Một cảm nhận khác về bài thơ " Tĩnh lặng" số 14 của Mai Văn Phấn (chú giải). Nguyễn Tuấn
Một cảm nhận khác về bài thơ " Tĩnh lặng" số 14
của Mai Văn Phấn
Tác giả Nguyễn Tuấn
Nguyễn Tuấn
Tĩnh lặng (14)
Là chiếc cầu vắt
qua đôi bờ
Thân cốt thép
Được xây bằng
gạch
Lòng viên gạch
nhiều năm vẫn hồng
Lát cạnh nhau
Đường đi rất
phẳng
Có tiếng chân
người
Hay móng chân
muông thú
Cây cầu rung
lên
Tôi ngồi kiết
già*
Dưới chân cầu
mặt nước phẳng lặng
Tôi biết nước
vẫn trôi đi.
Mai Văn Phấn
(Rút từ tập thơ “Vừa sinh ra ở đó”. Nxb. Hội Nhà văn, 2013)
__________
* Ngồi vắt chéo hai chân lên nhau hình hoa sen.
Theo cảm nhận của tôi, xuyên suốt chùm bài
" Tĩnh Lặng" là chung một cảm thức, một tâm thế trước ngoại vật và
trong chính tâm hồn tác giả, nói cụ thể hơn đó chính là sự nhận thức trong trạng
thái Thiền. Hiểu đơn giản, Thiền là sống trọn vẹn, sâu sắc với thực tại bằng cảm
nhận đa tầng từ đó tạo nên sự bình an, lĩnh lặng, thanh sạch trong tâm tưởng.
Bài thơ mở ra một không gian khoáng đạt, rộng
lớn, nhưng lại tập trung vào ba điểm nhấn như một hình tam giác. Một cây cầu cốt
thép lát gạch, bên dưới là một dòng sông, và một con người đang nhắm mắt theo
tư thế Kiết Già. Và đương nhiên, giữa các đối tượng này có sự liên quan đến
nhau bằng một sợi dây vô hình, mà chủ thể cảm nhận chính là người đang hành Thiền.
Seri bài " Tĩnh lặng" có nhiều kiểu nhận thức, nhưng bài này thì kiểu
nhận thức sâu nhất là nhìn sâu vào bản chất của sự vật hiện tượng, coi nó như một
sinh thể bình đẳng với bản thân. Một cây cầu vắt qua đôi bờ, cốt thép và xây bằng
gạch, tưởng tượng về hình ảnh này chỉ thấy sự nặng nề, khô cứng, đỉnh cao của sự
vô tri, vô giác. Và bên trên lát gạch, những viên gạch đã nhiều năm nằm cạnh
nhau, bao nhiêu bước chân đi qua đã phẳng lì. Tuy nhiên, nếu chỉ có thế, thì chả
có gì đáng nói, vì nó cũng là một cây cầu bình thường như bao cây cầu khác.
Nhưng chỉ một chi tiết " Lòng viên gạch nhiều năm vẫn hồng", thì người
đọc lại có một liên tưởng khác. Rõ ràng, đây là nhận định của người hành thiền,
nhưng cái màu sắc hồng đó về mặt vật lý có thể đúng, có thể sai, biết đâu, bên
trong viên gạch đã mọt hết. Theo tôi" sắc hồng" của lòng viên gạch phải
chăng là cái phần hồn của nó, bởi chúng ta có dám chắc những vật mà chúng ta
cho rằng vô tri, vô giác không có hồn. Và chi tiết này sẽ có một mối liên hệ
logic với hình ảnh phần dưới, nó là chiếc chìa khoá để củng cố cho nhận định:
Trong cảm thức của tác giả, một chiếc cầu khô cứng, lạnh lẽo cũng có tâm hồn, một
viên gạch nhỏ bé cam chịu, bị quên lãng cũng có tâm hồn, và cái vẻ đẹp, cái
" sắc hồng" đó là mãi mãi.
Càng ngày tôi càng thích câu: " Quý hồ
tinh, bất quý hồ đa". Minh chứng của quy luật này được thể hiện rất rõ
trong bài thơ. Dù bài thơ chỉ có 12 câu, nhưng việc bố trí " trận địa"
là rất tinh vi và chặt chẽ, và cách đặt các " kíp nổ" cực kì khéo
léo. Điều này có thể được kế thừa theo thủ pháp tinh hoa của thơ Đường, đó là
cách sử dụng "nhãn tự". Chính cái sắc hồng của lòng gạch đã tạo nên
cái" rung lên" của cây cầu ở phần dưới. Người viết đã rất khôn khéo
khi "rào" ngay từ đầu : Một chiếc cầu cốt thép, xây bằng gạch. Nghĩa
là đây là một cây cầu cực kì chắc chắn, chứ không phải là cầu tre, cầu khỉ mà
chỉ một lực tác động nhỏ đã rung rinh, dao động. Người hành thiền đang nhắm mắt
và nghe thấy tiếng động trên mặt cầu, có thể tiếng chân người hay tiếng móng
chân muông thú. Tôi dám chắc rằng, chủ thể cảm nhận có thể biết đó là tiếng gì,
nhưng đó không phải mối quan tâm của ông ta. Bởi ông ta chỉ tập trung vào sự việc:
" Cây cầu rung lên". Về mặt cơ học, thì với cây cầu kiên cố như vậy,
tác động lực của chân người hay thú không đủ để tạo ra những rung động mà có thể
cảm nhận bằng cảm giác. Vậy giả thuyết, tác giả cảm nhận bằng giác quan của
mình, dù sắc bén đến đâu để nghe thấy điều đó được bác bỏ. Cái " rung
lên" ở đây chỉ có thể được cảm nhận bằng tâm hồn, sự giao cảm sâu sắc với
ngoại vật. Ở đây ta có thể thấy, trong nhận thức của tác giả, chính cây cầu
cũng đang giao cảm với những bước chân, cái rung lên đó là cái rung lên của cảm
xúc, và nhà thơ đã bắt được sự giao cảm đó cũng bằng một sự giao cảm.
Đối tượng thứ ba được nhắc đến trong bức
tranh chính là dòng sông dưới chân cầu. Một dòng sông phẳng lặng không gợn
sóng. Tôi băn khoăn, không biết người đang ngồi thiền thế Kiết Già đang ở vị trí
nào để quan sát, nhưng trong tưởng tượng của tôi, tư thế đó như một bông hoa
sen bình thản,nhẹ nhàng trôi giữa không trung và cái tương tác với sự vật hiện
tượng bên ngoài theo cơ chế bí ẩn nào đó, thậm chí vượt qua được các rào cản về
không gian thời gian. Và cái nhìn xuyên thấu đó không phải cái nhìn của thị
giác, nó là cái nhìn trong cõi sâu thẳm linh thiêng nào đó trong con người. Mặt
nước phẳng lặng kia tưởng như bất động, nhưng thực ra nó đang trôi, và trong
lòng nó cũng chứa đựng bao tâm sự, những ẩn ức thân phận như chúng ta, cũng như
chúng ta vẫn nói cười dù trái tim đang tan nát.
Dù hình ảnh người ngồi thế"
kiết già" chỉ xuất hiện một lần, nhưng cũng đủ để chúng ta hình dung về sự
vận động trong bài thơ. Các sự vật hiện tượng đặt cạnh nhau, tưởng như rời rạc
và chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng thực ra luôn có những " mật khẩu"
để nhìn ra mạng lưới vô hình đó. Chủ thể cảm nhận giống như cái trạm thu phát
sóng, bắt sóng của tất cả những sự vật xung quanh mình bằng một tâm hồn mẫn cảm,
tinh khiết và tĩnh lặng. Có thể những sự vật đó ngay trước mắt nhưng cũng có thể
đến từ một phương xa thẳm nào đó trong trí tưởng tượng, nhưng trái tim yêu đời,
nhân hậu của nhà thơ luôn là chủ mưu cho những cuộc dan díu đó.
(Nguồn: Facebook của Nguyễn Tuấn)
