Đồng sáng tạo để giải mã văn bản thơ “hoa giấu mặt” của Mai Văn Phấn (phê bình) - Hoàng Kim Ngọc
Đồng sáng tạo để giải mã văn bản thơ “hoa
giấu mặt”
của Mai Văn Phấn

Tiến sỹ Hoàng Kim Ngọc
Hoàng Kim Ngọc
Sau giải
thưởng danh giá của Hội Nhà văn năm 2010 với Bầu trời không mái che (tập thơ thứ 10), Mai Văn Phấn lại tiếp tục
âm thầm lặng lẽ sáng tác trong những giờ phút hiếm hoi bứt ra khỏi công việc
vất vả và bận bịu. Rồi sau gần hai năm, hoa
giấu mặt là tập thơ thứ 11 của anh lại tiếp tục ra đời.
Quả thật,
Mai Văn Phấn có một niềm đam mê mãnh liệt với thơ, dâng hiến cho thơ và tự nhận
mình là kẻ mắc bệnh “si thơ”. Nhưng
chính cái “căn bệnh trầm kha” này mà người đọc lại một lần nữa chứng kiến những
cố gắng vượt thoát làm cho thơ mình mới với ngay cả chính mình của anh.
Có thể nói,
thể thơ cổ điển Hai kư của Nhật Bản đã được Mai Văn Phấn Việt hóa về hình thức
và nội dung ở hoa giấu mặt. Nếu như Hai kư cổ điển kiệm lời chỉ có 17 âm tiết thì
ở tập thơ ba câu này, hầu như các bài chỉ dao động động từ 10 – 12 âm tiết (cả
tiêu đề cũng không có bài nào vượt quá 17 tiếng). Dấu ấn môi trường sống, quan
niệm thẩm mĩ ám ảnh rõ nét trong những bài thơ này.
Với hoa giấu mặt, tôi không muốn đi tìm
những “quý ngữ” vốn là nhãn tự của thơ haikư, bởi thơ 3 câu của Mai Văn Phấn
hình thức thì có vẻ giống thể thơ haikư Nhật nhưng nó không phải là haikư, đơn
giản nó là kiểu thơ mới, thơ 3 câu của anh, vì thế không nhất thiết và phải cố
gắng tìm những từ chỉ mùa trong từng bài. Với bài viết nhỏ này, tôi sẽ đi tìm
Mai Văn Phấn ở khía cạnh khác, giải mã những ẩn dụ vô thức và hàm ngôn trong
một số bài của hoa giấu mặt.
Mỗi bài thơ
trong hoa giấu mặt chỉ gợi mà không
tả, kết thúc thường không rõ ràng, cảm nhận hoàn toàn phụ thuộc người đọc. Nó
đầy rẫy những ẩn dụ và hàm ngôn. Người đọc đồng sáng tạo, hay dở của bài thơ
phụ thuộc vào văn hóa, kinh nghiệm sống, năng lực cảm thụ và gu thẩm mỹ của chủ
thể tiếp nhận. Một nhà thơ Pháp đã nói: “Tôi viết một nửa, nửa còn lại tôi dành
cho mọi người”.
Ngay tiêu đề hoa giấu mặt đã là một ẩn dụ, muốn tìm
hoa, ngắm hoa, muốn tìm được vẻ đẹp đôi khi phải kì công lắm, cái đẹp nhiều khi
không lộ diện, hoa thấp thoáng trong cây, người nào muốn thưởng thức, ngắm nhìn
phải lần theo làn hương gợi nhắc để tìm
ra bông hoa lạ ẩn trong lớp lá… Ở đây có một lưu ý nữa, tiêu đề cũng chính là
một trong những “kênh”, những “hoa tiêu” chỉ dẫn, làm cơ sở liên tưởng để giải
mã bài thơ. Trong khá nhiều những tập thơ được tặng và mua, tôi đã đọc rất kĩ
thơ Mai Văn Phấn.
1. Tin vào ý thức cách tân của Mai Văn Phấn
Trước đây,
thú thực tôi không thích kiểu thơ cách tân đột ngột của Mai Văn Phấn… Nghĩ thế nhưng tôi luôn thận trọng khi phán
xét. Đôi lúc tự trách có lẽ mình không đủ tầm để cảm thụ chăng? Mỗi nhà thơ có
một số lượng fan hâm mộ riêng, các
nhà thơ đừng đòi hỏi thơ mình được mọi tầng lớp độc giả yêu thích. Cái quan
trọng là người thích nó là ai, thuộc trình độ nào, ngôn ngữ bình dân hợp với lỗ
tai người bình dân, ngôn ngữ quý tộc hợp với thính giác của người quý tộc.
Còn bây giờ
tôi lại thấy thú vị trên mỗi bước đường thay đổi phong cách và thể loại thơ của
Mai Văn Phấn. Bởi vậy, với riêng bản thân tôi, tôi nghĩ, đọc cũng là một quá
trình tự học tập và rèn luyện…
Tất nhiên,
không phải cứ cách tân là hay, cũ là không hay. Nhưng có những người, nhìn vào
diễn trình sáng tác, ta có thể tin tưởng bằng trực giác phần nào ý thức cách
tân, khát vọng đổi mới tư duy nghệ thuật của họ, có thể lúc đầu ta chưa hiểu
nhưng cần phải bình tĩnh trước khi phán xét. Chẳng hạn, một người không am hiểu
hội họa khi xem tranh lập thể của Picasso sẽ chê ông không biết vẽ, vẽ người mà
như… ngợm. Có thể họ chỉ thích những bức tranh thời kì đầu của ông, vẽ như một
bản sao của hiện thực, vẽ người giống như người. Qua lịch sử sáng tạo của
Picasso, ta sẽ thấy trân trọng những đổi thay của bút pháp khi họa sĩ ý thức
rằng nếu cần ghi lại hình ảnh sự vật một cách chính xác, vẽ giống như thật thì
đã có máy ảnh. Hội họa lập thể giúp chúng ta nhìn thấy rất nhiều trong một bức
tranh, các vật thể và các nhân vật được nhìn thẳng, nhìn nghiêng, thậm chí cả
mặt sau… Sở dĩ tôi phải dài dòng như thế, bởi lẽ: chúng ta sẽ dễ dàng đặt niềm
tin vào sự cách tân của một họa sĩ nếu người ấy trước khi thay đổi phong cách
sang ấn tượng, trừu tượng, dã thú hay lập thể… thì đã biết vẽ rất cơ bản, biết
phác thảo thần thái, biết vẽ tả thực. Nhà văn cũng thế, tôi sẽ không bao giờ
tin vào những cái gọi là hậu hiện đại, câu văn đặc biệt, siêu tu từ nếu như
trước đấy họ không biết viết một câu đúng ngữ pháp và đầy rẫy lỗi chính tả. Với
Mai Văn Phấn thì tôi tin, niềm tin đó được bảo hiểm bởi một nhà thơ có nhân
cách thi sĩ, có trình độ học vấn, luôn có ý thức tìm tòi, đã trải nghiệm mình
qua các thể thơ từ truyền thống đến cách tân, hiện đại, đã có những câu thơ lục
bát hay neo đậu trong lòng người đọc. Với tập thơ này chúng ta cũng cần đọc nó
bằng “con mắt nghiêng”.
2. Dấu ấn của vô thức trong sáng tạo hình
tượng
Mai Văn Phấn
là thi sĩ sáng tác theo lối tự giác (hữu thức), tức là ngoài sự mách bảo của
cảm hứng, nhà thơ còn viết dưới sự nhận thức của một thứ lí luận thơ nhất định
nào đấy, người viết theo lối tự giác bao giờ cũng ý thức được thế mạnh sáng tạo
của mình. Mai Văn Phấn còn có khả năng tự biên tập một cách kĩ càng của một thi
sĩ chuyên nghiệp. Tuy sáng tác tự giác nhưng trong tập thơ ba câu kiệm lời, chỉ
khoảng hơn chục âm tiết này, sau nhiều lần tác giả tự gọt rũa, nhuận sắc thì tôi vẫn nhận ra dấu ấn vô thức in đậm trong
sáng tạo hình tượng của hoa giấu mặt.
Cái vô thức bao giờ cũng hiện lên một cách không tự giác, nó phản ánh môi
trường sống, quan niệm thẩm mỹ của thi nhân, điều này thì nhà thơ không biết
nhưng mà người đọc biết. Có thể thấy những ám ảnh vô thức qua một số những dẫn
chứng sau.
Chẳng hạn,
trước đây Mai Văn Phấn hay nói về
“tiếng chuông”, tôi đã từng tỉ mẩn tìm xem có bao lần anh nhắc về tiếng chuông
trong Tuyển tập thơ Mai Văn Phấn thì
thấy có hơn 30 lần xuất hiện. Đã có lần tôi phỏng vấn anh sao hay viết về
chuông thế, Mai Văn Phấn đã trả lời: quê tôi ở Kim Sơn, Ninh Bình, gần Nhà thờ
Đá nên có lẽ tiếng chuông đã in dấu vào tiềm thức và ám ảnh vào vô thức (đến
tập thơ này cũng mấy lần nhắc đến tiếng chuông). Nhưng có thể, sau một thời
gian dài Mai Văn Phấn lấy vùng cảng biển
Hải Phòng làm quê hương thứ hai thì hình ảnh cá lại là hình ảnh vô thức phản ánh dấu ấn của môi trường sống nơi
đây. “hoa giấu mặt” có rất nhiều cá: cá quẫy, cá nhảy, bắt cá, cá bơi, chim bói cá,
linh hồn cá, nghe lén chuyện của cá, đàn cá con, con cá ấy đã lớn, cá lao vào
cá, bụng con cá mổ, con cá bị đóng đinh, cá trong miệng chim săn mồi, con cá
giữa những dòng hải lưu rồi cả cá mại
cờ, cá cảnh,… Những con cá này đôi khi phải bơi ngửa và (tôi) bơi ngược (tr. 52)… đó là những kiểu bơi bất
thường, vất vả, chống chọi với dòng hải lưu và môi trường nhiều bất trắc. Cá ở
đây là những ẩn dụ, chúng có “linh hồn” và chúng biết trò chuyện (nếu không thì
làm sao mà nghe lén chuyện của cá
được ?):
* Nước đục/ Cá lao vào cá/ Mưa xuân (25. Con mắt nghiêng)
Cá ở đây chính là những cảnh con người bon chen, cạnh tranh
nhau dữ dội, khốc liệt trong môi trường bẩn “nước đục”. Hơn nữa sự đối xứng,
quy chiếu cá - người trong bài thơ 3
câu này còn là do người đọc phần nào liên tưởng tới câu đối nổi tiếng:
* Nước trong leo
lẻo, cá đớp cá/ Trời nắng chang chang, người trói người
Trong môi trường xấu “xám”, “đen”, con người chắc chắn sẽ
ngột ngạt, khó thở:
Mây xám/
Biển đen/ Cá ngoi mặt nước (72. Con mắt nghiêng)
Bên cạnh đó,
phải gắn liền với công việc có quá nhiều
cám dỗ và cạm bẫy mà Mai Văn Phấn đã có lúc không nén được đành phải thốt
lên là “đời đầy hiểm họa” (tiêu đề
của một bài thơ) cùng với những xấu xa, dung tục xung quanh cũng vô thức biến
thành những hình ảnh ẩn dụ thi ca như: bả,
bẫy, lưỡi câu lớn, lưỡi câu vô hình; chuột, lũ sâu róm, bọ nẹt, con nhặng, quỷ
dữ, tà ma, vũng nước bẩn, nước đục, biển đen, mây xám, cọng rác, mắc nạn, mắc
lưới, bị thương, bị giết…. được xuất hiện dày đặc trong một tập thơ vốn
không nhiều âm tiết (tôi không thích dùng từ chữ, đơn giản vì ít chữ
rất khác với ít âm tiết).
Đó là một thế giới hiểm nguy luôn rình rập, bất an, khó
được chia sẻ:
Con thú bị thương không
biết/ Kêu lên/ Sẽ bị giết (Trong rừng)
Trong cái
thế giới vật chất xô bồ đó, Mai Văn Phấn đã tìm đến chốn thanh tịnh, thiền tâm của đền, chùa, cửa Phật hoặc trở về với cội nguồn, với tổ tiên nhằm
được thanh thản và thư giãn, được an ủi, chở che. Vì thế có biết bao nhiêu dấu
ấn tâm linh, tinh thần thiền trong “Hoa giấu mặt” được toát ra qua những từ ngữ:
chùa, tượng Phật, Đức Phật, Phật tính,
Phật tử, ngày Phật đản, (bàn) tay Phật,
đền, Thánh, nghi lễ, lễ cầu siêu, cầu kinh, giờ tụng niệm, âm dương,
khói hương, (thầy) cúng, chân linh, sát na, hóa vàng, (tết) thanh minh … hạ huyệt, huyệt mộ, mộ cha, xây mộ, bát cơm
quả trứng, nghĩa trang… Mai Văn Phấn rất thích số 9, sùng số 9, tập thơ kết
thúc ở bài số 99 cùng với hình ảnh Phật, (điều này không phải ngẫu nhiên mà có
dụng ý, trong bài Cửa Mẫu ở tập Bầu trời không mái che cũng có 9 nhịp).
Số 9 là con số cuối cùng trong dãy thập phân, là con số thiêng trong tâm thức
dân gian …
Mai Văn Phấn
cũng là người thích nói về hoa, hoa cũng phản ánh quan niệm thẩm mĩ của anh.
Chỉ trong một tập thơ mỏng, ít âm tiết
mà có tới 35 lần nhắc đến hoa, 8 lần nhắc đến hương
(hoa). Hoa có khá nhiều loại [sen,
cúc,
mẫu đơn, huệ, hoa đại, hoa
đào, hoa táo, hoa bưởi, cẩm quỳ, phượng vĩ, trạng nguyên, hoàng yến …] hoa
có nhiều đặc tính [hoa nở (tr.8), đơm hoa (tr.56), trổ hoa (tr.78), vầng hoa (tr.58), hai bông hoa (tr.62), nửa cánh hoa, nhụy hoa (tr.23), nụ hoa, màu hoa (tr.26), hoa chảy máu (tr.21), hoa không còn hương (tr.84)…]; hoa có
ở nhiều nơi, thậm chí ở: “trong tranh”
hoặc được “khắc trên ấm đất”.., hương cũng có ở nhiều nơi: “cạnh cửa đền”, “trong vườn”, “quanh núi”…
Nhưng như một ám ảnh vô thức, Mai văn Phấn hay nhắc nhiều đến các loại hoa
thường dùng để dâng cúng hoặc trồng nơi cửa thiền, cửa Phật như hoa đại, mẫu đơn, sen, cúc, huệ… Đặc
biệt là sen được nhắc đến nhiều với
các từ ngữ như hoa sen (tr.13), cánh (hoa) sen (tr.40), sen nở (tr.65), hương sen (tr.11), chè sen (tr.62)…
Những gợi
nhắc của những loài hoa ấy luôn mang lại sự thanh thản trong tâm hồn, mang lại
sự dịu dàng, rũ sạch bụi trần, bỏ qua những nỗi lo cơm áo:
23. Bát chè sen nguội/ Mặt đầm / Lòng thanh khiết
27. Tiếng sét/ Lay bông huệ/ Dịu dàng
52. Trú dưới hoa đại trắng/ Mưa/ Sạch bụi trần
(Con mắt nghiêng)
Có lẽ cũng
cần phải nói thêm rằng, những loại hoa xuất hiện cùng bóng dáng “em” trong thơ
Mai Văn Phấn thì bao giờ cũng có những cái tên rất điệu và gợi sự liên tưởng
đến những gì đẹp đẽ, sang trọng, thảo hiền, giỏi giang như là một quan niệm
thẩm mỹ về người đẹp. Đó là hình ảnh hoa cẩm quỳ, hoàng yến, yến thảo, hoa
trạng nguyên… Theo nghĩa gốc
Hán: cẩm
là gấm vóc, ngọc ngà (cẩm bào, cẩm tú, cẩm thạch…) nghĩa là đẹp; hoàng
có hai nghĩa: là màu vàng đế vương rực rỡ và còn là hoàng hậu, hoàng đế…nghĩa
là sang trọng; thảo: còn gợi nét nghĩa thơm thảo, thảo hiền nghĩa
là
tốt tính; trạng: trạng nguyên,
người đỗ cao trong các kì thi…nghĩa là giỏi giang, có học vấn:
- Hoa cẩm quỳ trong tranh/ Bình nước sạch/ Anh ở đây
(47.
Con mắt nghiêng)
- Khăn quàng của em/ Hoa trạng nguyên/ Chảy... ngấm... vương... loang... đổ...
(Pha màu)
Và người đẹp thường gắn liền với biểu tượng màu đỏ mạnh mẽ, nồng nhiệt
với trang phục thành thị tha thướt, điệu đà, nhàn tản với “váy”, “hài”, “khăn”:
váy đỏ, hài đỏ, khăn quàng cũng đỏ màu
hoa trạng nguyên:
-
Váy đỏ/ Em dạo quanh cây
phượng/ Chưa hé nụ
(Tháng giêng)
-
Anh là đám cỏ lan ra lối đi/ Em đi hài đỏ/ Giẫm lên
anh phải không?
(Kiếp
trước)
Viết đến đây
tôi chợt liên tưởng đến cái “móng chân
sơn đậm màu trà” của thiếu phụ trong một bài thơ trước đây của Mai Văn
Phấn, và cũng lại chợt hình dung thấy cái “những
ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như ngón chân gà mái” của những
người đàn bà nhà quê gánh nước sông trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Như vậy, môi
trường sống bao giờ cũng in đậm dấu ấn trong tiềm thức và đến một lúc nào đó vô
thức bật ra thành những sáng tạo hình tượng của thi sĩ.
3. Thử giải mã một số bài trong Hoa giấu mặt
Văn bản thơ
“hoa giấu mặt” là một tác phẩm mở
(Eco) và sẽ chỉ tồn tại trong và qua sự đọc. Nó cũng là một tác phẩm có kết cấu vẫy gọi (cách nói của W. Iser).
Tức nó chỉ là những nét chấm phá, nó có
những điểm trắng/ lặng, những điểm
chưa nói hết, lấp lửng, lập lờ, nhiều tầng bậc. Những điểm trắng/ lặng này sẽ kích thích người đọc bằng trí tưởng tượng
của mình lấp đầy. Nó dung chứa những ẩn dụ và hàm ngôn, nó chờ đợi người đọc
cùng sáng tạo, cùng liên tưởng dựa vào kinh nghiệm sống và năng lực cảm thụ của
mình. Sự giải mã đôi khi vượt ra ngoài tầm kiểm soát của tác giả, và có thể
cùng một bài thơ lại có nhiều cách hiểu khác nhau đồng thời cung bậc yêu thích
giữa các độc giả cũng khác nhau. Điều đó không hề hấn gì, miễn là sự giải thích
nó phải có cơ sở. Người đọc sẽ thích
những bài nào có khả năng khơi gợi cho họ những xúc cảm và liên tưởng hợp lý.
Người đọc cổ
điển là người đọc đứng ngoài tác phẩm, người đọc hiện đại đứng trong tác phẩm, tham gia tích cực vào việc sáng tạo tác phẩm,
vì thế họ còn được gọi là người đọc tích
cực, người đọc sáng tạo (chữ dùng
của Đỗ Lai Thúy). Vì vậy, tôi cũng thử làm một người đọc chủ động tham gia vào
quá trình giải mã một số bài thơ sau trong “hoa giấu mặt”:
* Vũng nước nhỏ dưới chân núi/ Soi/ Tận đỉnh (Cái nhìn)
Muốn tìm hiểu đỉnh núi (ít nhất ở hình dạng
bên ngoài) không nhất thiết phải leo lên tận đỉnh núi hay phải ngồi trên máy
bay ở một khoảng cách nhất định để quan sát, mà điều quan trọng hơn là phải cần
một tọa độ thích hợp, một “điểm nhìn”
(point de vue) đúng, phải tìm được tấm gương phẳng, chuẩn (không phải gương
lồi, lõm…) phản chiếu nó. Từ “soi” được tách ra thành một nhịp riêng, đó chính
là một nhịp mạnh, là điểm nhấn đồng
thời nó chính là “nhãn tự” của bài thơ này. Sách vở chuẩn mực là nguồn tri thức
của nhân loại đang ở ngay gần ta, ngay “dưới chân núi”, nó có thể giúp ta “soi”
đến tận cùng (đỉnh) của sự hiểu biết… Riêng bài này, chắc chắn sẽ có rất nhiều
cách hiểu khác nhau.
*
Không thể tin/ Đám mây say đắm hôm qua/ Đang làm mình ướt.
(Nghĩ trong mưa)
Trong cuộc
sống có những điều đẹp đẽ đang làm ta mê đắm, yêu tin, quý trọng bỗng bất ngờ
đổi thay nhanh chóng, đang từ mây hóa thành mưa, biến thành những sự thật phũ
phàng làm ta đau đớn, không thể ngờ được, khiến ta chỉ biết rùng mình ngẫm nghĩ
trong nỗi buồn. Như vậy, sự nhận thức
không phải là bất biến mà có thể thay đổi theo thời gian.
Cuộc sống
đương đại có nhiều bất an, đến nỗi chúng ta thật đáng trách vì đã có lúc hoài
nghi mà cảnh giác với cả những điều tốt đẹp:
* Lá cây động/ Ra mở
cửa/ Thủ sẵn cái búa (79. Con mắt nghiêng)
Sao không
nghĩ lá cây động là bởi nó đang lung
lay, rung rinh, phát ra thanh âm rì rầm trong trăng gió huê tình, thiên nhiên
đẹp như thế, vậy mà người ta cũng cảnh giác bởi biết đâu tiếng động ấy là của
kẻ trộm, kẻ ác đang rình mò ở đó.
*Thanh kiếm/ Đã nguội/ Còn tôi mãi trong
nước (70. Con mắt nghiêng).
Nước trong
hoàn cảnh này chỉ có giá trị khi làm nguội thanh sắt vừa nung đỏ trong lò để
biến nó thành thanh kiếm. Nhưng khi kiếm đã nguội, nước cũng mất đi giá trị
đích thực. Như vậy, vai trò của sự ảnh hưởng nhiều khi chỉ có ý nghĩa trong một
thời điểm lịch sử nhất định mà thôi.
* Hoa văn thổ cẩm/ Những sợi vải thô đan vào
nhau/ ông vua và tì thiếp
(59.
Con mắt nghiêng)
Ông vua và
tì thiếp đã trở nên bình đẳng trên một mặt phẳng, đều góp phần tạo nên những
hoa văn, làm đẹp tấm thổ cẩm. Tình yêu đẹp đích thực đâu còn phân biệt đẳng cấp
sang hèn?
*Giọt sương nín thở/
Treo/ Trên vũng nước bẩn (Mong manh)
Giọt sương
trong thơ Mai Văn Phấn luôn là những biểu tượng của sự trong trẻo. Ở đây,
cái tốt đẹp đôi khi phải cố gắng lắm mới
giữ gìn được bản thể của mình nếu không sẽ rất dễ bị rơi vào hòa tan trong môi
trường bẩn.
* Vực thẳm dạy lùm cây/
Bám vào vách đá/ Ngây dại trổ hoa
(71.
Con mắt nghiêng)
Càng ở gần
nơi nguy hiểm, khó khăn (vực thẳm), con người (lùm cây) càng phải cố gắng vất
vả tìm cách thích nghi (bám vào vách đá) để tồn sinh và tỏa sáng (trổ hoa).
Mai Văn Phấn
luôn ý thức giữ gìn nhân cách và cốt cách, dù sống gần “vũng bùn”, dù phải
“rơi” cũng “rơi” một cách “ngay ngắn”:
* Cánh hoa sen/ Ngay
ngắn rơi xuống/ Vũng bùn (Cốt cách)
* Bông cúc ấy sắp tàn/
Nhớ lấy màu hoa/ Đan áo (Dặn em)
Đan áo màu
hoa cúc để nhớ về hoa cúc, vẽ chân dung thiếu nữ mười tám tuổi để nửa thế kỉ
sau một bà già sáu mươi tám tuổi vẫn cứ là một thiếu nữ mười tám tuổi... Đó là
một trong nhiều cách lưu giữ bảo tàng kí ức, lưu giữ vẻ đẹp để vẻ đẹp tồn tại.
Sự tái tạo vẻ đẹp bằng nghệ thuật, bằng ý thức, trí tuệ và sự khéo léo của đôi
tay sẽ biến cái đẹp nhất thời thành cái đẹp lâu bền hơn.
* Con bướm/ Chờ hoa sen
nở/ Đuổi không bay (33. Con mắt nghiêng)
Khó có thể
nào ngăn cản con bướm quẩn quanh, chầu chực đón chờ để được thưởng thức bông
sen nở tỏa hương thơm ngát. Nó quyết tâm sống chết vì cái đẹp. Bướm và hoa là
một cặp bài trùng luôn song hành với nhau, như một lẽ thường của thiên nhiên
tạo hóa. Vậy đừng bao giờ chúng ta nỡ làm một điều ác, đuổi bướm ra khỏi hoa. Bất chợt tôi nhớ lại lời tự bạch trong
một đối thoại của Mai Văn Phấn: “Hãy để cho lần nữa thiên nhiên dạy chúng ta
cách yêu”.
Mai Văn Phấn
rất quan tâm tới những cặp đôi bướm –
hoa, ong – hoa, nhện (nước) – hoa như sự gắn bó hữu cơ giữa đối
tượng thẩm mỹ và chủ thể tiếp nhận. Bài thơ sau đây thể hiện sâu sắc tâm hồn
nhạy cảm, luôn trân quý những khoảnh khắc yên bình, luôn có ý thức gìn giữ và
thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên:
*Ngậm ngụm nước/
Sợ/ Con ong rời nhụy hoa (Yên tĩnh)
Bên cạnh đó,
anh còn có khả năng miêu tả, ngợi ca người đẹp mà không cần phải huy động các
tính từ, không cần hiển ngôn ý tình trên xác chữ:
*Thiếu nữ lội qua
suối/ Mặt trời nhấp nhô mấy lần/ Mới lặn (Chiều tà)
Vẻ đẹp người
con gái đang độ thanh xuân ở đây đã làm thay đổi cả vectơ thời gian, khiến vũ
trụ cũng không còn tuân theo quy luật muôn đời nữa. Trời đất còn xúc động,
huống chi là nhà thơ. Thế mới biết cái bàn chân, bắp chân trần người đẹp lội
suối đã ám ảnh tâm hồn khá nhiều thi sĩ, chẳng thế mà Bùi Giáng tiên sinh cũng
đã có một tuyệt phẩm trong gia tài thơ của ông đó thôi:
Người con gái lội qua khe/ Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau/ Nỗi niềm tưởng lại xưa
sau/ Bàn chân với nước cùng nhau lại đè.
Mai Văn Phấn không chỉ nhạy cảm với cái đẹp
mà còn dễ đau lòng trước những sự vô tình, trước thói thờ ơ, vô cảm đang hiện
hữu tràn lan trong cuộc sống đương đại:
* Ai lỡ phơi rơm/ Lên ngôi mộ đơn sơ/ Người nằm đó cả đời lam lũ (Vô
tình)
*
Bức tường sáng/ Chổi quét/ Ngâm trong thùng dầu (87. Con mắt nghiêng)
Chiếc chổi
khi chưa quét sơn/ vôi thì nó sạch sẽ, đến khi nó đổi thay hình dạng ban đầu để
hoàn thành tốt trách nhiệm, nghĩa vụ, nó làm cho bức tường sáng ra đẹp lên
nhưng rồi số phận của nó bị người ta hờ hững lãng quên, vứt trong thùng dầu.
*Vẫn chìa khóa ấy/
Hôm nay/ Không thể mở
(86. Con mắt nghiêng)
Tại sao vẫn
chìa khóa ấy, ngày hôm qua vẫn mở được cửa mà hôm nay lại không mở được nữa,
vậy hẳn là chủ nhà đã thay ổ khóa mới. Ổ khóa nào thì chìa khóa ấy. Đừng mang
cái tư duy cũ để mở cánh cửa văn học nghệ thuật của ngày hôm nay, tư duy nào
nghệ thuật ấy, thời đại nào tư duy ấy.
V.v và v.v..
Thực ra, tôi
còn thích một số bài nữa nhưng không thể kể hết ra được. Tất cả những liên
tưởng trên, thiết nghĩ đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát chủ quan của tác giả hoa giấu mặt. Điều này liệu có ảnh hưởng
gì không, khi nó là những bài thơ đồng sáng tạo? Biết đâu chính sự tương tác
giữa tác giả và độc giả như thế lại khiến cho thể loại thơ này có một sức sống
bền lâu.
Một văn bản
có kết cấu vẫy gọi “phải vừa đáp ứng
sự quen thuộc của người đọc, vừa phủ định
nó, để người đọc tìm hiểu, khám phá. Nếu chỉ có cái quen thuộc, tức là dưới chân trời đón nhận của người đọc thì anh
ta sẽ chán, còn nếu chỉ có những cái mới, tức là trên chân trời đón nhận thì
người đọc cũng sẽ chán, nhưng lần này là chán vì sự khó hiểu” (Đỗ Lai Thúy).
Bởi thế,
trong một vài bài thơ của hoa giấu mặt,
Mai Văn Phấn cần có những chỉ dẫn liên tưởng gần gũi hơn trong lôgic của sự
vật, phù hợp với tư duy của nhiều loại đối tượng độc giả, (chứ không phải chỉ
dành cho đối tượng đặc biệt “siêu độc giả”) để họ có thể dễ dàng tìm ra cái giả
thiết không nói ra của tác giả, tìm ra “cái được nói đến” trốn đằng sau những
ẩn dụ.
Trong văn
bản thơ “hoa giấu mặt”, tiêu đề là một kênh chỉ dẫn đặc biệt, nó đã trở thành
những chìa khóa vạn năng trong một số bài như: “Nhìn qua răng bừa”, “Quả ngọt”, “Mong manh”, “Tranh tượng trưng”…Tuy
nhiên trong một vài trường hợp khác, tiêu đề đôi khi lại không phát huy vai trò
khơi gợi để sự liên tưởng đi được xa hơn, mà lại làm cho bài thơ đơn thuần là
nhiều tả mà ít gợi, chẳng hạn bài “Con
đóm đóm kể lại” và “Ngựa”.
Cuối cùng,
trước khi kết thúc bài viết, tôi muốn nói thêm rằng, theo thiển ý của cá nhân,
tôi nghĩ: trong thời buổi hiếm thời gian như hiện nay thì viết ngắn, ngắn mà
tinh, ngắn mà ám ảnh sẽ là một lợi thế. Thể thơ ba câu kiệm lời nhưng có khả
năng khơi gợi nhiều liên tưởng phong phú, người đọc cùng sáng tạo như hoa giấu mặt của Mai Văn Phấn chắc sẽ
được độc giả mến yêu ghi nhận.
H.K.N
(http://vietvan.vn)