Những biểu tượng thức giấc trong thơ Mai Văn Phấn (phê bình) - Nguyễn Nhật Huy
Những biểu tượng thức giấc trong thơ Mai Văn Phấn

Tác giả Nguyễn Nhật Huy
Nguyễn Nhật Huy(*)
Vượt ra
ngoài những trật tự thông thường của thi ảnh, nhịp điệu, ngôn từ trong thi pháp, thơ Mai Văn Phấn đã tạo nên những âm thanh, sắc mầu tươi mới cho thơ ca
Việt Nam trong những năm gần đây. Những câu thơ lạ lùng, những hình ảnh “kì
quặc” nhưng nó là bóng dáng, hơi thở của thời đại mới. Nói cách khác, Mai Văn
Phấn là nhà thơ của cách tân, đột phá, luôn khai mở những chặng đường mới cho
thơ mình. Đọc thơ ông, chúng ta không còn thấy hình bóng, thậm chí di ảnh của
thơ Mới nữa, mà ngỡ vừa bước sang một “chân trời” mới lạ.
Đọc thơ
Mai Văn Phấn, chúng ta thấy ông vận dụng một cách tối ưu các thủ pháp của thơ
ca phương Tây như: phá vỡ trật tự câu thơ, nhịp, vần thông thường kết hợp với
việc nâng cao giá trị các biểu tượng, mở rộng trường nghĩa các biểu tượng và
tạo nên các “khoảng trống” trong bài thơ của mình. Những hình ảnh bên cạnh
những “khoảng trống” ấy không dễ đọc chút nào. Nó không còn là văn bản truyền
thống để người đọc có sẵn một nội dung cho mình, mà nó đã trở thành một văn bản
mở để chúng ta nghiền ngẫm, tự chiêm nghiệm cho bản thân. Cũng bởi vậy, đọc thơ
Mai Văn Phấn theo lối truyền thống, tức là cứ cố sắp xếp lại ý tứ của bài thơ
mà diễn dịch ra ý nghĩa rồi đưa đến một kết luận chung cho tất cả độc giả thì
thật sự nan giải. Cho nên ở đây, người viết thử đọc thơ ông dưới góc nhìn liên
văn bản để góp phần làm rõ dấu ấn hậu hiện đại trong thơ ông.
Liên
văn bản hiểu theo cách thông thường nhất là các văn bản được liên kết với nhau,
“kêu gọi” nhau thông qua sự tương tác với người đọc. Người đọc bằng vốn văn
hóa, tri thức của mình sẽ tự tạo nên những liên tưởng với các văn bản khác. Sự
“va chạm” giữa các văn bản đó với nhau sẽ làm ý nghĩa tác phẩm được mở ra dường
như vô tận. Tuy nhiên, sự liên tưởng của người đọc cũng cần có những “chìa
khóa” để kích hoạt hoặc đi theo một vài “mũi tên” chỉ đường kín đáo của nhà thơ
chứ không phải liên tưởng một cách hồ đồ, tùy tiện. Cũng như internet (được coi
là một liên văn bản) cần phải có những đường dẫn để người đọc bấm vào mới đi
sang một website khác. Chìa khóa để kích hoạt sự liên tưởng của bạn đọc chính
là những biểu tượng. Từ biểu tượng ban đầu chúng ta mới nảy ra một biểu tượng
khác gần giống nó để có thể liên kết các văn bản với nhau. Có lẽ thơ Mai Văn Phấn
với những biểu tượng và khoảng trống cần những thao tác như vậy để có thể đi
tìm ý nghĩa của nó.
Biểu
tượng có thể chia ra làm biểu tượng gốc và biểu tượng phái sinh. Để thực hiện
việc đọc thơ Mai Văn Phấn, đầu tiên người viết sẽ đối chiếu nó với các biểu
tượng gốc sau đó mới đi tìm sự sáng tạo trong những biểu tượng phái sinh. Trong
khôn khổ bài viết, tôi sẽ khảo sát bài thơ Đêm của em của ông:
Đêm của em
Em không ngủ yên dưới tàng lá
giật
Một nhành cây vừa rơi xuống mái
tôn
Tiếng quả vỡ lăn trên thềm gạch
cũ
Gió lồng lộn làm mặt nước không
còn trơn mịn
Lối đi vươn cánh tay níu lấy bìa
rừng
Mắt em mở vào đêm sâu lò than
hồng rực
Dâng mùi ngô nướng, nếp thơm
Tiếng nước sôi trong trí nhớ em
Liên tục reo vang đến gần sáng
Cố nép vào thành giường
Em nín thở chờ thời khắc yên tĩnh
Ôm con bồ câu vô hình
Đợi mặt đất bình yên buông tay
cho trời rạng.
(Hải
Phòng, 18/8/2011)
Với bài
thơ này, người viết sẽ khảo sát các biểu tượng sau:
STT
|
Biểu
tượng
|
Nghĩa
gốc (theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới)
|
1
|
Đêm
|
Giấc ngủ và sự chết
|
2
|
Lá
|
Hạnh phúc và sự phồn vinh
|
3
|
Cây
|
Quan hệ giữa đất và trời, sự sống trong tiến hóa
liên tục
|
4
|
Quả
|
Sự sung túc dồi dào
|
5
|
Gió
|
Tính hư phù, bất ổn định, hay thay đổi
|
6
|
Rừng
|
Tính hai mặt huyền bí của rừng, nơi sản sinh ra
vừa sự lo lắng vừa sự bình tâm
|
7
|
Nước
|
Khởi thủy, nguồn gốc, sự thanh tẩy
|
8
|
Bồ câu
|
Tình yêu và mùa xuân
|
9
|
Đất
|
Sự thụ động, người mẹ, sự tái sinh
|
10
|
Trời rạng (bình minh)
|
Sự vui sướng, tỉnh giấc, khả năng, sự hứa hẹn, hy
vọng
|
Sau khi
đối chiếu ý nghĩa các biểu tượng với Từ
điển biểu tượng văn hóa thế giới,
chúng ta đã có một lớp nghĩa đầu tiên cho bài thơ này. Nói cách khác, chúng ta
đã có một chuỗi liên văn bản thứ nhất. Nếu hiểu theo cách này thì bài thơ sẽ
được diễn dịch ra là lời tâm sự của cô gái trong đêm.
Ta cảm thấy sự bất an của cô gái dù đang ngủ ngay trong
hạnh phúc. Sự sống rơi rớt ở trên đầu cô và sự sung túc lăn trên thềm gạch. Sự
đổi thay làm cho sự thanh tẩy không còn. Cô bám víu lấy sự lo lắng và bình tâm.
Trong đêm, cô ôm lấy tình yêu và mùa xuân chờ đợi hy vọng.
Nếu hiểu bài thơ một cách đơn
giản như thế thì có lẽ chẳng có gì để nói, thậm chí có phần máy móc. Người viết
muốn nhấn mạnh: sau khi khảo sát ra những nghĩa gốc của biểu tượng chúng ta lại
liên kết ngược trở lại với văn bản để thấy được sự sáng tạo của nhà thơ trong
việc sử dụng các biểu tượng trên. Tức là đi tìm ý nghĩa phái sinh của nó: “Đêm
của em” – nhan đề bài thơ đã là một biểu tượng. Theo tôi, nó không mang nghĩa
gốc là giấc ngủ hay cái chết mà ở đây thể hiện sự âu lo hay sợ hãi của cô gái.
Đó là sự sợ hãi ngay trong hạnh phúc. Thanh âm của đêm luôn khiến con người ta
nhạy cảm. Đêm là khoảnh khắc mà con người sống thật nhất với bản thân, không tô
vẽ. Đêm là thời điểm mà những chiêm nghiệm ùa về:
Em không ngủ yên dưới tàng lá
giật
Một nhành cây vừa rơi xuống mái
tôn
Tiếng quả vỡ lăn trên thềm gạch
cũ
Lá vốn là biểu tượng của sự hạnh
phúc. Ở đây nhà thơ đã biến nó thành “lá giật”. Phải chăng đó là sự hạnh phúc
mong manh, bất an. Cuộc đời con người dường như cũng là vậy: Ngay cả trong hạnh
phúc viên mãn chúng ta vẫn lo âu, chúng ta sợ mất, sợ không giữ nổi. Nhành cây
rơi xuống mái tôn hay là sự âu lo đang vang vọng trong đêm tĩnh lặng. Tiếng quả
vỡ hay là sự viên mãn đang dần rạn nứt.
Gió lồng lộn làm mặt nước không
còn trơn mịn
Lối đi vươn cánh tay níu lấy bìa
rừng
Cơn gió
và mặt nước trở thành một cặp đôi: động – tĩnh. Hay nó là biểu tượng của cuộc
đời và cõi lòng. Mặt nước ấy, gió xô đã không giữ được cái trạng thái tĩnh ban
đầu. Sự yên bình cũng như vậy mà tan biến cho dù có níu kéo thế nào chăng nữa.
Nhà thơ dùng từ “bìa rừng” chứ không phải rừng. Nếu nghĩa gốc của rừng là sự
bình tâm thì bìa rừng mong manh hơn. Nó chỉ là ranh giới mà chủ thể trữ tình
muốn bám víu. Cái ranh giới giữa hạnh phúc và khổ đau.
Mắt em mở vào đêm sâu lò than
hồng rực
Dâng mùi ngô nướng, nếp thơm
Tiếng nước sôi trong trí nhớ em
Liên tục reo vang đến gần sáng
Ở khổ
thơ này, người viết muốn nhấn mạnh vào biểu tượng “nước”. Với nhiều nền văn
minh xa xưa, “nước” thường mang ý nghĩa nguồn gốc, sự thanh tẩy nhưng trong văn
hóa Việt Nam biểu tượng này còn mang ý nghĩa sự yên bình. Nhà thơ đã phác họa
nên chân dung của “em” trong đêm tĩnh lặng nhưng tâm trí rối bời. “Nước” yên
bình nhưng giờ là “nước sôi”, là sự dày vò của “trí nhớ” trỗi dậy. Hình ảnh
người con gái trong đêm ngồi nhìn lò than rực hồng cùng với “tiếng nước sôi
trong trí nhớ” hay là sự lo âu khắc khoải trong lòng cô. Nếu “đêm” là thời gian
hiện tại thì “tiếng nước sôi” là thanh âm của quá khứ đan xen với tâm trạng đợi
chờ trời sáng, đợi chờ tương lai. Đó cũng là tâm lý chung của con người luôn ám
ảnh bởi ba bình diện thời gian. Ta thấy sự rối bời trong lòng người, sự phân
mảnh tâm lý với dòng suy tư, chiêm nghiệm của chủ thể trữ tình:
Cố nép vào thành giường
Em nín thở chờ thời khắc yên tĩnh
Ôm con bồ câu vô hình
Đợi mặt đất bình yên buông tay
cho trời rạng.
Đến khổ
thơ cuối này thì quả thực tâm trạng bất an hiện lên rõ nét nhất qua biểu tượng
“con bồ câu vô hình”. Đó là điểm nhấn để giúp người đọc cảm nhận được hết ý
nghĩa đọng lại của bài thơ. Trong sự bất an và âu lo, “em” “cố nép vào thành
giường”, hay cố tìm sự che chở, tìm bình yên trong tâm hồn. “Nín thở” nhưng
“tiếng nước sôi” vẫn không yên, vẫn day dứt trong lòng những thanh âm của kí
ức. “Con bồ câu vô hình” hay là biểu tượng của sự thanh thản không tồn tại, của
tình yêu không có thực. Sự lo sợ cô đơn, tìm lấy một điểm tựa dù mong manh vô
hình. Một biểu tượng nữa ở đây cần chú ý là “mặt đất”. Lớp nghĩa đầu tiên của
nó là sự thụ động, biểu thị sự chờ đợi. Mặt khác nó đồng nhất với người mẹ, với
nữ tính và sự tái sinh. Nhân vật trữ tình ở đây trong sự khắc khoải, sự âu lo
dày vò cũng như đang chờ đợi sự tái sinh trong tương lai. “Trời rạng” hay bình
minh chính là những biểu tượng mang nghĩa hứa hẹn và hy vọng như vậy. Đặc biệt,
người viết nhận thấy biểu tượng “trời rạng”, “bình minh” xuất hiện khá nhiều
trong các sáng tác của nhà thơ Mai Văn Phấn. Để làm rõ giá trị của biểu tượng
này, chúng tôi sẽ khảo sát nó trong các
trường hợp cụ thể như sau:
STT
|
Trích
thơ
|
Ý nghĩa
biểu tượng
|
1
|
Ngày
mới đến
đưa bàn tay nắng ấm
Để lấy đi những hạt cuối cùng
Tôi chếnh choáng rỗng không
chiếc hũ
Đợi những mùa vàng rạo rực hiến
dâng.
(Tự thú trước cánh đồng)
|
- Cảm
xúc trước cánh đồng trong đêm và giấc mơ “hạt giống”. Hạt giống này tan biến
trong ánh nắng của “ngày mới”. “Ngày mới” ở đây không còn là biểu tượng của
hy vọng mà là sự tước bỏ, mất mát.
|
2
|
Một buổi sáng an lành
Nhưng gốc cây đã xoay sang
hướng khác
(Hoa Sưa)
|
- Nỗi
nhớ của cô gái trong tình yêu. Biểu tượng “buổi sáng” là thời điểm của sự hồi
tưởng, của kí ức được đánh thức.
|
3
|
Gần sáng
Giấc mơ
Nhạt dần
(Ngày khác)
|
- Tương tự bài “Tự thú trước cánh đồng”, “gần
sáng” ở bài “Ngày khác” cũng là sự mất mất của giấc mơ, sự thất vọng, tan
biến.
|
4
|
Anh bước lên vạt nắng
Một con thuyền
ban mai
Em bảo hãy chờ
để khoá chặt cổng.
(Vườn
em)
|
- “Ban
mai” ở đây là cảm xúc dâng tràn của chàng trai trước tình yêu, viên mãn,
khoái cảm.
|
Qua
khảo sát ở trên, chúng ta thấy cùng một biểu tượng ngoài nghĩa thông thường từ
xa xưa của các nền văn minh để lại, nó còn liên tục được làm mới, được bổ sung
ý nghĩa. Những biểu tượng “thức giấc” với “hình hài” mới làm ý nghĩa rộng hơn,
phong phú hơn cùng liên tưởng của độc giả. Chuỗi liên tưởng bất tận từ các văn
bản khác nhau thông qua hệ thống biểu tượng s ẽ
giúp người đọc đích thực trở thành người đồng sáng tạo với tác giả.
Với bài
thơ “Đêm của em”, người viết không đi theo một trật tự ngôn từ thông thường để
tìm hiểu ý nghĩa của nó mà xoáy sâu vào các biểu tượng gốc hoặc được bổ sung lớp
nghĩa mới. Những biểu tượng ám ảnh con người, rời rạc nhưng giầu sức liên tưởng
để thấy được tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đêm tĩnh lặng, trong sự
chiêm nghiệm về quá khứ, tương lai và hiện tại, trong hạnh phúc manh nha những đổ
vỡ và trong đổ vỡ mong chờ sự bình yên. PGS.TS. Văn Giá nhận xét: thơ Mai Văn
Phấn là thơ tạo sinh nghĩa. Vậy nghệ thuật Liên văn bản quả thực là “cây cầu”
hữu hiệu để người đọc khám phá thế giới thơ này. Những biểu tượng được “nén
chặt” tối đa như búp chè tươi được sao khô thành chè búp. Liên văn bản như nước
sôi để chè búp nở ra, tỏa hương, trở lại hình dáng ban đầu. Vì khuôn khổ bài
viết có hạn nên việc tạo ra chuỗi liên văn bản dài hơn là điều rất khó. Nhưng
với những tác phẩm thơ của Mai Văn Phấn, việc đào sâu liên tưởng thông qua hệ
thống biểu tượng mà ông xây dựng có lẽ là một cách khả thi để bước vào thế giới
nghệ thuật của ông. Trên đây là kiến giải của người viết về bài thơ nhưng dường
như là chưa đầy đủ. Với một văn bản mở, hy vọng nhiều bạn đọc khác sẽ có những liên
tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn, đánh thức các biểu tượng văn hóa lâu đời thức dậy
và tự tìm cho mình một ý nghĩa mới./.
N.N.H
__________
(*) Tác
giả Nguyễn Nhật Huy, sinh
năm 1987, thạc sỹ văn chương, giảng viên Khoa Ngữ văn – trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, H. 2002.
2. I.P Ilin và E.A Tzurgannova (2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây
Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20, Nxb. ĐHQG. Hà Nội.
3. Nguyễn Nam, Người đọc am tường, liên tưởng mở rộng, Lyluanvanhoc.com,
H. 2012.
4. Nguyễn Văn Thuấn, Dẫn luận ngắn về lý thuyết liên
văn bản, Lyluanvanhoc.com, H 2013.
5.
Mai Văn Phấn, Thơ tuyển Mai Văn Phấn, NXB Hội nhà văn 2011.
6. Mai Văn Phấn, Vừa sinh ra ở
đó, NXB Hội nhà văn Việt Nam, 2013.