MVP và hành trình thơ... (chuyên luận - XVIII) - Ngô Hương Giang & Nguyễn Thanh Tâm
Ngô Hương Giang - Nguyễn Thanh Tâm



 


Nhà phê bình văn học Ngô Hương Giang

 


Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm 

 



Nhà phê bình văn học Ngô Hương Giang: “Văn bản văn học không phải là nơi mà nhà phê bình có thể tìm thấy sự gợi mở, dẫn nhập vào thế giới lý tưởng của tác giả, ngược lại, nó gợi mở và dẫn nhập anh ta trở về với chính xúc cảm, kinh nghiệm thẩm mỹ, kinh nghiệm sống trải trong mình, dọn chỗ cho một sự suy niệm, phản tư tự thân. Vì vậy, văn bản phê bình văn học là văn bản thuần ý niệm của nhà phê bình, nó được xem như sáng tạo hoàn toàn mới, một thế giới mới được họ dựng lên trên sự gợi mở, dẫn nhập từ văn bản gốc của nhà văn. Do đó, bất cứ sự đọc nào cũng là sự sáng tạo, dù cho sự đọc đó bắt đầu bằng một ý thức "cợt nhả", "trêu đùa" mang tính giải trí, thì cũng xuất phát từ ý niệm sống trải mà người đọc hồi tưởng thông qua quá trình đọc”



Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm: “Phê bình, với tôi là một cuộc hành trình tìm kiếm chính mình thông qua người khác. Chỉ khi, tôi bắt gặp người khác, những khác biệt mang giá trị, khi đó tôi mới có thể nhận ra mình trong thế giới mà tôi bị quăng vào. Tác phẩm văn học là một manh mối, một tình huống, một hiện tượng để những phác đồ người, những phác thảo giá trị có cơ may được hiện hữu. Cứ như thế,  lịch sử, văn hóa được trầm tích” (in trên bìa 4 sách chuyên luận).

 










 







KẾT LUẬN

 

 

 

 Nguyễn Thanh Tâm




Khủng hoảng, thực tế là một câu chuyện sang trọng. Phải có cái gì đó rồi mới dẫn đến khủng hoảng. Khủng hoảng không xảy ra ở những nơi mà bản thân sự vật, hiện tượng chưa đạt đến cấp độ cao, dồn đẩy, biến động để có thể rơi vào trạng thái khủng hoảng. Nhận định thơ Việt Nam đang khủng hoảng, bởi vậy cũng là nhận định đầy rộng lượng (không chỉ của tác giả công trình này) thể hiện thái độ ghi nhận những cái đã có của thơ Việt sau 1975. Dĩ nhiên, nhận ra bất ổn, kháng cự và khắc phục khủng hoảng cũng là câu chuyện đồng hành - với những người có đủ tri kiến và cảm niệm để nhận ra. Mỗi thi sĩ có một cách thức chống khủng hoảng riêng.

 

Với Mai Văn Phấn, bằng những gì thơ ca đã trình hiện, kháng cự khủng hoảng thơ bằng cách liên tục vong thân, phủ định chính mình để kiến tạo hệ hình thẩm mỹ khác. Kháng cự tình trạng tha hoá, bế tắc bằng sự trở về với căn tính dân tộc. Kháng cự sự hạn hẹp của ý thức, lý trí bằng phát huy sức mạnh vô thức. Kháng cự sự nông cạn bằng cách mở rộng, đào sâu vào những tầng vỉa, mạch nguồn của sự sống, thông qua tưởng tượng và mộng mơ. Kháng cự đơn nghĩa bằng cách sử dụng biểu tượng như là phương thức tư duy hướng tới sự trùng phức, đa nhiệm và đa nghĩa. Kháng cự sự đơn điệu của giọng - lời bằng cách kiến tạo nhiều giọng, như là một ý thức về tính đa thanh, phức điệu của đời sống. Kháng cự sự duy lý cổ điển bằng những hưng cảm lãng mạn, kháng cự sự dễ dãi của lãng mạn bằng sự kín đáo, sâu thẳm của tượng trưng, siêu thực. Kháng cự cái chết lâm sàng của thể loại bằng cách thể nghiệm nhiều thể loại mới. Kháng cự tình trạng hoang mang, hoài nghi, sợ hãi bằng niềm tin vào con người, sự sống cùng bản sắc văn hoá dân tộc. Kháng cự tạp niệm, ma niệm của đời sống thế tục bằng chính niệm của tôn giáo/ Đạo. Kháng cự những dung tục, tầm thường bằng tâm thức linh thiêng, cao cả. Kháng cự tiên kiến, trải nghiệm bằng sự tái sinh ngây thơ và hồn nhiên. Kháng cự khủng hoảng phê bình, tiếp nhận bằng cách đặt ra yêu cầu cao hơn đối với sự đọc (anh còn viết phê bình và tiểu luận thơ ca). Kháng cự khủng hoảng xuất bản bằng cách đặt mình vào vai trò biên tập, thiết kế, nêu ý tưởng và có những xuất bản phẩm đẹp, hợp thức ở quy mô thế giới (dĩ nhiên là đề xuất với Nhà xuất bản hoặc các Công ty truyền thông văn hoá). Kháng cự đại đô thị và sự ngắn ngủi của sự sống, các giá trị bằng cách từ chối văn minh kỹ trị, trở về với thiên nhiên, hoang sơ và thánh thiện.

 

Từ kháng cự khủng hoảng thơ đến kháng cự khủng hoảng về tư tưởng, hành trình thơ Mai Văn Phấn còn cho thấy một khát vọng hướng đến tự do sống và sáng tạo. Sự vượt thoát liên tục để làm mới thơ, để được sống nhiều hơn vừa là thái độ với thơ vừa là thái độ đối với cuộc đời. Đó cũng có thể xem như một hành vi dấn thân mà một trí thức có lương tri, lương năng đã tự lựa chọn. Nhiều kháng cự như thế, có lẽ sẽ làm hiện lên một con người đang gồng mình chống chọi. Nhưng không, ngay cả trạng thái gồng mình ấy cũng bị phủ định rất nhanh (có lẽ mạnh nhất ở Hôm sau), bởi thi sĩ tỏ ra là người trường hơi, trường sức và trường vốn. Nền tảng văn hoá sâu dày ở Mai Văn Phấn đã giúp anh có những ứng xử chủ động trên hành trình vượt thoát liên tục của mình. Một điều quan trọng nữa là ý thức về thơ trong tư cách là một loại hình nghệ thuật. Thơ phi vụ lợi, nhà thơ không có sứ mệnh nào khác ngoài sứ mệnh thi ca - Ngôi Lời.

 

Một sứ mệnh vô hình, không ràng buộc, nhưng luôn luôn đòi hỏi (sự sáng tạo, giá trị mới) chỉ có thể duy trì bằng sự tự tri, tự nhiệm của thi sĩ. Xem xét thơ Mai Văn Phấn trong dòng chảy thơ Việt Nam hiện đại (sau 1975) cũng là một dịp để nhìn lại thơ Việt (dù còn dang dở, bất toàn), để thấy được những bất ổn, khủng hoảng và những hình dung về tương lai. Từ trường hợp Mai Văn Phấn, đặt trong bối cảnh bất ổn và khủng hoảng của thơ Việt Nam đương đại (khủng hoảng như là một tiền đề của cách mạng - T.S. Kuhn, một khủng hoảng của sự trưởng thành - J.F. Lyotard), diễn dịch này lại có thể là một bất ổn mong mỏi “phản nghiệm” từ những sự đọc hiền minh.

 

N.T.T

 



Poster buổi ra mắt sách, vào hồi 14g30 - 21/3/2015, tại Villa cà phê thứ 7, số 3A, Ngô Quyền, Hà Nội.








BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị