Tình phụ tử thiêng liêng trong “Thuốc đắng” (bình thơ) - Lê Thành Văn
Lê
Thành Văn
Tình
phụ tử thiêng liêng trong “Thuốc đắng”
Thuốc đắng
(Cho
Ngọc Trâm)
Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa
Cha cũng có thể thành tro nữa
Thuốc đắng không chờ được rồi
Giữ tay con
Cha đổ
Ngậm ngùi thả lòng chén vơi...
Con ơi! Tí tách sương rơi
Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh
Và những cánh hoa mỏng mảnh
Đưa hương phải nhờ rễ cay.
Mồ hôi keo thành chai tay
Mùa xuân tràn vào chén đắng
Tuổi cha nước mắt lặng lặng
Sự thật khóc òa vu vơ.
Con đang ăn gì trong mơ
Cha để chén lên cửa sổ
Khi lớn bằng cha bây giờ
Đáy chén chắc
còn bão tố.
Mai Văn Phấn
(Rút
từ tập thơ “Giọt nắng”. Hội Văn nghệ Hải Phòng, 1992)
Lời bình của Lê Thành Văn:
Thuốc
đắng được nhà thơ Mai Văn Phấn sáng tác năm 1990 trong hoàn cảnh đứa con gái
Ngọc Trâm đang bị sốt cao phải vào nhập viện. Bài thơ nhận được giải thưởng
Nguyễn Bỉnh Khiêm của TP Hải Phòng. Từ đó đến nay, thi phẩm đã được bạn đọc cả
nước biết đến, trân quý, bởi thông điệp mang tính phổ quát về tình thương yêu
trong gia đình, cái khuyết thiếu mà con người phải vượt qua, vươn lên bằng
chính những đắng cay, khắc nghiệt để có được “mùa xuân” ngọt lành, hạnh phúc.
Ấn
tượng của thi phẩm khiến người đọc không thể không sửng sốt giật mình khi ngay
từ đầu đã gặp những câu thơ giàu hình ảnh, như “bén lửa” vào tâm hồn: "Cơn
sốt thiêu con trên giàn lửa/ Cha cũng có thể thành tro nữa".
Hai
câu thơ miêu tả một hiện thực mà có lẽ bất kỳ người làm cha nào cũng từng trải
qua. Đứa con sốt cao, cha phải ôm con dỗ dành và chạy vào bệnh viện. Sức nóng
của cơn sốt được nhà thơ so sánh qua một liên tưởng xuất thần, ngỡ giàn lửa
đang thiêu con nên cha cũng thấy mình có thể thành tro mất. Người đọc thơ dường
như cũng cảm được sức nóng lan sang cả chính mình. Qua miêu tả cơn sốt của con,
ta thấy tấm lòng thương con của người cha đến đớn đau, quặn thắt. Đành nuốt
nước mắt vào lòng, thuốc đắng cho con khỏi bệnh là phương cách duy nhất lúc
này.
Câu
thơ vắt dòng “Giữ tay con/ Cha đổ” như một sự bối rối, ngập ngừng và xót xa đến
đứt ruột; tưởng như hai hàng nước mắt chảy dài khi người cha quyết định đổ
thuốc đắng vào miệng con. Dù lòng chén thuốc đã vơi, nỗi “ngậm ngùi” trong cha
vẫn chưa nguôi dứt, cứ cuộn xé mênh mang qua dấu chấm lửng đầy dụng ý ở cuối
khổ thơ.
Nếu
khổ thơ đầu miêu tả bệnh tình của đứa con thông qua mạch cảm xúc của chủ thể
trữ tình tác giả thì khổ sau là lời tâm tình, thủ thỉ mang tính độc thoại của
người cha sau khi cho con uống xong thuốc đắng. Lời thơ buông nhẹ qua thán từ
“Con ơi!” đứng đầu khổ thơ như một lời thì thầm sâu lắng. Giọt sương âm thầm
vắt qua đêm lạnh cũng lắm vất vả, nhọc nhằn. Chính thời gian mòn mỏi đêm trường
chăm sóc con ốm mới thấu hết ý nghĩa của khổ thơ. Hạt sương tí tách rơi góp
phần tạo nên vẻ đẹp cho những cánh hoa mỏng mảnh. Hoa thơm hương phải nhờ “rễ
cay” hút bao nhiêu mỡ màu từ lòng đất đai sâu thẳm. Từ “rễ cay” là một sáng tạo
thần hứng của tác giả, phải qua cay đắng, truân chuyên thì rễ mới đưa được hương
thơm cho hoa thắm trên cành.
“Rễ
cay” nuôi hoa cho cây khi phải lặn sâu vào bùn đất để kiếm tìm chất dinh dưỡng,
cha mẹ khó nhọc nuôi con khôn lớn trưởng thành phải trải qua biết mấy gian khổ,
đoạn trường. Người cha trong bài thơ ngộ ra biết bao sự thật đắng lòng. Cuộc
sống mưu sinh lẽ thường thì “mồ hôi keo thành chai tay”, hạnh phúc có được đôi
khi lại phải chấp nhận đắng chát. Các hình ảnh ẩn dụ “mùa xuân”, “chén đắng” sử
dụng trong khổ thơ thật đắc địa, gợi nhiều liên tưởng thú vị. Khi hiểu được sự
thật nghiệt ngã tưởng chừng phi lý ấy, người cha chỉ biết lẳng lặng qua tiếng
“khóc òa vu vơ”. “Vu vơ” không đâu vào đâu nhưng lại bắt đầu từ “sự thật”, một
sự thật đầy chiêm nghiệm, triết lý sâu sắc về lẽ đời, lẽ người.
Sau
“sự thật khóc òa vu vơ” là niềm vui sướng và hạnh phúc lớn lao khi được nhìn
con đã qua cơn sốt như thiêu trên giàn lửa. Nhà thơ ngồi ngắm đứa con thơ dại
đang nằm ngủ mê man, miệng chóp chép như đang ăn gì mà lòng ngổn ngang trăm
mối. Đặt chén lên cửa sổ nhẹ nhàng, những dự cảm về tương lai của cuộc đời con
trong lòng nhà thơ vẫn chưa nguôi dứt. Đâu phải chỉ có hiện tại “mùa xuân tràn
vào chén đắng” mà con đường tương lai phía trước vẫn còn rất gian nan. Vì vậy,
hai câu kết là bài học lớn lao mà người cha truyền lại cho con mình về những
tai ương, bão tố có thể sẽ ập đến sau này khi con khôn lớn. “Thuốc đắng” còn
phải dùng nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc đời.
"Đáy
chén chắc còn bão tố" là câu thơ giàu tính ẩn dụ, mở ra nhiều dự cảm và
liên tưởng thú vị về tương lai. Con lớn bằng cha, nghĩa là con đã trải qua
nhiều lần dùng “chén đắng”; khi những xót đau, khổ lụy đã am tường mới thấy
rằng “bão tố” vẫn song hành cùng với “mùa xuân” trong mỗi phận người, giống như
cái đêm “bão tố” kinh hoàng mà cha và con trải qua lúc con sốt cao nhập viện.
Thuốc
đắng trên cái nền của ngôn ngữ, hình ảnh nhiều ẩn dụ, tượng trưng là tấm lòng
thương con thiết tha, cháy bỏng; là tình phụ tử thiêng liêng mà nhà thơ Mai Văn
Phấn muốn gửi gắm đến mỗi người. Thêm nữa, bài thơ còn là thông điệp về một
phương thuốc chữa trị cho những căn bệnh tâm hồn mà thời đại nào cũng có. Có lẽ
câu tục ngữ “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” là hạt nhân nội dung tư tưởng
của thi phẩm này chăng?
L.T.V
(Nguồn:
Văn nghệ Hải Dương: 08/11/2020)
