MVP và hành trình thơ... (chuyên luận - IX) - Ngô Hương Giang & Nguyễn Thanh Tâm

Ngô Hương Giang - Nguyễn Thanh Tâm



Bìa 4 sách chuyên luận

 

 

Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác (IX)






  

Nguyễn Thanh Tâm cùng vợ và con gái

 

 

 

Chương I

CHÚ GIẢI THƠ MAI VĂN PHẤN

 

 

 

Nguyễn Thanh Tâm

 

 

 

(tiếp theo)

 

 

 

 

 

IX. BẦU TRỜI KHÔNG MÁI CHE(*), Nxb. Hội Nhà văn, 2010

 

 _____________

(*) Bầu trời không mái che ngổn ngang ký ức và tưởng tượng, chồng chất lập thể đến cực đoan những đứt nối, bất chợt của ý thức, tâm tưởng. Khi đã đọc và đột nhiên gió thổiHôm sau của Mai Văn Phấn, gặp lại anh ở tập thơ này có thể cảm nhận tác giả đã đi được một chặng rất xa trên hành trình vươn tới một thế giới vô cùng, vô tận, không có ranh giới, không có mái che. Rõ ràng đây không phải là bước thụt lùi mà là một bước tiến vững chắc của nhà thơ vào địa hạt của vũ trụ thi ca. Động hình của tư duy và mỹ cảm của Mai Văn Phấn ở hai tập thơ trước xuất phát từ tâm thức hậu hiện đại, với sự biểu hiện vượt trội của hoài nghi nhận thức luận, bản thể luận, hoang mang, phi lý trong một thế giới đa khả thể thì đến Bầu trời không mái che lại là sự nổi trội của thủ pháp dòng ý thức, lập thể, xé dán nhưng đã thoát khỏi sự hoang mang, như con tàu vũ trụ đã thoát khỏi trọng trường của trái đất, không còn những rung lắc để tìm thấy sự cân bằng yên ả bên ngoài khí quyển, nơi Bầu trời không mái che. Đó là sự tĩnh đọng sau nhiều va đập và có lẽ là có cả những thương tích trên hành trình vượt thoát đến huệ tưởng. Huệ tưởng chỉ là khái niệm tương đương để chuyển tải hàm nghĩa về nhậm vận trong cách tân phương pháp sáng tác và ý thức mỹ học. Nói như Nguyễn Hưng Quốc, phải chăng Mai Văn Phấn đang làm một chuyến thám hiểm vùng đất mới của tư duy thơ, của cách viết và cách đọc tác phẩm. Đến với Bầu trời không mái che, người đọc gần như phải giải trừ những kinh nghiệm và cả những tiên nghiệm có thể có để vụt hiện những ứng xử ở thì hiện tại. Khả tính của cách viết với tư duy, mỹ cảm và cấu trúc mới đặt ra yêu cầu một cách đọc mới, cách nhận thức mới về tác phẩm. Người tiếp nhận cần phải thoát khỏi lực hấp dẫn của truyền thống, của cái cũ, của chặng đường vừa đi qua để tiến đến và trải nghiệm một không thời gian mới.

 

Bầu trời không mái che gồm có ba phần: Cửa mẫuMùa trăngHình đám cỏCửa mẫu là một trường đoạn của ký ức và những siêu nghiệm trong cấu trúc bề sâu của quy luật vận động đời người: sinh - lão - bệnh - tử. Cấu trúc này không mới, nhưng độc đáo ở cách thể hiện trên cơ sở những phát hiện của tác giả về tính tương đồng của nhân sinh trong những giới hạn của cõi người. Các phân đoạn nhỏ cho ta hình dung về những chặng đời của con người từ thuở sơ sinh (I, II), dần lớn lên (III), đấu tranh để sinh tồn (IV, V), già lão và tật bệnh run rẩy những khấn nguyện (VI, VII), hoài niệm ấu thơ (VIII), lời kinh cầu siêu thoát (IX). Điều khiến người đọc thấy bất ngờ nhất chưa phải là sự lập thể của hình ảnh, hình tượng mà chính là sự đồng hiện của kiếp người qua hai hình tượng cha và con. Con là ấu thơ, là ký ức của cha, cha là hình ảnh tương lai của con. Con là sớm, cha là chiều, con là ra đi, cha là lúc trở về. Cửa mẫu là xuất phát điểm cũng là nơi kết thúc một hành trình vừa nhiệm màu vừa khổ ải. Hai hình tượng ấy dìu đỡ nhau cùng biểu đạt quy luật của đời người là tứ thơ độc đáo của Mai Văn Phấn. Chính mối liên hệ mang tính huyết thống đã chuyển tải tối ưu ý niệm về sự liên tục của đời người. Đồng hiện để tự thức nhận là mục đích của tác giả khi xây dựng hai hình tượng cha và con. Người đọc tự thấy quy luật đời sống nơi bản thân mình và cha trong khoảnh khắc cả không gian, thời gian của quá khứ, tương lai được kéo gần lại bên nhau. Câu đố hóc búa của con quái Sphinx tưởng cũng có thể được giải đáp ở đây, trong những nhói sáng vươn trong huệ tưởng của tác giả: Con sơ sinh trên đất/ Bơi qua sông con nòng nọc đứt đuôi/ Tập vỗ cánh, quạt gió vào lòng tổ/ Bật lá mầm bay đi thênh thang (I); Giọng nói rất gần/ Dưới bình minh con hãy lột xác.../ Như trườn qua cơn chạng vạng/ Rút dần cơ thể khỏi lớp vỏ bọc/ Con hớp những giọt sương (III); Con hốt hoảng đan lưới sắt/ Đặt bàn chông quanh mình/ Mài con dao/ Thủ sẵn bao diêm (V); Cơ thể cha tựa sông cạn, củi khô, hạt lép/ Chùm quả nặng đung đưa gió mạnh// Cha bỗng thều thào hãy dìu cha đi nghỉ/ Tiếng lá khô trượt trên mái nhà làm cha và con cùng rơi nước mắt (VI); Từng chồi chân tay bé xíu/ Bật nhẹ trong cơ thể Người/ Con tỉnh giấc (VIII); Tâm thành kính lễ/ Tứ vị chầu bà/ Khăn gấm áo hoa/ Đi tươi về tốt (IX).

 

Có thể nói, chín phân đoạn là một hành trình. Hiện hữu trong dòng ký ức và tưởng tượng của tác giả là những hình ảnh không quá xa lạ nếu không muốn nói rằng có chỗ thật thân quen, gần gụi. Có lạ lẫm gì đâu con chim, mảnh vườn, mặt trời đáy nước, hang dế sủi bong bóng nước, chú bê non ngơ ngác, tiếng lá khô trượt trên mái nhà, tầng cây xanh, sấm chớp, mưa sương và bông hoa nở,… Cái lạ có lẽ chính là ở khả năng lập thể của tác giả khi đặt các hình ảnh ấy bên cạnh nhau, khúc xạ, lồng hiện trong dòng chảy bất định của ký ức và tưởng tượng. Người đọc sẽ không cho là vô lý, phi nghĩa khi gấp tập thơ lại, nhắm mắt để tâm tưởng của mình trôi trong hoài niệm về ấu thơ, về những ngày đã qua, những ngày chưa tới,... Tính chất vụt hiện của dòng ý thức đưa con người đến những không thời gian khác nhau với những hình ảnh bất ngờ mà logic của lý trí thuần tuý không thể chấp nhận được. Đó là một “siêu hình học” mang thông điệp về tính khả nhiên, khả thể của sự sống vĩ đại, vĩnh hằng, không giới hạn, không mái che.

 

Thơ Mai Văn Phấn ở tập này mang đến cho người đọc cảm giác được xem những bức tranh lập thể. Dĩ nhiên, những bức tranh hiện lên và thực sự có ý nghĩa trong ký ức và tưởng tượng của người đọc khi “hoạ điệu” cùng tác giả. Liên tưởng, tưởng tượng chính là sợi dây nối kết các hình ảnh, hình tượng trên cơ sở những thang bậc của sự trải nghiệm. Mặt khác, vùng mờ ngữ nghĩa, các đường viền tiền giả định của ngôn ngữ cũng mang lại những liên hội hữu ích cho việc tiếp nhận văn bản thơ. Hệ thống hư từ được tinh giản đến mức tối đa có thể để cho thực từ mang các nghĩa biểu niệm, biểu vật tự phát sáng, xâm thực, giao thoa vào nhau, đem đến sự dồn nén cho ngôn ngữ thơ. Vì vậy, năng lượng thơ được gia tăng đáng kể. Phần thơ thứ hai mang tên Mùa trăng là một bảo chứng cho nỗ lực này của Mai Văn Phấn: Giữa đất trời ngó sen sau mưa/ Da diết nhớ từng vòng cuộn xiết/ Lá sen xanh ủ cốm em anh/ Chín nẫu chân mây mùa hạ (Cốm hương).

 

Mùa trăng không tách khỏi tư duy thơ thống nhất của tác giả khi đặt trọng trách tự phát sáng, tự tạo nghĩa lên hệ thống thực từ và các hình ảnh lập thể. Có thể nhận thấy, sau phần Cửa MẫuMùa trăng là sự gia cường của các thủ pháp nghệ thuật. Nguyên lý của sự gia cường này nằm ở chỗ, thủ pháp so sánh còn rất ít từ so sánh, cơ sở tương đồng trong cấu trúc ngầm của ẩn dụ bị nhoè mờ hướng tới sự liên tưởng tự do hơn. Các biểu tượng trăng, đêm, đá, cốm nõn, ngó sen, vườn, đỉnh gió, khăn áo,… vốn đã tiềm ẩn một hệ thống nghĩa nay càng phát huy sức mạnh biểu đạt trong cấu trúc của cả bài thơ và các bài thơ trong phầnMùa trăngTiếng chim Bách Thanh tung lưới/ Thít chặt anh cùng bòng bưởi, rễ si/ Hoa cẩm quỳ, oải hương, phong lữ.../ Dịu dàng thêm khăn áo mùa thu (Vườn em). Mai Văn Phấn đã nghĩ gì khi đặt bài thơ Vườn emsau Đỉnh gió? Trong một cấu trúc mà khả năng biểu đạt tối đa cần đến sự tương thông của tất cả các bài thơ thì trật tự của từng thi phẩm là một yếu tố khá quan trọng. Chúng ta thử làm một sắp xếp nhỏ: Đá trong lòng suối, Giai điệu xuân, Con chào mào, Cốm hương, Vườn em, Đỉnh gió, Mùa trăng. Cấu trúc này tự nó nói lên những ức chế thèm khát đang đợi một mùa ái ân trên mặt đất đã đến lúc cần phải đổi khác:Ngoài kia những vòm lá rối/ Lay giật tả tơi cho đã cơn hưng phấn điên cuồng/ Cơn ức chế thèm khát (Đỉnh gió). Đọc thơ Mai Văn Phấn ở phần này (Cốm hương, Vườn emMùa trăng, Đỉnh gió) ta thấy thấp thoáng bóng dáng Hàn Mặc Tử, Hoàng Cầm, cả chút chuếnh choáng say khát đã từng gặp trong tác phẩm của Nam Cao, cả dáng vẻ kiêu hãnh ẩn chứa sức mạnh tung phá thay đổi của chim Bách Thanh đã một lần ta thấy trong bức hoạ Chim Bách Thanh của hoạ sư, danh kiếm Nhật Bản Niten (1582 - 1642). Cái riêng của Mai Văn Phấn là ở khả năng tư duy về biểu tượng vốn dĩ không còn mới và tái thiết chúng trong một cấu trúc khác nhằm biểu đạt những thông điệp thẩm mỹ phong phú hơn nữa. Tác giả tập thơ đã thể hiện con mắt hình học khác khi quan sát cuộc sống. Và vì thế anh thu nhận được những hình ảnh độc đáo, của riêng mình. Một điều đặc biệt là Mai Văn Phấn không có sự phân biệt cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Nói cách khác là anh quan niệm mọi thứ đều là cái được biểu đạt. Nghĩa là, sự vật trước hết tự biểu đạt nó qua lớp nghĩa biểu vật, biểu niệm của từ ngữ. Nó đòi hỏi được bình đẳng với các lớp nghĩa khác có thể có trong quá trình giải mã biểu tượng. Bài Đỉnh gió là một trường hợp như thế khi ta nhận thấy trước tiên ở đấy cuộc tự tình của gió và núi: Núi cuốn nụ hôn lên cao/ Cụm mây xám đúc thành khối/ Giang tay núi đạp chân vào đất/ Vò nát/ Xé toang thân gió/ Ánh sao rơi/ Buổi sớm vỡ oà. Thiên nhiên, con người, vũ trụ đều có những khoảnh khắc tuyệt diệu để bật mầm sinh sôi, để duy trì sự vĩnh hằng của sự sống. Mọi thứ đều có giá trị tồn tại của nó, không lẽ cái biểu đạt không có sự sống khi nó cứ phải mang sứ mệnh biểu đạt cho một cái khác. Giải trung tâm và khước từ đại tự sự thiết nghĩ không phải là gì quá cao khoát, nó biểu hiện ngay chính trong quan điểm này của Mai Văn Phấn. Dĩ nhiên, không phải lúc nào anh cũng nhất quán được nhận thức này. Bởi lẽ, nỗ lực vươn tới “tổ chức kép các lượng ngữ nghĩa” (Nguyễn Phan Cảnh) vẫn là dụng tâm của chủ thể trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

 

Sang đến phần Hình đám cỏ với chín nhịp được phân lập người đọc thực sự bị lạc vào một thế giới mà ở đó tất cả dường như đều khác xa với nguyên mẫu đời thực. Hình ảnh, hình tượng được tạo nên bởi trí tưởng tượng và những cảm nhận chủ quan của chủ thể sáng tạo. Hình đám cỏ là một “siêu hình học” dưới góc nhìn lập thể của Mai Văn Phấn. Đó là một “thế giới của sự cảm thấy và nhận biết” mang tính chủ quan như chính Paplo Picaso đã nói: nó “biểu thị cái đang có” trong người nghệ sĩ. Chủ nghĩa lập thể mang tham vọng: “Nhìn sự vật ở nhiều góc độ khác nhau nhưng lại kết hợp chúng trên một hình tượng nghệ thuật để có thể thấy sự vật toàn vẹn và hoàn chỉnh nhất”: Gió lay nhẹ hoa vàng, màu hoa anh thích/ Có lúc nhầm lẫn hoa dã quỳ/ Hoa thạch thảo, hoa vông vang, hoa mướp…// Anh vội vã ký hoạ vài bông/ Gió mơn man tóc bay lật phật// Vẽ thêm đôi trai gái bé tí bằng nửa cuống hoa/ Lồng khuôn mặt, chung nhau đôi dép/ Không rõ gió đẩy họ về bên nào// Cánh hoa khổng lồ đung đưa trên đầu/ Gió khẽ làm hai người lẫn vào nhau/ Càng bé tí run lên như bão (Nhịp I). Hình ảnh bị lay thổi, dạt nhoà vào nhau với biên độ hẹp và tần suất nhỏ làm cho cảm giác về màu sắc, sự vật trở nên khác thường. Một bức tranh động như chính cuộc sống trong thoáng chốc của thời gian.

 

Chín nhịp thơ là nhịp của lòng người, nhịp của sự giao động những góc nhìn về cuộc sống. Mỗi nhịp thơ là một mảnh ghép tạo nên bức tranh Hình đám cỏ với điểm nhìn và sự tự thể hiện khá độc đáo. Quan niệm mới về cuộc sống, về nghệ thuật đem đến những khám phá lý thú, khơi dậy được đam mê của người tiếp nhận trong hành trình đồng sáng tạo cùng tác giả: Màu rạng đông chìm vào đất/ Tan trong sóng lớn/ Hắt vòm lá xanh/ Con vành khuyên xoá mọi dấu vết (Nhịp III); Bên nhau lặng im nghe bông sen trắng đang nhói sáng vươn trong huệ tưởng (Nhịp IV). Diễn đạt sự trải nghiệm trong trạng thái vận động của thế giới, Mai Văn Phấn hướng người đọc đến bầu trời của sự liên tưởng, tưởng tượng không giới hạn. Dĩ nhiên, tưởng tượng và liên tưởng đều phải dựa trên những cơ sở tâm lý, mỹ cảm nhất định, không phải là sự bịa đặt, sự tuỳ tiện vô căn cứ. Sự gặp gỡ của tác giả và người tiếp nhận trong việc thể nghiệm một hiện thực mới không phải là cái đích duy nhất của Mai Văn Phấn. Có lẽ anh muốn chuyển tải thông tin về một quan niệm, một cách tư duy mới về cuộc sống, con người và thơ ca, vượt lên những hạn định thông thường đã dần mất đi khả năng lay thức tâm hồn người đọc. Rõ ràng, đọc thơ Mai Văn Phấn chúng ta không thể đọc một lần, đọc lướt, không thể đặt nó trong những hệ quy chiếu ổn định của tư duy và mỹ cảm, mà phải thực sự nhập vào thế giới ấy, lắng nghe, liên tưởng, tưởng tượng, tháo dỡ, sắp đặt, tổ chức hình ảnh, hình tượng, liên kết mạch thơ từng dòng, bài, phần, nhịp để có một cấu trúc thẩm mỹ trong tâm tưởng: …bước đi chạm vạt nước đầy hàng cây tên gọi lao xao nhặt hạt heo may miết lên toan trắng phác hoạ hình em màu chẳng còn khô bôi lên lại xoá vẫn không hình hoạ xoay chiều nào vẫn thấy gió lạnh lùa về chênh chếch… (Nhịp VII). Dường như có một nỗi dùng dằng trong bước đi, cái xao động trong lòng ngày trống vắng,… Và còn ở đấy, anh vụng về chênh chao trong nỗi cô đơn, chẳng biết làm gì, chẳng thể làm gì. Anh trống trải và hoang sơ đến tội nghiệp khi gió lạnh thổi về chênh chếch. Như con búp bê Matroska, nếu lắng tâm, người đọc lại có thể mở ra những chân trời mới của sự đồng sáng tạo. Những dòng chữ “bừa bộn” như một sự phó mặc trên sao không phải là sự diễn đạt cái chết của lòng, cái hoang lạnh khi tình yêu đã nguội tắt? Em đã xa, đã nhạt nhoà trong ký ức của anh. Nào có gió lạnh đâu, đấy là cái lạnh của lòng người khi tình yêu đi qua. Dòng thơ triền miên, không dấu nghỉ, hình thức khá “lộn xộn” và “lười biếng” như chính con người và cuộc sống của anh trong ngày không có em! Có một điều khá lý thú là với những kiểu sáng tạo thơ như thế này, cơ hội “kết hợp” (R. Jakobson) từ trong chuỗi ngữ ngôn gần như được trao cho độc giả. Và có những chân trời nào được mở ra tuỳ thuộc vào đôi cánh của người tiếp nhận. Đôi cánh ấy là liên tưởng, tưởng tượng, suy tưởng, là vốn sống, vốn văn hoá, sự trải nghiệm gắn bó mật thiết với những quy chiếu của cộng đồng, dân tộc và thời đại.

 

Không phải ngẫu nhiên Mai Văn Phấn tổ chức tác phẩm của mình thành ba phần. Phần đầu và cuối đều có chín nhịp khá đều đặn như nhịp cánh bay tới Bầu trời không mái che. Chẳng biết anh có dụng ý thiết tạo trong thơ mình một cấu trúc “phản hồi và lặp lại” mang dấu ấn của “hiệu ứng cánh bướm” hay không, nhưng quả thật, mỗi nhịp thơ là một nhịp vận động của thế giới, của tâm tưởng. Phản hồi và lặp lại nhưng không trùng khít, luôn có những sai khác do tác động của những đối tượng ngoại hiện tham gia tình cờ vào cơ chế nội tâm và cũng làm thay đổi chính hiện thực khách quan qua những góc nhìn chuyển động.

 

Thơ Mai Văn Phấn quyến luyến người đọc không phải bằng sự mượt mà du dương của vần điệu. Sức hấp dẫn của thơ anh nằm ở thế năng trong cấu trúc ngôn từ và hình ảnh. Đó chính là những lập thể của ký ức và tưởng tượng, những chất chồng, đan cài, lồng hiện của hình ảnh, hình tượng thông qua các thủ pháp nghệ thuật đã được dụng công gia cường. Như một tình nhân khó tính, thơ Mai Văn Phấn khiến người ta mất nhiều tâm sức để chinh phục và khi đã bén duyên thì không thể dứt ra được. Thành thử ta cứ phải nghĩ, phải “tương tư”, và mỗi ngày ta lại phát hiện ra trong thế giới nghệ thuật của Mai Văn Phấn những vẻ đẹp khiến lòng ta phải rung động. Với Bầu trời không mái che, Mai Văn Phấn gieo vào lòng người niềm tin về một thế giới không hẳn như những gì chúng ta nhìn thấy nhưng chân thực. Hy vọng với đôi cánh mang nhiều hoài bão của mình, Mai Văn Phấn sẽ bay xa hơn nữa và đem về cho ta những Mùa trăng tạo sinh, chờ một ngày thay đổi để lớn lên.

 

 

 

(còn nữa)

 

 

 

Bìa tập thơ BẦU TRỜI KHÔNG MÁI CHE

 


BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị