MVP và hành trình thơ... (chuyên luận - XIII) - Ngô Hương Giang & Nguyễn Thanh Tâm
Ngô Hương Giang - Nguyễn Thanh Tâm
Nhà phê bình văn học Ngô Hương Giang: “Văn bản văn học không phải là nơi mà nhà phê bình
có thể tìm thấy sự gợi mở, dẫn nhập vào thế giới lý tưởng của tác giả, ngược
lại, nó gợi mở và dẫn nhập anh ta trở về với chính xúc cảm, kinh nghiệm thẩm
mỹ, kinh nghiệm sống trải trong mình, dọn chỗ cho một sự suy niệm, phản tư tự
thân. Vì vậy, văn bản phê bình văn học là văn bản thuần ý niệm của nhà phê
bình, nó được xem như sáng tạo hoàn toàn mới, một thế giới mới được họ dựng lên
trên sự gợi mở, dẫn nhập từ văn bản gốc của nhà văn. Do đó, bất cứ sự đọc nào
cũng là sự sáng tạo, dù cho sự đọc đó bắt đầu bằng một ý thức "cợt
nhả", "trêu đùa" mang tính giải trí, thì cũng xuất phát từ ý
niệm sống trải mà người đọc hồi tưởng thông qua quá trình đọc”
Mai
Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác (XIII)

Nhà phê bình văn học Ngô
Hương Giang
Chương II
MAI VĂN PHẤN VÀ SỰ CHUYỂN DỊCH VĂN HOÁ QUA THƠ
Ngô Hương Giang
Con người, nói như
E.A.Casier là “một động vật biểu trưng văn hoá”, đó là lý do tại sao con người
xem sự hiện hữu của mình trong cuộc sống là một hiện hữu có ích và sống động.
Hiện hữu người trong cuộc đời bao giờ cũng là một quá trình chuyển dịch các ý
niệm văn hoá: Từ giao tiếp, sinh hoạt cho đến sáng tạo được xem như là quá
trình trao đổi, luân chuyển các dạng thức khác nhau của đời sống tinh thần. Vì
vậy, muốn nhìn nhận đúng bản chất của hoạt động sáng tạo tinh thần ấy, trước
hết chúng ta cần phải giải mã các khía cạnh tích cực từ sự chuyển dịch các giá
trị biểu trưng của đời sống văn hoá bao quanh con người. Xem xét sự chuyển dịch
văn hoá qua thơ của Mai Văn Phấn, chúng ta cũng không thể đi ra ngoài quy luật
ấy.
I. Từ cái nhìn sáng tạo
1. Từ quan niệm về đời
tới quan niệm về thơ
Thơ hay bất cứ hình thái
ý thức nào của con người, muốn tồn tại, thì nó phải phản ánh một cách chân thực
thế giới sống sinh động của tâm hồn người tạo ra nó. Nói đúng ra, thi nhân khi
đặt mình vào thế giới chữ thường là những người chấp nhận sự lưu vong của ký ức
trên mặt giấy, để ngôn ngữ nói lên ý niệm sống, triết lý sống của mình. Cho dù
ý niệm ấy được kiểm soát một cách hữu thức hay vô thức, thì dưới quyền lực của
ngôn ngữ, nó cũng tự bộc lộ ý niệm của nhà thơ một cách công khai trước người
đọc, duy chỉ là người đọc nào, với kinh nghiệm tri thức nào sẽ có thể đánh thức
ý niệm sống động đó rõ nét hay mờ nhạt.
Thơ ca là ngôi đền
thiêng, canh giữ các giá trị vượt thời gian, mà thời xưa thường ví lời thơ được
xướng lên giống như khúc thần khải làm mê dụ con người. Cho dù mang vác sứ mệnh
là người canh đền, nhưng thi nhân dù sao trước hết vẫn là những hiện hữu người
sinh động, với thói quen và kinh nghiệm thường nhật, là giao tiếp và trao đổi
các giá trị biểu trưng văn hoá. Vì vậy, thật khó có một quan niệm thơ đúng, nếu
như người thơ không xác định cho mình một quan niệm sống phù hợp; người thơ lại
càng khó có những tuyên ngôn thơ vượt thời gian, nếu như bản thân họ không có lấy
một triết lý sống cho riêng mình. Hẳn rằng, đó là lý do tại sao thơ ca trong
thời cổ đại Hy Lạp được ví như là lời thánh được đặt trên miệng của thi nhân.
Nó là sự tinh khiết của những ý niệm sống mà Thượng đế đã gieo vào con người
tập quán suy tư, hướng con người tới những hoàn cảnh sống nhất định để họ tự
trải nghiệm các quy luật và lý lẽ của đời sống, từ đó hun đúc nên thế giới tinh
thần sinh động cho riêng mình.
Mai Văn Phấn, hẳn rằng
trước khi đến với thơ ca đã tự ướm đôi chân trần của mình vào các dấu chân tư
tưởng, để tích luỹ các giá trị cốt lõi mà những tiền nhân đi trước từng gợi mở
cho con người? Từ đời đến thơ của Phấn là một tích luỹ và cất giữ khá cẩn thận
những giá trị tinh thần bên trong các hình thái tri thức, cũng như ngôn ngữ.
Thơ của Phấn có phong vị uy nghiêm, giàu đức tin, vị tha của Kitô giáo, nhưng
cũng có cái giác ngộ mang âm phưởng Phật giáo và cũng lại có tâm thức hướng đến
một nền văn hoá đại đồng của Khổng giáo… Đó là sự chuyển dịch không ngừng những
cốt tuỷ văn hoá đã ngấm trong văn hoá Việt Nam, giờ đây được Mai Văn Phấn dụng
ngôn lại trong thế giới hình tượng nhiều ám ảnh của thi ca. Đó là kết quả của
sự tương tác giữa cái ham hiểu biết của một hiện hữu người với cái thể tính thơ
ca được trời phú, làm nên một sự mờ ảo nhân
sinh trong các hình tượng nghệ thuật.
Thế giới hình tượng
trong thơ Phấn, phản ánh thái độ sống, cũng như cách thức Phấn suy tư về cuộc
đời. Dù muốn hay không thì bản thể luận của nghệ thuật vẫn nằm trong sự hình
thành các ý niệm về thế giới. Một thế giới được hình thành thường dựa trên sự
phản ánh của đời sống tinh thần con người với kinh nghiệm đã sống trải trong
hiện thực. Không thể có thơ hay, khi mà tác giả của nó không tự xây dựng cho
mình một cá tính, một bản sắc lưu dấu những vệt sáng từ một thế giới sống tinh
thần cụ thể. Chính vệt sáng của thế giới tinh thần lưu dấu những khắc khoải
nghiệm sinh về đời và về người ấy mới tạo nên động lực để thi nhân bung phá
thành các lớp lang ngôn từ sinh động trên mặt giấy. Mai Văn Phấn bắt đầu làm
thơ ở cái tuổi mà sự chín chắn trong kinh nghiệm sống đã cho phép lý trí của
anh tìm ra một lối đi, một cách nhìn cuộc sống đủ lớn để có thể xây dựng cho
mình một thế giới nghệ thuật riêng biệt.
Nói về đời, Mai Văn Phấn
cho rằng: “Hiện thực trong thơ là luồng sáng phát ra từ bài thơ, để ta cảm nhận
được bản chất và sự tế vi của đời sống thực”(1), và khi nói về thơ thì là: “Mỗi
bài thơ tôi quan niệm là một dự phóng, một kinh nghiệm riêng biệt. Ví như hình
ảnh cụ thể của bông hoa, con sóng, bước chân... chỉ mang đến cho một bài thơ
một kinh nghiệm cụ thể rồi vĩnh viễn biến mất. Không cần chuẩn bị bởi không
phải mang theo thứ gì trong hành trình sáng tạo”(2). Đời với thơ trong Phấn là
một, thơ là đời của một cõi tinh lọc, còn đời là một bài thơ chưa được gọt rũa,
hay nói một cách hình tượng như chính phát ngôn của anh: “Thơ ca thường được
coi là ngôi đền thiêng cho người làm thơ, nhưng thực ra là cái chợ cho người
đọc”(3). Đây chính là tinh thần khai sáng đã dự phần vào kinh nghiệm thơ của
Mai Văn Phấn. Cái ánh sáng của hiện thực đã được phản tư bằng lý trí cá biệt,
với những thanh lọc trí tuệ cần thiết để cá nhân là cá nhân, nó không lẩn khuất
hay lẫn vào với số đông bên ngoài. Đó là lý do tại sao mà trong thơ Phấn, người
ta thấy một hiện thực dường như phi lý trong ngôn từ, song kỳ thực là một thế
giới hữu lý trong mỗi phận người. Là:
“Có cái chết không tên
Vẹo xiêu nền văn hoá
Kẻ châm lửa đốt đền
Thu chuông và giữ mõ.”(4)
Bốn câu thơ là một ký ức
chính trị nhiều u sầu mà nhân loại đã làm trong suốt quá trình dựng xây nền văn
minh. Một ký ức đã được thi sĩ thẩm thấu thành suy tưởng về bản chất của hiện
sinh người. Những thứ tưởng chừng chẳng bao giờ có thể bị ngăn cản bởi bất kỳ
sức mạnh quyền năng nào như: văn hoá, sự linh thiêng, tiếng vọng của danh thơm…
vì nó là thể tính của sự tiến bộ nhân loại. Thế nhưng, dường như vết chân bẫm
sâu vào đá núi của chàng Sisyphe(5) lăn tảng đá trên đỉnh núi thuở nào vẫn còn
vọng âm về một sự vô nghĩa nào đó của cuộc đời; là khi những gì thuộc về cốt
tuỷ và tinh tuý nhất của văn hoá đang bị phủ lấp bởi một bóng đen quyền lực,
ngăn cản sự bung nở những sắc hoa làm đẹp cho đời; là khi “chuông” thu và “mõ”
giữ; là khi nền văn hoá bị biến dạng trên con đường hành hương đến cái đẹp…
Sự vững vàng trong suy
tưởng của một người nhiều trăn trở như Phấn, thì hẳn rằng mỗi câu thơ, mỗi ý
thơ đều chuyển tải một ý niệm sống cụ thể nào đó, nó không thể là một vọng âm
lẩn khuất vào hư vô như ai đó nghĩ về thơ anh. Có lẽ vì thơ Phấn thiên về suy
tưởng hiện thực nhiều hơn là quan sát hiện thực, cho nên nó thường tạo ra một
trường lực so với lối đọc thơ quen thuộc, thiên về nhịp và vè. Đọc thơ Phấn cần
thiết phải có một độ lùi về mặt thời gian nhất định để cùng anh ngẫm về cái mà
anh đã nghĩ, cùng diễn giải cái mà anh từng phản tư, thì khi ấy chúng ta sẽ
thấy mỗi ý thơ của Phấn dường như ăn nhập làm một với ý niệm cuộc đời.
Là người xuất thân trong một gia đình
Công giáo(6), những giáo lý thần học đã thấm vào Phấn ngay từ thuở ấu thời, dạy
anh biết cộng hữu với thế giới một cách hài hoà như một niềm tin cứu rỗi chính
mình. Lớn lên, sang học ở Tây(7), cái văn minh xứ người cộng với tư tưởng thần
học trong quá khứ, tưởng rằng sẽ phủ bụi những ký ức về một nền văn hoá phương
Đông bảo thủ, thế nhưng, ngược với con đường dường như đã định sẵn cho con người tuổi
trẻ nơi Phấn lại là một cá tính biết khơi và gạn những lớp hào nhoáng của một
nền văn minh vật chất để trở về với căn tính trầm tư sâu sắc quen thuộc của
người phương Đông, cùng với cốt tuỷ văn hoá Việt Nam nằm sâu trong ngôn ngữ mà
anh thường dùng để sáng tạo. Với Phấn, chấp nhận tư tưởng Phật giáo không hẳn
là một cơ duyên như nhiều người nhận định, mà là một lựa chọn có phần duy lý.
Cái lựa chọn tư tưởng Phật giáo, mà sau này trong các sáng tác thơ từ năm 2000
trở lại đây, người đọc thấy rất rõ sự chuyển dịch này. Từ Tây ra đi(8), rồi lại
về Đông, là một quá trình dấn thân tư tưởng can đảm, song cũng là một lẽ tất
yếu của sự chuyển dịch văn hoá trong đời sống con người. Vì vậy, khi bàn về
thơ, Phấn đã không ngần ngại xác lập một tuyên ngôn cá nhân của mình về sự
chuyển dịch ấy: “Thơ ca gần như tôn giáo, nhưng không cao vợi và phải thờ phụng
theo những nghi lễ. Thơ ca cũng là tâm linh, nhưng nhà thơ có thể làm biến đổi
cả đời sống tinh thần con người và mở ra những không gian riêng biệt khi gặp
được “duyên” cảm xúc”(9) và cũng là bởi vì: “Sự ra đi và sẽ trở về… để thám
hiểm, để đặt chân lên những vùng đất mới”, còn “trở về không có nghĩa là quay
lại ngôi nhà cũ (hiện thực và lãng mạn) mà mang một diện mạo khác, tâm thế khác
trên con đường khác”(10).
Xem khám phá và sự
chuyển dịch tư tưởng văn hoá làm nền tảng của mọi suy tư về hiện thực, ở Phấn
người ta thấy tâm thế của một con người liên văn hoá, sẵn sàng vượt qua rào cản
quan niệm cục bộ để tích hợp những lớp lang khác nhau của một bức khảm văn hoá
thế giới vốn phong phú và không giới hạn bên ngoài văn hoá dân tộc mình. Có lẽ
chính vì thói quen thích sự chuyển dịch, cho nên thơ của Phấn cũng linh hoạt
như chính suy nghĩ, quan niệm và con người Phấn, lúc rất Tây nhưng khi lại rất
Đông, lúc giản dị đến mộc mạc, khi thì bóng bẩy đến mức người đời nghĩ rằng anh
đang xây dựng một kiểu trò chơi ngôn ngữ trong thơ… Tất cả, xét đến cùng cũng
chỉ là lý tưởng muốn hướng đến một nền văn hoá - văn học đại đồng, mà ý niệm
sâu xa lẩn khuất phía dưới, phía sâu là khát khao hướng đến một xã hội hài hoà như
theo cách mà Khổng giáo gọi là: một cõi “tứ hải giai huynh đệ”.
Chính vì xem cuộc đời là
những chuyến du hành của tinh thần, là ra đi và trở về, cho nên thơ của Phấn cũng là một hành trình chuyển dịch
văn hoá từ “mái nhà xưa” của thơ ca truyền thống với lối gieo vần lục bát, cho
tới “cánh đồng hoang” của thơ tân hình thức nhiều mới lạ với những cấu trúc
thiên về trí tuệ mang đặc trưng duy ngữ và duy lý hiện đại. Sự chuyển dịch
trong tư duy thơ Mai Văn Phấn là một tất yếu của môi trường văn học toàn cầu
hoá, là quá trình tương tác giữa cái cho đi và cái cần nhận lại, là sự tương
hợp giữa cái bản sắc hàng nghìn năm của đất nước với cái đa dạng, mới lạ từ bên
ngoài ùa vào. Đó là quá trình canh tân tư tưởng thơ và cũng là quá trình phản
ánh sự thích ứng của người thơ với cái chung đang diễn ra hàng ngày trên thế giới.
Sự lớn mạnh của công
nghệ truyền thông qua kênh chung chuyển Internet như đã giúp Phấn nối dài lý
tưởng thơ đến với những vùng miền trên thế giới mà đôi chân trần chưa từng chạm
tới. Mỗi tập thơ của anh là tiếng nói nối kết văn hoá, ngôn ngữ Việt Nam với
ngôn ngữ và thói quen tư duy của miền đất mới - nơi mà thơ của anh chạm đến. Đó
là quá trình các chân trời văn hoá được hoà trộn và
tương tác trong sự tôn trọng, làm giàu lẫn nhau. Đó là lý do tại sao Phấn quan
niệm thơ như một hành trình luôn được làm mới và làm giàu các giá trị văn hoá
thông qua sự tương tác giữa các hình thức sáng tạo. Cách tân với Phấn không
phải là đoạn tuyệt với cái truyền thống dân tộc, mà đúng ra là làm cho các giá
trị truyền thống ấy được nâng lên qua mỗi lần làm mới. Phấn cho rằng: “Truyền
thống không chỉ đơn thuần là sự kế thừa, nó cũng liên tục là những cuộc vong
thân. Nói cách khác, đó là quá trình sáng tạo để tìm đến những giá trị cao hơn
mang tính dân tộc. Bằng những quan niệm tiên tiến, đổi mới quyết liệt trong
cách tiếp cận vấn đề, hoà đồng với hơi thở của đời sống đương đại, mỗi nhà thơ
như vậy đều có trách nhiệm làm phong phú tính truyền thống”(11), và: “thi ca dù
có cách tân đến đâu vẫn phải hướng con người tới sự cao đẹp. Phẩm cách nhà thơ
quyết định cốt cách thi ca. Khi đã vững tin trong cốt cách, nhà thơ không ngại
lao vào bất cứ vấn đề gì, kể cả những vấn đề “vụn vặt”(12).
Không có gì khó hiểu khi
Phấn đưa ra quan niệm, tiếng nói của riêng mình về thơ như trên. Bởi thơ ca
phản ánh phẩm chất của con người. Con người Phấn luôn là một cuộc vong thân về
tư tưởng, ẩn phía sau một thân xác tưởng chừng như ít chuyển dịch. Cái ý nghĩ
vượt thoát về tinh thần thơ đã là nguyên do của mọi hành trình đi tìm các bến
đỗ tư tưởng mới và lạ ở bên ngoài. Trong mỗi chuyến hành hương tinh thần ấy,
Phấn và thơ của anh đã tiếp thu và được tích luỹ những gì tinh tuý nhất ở mỗi
bến dừng, để từ đó tái tạo lại trên văn bản theo hồn phách của người Việt Nam.
Đó là cái tài của Phấn, song cũng là thể tính của tư duy thơ Phấn. Đời như nào
thì thơ thường là vậy.
2. Từ ý niệm “Ngôi - Lời” tới sự khai
phóng ý niệm sống qua thơ
Như đã nói ở trên, vì
xuất thân trong một gia đình Công giáo, nên những giáo lý của kinh điển Thiên
Chúa đã trở thành gốc rễ niềm tin ở Mai Văn Phấn. Cho dù sau này khi mở mình ra
theo những chuyến viễn du sang các hệ thống tư tưởng triết học và văn hoá khác, thì cái nền tảng (Gründung)
trong tư tưởng cũng như trong nghệ thuật của Phấn vẫn là Kitô giáo. Trong đó, ý
niệm về Ngôi - Lời đã trở thành quyền năng của đức tin cũng như là quyền năng
chữ của Thánh Kinh. Chúng ta sẽ thấy
dấu ấn của ý niệm này xuất hiện với tần suất lặp đi lặp lại trong các sáng tác,
cũng như trong các phát ngôn của Phấn sau này. Mở đầu Kinh Thánh Tân Ước cũng như mở đầu Sách Phúc âm theo Thánh Marcô đã ghi: “Khởi thuỷ là Lời
và Lời nằm nơi Chúa, Lời là Chúa. Lời cùng khởi sinh với Chúa. Mọi vật đều được
sáng tạo bởi Chúa. Ngoài sự sáng tạo của Chúa, sự vật không tồn tại”(13). Thần ngôn này không chỉ đơn
thuần là cách thức diễn tả tính linh thiêng của lời Chúa, mà nó còn phản ánh
một quyền năng sáng tạo và huỷ diệt ngay từ khi sức mạnh của Chúa ra đời. Ý
niệm về ngôi vị tam đẳng: Chúa Cha - Chúa Con và Chúa Thánh thần đã trở thành
sức mạnh chi phối thế giới, là nơi thế giới được hình thành và cũng là nơi thế
giới thay đổi, hoặc huỷ diệt. Ý niệm “Lời” ra đời như một sức mạnh siêu hình
thuộc về thần khải: “Lời” thay Chúa, gián tiếp biểu thị sức mạnh sáng thế trước
loài người. Do đó ý niệm về Lời, thực chất là ý niệm về sự chuyển dịch quyền
năng từ thượng giới xuống mặt đất. Sức mạnh của “Lời” nằm ở khả năng sáng tạo
và huỷ diệt thế giới, nó giúp tạo sinh ra con người, nhưng cũng
chính nó đẩy con người vào những trận huyết chiến kinh hoàng. Sức mạnh của Lời
chuyển tải sức mạnh của Ngôi một cách mãnh liệt, khơi gợi niềm tin đầy mê hoặc
của nhân loại; xem đó như là quyền năng có thể làm chủ thế giới. Đây là lý do
lý giải tại sao thơ ca thường được xem là ngôi đền linh thiêng của Chúa, vì
trong ngôi đền đó, thế giới mới không ngừng được tạo ra và cũng không ngừng bị
huỷ diệt. Mỗi lần tạo ra và tự huỷ diệt ấy, văn minh nhân loại lại được nâng lên ở mức độ cao hơn so với các
nền văn minh trước đó.
Hẳn rằng, ý niệm Ngôi -
Lời với Phấn đã trở thành cốt tuỷ của suy niệm về thơ và về người. Và cũng hẳn
rằng, Lời với Phấn có một sức mạnh khủng khiếp, nó có thể nhấn chìm mọi sự cô
đơn và khiếp đảm, cấp cho người thơ quyền làm chủ trong cõi thơ riêng của mình -
một cõi khác của hiện thực? Chỉ có Lời mới có sức mạnh đi qua được bờ Thiện - ác,
chạm sâu tới nhân tính, thúc giục con người hướng tới một kiếp người đúng nghĩa:
Sống là Sáng tạo. Phấn không phải là
một ngoại lệ trong cái cõi khác ngôn từ ấy. Anh đã hiểu được lý do vì sao Lời
đã trở thành quyền năng trong thơ của mình: “Các nhà thơ lần theo thơ ca nhằm
khai mở tiếng nói mới, hoặc tìm lại âm sắc thuở hoàn nguyên đã mất... thơ ca
ngoài mục đích tải đạo, tuyên truyền, mô phỏng, diễn tả…, nó còn tìm cách đặt
tên lại sự vật, định hình lại thế giới. Việc sáng tạo thi ca gần giống trạng
thái bàng hoàng của một đứa trẻ lần đầu được nhìn thấy những hiện tượng kỳ lạ
của thiên nhiên và khám phá những bí ẩn, phức tạp của con người” (14).
Ý niệm về “Lời” trong
quan niệm thơ của Phấn, cho thấy sự tương hợp giữa ý niệm thơ của anh với ý
niệm về sức mạnh của ngôn ngữ. Ngôn ngữ sáng tạo thế giới, theo đó nó cũng sáng
tạo chính con người làm ra thế giới ấy. Cũng chẳng phải
là nguyên cớ mà Phấn đã có lần thốt lên rằng: “Tôi được bài thơ dạy lại mình
cách viết”(15), chính thế giới được tác giả dựng lên bằng ngôn từ sẽ định hình
những dự tính kế tiếp của sự sáng tạo. Theo đó, thế giới chữ và nghĩa không
ngừng được bổ sung các giá trị phù hợp với khoảnh khắc tác giả suy niệm về hiện
thực. Xuất phát từ lý tưởng muốn “đặt lại tên” các sự vật trong một thế giới
tinh thần đặc thù là thơ ca, cho nên, Phấn có ý thức trong việc đặt nghi vấn về
những cứ liệu của đời sống mà anh xem như là “nguồn vào” của mỗi sáng tạo. Từ
những tập thơ “Giọt nắng” (1992), “Gọi xanh” (1995), “Cầu nguyện ban mai” (1997), “Nghi lễ nhận tên” (1999), “Người cùng thời”
(1999); “Vách nước” (2003), “Hôm sau” (2009), “và đột nhiên
gió thổi” (2009), “Bầu trời không mái che” (2010), cho đến tập thơ
“Hoa giấu mặt” (2012)… là một bước tiến dài trong sáng tạo
ngôn ngữ của Phấn. Cũng chính vì xem ngôn ngữ như một sự luân chuyển của các ý
nghĩa mới phù hợp với hiện thực khách quan bên ngoài, cho nên, Phấn đặc biệt đề
cao vai trò của tính tự thân trong
mỗi văn bản thơ. Nói đúng ra, với Phấn, một bài thơ, một tập thơ sau khi được
gửi đến thế giới bạn đọc, thì cũng là lúc tác giả xem như đã hoàn tất vai trò
của người hạ sinh. Còn chính bài thơ, tập thơ ấy sẽ tự thân nối dài “cõi sống”
của nó trong thế giới người đọc: “Bài thơ vừa viết, tôi quan niệm không thuộc
về tôi nữa, mà thuộc về người khác, về đám đông. Với bài thơ này, nhà thơ đã
hoàn thành sứ mệnh, xin hãy coi như anh ta đã chết. Nhà thơ muốn tiếp tục tồn
tại phải được tái sinh trong một bài thơ khác đang chờ đợi phía chân trời. Đó
là cuộc lột xác khác, thêm một lần lên đường, một cú nhảy vượt thoát… Muốn thực
hiện được hành trình tiếp theo, nhà thơ phải nhìn thấy lý tưởng thi ca, tức ánh
sáng vừa mơ hồ vừa minh bạch đang soi rọi phía trước”(16). Quan niệm về “cái
chết của tác giả” được Roland Barthes khởi xướng vào năm 1968(17) đã được Phấn
vận dụng triệt để trong quá trình khai triển ý niệm từ thơ đến đời, từ văn bản
đến sự đọc. Hành trình từ ý đến lời, rồi từ lời tới bạn đọc được xem như là
hành trình khai phóng tư tưởng thi nhân thông qua văn bản thơ. Và để làm được
điều khó khăn này, bản thân tác giả phải là người không ngừng tự khai sáng, từng
bước bứt ra khỏi tình trạng lệ thuộc vào chính tư tưởng của mình, mà nói như
Kant là bằng một nỗ lực “dám can đảm” thoát ra khỏi tình trạng “vị thành niên”
của tư tưởng(18). Thoát ra khỏi tình trạng phụ thuộc của mình vào các ý niệm
trước đó có trong tư tưởng, chính là quá trình đoạn tuyệt những giới hạn của
cái cũ để mở mình đến tinh thần tiến bộ mới. Và sáng tạo thơ ca, mà đúng hơn là
bằng nỗ lực “định lại tên” hay sáng tạo lại thế giới thông qua ngôn ngữ hình
tượng nghệ thuật thơ, chính là cách giúp người thơ thoát ra khỏi “tình trạng vị
thành niên” về tâm hồn của mình.
Quá trình tự khai sáng
để hướng tới sáng tạo thế giới hình tượng nghệ thuật riêng biệt luôn là quá
trình phê phán quyết liệt của nhà thơ đối với chính bản thân họ. Và chỉ có phê
phán chính mình, thì người thơ mới tìm ra con đường thơ riêng biệt, mà ở đó,
mọi ánh sáng quyến rũ, tinh khiết đang chờ người thơ sắp đặt sự hợp lý của thế
giới trên văn bản. Tuy nhiên, nhà thơ chẳng bao giờ chịu khép mình vào tình
trạng độc thoại, mà anh ta còn khao khát mang con đường riêng với thứ ánh sáng
tinh khiết đó để khai mở những giới hạn trong thế giới tinh thần nơi bạn đọc.
Vì vậy, những tập thơ có giá trị ra đời thường kèm theo quá trình khai phóng
tinh thần cho người khác. Có thể Phấn không ôm cái mộng lớn lao là khai phóng
thế giới tinh thần cho người khác, thế nhưng thơ của Phấn lại góp phần hiện
thực hoá cái mộng ấy của thi nhân, mà chưa hẳn thi nhân đã nhận ra. Nói như vậy
để thấy, tự thân thơ ca nghệ thuật có khi góp phần nối dài cái mộng kiến tạo
thế giới mà không hẳn nhà thơ nào trước khi sáng tác cũng xác định được một
cách rạch ròi.
Cuộc luân chuyển trong
các văn bản thơ của Phấn, cho thấy tính chất bất khả chi phối của thi nhân đối
với hiện thực tiếp nhận bên ngoài. Tác phẩm thơ ca từ khi rời xa Phấn đã phải
nhận lãnh cho mình một số phận riêng biệt trong cuộc đời, chấp nhận trở thành
một thân phận của tinh thần. Nó bước đi trong thế giới kinh nghiệm của người
đọc và chịu những tác động thăng trầm, nhiều xáo trộn như một hiện hữu tại thế.
Nó sẽ là những nghi án nhiều oan ức, nếu như nó bị số đông người đọc nhìn nhận
ở góc độ thiên kiến chính trị, quy ý tứ về chiều sâu ý nghĩa của ý thức hệ. Sự
luỵ phiền bởi ý thức giai cấp do những con người giai cấp nhìn nhận, đánh giá,
với cái nhìn thiên kiến đã vô hình đẩy nghệ phẩm của người nghệ sĩ vào những
toan tính phi thẩm mỹ. Có thể, người đọc áp đặt lên tác phẩm những suy nghĩ
giản đơn mà kinh nghiệm đời tư, hẹp hòi do một nhóm người có cùng lợi ích yêu cầu,
đặt lên trên những giá trị vốn có của tác phẩm. Trong trường hợp ấy, tác phẩm
văn nghệ của người thơ đã trở thành một nạn nhân của nhóm người đọc kia. Và thơ
ca của Phấn cũng không phải là một ngoại lệ của cái vòng thiên kiến ấy, nếu như
ai đó đến với thơ Phấn chỉ nhằm mục đích xét đoán. Cho đến khi xuất hiện một
nhóm người đọc khác có khả năng thẩm định, đánh giá đúng giá trị, thì tác phẩm
của người viết ấy mới được đón nhận, được sống trong môi trường mỹ cảm lành
mạnh. Và chỉ khi ấy, nó mới thực sự được sống cuộc đời của một thân phận tự do.
Tác phẩm thơ của Phấn
cũng giống như đời một con người, nó luôn chịu sự chi phối, ràng buộc và thậm chí quyết định đến sự
sống còn từ các mối quan hệ xã hội bên ngoài nó. Mối quan hệ ấy có khi chỉ dừng
lại ở mức độ văn hoá, nhưng đôi lúc lại phức tạp hơn khi tiến tới các mối quan
hệ giai tầng có tính chính trị, hoặc nhẹ nhàng hơn là quan hệ cảm xúc của những
con người đa cảm, hoặc là quan hệ nghề nghiệp, quan hệ giải trí giản đơn… Và
trong mỗi quan hệ lựa chọn ấy, thì đời sống của tác phẩm cũng chịu sự quy định
ở những thang bậc khác nhau. Vì vậy, văn bản thơ của người viết nói chung và
văn bản thơ của Phấn nói riêng, từ khi sinh ra vốn sẵn mang trong mình thân
phận của một tinh thần xã hội. Sự phiêu lưu về tư tưởng của nó trong thế giới
người đọc với ba bẩy loại người đọc, có mục đích, ý đồ và khả năng thẩm thấu
tri thức khác nhau sẽ tạo ra những thang bậc thăng trầm của sự tồn tại tác phẩm
trong ý hướng tính hướng về nó khác nhau. Và cũng tuỳ từng loại tác phẩm, với sức
mạnh nội tại được người viết trang bị khác nhau mà có ý thức phản kháng hay
chấp nhận chịu kiếp đời bi kịch như một thân phận tinh thần khác nhau. Điều đó
không phải là luận chứng để cố biện minh cho tính tự thân của tác phẩm thơ ca
của Phấn, mà thực chất quá trình ấy quy định
đặc trưng gợi mở và tương liên của tác phẩm trong mối quan nghệ với người đọc.
Một văn bản khi được bung phá ra cuộc đời, nó
là vật vô tri về hình thức chất liệu, nhưng ý nghĩa gợi mở về tinh thần của chủ
thể đọc nơi nó thì luôn tiềm ẩn. Nó không phải là điều hiển hiện mà con người
có thể nắm bắt ngay được. Nó đòi hỏi người đọc hướng con mắt của nhà siêu hình
học khám phá những tầng lớp thẩm mỹ hoặc tầng bậc nghĩa, dựa trên
kinh nghiệm văn hoá có sẵn trong mình nhằm phát hiện và khám phá ý
nghĩa mới cho một thế giới mới thuộc và chỉ thuộc riêng về cảm quan cá
nhân anh ta. Điều này cho thấy, giá trị của văn bản không phải là ý nghĩa được
dựng sẵn trong nó mà chỉ là những dữ kiện nhằm gợi mở ý thức hướng đến của chủ
thể đọc, để từ đó, tự người đọc hình dung và tưởng tượng về văn bản dựa trên
kinh nghiệm và khả năng suy tưởng của mình. Và thế giới tinh thần không ngừng
được kiến tạo ở sự hư vô hoá ý định sẵn có bên ngoài của chủ thể đọc, định
hình cho thế giới tưởng tượng mở ra bất tận theo những kinh nghiệm thẩm mỹ,
những tri thức và chân trời văn hoá. Chính
Phấn đã có lần nói đến vấn đề này trong một trao đổi ngắn, rằng: “Phải là nhà
văn hoá. Kiến thức văn hoá ấy lắng sâu vào nhà thơ một cách tự nhiên, và tới
một hoàn cảnh “hữu duyên” nào đó, nó đột khởi dâng lên thành cảm xúc thi ca.
Lúc ấy tứ bài thơ vụt đến bất ngờ, tưởng như “của nhặt được", nhưng thực
ra nó đã được tích luỹ vô tình ở đâu đó từ lâu"(19). Khi một thế giới tinh
thần nơi người đọc được mở ra, thì cùng lúc ấy, sứ mệnh của tác phẩm thơ ca
cũng được hoàn tất trong vai trò của “người” chứng kiến, gieo vào ý thức kinh
nghiệm bạn đọc những dữ kiện gợi mở và nó chỉ dừng lại ở vai trò gợi
mở. Sự gợi mở ấy hướng đời sống tinh thần bạn đọc đi đến đâu, thì lại phụ
thuộc vào thế giới kinh nghiệm thẩm mỹ của người đọc.
Trong mỗi khoảnh khắc bạn đọc được thả mình
trôi theo ký ức tưởng tượng, thì bóng dáng của tác phẩm thơ ca và người nghệ sĩ
cũng được phiêu lưu trong thế giới mới - nơi chỉ có người đọc mới phát hiện và
sáng tạo nên nó. Vậy là, tác phẩm thơ ca đã làm một cuộc hành trình, phiêu lưu
không ngừng trong thế giới xa lạ của những con người xa lạ bên ngoài. Nó chịu sự bấp bênh từ sự tưởng tượng của người
đọc. Nếu gặp người đọc uyên bác, sẵn sàng tự quy giản ý thức thẩm mỹ cá biệt để
mở lòng ra đón nhận ánh sáng tinh khiết ban đầu mà nó hướng tới, loé chụp ý
nghĩa khởi nguyên không kèm theo thái độ toan tính, hay định kiến văn hoá, thì
nó sẽ giúp bạn đọc được thăng hoa về cảm xúc, cảm nhận được cái thần khí, cái
khoan khoái của một người đi trong đêm tối bắt chụp được ánh đèn từ xa rọi tới.
Nhưng cũng vẫn là văn bản thơ của Phấn, trên “đường đời” nhiều thăng trầm của
sự đọc, nó lại sa vào vòng tay đầy oan nghiệt, gai góc từ phía những tâm hồn
thiển cận, được “bồi tụ” bởi những suy tư hẹp hòi, kèm theo ý thức xét hỏi đầy
khinh miệt, mang sẵn cái nhìn định kiến, bảo thủ, thì tác phẩm của người viết
chẳng khác nào thân phận cô Kiều khi rơi và tay Mã Giám Sinh và Tú Bà, đẹp là
thế, thánh thiện trong sáng là thế mà vẫn chỉ là “kỹ nữ”, là “hồng nhan bạc
phận” chốn lầu xanh tủi cực, cô độc. Cũng là văn bản thơ của Phấn, nhưng trong
ý thức tự do của những con người tiến bộ, thì nó lại là mầm mống chống lại sự
tha hoá của nghệ thuật truyền thống, chống lại sự xuống cấp và phi nhân của con
người, chống lại sự áp chế tối cao của quyền lực tri thức. Trong xã hội luôn
chứa đựng những thái cực khác nhau của quá trình thẩm định thẩm mỹ. Có thể,
người đọc hăng hái gieo lên văn bản ý nghĩa thanh khiết của sương mai lúc nửa
đêm, nhưng cũng có thể là sự đoạ đầy đến tha hoá của tinh thần chủ quan cá
biệt. Điều này cho thấy sức mạnh của người đọc có tác động quan trọng đến sự
tồn tại của văn bản, và là nhân tố số một quy định sự hoàn thiện và thăng hoa
đến đỉnh cao của văn bản.
Trong ý nghĩa thiết thực
nhất, tác phẩm thơ của Phấn không hẳn là cầu nối giữa ý tưởng thi nhân sát gần
với khả năng hiểu của người đọc, mà nó còn chắp thêm đôi cánh cho những ý tưởng
sâu thẳm nơi thế giới tinh thần người đọc, vốn bị ý thức xã hội hiện thời vùi
lấp và che khuất, để khai minh ý thức sáng tạo, mở ra một hành trình hư vô
hoá tất cả những gì đang hiện hữu. Hành trình ấy hướng đến sự khám phá và
sáng tạo thế giới mới - nơi mà mọi thứ dường như đang bắt đầu. Cứ thế, thế giới
này chồng lấp thế giới kia, ý nghĩa văn hoá và ý nghĩa sự sống theo đó cũng
được dàn trải không ngừng theo thời gian. Còn sáng tạo là còn lý do để tồn tại.
Vì vậy, đọc chính là sáng tạo của sáng tạo và người đọc chính là tác giả của
các tác giả. Ở đây, tôi loại trừ đối tượng đọc hờ hững, lướt qua trên mặt giấy(20) như
những cuộc tình thoáng chốc đối tác phẩm văn nghệ của người viết, mà hướng đến
người đọc đích thực, người đọc đúng nghĩa của động từ ĐỌC.
(còn nữa)
_____________
(1) Xin xem “Văn học và hiện thực đất nước hôm
nay”.
Nguồn:http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/781/1100/Tra-loi-phong-van/Van-hoc-va-hien-thuc-dat-nuoc-hom-nay---Nha-phe-binh-van-hoc-Tran-Thien-Khanh-thuc-hien-PV.aspx
(2) Xin xem “Sáng tạo là
một cuộc vong thân”.
Nguồn:http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/781/1090/Tra-loi-phong-van/Sang-tao-la-mot-cuoc-vong-than---Nha-bao-Anh-Tho-thuc-hien-PV.aspx.
(3) Xin xem: “Sáng tạo
là một cuộc vong than”.
Nguồn:http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/781/1090/Tra-loi-phong-van/Sang-tao-la-mot-cuoc-vong-than---Nha-bao-Anh-Tho-thuc-hien-PV.aspx
(6) Theo lời tự thuật của
Mai Văn Phấn thì anh là người sinh ra trong một gia đình Công giáo thuộc địa
phận giáo xứ Kim Sơn - Ninh Bình. Anh nói về điều đó như sau: “Tôi nhớ mãi khi mình mới lớn, chừng 5 - 6 tuổi, lần đầu tiên biết cảm nhận
về thế giới gần gũi xung quanh, thì tiếng chuông nhà thờ, tiếng cầu kinh sớm
tối của giáo dân, tiếng ca đoàn phối bè trong những bài thánh ca là những âm
thanh huyền hoặc và cũng đầy uy lực nơi tuổi thơ bùn đất và êm đềm của tôi. Âm thanh linh thiêng, quyến rũ và bí ẩn ấy tựa như ánh
sáng, như không khí thấm vào từng hơi thở, bước chân chập chững của tôi. Lúc ấy
tôi chỉ biết nghĩ đơn giản rằng, mình phải sống tốt, có mọi cử chỉ cao đẹp trên
thế gian này, bởi mình làm bất cứ điều gì thì Đấng-Toàn-Năng/ Tạo Hoá cũng sẽ nhìn thấy. Từ ấy tôi luôn tin có một thế giới khác nữa đang soi
xét, chi phối đời sống chúng ta. Và sau này tìm đến với thơ ca, cũng là cách
tôi tự mở cánh cửa riêng mình để nhìn thấy và đi vào thế giới linh thiêng, bí
ẩn ấy. Tôi được bà nội dạy kinh bổn từ khi chưa biết chữ. Cứ chiều chiều, tôi
cắp chiếc chiếu manh theo bà đi nhà thờ. Bà nội hay mua cho tôi chiếc bánh
"khoái" (tên địa phương, bánh tráng bằng bột gạo, màu vàng, trong có
tép khô). Ăn xong, tôi bình tâm ngồi đọc kinh cho hết buổi lễ. Lớn lên tôi được
đọc kinh Tân ước và Cực ước, lịch sử Giáo hội, lịch sử các thánh,
học giáo lý... Thấy tôi ngoan đạo, bà con giáo dân trong họ đạo khuyên cha mẹ
tôi nên gửi tôi vào nhà dòng để có thể tu hành sau này; nhưng khi nhận ra
"con ngựa hoang' trong tâm hồn mình, thấy sự đam mê, run rẩy quá đỗi của
mình với vẻ đẹp của thiên nhiên và con người... tôi đã từ chối. Sau này tôi mới
ý thức được rằng: nhà tu hành và nhà thơ đi từ hai thái cực, có cách hành xử
trong cõi thế tục hoàn toàn khác biệt, nhưng cùng hướng tới đích là vẻ Đẹp vĩnh
cửu mà Thượng đế đã chờ sẵn ở phía trước. Nhớ lúc tôi 6 tuổi đã được cha xứ làm lễ
Rửa tội. Đây là bí tích đầu tiên trong ba bí tích khai tâm đặt nền tảng cho đời
sống Kitô hữu. Kể từ giây phút đó, tôi cảm thấy ánh sáng của Thiên Chúa luôn
dẫn dắt, soi rọi đời sống tâm hồn tôi. Ánh sáng này được tái hiện rõ nét nhất
trong các tập thơ Gọi xanh, Cầu
nguyện ban mai sau này”.
Nguồn:http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/779/4667/Sang-tac-moi/Cam-hung-ton-giao-trong-tho-Mai-Van-Phan--Luan-van-thac-sy----Mai-Thi-Thao.aspx
(12) Xin xem “Mai Văn
Phấn, từ bóng tối của im lặng, đổ vỡ...”.
Nguồn:http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/781/1092/Tra-loi-phong-van/Mai-Van-Phan--tu-bong-toi-cua-im-lang--do-vo------Nha-tho-Khanh-Phuong-thuc-hien-PV.aspx
(13) Câu này trong văn bản tiếng Anh của Kinh Thánh Tân Ước được chép lại như sau:
“In the beginning was the Word, and the Word was with God, and the Word was
God. The same was in the beginning with God. All things were made by him, and without him was not any thing made that was
made”.
Xin xem tại nguồn: http://www.openbible.info/topics/the_word_was_with_god_and_the_word_was_god
(16) Xin xem “Sáng tạo tinh thần cho điểm đến”.
Nguồn:http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/781/1102/Tra-loi-phong-van/Sang-tao--tinh-than-cho-diem-den---Nha-tho-Ko-Hyeong-Ryeol-thuc-hien-PV.aspx
(17) Xin đọc: Roland
Barthes “Cái chết của tác giả”, bản dịch từ tiếng Pháp của Lý Thơ Phúc. Nguồn:
http://phebinhvanhoc.com.vn/cai-chet-cua-tac-gia. Hoặc tham khảo bản tiếng Anh
tại: http://www.arthistoryunstuffed.com/roland-barthes-the-death-of-the-author/
(19) Xin xem “Sáng tạo,
tinh thần cho điểm đến”.
Nguồn:http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/781/1102/Tra-loi-phong-van/Sang-tao--tinh-than-cho-diem-den---Nha-tho-Ko-Hyeong-Ryeol-thuc-hien-PV.aspx