Tuệ Mỹ

Tác giả Tuệ Mỹ
Đọc bài thơ “Dặn em” của Mai Văn Phấn
Dặn em
Bông cúc ấy sắp tàn
Nhớ lấy màu hoa
Đan áo
(Rút
từ tập thơ "hoa giấu mặt" Nxb Hội nhà văn 2012)
Mai Văn Phấn
Lời bình của tác giả Tuệ Mỹ:
"Dặn em", chắc hẳn đây là lời của nhân
vật “anh” - nhà thơ, nói với người yêu hay với người bạn đời của mình. Vì chỉ
có gắn bó mật thiết với người mình yêu dấu nên anh mới ân cần dặn dò. Anh
"dặn em" điều gì?
Bông cúc ấy
sắp tàn
Nhớ lấy màu
hoa
Đan áo
Hoa cúc có nhiều loại: cúc vàng, cúc trắng,
cúc tím, cúc Tây, cúc vạn thọ, cúc họa mi… nhưng Mai Văn Phấn không nói rõ tên
loài cúc nào mà chỉ dùng từ "ấy". Với từ phiếm chỉ "ấy", có
phải anh muốn gợi nhắc em về một kỷ niệm nào đó chăng? Có thể "bông cúc
ấy" gắn liền với kỷ niệm tình yêu của anh và em, hai người yêu nhau khi
mùa cúc đương độ. Hay gợi nhắc đến mẹ. Chẳng phải truyện dân gian "Bông
cúc trắng" đã làm xúc động lòng người về tấm lòng hiếu thảo của con đối
với mẹ. Nhưng có lẽ "bông cúc ấy" được dùng trong tình huống này là
để nói về mùa thu. Vì bông cúc là tín hiệu của mùa thu, trong khi anh là thi
sĩ. Thi sĩ và mùa thu từng được ví như đôi bạn tri kỷ, như gốc và ngọn, hình và
bóng, gió và hương, quả và hạt, một biểu tượng kép... Trong cuộc đời cầm bút
của mình, có người thơ nào mà không dành những vần thơ hay nhất cho mùa thu? Là
thi sĩ nên anh rất mê đắm mùa thu, dĩ nhiên vậy. Trong nhiều bài thơ khác Mai Văn
Phấn đã bộc bạch điều này:
Tiếng thu
gọi ong về
Để biến tôi
thành mật
(Thu về)
Thôi em đừng
vặn! Đừng khêu !
Đáy thu thắp
sáng trên nhiều ngọn cây
Anh vừa đọng
xuống thu gày
Đã đông
thành đá phủ đầy rêu xanh.
(Khúc cảm mùa thu)
Điều mà anh muốn em lưu ý là bông cúc ấy
"sắp tàn". Bông cúc "sắp tàn" nghĩa là mùa thu sắp ra đi. Thu
đến, thu đi là quy luật tự nhiên không ai ngăn cản được. Nhưng đối với người
vốn mê đắm mùa thu như anh thì thu đi sẽ làm anh nuối tiếc vô cùng. Anh đã nói
nỗi niềm này trong một bài thơ khác :
Từ đây sang
bờ ấy gần lắm chứ
Thế mà xao
xác hết mùa thu
Ai lịm vào
sắc hoa mê đắm
Làm con đò
kia phải quay lại đi tìm
(Nhịp thu về)
Vậy nên ngay lúc bông cúc "sắp
tàn", em hãy "Nhớ lấy màu hoa/ Đan áo". Không phải "may
áo" mà là "đan áo". Chắc hẳn đây là áo len mặc ấm lúc thu đi
đông về. Anh không dặn đan áo cho ai (cho anh hay cho em) nhưng chắc là cho em
vì màu hoa cúc (vàng, trắng) hợp với em hơn. Nói đến áo màu hoa cúc, ta lại nhớ
đến câu thơ của Nguyên Sa "Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc". Đối với
anh cũng thế, dù bông cúc có tàn, mùa thu có phôi pha nhưng chỉ cần nhìn thấy
màu hoa cúc trên áo em thì anh sẽ cảm nhận mùa thu luôn hiện hữu bên mình. Áo
len màu hoa cúc sẽ làm em ấm áp lúc thu tàn và cũng sẽ làm anh đỡ lạnh lòng khi
mùa thu không còn nữa. Với việc đan áo có màu hoa cúc, em sẽ níu giữ mùa thu
cho anh. Yêu mùa thu đến thế, tại sao anh không tự giữ lấy mùa thu cho mình mà
"dặn em" giữ hộ? Phải chăng trong cảm quan của anh, em với mùa thu là
một - Con người đồng nhất với thiên nhiên. Tình yêu anh dành cho em ở đây đã đồng
hóa với tình yêu mùa thu, yêu thiên nhiên. Hướng tới cái đẹp, cái cao cả chính
là đích đến, lý tưởng thẩm mỹ của nhà thơ.
Trở lại với hình ảnh "Bông cúc ấy",
bài thơ còn gợi đến nhiều liên tưởng
khác. Bông cúc có tàn, mùa thu có phôi pha, điều đó hoàn toàn phù hợp với quy
luật tự nhiên của đất trời. Nhưng màu hoa cúc sẽ mãi còn với thời gian nếu ta
biết trân trọng giữ gìn (qua việc đan áo có màu hoa cúc). Phải chăng bông cúc
là cái "xác" thu còn màu hoa cúc mới là "hồn cốt" mùa thu?
"Xác" có thể tiêu biến nhưng "hồn" mãi thiêng liêng và bất
biến. Vậy, cái thông điệp mà anh muốn "dặn em" có phải, chúng ta cần
trân trọng, giữ gìn cái phần "hồn" quý giá thiêng liêng đó. Từ đây
người đọc lại liên tưởng đến kiếp người. Con người sống trên cõi đời không thể
thoát khỏi sự an bài của tạo hóa: sinh-lão-bệnh-tử. Mọi thể xác rồi sẽ về với
cát bụi, mục nát cùng cỏ cây… nên ngay khi còn sống con người phải biết trân
trọng, giữ gìn phẩm giá, nhân cách làm nên hồn cốt của mình, để
trọn vẹn với nghĩa cao cả của một con người. Đó là phần tinh anh cao quý, cái
giá trị con người có được trong cõi nhân sinh này. Đúng như cụ Nguyễn Du đã
viết "Thác là thể phách/ còn là tinh anh".
Cùng trường liên tưởng đó, những hình ảnh thơ
trên còn khiến người đọc nghĩ đến hai mặt vật chất và tinh thần trong đời sống
xã hội. Vật chất cần thiết cho con người tồn tại nhưng nó sẽ mai một theo thời
gian còn giá trị tinh thần thì vĩnh viễn. Văn hóa, đạo đức, lối sống, thái độ
sống hợp đạo lý... đó là những giá trị tinh thần cao quý thiêng liêng mà một xã
hội văn minh không thể thiếu. Đó cũng chính là cái phần "hồn" mà mỗi
thành viên của xã hội phải trân trọng giữ gìn để góp phần xây dựng một xã hội tốt
đẹp, văn minh.
Thơ vốn là loại hình nghệ thuật ngôn từ hàm
súc cô đọng. Thơ ba câu lại càng hàm súc hơn bất kỳ loại thơ nào. "Dặn
em", bài thơ chỉ với ba câu thơ cực ngắn nhưng lại mở ra những liên tưởng
bất ngờ, rộng lớn cho người đọc. Người đọc thỏa sức sống trong không gian thơ được
gợi lên từ nhịp điệu, hình ảnh, ngôn từ của bài thơ và chiêm nghiệm nhiều bài
học triết lý nhân sinh cao quý trong đó.
Bình Định 19/01/2016
T.M

Tranh của Họa sỹ Adriana Candotti (Brasil)