Đọc chùm thơ 3 câu “Trưa mùa thu” của Mai Văn Phấn (nhận định) - Tuệ Mỹ
Tuệ Mỹ

Tác giả Tuệ Mỹ
maivanphan.com: Sau khi công bố chùm thơ “Trưa mùa thu” trên website
này, tôi nhận được bài viết sau đây của tác giả Tuệ Mỹ đăng trên facebook. Xin
trân trọng cảm ơn tác giả Tuệ Mỹ đã dành thời gian và tâm huyết cho chùm thơ
của tôi! Tác giả Tuệ Mỹ, tên khai sinh là Nguyễn Thị Mỹ, sinh năm 1959, là giáo
viên dạy môn Văn cấp Trung học cơ sở. Hiện chị đã nghỉ hưu tại Tuy Phước tỉnh
Bình Định.
Đọc chùm thơ 3
câu “Trưa mùa thu” của Mai Văn Phấn
Chùm thơ “Trưa mùa thu” của Mai Văn Phấn viết
ngày 18/8/2015 gồm 19 bài, được viết theo thể thơ ba câu. Mỗi câu thơ rất ngắn
và cực ngắn (có câu chỉ 1chữ). Tuy vậy, mỗi bài thơ lại là một thông điệp cuộc
sống rất thâm thuý và gợi mở. Cuộc sống luôn cho con người nhiều ơn huệ. Đó là
những quà tặng từ thiên nhiên: "Bóng cây", "Trăng sáng gốc cây",
"Con chim dẽ giun", "Xem tranh", "Cây lim già",
"Trưa mùa thu". Nhưng cuộc sống ấy cũng luôn chứa nhiều hiểm họa và
lắm trắc trở gian nan: "Con cá to", "Con diệc trong mưa",
"Bật quạt thông gió", "Vừa đến nơi". Tuy thế, con người hãy
lạc quan: "Bão tan", "Vòm lá ken dày", "Tôi vươn
vai". Và nói đến cuộc sống không thể không nói đến gia đình: "Về đến
nhà", "Bếp lửa", "Ở một mình", "Cún con". Trong tất cả những gì nói về cuộc sống, nhà thơ hướng ngòi
bút của mình về thiên nhiên nhiều nhất. Đó là con cò, con diệc, con chim. Đó là
quả bưởi, quả hồng, vòm lá, bóng cây. Đó là ngôi sao, vầng trăng, nắng, gió. Từ
những hình ảnh thiên nhiên bình dị, hiền hòa, thân thuộc (hoa lá, cỏ cây, chim
chóc...) đến hình ảnh vũ trụ kỳ vĩ, bất biến (trăng, sao, sông, núi...) đều
xuất hiện trong thơ anh. Phải chăng qua đó nhà thơ muốn nói rằng thiên nhiên là
sự sống của con người. Đúng thế, con người sống không thể không có ánh sáng,
không khí, nước uống, cái ăn... Tất cả sự sống đó là do thiên nhiên ban tặng
cho con người. Thế nhưng hiện giờ, thiên nhiên đang đứng trước sự đe dọa bị huỷ
hoại. Hình ảnh "Con cá to: Nằm / Giả chết / Trong vũng nước cạn", "Con diệc
trong mưa: Rùng mình" chẳng phải đã nói lên điều này? Chưa hết, trong thơ
anh còn xuất hiện "Bầu trời xanh lơ vừa bị hoen đẫm. Phút chốc xóa mờ ước
lệ chân mây" (Từ hạt mưa), "Cả dòng sông trúng độc từng dìm ta xuống
đôi bờ cỏ nát" (Khúc dạo đầu) và "Sau tiếng súng: Viên đạn đuổi theo
nhiều con chim". Điều đó đã trở thành nỗi nhức nhối trong lòng nhà thơ.
Nên đọc thơ anh, người đọc không chỉ cảm nhận được hơi thở của cuộc sống mà còn
nghe cả tiếng kêu rên của cuộc sống bị đe dọa. Tuy nói lên những lo âu trăn trở
về cuộc sống nhưng thơ anh không buồn mà trái lại người đọc vẫn cảm nhận được
sau "vòm lá ken dày" là "một lỗ thủng" để "hứng
nắng", sau cơn "bão tan" là "Ngôi sao mọc sớm", là
"Quả hồng / Vừa chín", là "Trăng sáng gốc cây". Sau những
toan lo cuộc sống, "Về đến nhà", về với gia đình là con người nhận
ngay hơi ấm từ "Bếp lửa", từ tình mẫu tử thiêng liêng "Cún con”.
Rất lạc quan! Phải, vì thơ anh là tiếng lòng thiết tha yêu cuộc sống của anh mà! Đọc thơ anh, người đọc thấy thấp thoáng bóng dáng
thơ của Rabindranath Tagor, nhà thơ lớn Ấn Độ. R. Tagor thường mượn thiên nhiên
để gửi gắm những bài học triết lý. Cũng như thế, nhà thơ Mai Văn Phấn gửi đến
con người thông điệp "Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng
ta" qua hình ảnh "Con cá to", "Con diệc trong mưa",
"Sau tiếng súng"... Những hình ảnh đó là tín hiệu báo động về sự tàn
lụi của thiên nhiên đang bị hủy diệt. Nó đã gieo vào lòng người nỗi đớn đau vô
hạn về hiểm họa đó. Người đọc tưởng chừng như "viên đạn" kia bắn
trúng tim mình, cái "móc câu" kia như móc vào gan ruột mình và bàn
chân mình như sập vào "cạm bẫy" trong "Mùa chim ngói". Hoặc
là cuộc sống mến yêu cũng hiện qua những hình ảnh thiên nhiên đẹp "Quả hồng
vừa chín", "Ngôi sao mọc sớm", "Chim nhạn cất cánh / Che
mặt trời"... Những hình ảnh ấy như muốn nói với chúng ta rằng cuộc sống
này thật đáng yêu, đáng trân trọng biết bao! Hãy nâng niu từng chiếc lá, từng
đóa hoa. Hãy lắng nghe tiếng chim kêu gọi bình minh đến, tiếng hát những dòng
sông vọng về. Hãy đưa tay hứng lấy giọt sương rơi, ánh trăng trong, tia nắng
hồng... Vì đó là Sự sống. Thử hỏi đối với con người còn có gì quý hơn Sự sống?
Còn có gì đáng cho ta phải trân trọng giữ gìn hơn Sự sống? Đó chính là thông
điệp mà nhà thơ Mai Văn Phấn đã gửi gắm qua chùm thơ này. Những bài học triết
lý vốn khô khan, nếu không có nguồn cảm xúc của thơ ca thì làm sao cảm hóa,
thức tỉnh được lòng người. Thơ Mai Văn Phấn đã đánh động tâm can con người bằng
những hình ảnh ẩn dụ giàu sức gợi cảm và truyền cảm như vậy và bằng tiếng thơ
nhẹ nhàng mà vô cùng sâu lắng. Thơ Mai Văn Phấn là một hiện tượng lạ và độc đáo.
Phải hết sức lắng lòng mới nghe được tiếng nói của trái tim anh, trái tim chan
chứa tình yêu cuộc sống, tình yêu thương con người và thiên nhiên. Thật đáng
trân trọng!
T.M
Tác giả Tuệ Mỹ