú giải, tôi cũng đã làm một cuộc chọn lọc.

 

7 - Anh dành nhiều lời khen với mảng thơ văn xuôi của MVP. Và cả những manh nha của tân hình thức từ những bút pháp ngắt dòng, vắt câu. Rồi anh còn khẳng định “Thơ văn xuôi MVP tự nó đã làm nên một tiểu hệ thống trong thi nghiệp của thi sĩ”. Nhận định này có hơi thiên lệch không khi thơ MVP có nhiều mảng khác cũng khá nổi bật?

 

NTT – Tôi không nghĩ rằng mình đã dành nhiều “lời khen” với mảng thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn. Tinh thần của sự diễn giải là trình bày cách hiểu của tôi về những hiện tượng thơ ca này. Tôi dành thời gian kỹ lưỡng hơn cho diễn giải về thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn bởi nó là hiện tượng đang ngày một phổ biến trong thơ ca đương đại. Điều quan trọng là “thơ” thuộc về bản chất loại hình, “văn xuôi” là hình thức biểu hiện có tính định dạng “tiểu loại hình”. Vấn đề phức tạp cần có sự minh giải kỹ hơn là tất nhiên. Còn khẳng định: “Thơ văn xuôi…. tiểu hệ thống” không phải là sự ưu ái hay thiên lệch. Trong một thế giới đa hệ thống, có nhiều tiểu hệ thống là chuyện rất dễ hình dung. Và, nếu đặt trong toàn bộ thi nghiệp của Mai Văn Phấn đến thời điểm chú giải, thơ văn xuôi đang nỗ lực làm nên tư cách hệ thống của mình bên cạnh các hệ thống khác đã và đang kiến tạo.

 

8 - Thêm một câu hỏi nữa, tôi muốn đề cập tới thủ pháp thơ MVP mà anh nhận ra từ những tập thơ sau này. Đó là trình diện một thế giới được quan sát từ tâm linh. Anh nhận ra điều này từ những biểu hiện nào?

 

NTT – Nếu hỏi rằng tôi đã nhận ra thế giới được quan sát từ tâm linh của Mai Văn Phấn thông qua những biểu hiện nào đồng nghĩa với việc buộc tôi phải viết lại những gì mình đã trình bày trong chuyên luận. Với kinh nghiệm thẩm mỹ của mình, tiếp xúc với văn bản thơ của Mai Văn Phấn, tôi nhận thấy thi liệu, thi ảnh, lối trình hiện xúc cảm, ngôn ngữ,… xuất phát từ thế giới tâm linh, gắn với những thể nghiệm tôn giáo, tín ngưỡng, nghiêng về phía cái thiêng hoặc giá trị được trân trọng nâng lên thành đức tin, nguồn sống. Mặt khác, quan sát từ tâm linh còn hàm chứa diễn giải về động thái hướng nội, soi ngẫm bằng cái nhìn bên trong, lắng đọng và tĩnh tại. Quan sát này xuất hiện sau những hoài nghi, vọng động, âu lo,… dần bình yên, quán tưởng về tính bất định của vũ trụ, tạo vật. Mai Văn Phấn dùng cách diễn đạt là “huệ tưởng” để hàm ý về cái nhìn bên trong này. Cái hỗn độn nếu được quan sát từ chủ thể vọng động sẽ khiến con người âu lo, hoang mang. Nhưng, huệ tưởng, tâm linh đã giữ lại niềm tin cho con người bằng cái nhìn bên trong, nhận ra cơ chế bất định của tồn tại từ đó mà an nhiên, tĩnh tại. Trong hình dung của tôi, Mai Văn Phấn đang nhắm mắt lại, lắng nghe những chuyển động trong thế giới của mình, cả điều hữu hình và vô hình, hiện diện và khiếm diện, hiện tại, quá khứ và những dự tưởng về tương lai. Duy trì tính thể này chính là năng lực tưởng tượng rất phong phú, bất ngờ. Chẳng hạn: Cỏ xanh lan vào chân sóng/ Nước rút xa dần/ Lại lên tiếng nói// Non tơ…/ Bàn chân em đặt lên/ Cho phân minh lời cỏ/ Anh lặng yên nghe ngực mình/ Rộng mở… (Khai bút cùng cỏ), hoặc: Từng mưa to, rất to/ Tắm táp cho viên cuội nhỏ/…/ Hình như nắng sớm đang phủ lên đỉnh núi/ Làm trong suốt lòng đất, lòng cây (Vô tình trong nắng sớm),… Tập Hoa giấu mặt có thể nói là biểu hiện tập trung nhất của cái nhìn hướng nội này ở Mai Văn Phấn. Những tập khác trước và sau như: Giọt nắng, Vách nước, Bầu trời không mái che, và đột nhiên gió thổi, Những hạt giống của đêm và ngày, Vừa sinh ra ở đó,… đều gợi lên những ý tình khởi phát từ sâu thẳm của sự im lặng, thẩm nhập vào sự chuyển dịch kín nhiệm của vũ trụ, sự sống. Điều quan trọng ở đây, theo tôi chính là năng lực tĩnh tại, lặng im, bắt được vào hơi thở, mạch nhịp của đời sống, lắng nghe, cảm nhận được những vận động quanh mình, bên trong mình. Cần phải hiểu thế giới được quan sát từ tâm linh theo hướng ấy, không đơn thuần chỉ là những biểu hiện của thế giới tâm linh như quan niệm của thần học – đây là sự hiện ra của nền văn minh “tâm học” như Mai Văn Phấn có lần đã nói.

 

9 - Tôi đặc biệt thích cách ví von của anh khi nói “Như một tình nhân khó tính, thơ MVP khiến người ta mất nhiều tâm sức để chinh phục. Và khi đã bén duyên thì không thể dứt ra được”. Theo anh, “tình nhân khó tính” ấy giờ có nhiều công chúng muốn chinh phục không? Và mối duyên của thơ MVP với người yêu thơ Việt trong thời gian sắp tới sẽ như thế nào?

 

NTT – Tôi nghĩ là “tình nhân” ấy vẫn có rất nhiều người muốn chinh phục. Bản thân tôi cũng mới chỉ bắt đầu “bén duyên”. Tuy nhiên, như chị thấy, từ lẽ sống thông thường của chúng ta, người tình nhan sắc, bí ẩn luôn mang đầy hấp lực đối với những kẻ si mê. Khi không còn nhan sắc, khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” đồng nghĩa với việc nàng ấy tự lưu đầy mình vào lãnh cung. Bởi vậy, phải liên tục làm mới, liên tục khác lạ bằng khí chất, tâm hồn và hình hài hấp dẫn. Nền thơ của chúng ta đang rơi vào khủng hoảng. Thơ bị thất sủng, bị thờ ơ, lâm vào bi kịch. Nhưng không vì thế mà hạ mình ve vuốt độc giả. Thơ là lời của thánh thần đặt vào cửa miệng thi sĩ. Nàng thơ là Nữ thần. Bởi vậy, kẻ si mê mong nhận được ánh sáng từ nàng chứ không phải là kẻ mang dã tâm chiếm đoạt hay sở hữu. Nếu thơ Mai Văn Phấn còn mang được ánh sáng ấy, nghĩa là vẫn còn khả năng vẫy gọi. Có những giá trị sau rất nhiều thời gian con người mới nhận ra. Cũng có những thứ đã từng được xem là giá trị nhưng dần phôi pha, tiêu trầm theo năm tháng. Bởi thế, thời gian sắp tới có thể là năm bảy năm, cũng có thể là năm bảy chục năm, một thế hệ, thời đại khác. Mối duyên của thơ Mai Văn Phấn với người yêu thơ bên cạnh yếu tố cốt lõi là phẩm giá của thơ, niềm si mê của công chúng, còn có sự can thiệp của các yếu tố khác như: xuất bản, phân phối, quảng bá, nhà trường, các trường lực khác ngoài văn chương,… Gần đây, thơ Mai Văn Phấn hướng về truyền thống, khai thác chiều sâu văn hóa, tinh thần dân tộc. Đây là hướng đi khả dĩ có thể đến được với tâm thức con người đương đại vốn hoang mang, hoài nghi, âu lo về các giá trị hiện tồn trong đời sống nhiều tai ương, bất trắc và mong manh. Tôi hy vọng và chờ đợi những tín hiệu tốt đẹp từ mối lương duyên ấy.

- Cảm ơn anh Nguyễn Thanh Tâm đã trả lời phỏng vấn!



 




BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị