MVP và hành trình thơ... (chuyên luận - II) - Ngô Hương Giang & Nguyễn Thanh Tâm

Ngô Hương Giang - Nguyễn Thanh Tâm




Bìa sơ-mi

 

 

 

maivanphan.vn: Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã phát hành cuốn sách chuyên luận Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác của 2 tác giả Ngô Hương Giang (Viện Triết học) và Nguyễn Thanh Tâm (Viện Văn học) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Tiếp theo phần Dẫn nhập của Ngô Hương Giang, được sự đồng ý của 2 tác giả, từ hôm nay chúng tôi cho đăng nội dung cuốn sách, lần lượt theo từng kỳ. Mở đầu là Chương I: Chú giải thơ Mai Văn Phấn của Nguyễn Thanh Tâm. Trân trọng cảm ơn  2 tác giả Ngô Hương Giang và Nguyễn Thanh Tâm!
 


 

 

 
Bìa cứng






 

Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác (II)

  

 


 

Chương I

CHÚ GIẢI THƠ MAI VĂN PHẤN

  


Nguyễn Thanh Tâm

  


Không có điều gì phi lý và bất ổn hơn việc đem hồn mình để hiểu hồn người. Cái luận đề đã cũ ấy vẫn còn là niềm đinh ninh của không ít người đọc thơ, thưởng thức và phê bình thơ. Đem một quy chiếu này để ướm đo vào một quy chiếu khác, kết cục của nó dường như đã được biết trước. Trong thế giới chúng ta đang sống, cái khác hiện diện như một quy luật, một tất yếu và là một giá trị. Bởi thế, nó tuyên cáo về sự bất ổn, chông chênh của diễn giải theo tinh thần “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. Chúng ta không bao giờ có thể nói được rằng chúng ta đã hiểu, có thể hiểu được tâm hồn kẻ khác. Cái mà chúng ta nói rằng, đấy, hồn thơ của nhà thơ ấy là vậy, chẳng qua chỉ là sự gán ghép mang đầy tính chủ quan. Sự thực, đó là hồn ta, ta sở thuộc những kinh nghiệm ấy và trừu xuất ra ngôn ngữ, văn bản, lời nói khi bắt gặp một tình huống ngôn ngữ, thi ca nhất định nào đó. Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới là mới với Hoài Thanh, Hoài Chân, bởi Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Đinh Hùng, Xuân Thu nhã tập, Dạ đài,… mới hơn Xuân Diệu. Ngay cả Nguyễn Bính có khi còn mới hơn Xuân Diệu trong một vài tình huống thi ca nào đó(1). Nói vậy, có nghĩa diễn giải thi ca chẳng qua là cách chúng ta trình hiện một kinh nghiệm của bản thân trong tình huống ngôn ngữ mà chủ thể vừa bắt gặp. Ngôn ngữ thi ca là một bối cảnh, một xúc tác, một ngòi nổ để dẫn đến một thế giới của “ý hướng tính” ẩn giấu kinh nghiệm tinh thần, thẩm mỹ của chủ thể đọc. Điều này dường như đã hàm chứa trong nó thông điệp về việc luận giải, phê bình thơ là sự tìm kiếm tự ngã trong những viễn du và gặp gỡ với tha nhân.

 

Luận giải thơ Mai Văn Phấn sẽ thoát ra khỏi sự phi lý của việc áp đặt một quy chiếu cá nhân vào kẻ khác. Nó đơn giản chỉ là bản tường trình của những chuyến đi, sau những tình huống ngôn ngữ, thi ca đã gặp. Thế giới hiện diện trong luận giải này, như đã nói, là kết quả của những thể nghiệm bản thể trên đối tượng là thi giới Mai Văn Phấn. Sự nhất quán tinh thần này giải trừ một sai lầm sẽ đến từ kẻ thứ ba (số nhiều) về việc người diễn giải đã đi quá xa, hay thiển cận đến bất ngờ trong những gì anh ta miêu tả, biểu thuật. Đúng như vậy, đó không phải là tâm hồn của Mai Văn Phấn, đó là thế giới của chủ thể đọc, chủ thể luận giải được sản sinh từ niềm hạnh ngộ với thi ca. Ở một khoảnh khắc nào đó, thế giới của tự ngã và tha nhân có thể gặp nhau, trùng lên những kinh nghiệm, xúc cảm, thế giới quan, giá trị quan…, nhưng hẳn nhiên không phải là đòi hỏi tất yếu. Trong những cuộc viễn trình, niềm yêu thích và sự quan tâm nhất định nào đó sẽ dẫn chủ thể luận giải đến với từng hiện tượng. Nó không có tiên ước, nên không thể trách nó đã bỏ qua những hạt ngọc, viên sỏi nào đó trên đường đi.

  

Luận giải thơ Mai Văn Phấn sẽ làm thất vọng nhiều người muốn thâu tóm, nắm bắt cái vô hình, trừu tượng trong một vài khái niệm, kinh nghiệm giản đơn. Nó cũng không đặt ra việc minh định có tính cứng nhắc về thi ca Mai Văn Phấn. Luận giải này diễn dịch kinh nghiệm (của tôi) về thơ Mai Văn Phấn với tính chủ quan không hề che giấu. Sự chờ đợi những luận giải từ các nhà phê bình, các độc giả tinh anh hàng đầu về thơ Mai Văn Phấn đã khiến chúng ta mỏi mệt. Bởi thế, những luận giải ở đây có tính chất như một thu hoạch, một kết quả của sự tìm kiếm cá nhân, dựa trên những kinh nghiệm thẩm mỹ, tinh thần và tri thức của chủ thể luận giải. Nó không mong đợi sự tán thưởng, nó cần những tiếng nói phản biện. Nhưng trên hết, nó kêu gọi những sự đọc khác, những luận giải khác.

 

Luận giải thơ Mai Văn Phấn ngoài mục đích trình hiện một sự đọc, một sự hiểu còn hàm ý về khả năng đọc thơ đương đại với những trường hợp khó như Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, tân hình thức, những thể nghiệm thơ văn xuôi, không vần, không dấu, không ngắt câu, chia đoạn, chia khổ,… Trong bối cảnh thi ca không vụ ở “nhãn tự”, “thần cú”, đã rũ bỏ vần, khổ, hướng đến nhiều khả năng cho sự tự biểu hiện, đọc thơ cũng cần rũ bỏ nhiều kinh nghiệm đã lạc hậu và thiếu khả thi. Sự thẩm nhập của nhiều sắc thái thể loại, loại hình nghệ thuật trong thơ khiến cho thơ đương đại có thêm hình thức mới, tân kỳ hơn, lạ hơn, nhưng cũng nhân đó mà tính gây hấn cũng tiềm tàng không ít. Đọc thơ, như thế phải hiểu là chủ thể đang kiếm tìm tự ngã (tìm mình) chứ không phải là phán xét tha nhân. Phê bình là một siêu ngôn ngữ, nhưng nó là thứ siêu ngôn ngữ thuộc về và làm hiện diện trước hết chủ thể phê bình. Điều này trả lời cho việc tại sao có người đọc được, có người không đọc được thơ hiện nay. Không đọc được nghĩa là không giao tiếp, không chơi được trò chơi ấy. Bởi lẽ, người chơi không nắm được luật chơi, không có thứ ngôn ngữ cần thiết để giao tiếp trong vương quốc thi ca.

 

Toàn bộ những luận giải về thơ Mai Văn Phấn ở đây là “kinh nghiệm thẩm mỹ” (H.R. Jauss) của sự đọc. Như đã nói, sẽ có chỗ “bản ngã gặp gỡ tha nhân” (G. Marcel), khai mở một thế giới đóng kín. Nhưng, niềm hy vọng ấy không thường trực, bởi lẽ, cái tôi bản thể của thơ đương đại, tự nó có xu hướng đóng kín. Lý giải cho điều này sẽ cần những khảo sát toàn diện hơn, nhưng, trong thời đại toàn cầu hoá, khi thế giới phẳng thêm mỗi ngày, khi sự bất trắc và tai ương luôn rình rập, khi các giá trị luôn biến thiên đến chóng mặt, cái tôi bản thể soi mình trong kho tàng giá trị nhân loại, trong những sở cầu nhân văn phổ quát, tự thấy mình bất lực, cô độc, không được chia sẻ. Mai Văn Phấn có thể đã được chia sẻ nơi nào đó trên hành trình thi ca của mình. Tôi đoán rằng, ở lục bát, ở chặng thơ đầu, có những bài thơ nho nhỏ, xinh xinh về gia đình, đứa con bé bỏng..., nhưng anh cô độc trong những suy tưởng về cuộc đời, về giá trị sống, về tương lai của thế giới, loài người. Anh cũng sẽ cô độc ở những tưởng tượng về thế giới trong đôi mắt thi nhân vốn giàu tưởng tượng và cảm nhận được rằng thế giới phức tạp, đa nguyên hơn những gì con người có thể nhìn thấy. Mặt khác, Mai Văn Phấn cô độc bởi chính sự trình hiện những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thẩm mỹ, văn hoá của anh. A. Einstein cương quyết Thế giới như tôi thấy, và, thế giới như Mai Văn Phấn thấy đâu phải lúc nào cũng giống với cái người khác thấy. Nỗi cô độc cứ dày hơn, quay quắt hơn, khiến chính anh đã có lúc hoang mang, nghi hoặc. Người đọc cũng không ít hoài nghi. Nhưng, nếu cứ ngoảnh đi, mặc những nỗi niềm cô độc, mặc những tiếng kêu thăm thẳm âm u, chúng ta sẽ bỏ rơi đâu đó trong nỗi thờ ơ của mình những sự sống.

 

Những gì Mai Văn Phấn có thể được chia sẻ, đã được chia sẻ, chúng tôi không nhắc lại. Phần luận giải này chỉ đề cập đến những gì bản thân sự đọc cho là sẽ gây khó cho Mai Văn Phấn và tha nhân trong quá trình tìm kiếm sự “thông tri” (F. Nietzsche). Tôi không hiểu được anh ấy, chỉ là tôi nói cách tôi hiểu về anh ấy. Luận giải này là sự hiện ra của cách hiểu như thế. Và, đương nhiên, những luận giải này cũng chỉ là những tham khảo, một trị số trong một kết hợp biến mà không phải là tất cả trị nghiệm của hàm mang tên Mai Văn Phấn. Cho đến thời điểm 2014, Mai Văn Phấn đã có 21 tập thơ, trong đó 10 tập thơ được tái bản hoặc tái bản nhiều lần có bổ sung bản Anh ngữ, Pháp ngữ, hoặc Anbani ngữ; các tập thơ tiêu biểu như, Giọt nắng - 1992, Gọi xanh - 1995, Cầu nguyện ban mai - 1997, Nghi lễ nhận tên - 1999, Người cùng thời (trường ca) - 1999, Vách nước - 2003, Hôm sau - 2009, Và đột nhiên gió thổi - 2009, Bầu trời không mái che - 2010, Hoa giấu mặt - 2012, Vừa sinh ra ở đó - 2013, Những hạt giống của đêm và ngày - 2013, Buông tay cho trời rạng - 2013, Những nguyên âm trong sương sớm - 2014)... Tuy nhiên, phần luận giải này không thể giải quyết hết số lượng thơ đồ sộ như thế. Bên cạnh đó, những tập thơ được tái bản hoặc được tuyển lại với những bài thơ đã có ở tập trước chúng tôi cũng không luận giải. Mặt khác, ở những tập đầu, do việc những yếu tố cách tân mới bắt đầu manh nha, cái khó mới ở dạng yếu tố, nên luận giải chỉ lượm lặt mà không bao quát tất cả. Các tập thơ sau, khi cách tân trở thành hoạt lực chủ yếu, biểu hiện một cách nhất quán, phổ biến ở tầm vóc cả tập, nhiều tập, chúng tôi dành nhiều thời gian để luận giải kỹ lưỡng. Nhưng, cũng phải nói lại, tính chất không vụ ở câu, chữ, vần của thơ Mai Văn Phấn, mà vụ ở toàn bộ thi tứ của bài, của tập, ở nhịp điệu của hình ảnh và chất thơ trong cấu trúc ngôn từ đã khiến cho việc chú giải từng chữ, từng câu, từng hình ảnh lại là một việc không hẳn hợp lý. Bởi thế, chúng tôi sẽ luận giải trên tinh thần: vừa chú ý đến từng hiện tượng vừa bao quát toàn bộ tập thơ để tìm kiếm chất thơ của những cấu trúc ngôn ngữ - văn bản ấy.

 

N.T.T

 

______________

(1) Trong những khảo sát của chúng tôi về thể thơ lục bát của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử (nghĩa là lục bát Thơ mới, không phải là lục bát truyền thống),… đối chiếu với Phan Diễm Phương khi khảo sát lục bát truyền thống, thú vị là Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Huy Cận có xu hướng phá vỡ các cấu trúc âm vận truyền thống, trong khi Xuân Diệu lại gần như tuân thủ tuyệt đối luật lệ của lục bát truyền thống.





     

I. GIỌT NẮNG, Hội Văn nghệ Hải Phòng, 1992

    






Hồn nhiên

 

Khi tôi ngủ say hồn ra khỏi xác(1)

Lâng lâng trên những cánh hoa

Lang thang như xưa lúc mẹ vắng nhà(2)

Quên thể xác đăm chiêu lầm lũi(3)

 

Ừ, thì ra cát bụi

Là một đời thân xác đớn đau

Gió vẫn ru xanh mướt ở trên đầu

Trời rót xuống từng cơn mưa đằm thắm.

 

Cái ác đã ngủ yên trong nhuỵ đắng(4)

Cho đất lành thơm mát đến rưng rưng

Hồn tôi lung linh hạt nắng

Rơi xuống đồng xanh không cùng.

 

Và rạng đông!

                       Từng giọt rạng đông!

Tôi lại nhập hồn về với xác

Chẳng phải tôi, cũng không là người khác

Để hồn nhiên cất tiếng khóc lọt lòng(5).

 

______________

(1) Một tưởng tượng về việc thoát khỏi thân xác. Đây là hiện tượng phân thân thành nhiều nhân cách, đánh dấu những vận động đầu tiên cho thấy tư duy phân mảnh, đổ vỡ nguyên tôi của Mai Văn Phấn. Trong lịch sử thơ Việt Nam, lối tư duy kiến tạo cái nguyên tôi với nhiều hình thái phân thân đã có trong thế giới nghệ thuật của Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, cái nguyên tôi của Hàn Mặc Tử có vỡ ra thành muôn mảnh (xác, hồn, máu, lệ, trăng, sao, gió,…) vẫn thống nhất là một cái tôi đau thương và khát khao siêu thoát. Cái tôi của Mai Văn Phấn đã manh nha hơi hướng đa ngã, đa nhân cách - một biểu hiện của tinh thần hậu hiện đại.

 

(2) Một ký ức tuổi thơ.

 

(3) Sự đối lập thân xác lầm lũi, đăm chiêu với tâm hồn thanh nhẹ, hồn nhiên. Đây là một dạng thức “mơ về”, “mơ mộng” (rêverie) để thoát khỏi thực tại, giải phóng bản ngã. Hư cấu tưởng tượng này là một con đường để biểu đạt nhận thức siêu hình, tiệm cận những chân lý bị che giấu.

 

(4) Sự đối lập thân xác lầm lũi, đăm chiêu với tâm hồn thanh nhẹ, hồn nhiên. Đây là một dạng thức “mơ về”, “mơ mộng” (rêverie) để thoát khỏi thực tại, giải phóng bản ngã. Hư cấu tưởng tượng này là một con đường để biểu đạt nhận thức siêu hình, tiệm cận những chân lý bị che giấu.

 

(5) Sự sinh hạ một con người mới. Đó không phải là sự trở về của linh hồn theo kinh nghiệm của dân gian hay của các nhà Huyền học Cát Minh, đó là một sự đầu thai. Từ lúc ấy, con người được thanh lọc đã ra đời hiện hữu một nhân cách hồn nhiên.

    






Thuốc đắng

 

(Cho Ngọc Trâm)

 

Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa

Cha cũng có thể thành tro nữa

Thuốc đắng không chờ được rồi

Giữ tay con

               Cha đổ

Ngậm ngùi thả lòng chén vơi...

 

Con ơi! Tí tách sương rơi

Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh

Và những cánh hoa mỏng mảnh

Đưa hương phải nhờ rễ cay.

 

Mồ hôi keo thành chai tay(1)

 

Mùa xuân tràn vào chén đắng

Tuổi cha nước mắt lặng lặng

Sự thật khóc oà vu vơ.

 

Con đang ăn gì trong mơ

Cha để chén lên cửa sổ

Khi lớn bằng cha bây giờ

Đáy chén chắc còn bão tố(2).

 

______________

(1) Một liên tưởng mang tính chất hoán dụ. Cuộc đời con người đầy nhọc nhằn, vất vả.

 

(2) Cơn bão của lòng cha, cơn bão sợ hãi của đứa con thơ dại và cơn bão của đời người. Bão tố như là một định mệnh, một tiên nghiệm.

     






Màu xanh

 


Trái đất - Căn nhà hộ sinh(1)

Tiếng trẻ con chào đời truyền trong không gian xanh những dòng mật mã...(2)

 

Đêm đầu mùa

Anh cuống quýt hôn em qua kẽ lá

Khi sương tan cành biêng biếc xanh.

 

Cô đơn tràn bãi trưa hanh

Mùa đi rung cây lá đổ

Phải dằn dữ và cũng mềm như gió(3)

Gió từ biển xanh mang sắc của trời.

 

Bình minh lên chiếu sáng nửa đời

Còn nửa kia chìm vào bóng tối

Bao lối cỏ cứ xanh vội vội

Thấm lên bàn chân ai qua.

 

Sóng trên cây thầm thĩ mỗi hiên nhà(4)

Con đò thời gian hối hả

Khi mỗi chúng ta là chiếc lá

Thì rừng hoang bỗng hoá nhà mình.

 

Trái đất - Căn nhà hộ sinh

Tiếng trẻ con chào đời truyền trong không gian xanh những dòng mật mã...

 

______________

(1) Một liên tưởng: nơi con người được sinh ra.

 

(2) Mật mã: những tín hiệu/ ký hiệu của sự sống kỳ diệu và bí ẩn.

 

(3) Thời gian, mùa, năm tháng là những ẩn dụ về sự chảy trôi của cuộc đời, những sinh ra và cả những mất đi, rụng xuống. Quy luật vừa dằn dữ vừa diệu kỳ của sự sống.

 

(4) Sóng trên cây: gió từ biển xanh - một liên tưởng tương cận/ nhân quả. Gió thổi trên cây như sóng, trong gió có hình ảnh của sóng từ biển, tiếng gió thổi trên cây trước hiên nhà như sóng,…

     






Hoang tưởng năm 2000

 


Chúa Jê-su và Phật Thích-ca

Trên cỗ xe năm 2000

Cả Người tôi yêu mến nữa

Họ cùng bên nhau lặng yên.

 

Thế rồi xe tới Hoàn nguyên(1)

Họ vụt òa lên nức nở

Nước mắt thành đầu còn cỗ xe thành chân trẻ nhỏ(2)

Khi gửi xiêm y vào gió

Họ ôm chầm lấy nhau(3).

 

______________

(1) Một cách diễn đạt về thế giới giải thoát. Hoàn nguyên được biết đến như là con đường trở lại nhất thể bằng kiên trì chính niệm, tu tâm dưỡng tánh, gạt bỏ dục luỵ, đạt đến sự thông suốt, sáng tỏ. Hoàn nguyên còn là trạng thái cuối cùng: trở lại bản nguyên chân thật.

 

(2) Một tưởng tượng lập thể. Trạng thái con người đạt tới bản nguyên, nước mắt của niềm hạnh phúc vô biên, đôi chân của hồn nhiên như được tái sinh. Lập thể nhấn mạnh vào những ấn tượng của trực giác, của thế giới được tưởng tượng, hình dung không phải là thế giới được tri kiến bằng thị giác lý trí.

 

(3) Khi gửi xiêm y vào gió - rũ bỏ những hình thức làm nên sự khác biệt/ phân biệt, con người vươn tới hoàn nguyên: một dự tưởng về đại đồng.

     






Mơ thực

 

Chợp mắt mười lăm phút

Mà mơ dằng dặc mấy mươi năm

Tỉnh mộng

             Mộng còn

                              Vật vã...

Ngoài vườn gió thu đang xéo lên tán lá

Phải tĩnh tâm để bàn tay hoang dã

Cúi nhặt từng chiếc lá rơi(1).

 

8/1991

 

______________

(1) Một ẩn dụ về quy luật của tạo hoá. Sự tĩnh tâm trước lẽ mất còn, cái nhỏ bé của đời người, cái vô biên của hoang dã (theo nghĩa là tự nhiên vô cùng) vừa nghiệt ngã nhưng cũng bao dung, rộng lượng. Tự nhiên không từ chối con người bao giờ. Tự nhiên sẽ nhặt lấy tất cả, sẽ ôm tất cả vào lòng mình.

      






Không đề I


Con chim bay vút lên không
Ðể lại gió với cánh đồng rộng thênh
...
Phù sa trôi lúc sóng duềnh
Thương cây cuối bãi đầu ghềnh cạn khô
...
Gọi tìm tôi thuở dại khờ
Về thương tôi của bây giờ tinh khôn(1).


______________

(1) Phản tư về con người tinh khôn, đánh mất những hồn nhiên thơ ấu. Con người tinh khôn là một tha hoá khỏi bản nguyên.

    






Chân thật

 

Anh nghiêng vào chiếc lá

Lá bỗng đôm đốm vàng

Có giọt sương lạnh giá

Rơi xuống hồn anh đang

 

Lẫm chẫm vào xốn xang(1)

Cho lòng mềm tơ lụa

Xin em hong lên gió

Xem sợi nào ngân nga.

 

Gieo mình xuống phù sa

Bàng hoàng nghe tách vỏ

Ủ chân thật vào giữa

Chờ mùa xuân nảy mầm.

 

______________

(1) Vắt dòng từ khổ 1. Cách kiến tạo hình thức văn bản này đã có từ Thơ mới trong những trạng thái tràn đầy của xúc cảm (Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử). Vắt dòng tạo nên sự tràn nhịp, sau này còn thấy trong những thực hành thơ Tân hình thức (đại diện là Khế Iêm) dựa trên quy luật phản hồi, lặp lại và “hiệu ứng cánh bướm”. Theo đó, những tham gia của các đại lượng ngẫu nhiên có thể dẫn đên những thay đổi lớn trong một hệ gốc nào đó. Hiệu ứng cánh bướm là một mô phỏng về tính hỗn mang, phi quy luật, tương đối và bất toàn. Trong văn hoá đương đại, hiệu ứng cánh bướm được triển dụng như là một miêu tả về tính nghịch lý, không đoán định. Diễn giải này có thể đi xa hơn thực hành thơ của Mai Văn Phấn ở đây (1992) - “lẫm chẫm vào xốn xang”, nhưng sẽ rõ hơn ở những tập thơ sau. Vắt dòng trước hết hoài nghi, thách thức những hình thức biểu đạt mỹ cảm cũ trong các thể thơ truyền thống, hướng tới việc tự do hơn trong triển khai cảm xúc và tư duy.

     






Lời người trồng hoa 

(Kính tặng anh Thi Hoàng)

 

Tôi trồng hoa từ bãi dâu xanh đến lúc phơi tơ

Xoè năm ngón ngậm ngùi có mùa hên mùa mất.

 

Tôi trồng hoa nơi cỗi cằn đất không còn là đất

Mưa đang tái sinh bỗng lại nắng lụi tàn

Chợt có heo may

                              Chợt

                                  Và bất chợt...(1)

Hoa vẫn đốt lên cho sáng cái hang sâu hun hút bốn mùa(2).

 

Công bằng là trời xanh, oan khuất đến như mây(3)

Chỉ có cánh hoa là nghe thấy cả.

Nơi đất mỡ màu, cây có khi chỉ toàn ra lá

Lá cũng lại như bài học công bằng(4).

 

Trọn mộtt kiếp người

Hoa uống cạn nước mắt với mồ hôi

Chim có về bới tóc tôi mà làm tổ?(5).

 

______________

(1) Một thao thức về những ngẫu nhiên.

 

(2) Một ý niệm về sự soi sáng của giá trị. Hoa là giá trị mà con người hướng đến, soi sáng cái hang sâu hun hút của đời người.

 

(3) Mây oan khuất trong một định mệnh chẳng bao giờ được có hình hài.

 

(4) Bài học công bằng của lá phải được đặt trong tương quan với hoa. Ở trên, hoa nở trên những miền khô cằn, nhưng hoa thắp sáng đời người. Lá mọc nơi đất mỡ màu có khi lại không có được niềm vui thắm sáng những hang sâu hun hút của cõi sống.

 

(5) Sự dâng hiến cho niềm tin về giá trị. Cũng có thể là một trạng thái mang ý niệm
đại đồng.

     






Em xa

 

(Tặng Ng.)

Nơi ấy da thịt em đã ngủ, bởi trong anh có tiếng tâm linh
đang thì thầm:

Em lần theo bóng mây trôi
Thấm qua sóng lá vô hồi
Ðằm vào anh tiếng chim đôi bất ngờ
Làm vang lên những dây tơ vừa chùng.

Nhoà tan anh với mung lung
Em là giếng gió trong lòng
Nhấn chìm anh thoắt đã không còn gì
Hư vô thành thật cũng vì yêu em!(1)

Tiếng em gọi chói chang bên kia sông mơ, con thuyền anh bỗng thành con chó nhỏ (... )(2)

 

______________

(1) Sự phá vỡ cấu trúc thể lục bát. Thể 6/8 đã được kiến trúc lại dưới dạng 6/6/8/8 (ở đây) hoặc 8/8/6/6/ như ở bài Hồn nhiên phía trên. Cảm giác lạ lẫm khởi sinh từ những định dạng mới này.

 

(2) Trước hết là một liên tưởng hồn nhiên, đáng yêu của kẻ đang yêu. Về mặt hình thức, có thể nhận ra sự xâm thực của các thể thơ vào nhau hay đúng hơn là một thể hỗn dung.

 

  

(còn nữa)









Bìa 1 tập thơ GIỌT NẮNG





BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị