“Thời tái chế” - nỗi khắc khoải của một trí thức (Điểm sách) – Hải Miên
“Thời tái chế” - nỗi
khắc khoải của một trí thức

Nhà phê bình văn học Hải Miên
(bút danh khác
của TS. Nguyễn Thanh Tâm)
Hải Miên
Những ai
đọc Mai Văn Phấn một cách hệ thống sẽ lấy làm ngạc nhiên vì sự xuất hiện của
trường ca "Thời tái chế", Nxb Hội Nhà văn, 2018.
Thông
thường người ta sẽ luôn hình dung về hành trình sáng tạo của một nhà thơ là
xuyên qua những miền mĩ cảm khác nhau. Có thể, mỗi tác phẩm là một nhà ga, một
trạm đỗ trên hành trình trải nghiệm đời sống và nghệ thuật. Nhưng, điều đó
dường như bị nghi ngờ ngay khi người ta bắt gặp trở lại những vùng trời đã qua
trên những chặng vừa đặt chân đến. Chúng ta ngỡ rằng Mai Văn Phấn đã đi qua
những cảm thức khắc khoải, hoài nghi, hoang mang, đau đớn ở "Hôm sau" (2009), "và
đột nhiên gió thổi" (2009), "Bầu trời không mái che" (2010) để đến với miền mơ
tưởng linh thiêng, trầm mặc, tĩnh lặng trong "hoa giấu mặt" (2012), "Vừa sinh ra ở
đó" (2013), "Những nguyên âm trong sương sớm" (2014), Thả (2015)… Bỗng ngày kia, "Thời tái chế" xuất hiện, đánh thức những nỗi đau đớn và hoang mang xưa cũ. Làm
sao có thể lí giải sự trở về này?
Trường
ca "Thời tái chế" như một cánh cửa không gian, hút ta vào rồi ném trả về một vùng
kinh nghiệm đầy hoang mang. Bắt đầu từ một “Điểm nhìn” mà sự lựa chọn sẽ làm
hiện hình mọi góc cạnh, chiều kích hay bình diện của đời sống trong trạng thái
phế thải, hư hoại. Những linh hồn, những sự vật, những mô hình, những luận điệu
bỗng bị lật tẩy, phơi bày ra ánh sáng khiến chúng ta có cảm giác như mình lạc
vào một cơn ác mộng. Lựa chọn điểm nhìn này, Mai Văn Phấn đã chính thức thú
nhận rằng, anh chưa thể thoát ra, hay đúng hơn, anh luôn bị ám ảnh bởi những
điều băng hoại của thực tại. Các chương tiếp theo: “Thẫm đỏ” - “Sân khấu” -
“Lối rẽ” - “Đồ tể” - “Đối thoại” - “Mô hình” - “Giấc mơ” - “Kết nối” về căn bản
đều triển khai những cảm thức gợi lên từ “Điểm nhìn”. Đó là một giấc mơ dài.
Chính xác, đó là một cơn ác mộng. Dẫu sao, sau khi nhận diện được dòng sông
thẫm đỏ, cuộc đời là sân khấu, mỗi thực thể xung quanh có thể chính là một tên
đồ tể, sau những truy vấn - đối thoại, những phản biện - phản tư trên bình diện
mô hình, cuối cùng, vẫn là những giấc mơ về một điều gì khả dĩ hơn cho tồn tại.
Không phải là vật liệu gốc, chúng ta chỉ là những phế liệu đang chờ phân loại,
tiêu hủy hay tái sinh. Giấc mơ nào tiếp theo sẽ cứu rỗi chúng ta khi tỉnh dậy
thấy xung quanh mình mọi thứ vẫn diễn ra như trong ác mộng? Chính điều đó làm
cho khí hậu của trường ca Thời tái chế trở nên bức bối, ngột ngạt. Niềm hi vọng
vẫn le lói trong nỗi hoang mang nhưng có thể là nơi bám víu cuối cùng cho thảm
cảnh ở thực tại. Nhìn lại hành trình kinh nghiệm thẩm mĩ của Mai Văn Phấn, sự
trở lại cảm thức này trong trường ca mới nhất của anh chỉ có thể lí giải bằng
nỗi khắc khoải của một trí thức, một nghệ sĩ về đời sống, về tồn tại. Đó cũng
là nỗi khắc khoải của một tinh thần nhân văn trước vẻ hư phế của đời sống và
ước ao những đổi thay tốt đẹp hơn. Trường ca "Thời tái chế", với Mai Văn Phấn,
cũng chính là một đối thoại với kinh nghiệm thẩm mĩ và ưu tư về tồn tại của anh
trong những chặng sáng tạo trước. Không thể rời đi hay thoát bỏ, Thời tái chế
một lần nữa nhắc nhở, cảnh báo và kêu gọi chúng ta về thực tại sống của chính
mình. Trong ý niệm đó, Mai Văn Phấn chắc hẳn đã rất nhọc nhằn. Nhưng, nếu không
nhọc nhằn, khắc khoải, thi ca nghệ thuật còn có nghĩa lí gì?
H.M
(Nguồn:
Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội)
"Thời tái chế" - bản tiếng Đức