Động hình của tư duy và mĩ cảm trong tập thơ “Hôm sau” của Mai Văn Phấn (phê bình) - Nguyễn Thanh Tâm
Động hình của tư duy và mĩ cảm
trong tập thơ
“Hôm sau” của Mai Văn Phấn

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm và MVP
Nguyễn Thanh Tâm
1.
Đọc thơ Mai Văn Phấn cần khá nhiều thời gian
và tâm sức. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tiếp cận hai tập thơ “và đột nhiên
gió thổi” (Nxb Văn học, 2009), “Hôm sau” (Nxb Hội nhà văn, 2009) của
anh. Cảm nhận có một nguồn động năng mới mẻ trong thơ Mai Văn Phấn mà chưa thể
tường giải cứ ám ảnh không nguôi. Gần một năm trôi qua, hôm nay tôi mới có thể
nói đôi chút về tập “Hôm sau” của anh từ khía cạnh vận động của tư duy
và mĩ cảm.
2.
Vật lý học hiện đại với những thành tựu to
lớn về cơ học lượng tử đã nêu lên tính bất định của vũ trụ. Quan niệm này sẽ
làm cho người quan sát trở thành một phần của hiện thực được tri nhận. Cụ thể
hơn là "người quan sát... tham dự vào hiện thực được quan sát" (Đạt
Lai Lạt Ma). Không thể nói là hiện thực khách quan khi hiện thực đó được mô tả
bởi sự tri giác của con người. Điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với việc đánh
giá khía cạnh hiện thực trong tác phẩm văn học. Hiện thực là sản phẩm mang đậm
dấu ấn chủ quan của chủ thể sáng tạo bởi những tác nhân chi phối từ tâm tính,
thị hiếu, văn hoá, dân tộc, thời đại mà người đó sinh tồn, thụ hưởng. Trở lại
với tập thơ “Hôm sau” của Mai Văn Phấn, ta bắt gặp một cái nhìn mới về
hiện thực, con người và nghệ thuật. Có lẽ đó là điều làm nên nguồn động năng
đầy ám ảnh trong thơ anh. Nguồn động năng ấy chi phối, quán xuyến tư duy nghệ
thuật và mĩ cảm tạo nên khí hậu riêng của tập thơ.
Cuộc sống hiện lên phong phú, sinh động, phồn
tạp như vốn có trong thơ Mai Văn Phấn. Như một nhà quay phim kĩ tính nhưng tham
lam, Mai Văn Phấn thu vào ống kính của mình những sắp đặt ngẫu nhiên của tạo
hoá, để nó tự nói lên thông điệp về tính thậm phồn, bất định, bất toàn của vũ
trụ. Dụng công của tác giả nhiều nhất có lẽ là những bận lòng đầy tỉ mỉ, những
chăm chú khổ tâm để tri nhận thể tính của hiện thực như nó vẫn đang hiện tồn.
Một hiện thực “Không thể tin” nhưng có thẩm quyền tồn tại, nó cất lời
chối từ những giới hạn của khả năng, để biểu đạt tính đa khả thể của cuộc sống:
Nhưng hình như
Mọi con vật trong nhà
Vẫn chế tác từ đồ phế thải:
Con mèo tam thể được sinh ra từ mớ giẻ rách?
Cá bơi trong bể được gò hàn từ vỏ lon beer?
Chim hoạ mi hót trong lồng là chiếc ấm vỡ?
(Không
thể tin)
Như một lời phản biện với quan niệm thông
thường, những hình dung mới làm thay đổi ý niệm về những cái mặc định. Sự thống
ngự của chủ thể quan sát hiện lên ở đây để thách thức và đòi thay đổi. Tại sao
lại gọi đấy là “chim hoạ mi” mà không phải là “chiếc ấm vỡ?” Ngôn
ngữ mang tính võ đoán, nên cách gọi tên chỉ thuần tuý là ý niệm tương đối do
con người áp đặt. Đọc hết bài thơ này của Mai Văn Phấn, con người hoàn toàn có
thể tự đặt cho mình câu hỏi để tiếp nối bài thơ!
Xuyên suốt tập thơ “Hôm sau” của Mai
Văn Phấn, là chuỗi những mảnh ghép phi lô gíc của hiện thực. Nói phi lô gíc
nghĩa là chúng ta đang bị chi phối bởi lô gíc của quan niệm, của sự áp đặt.
Chính xác hơn đó là một lô gíc mới, nó không đáng bị khinh khi, bị chối bỏ. Sự
quan liêu của những trật tự đã tồn tại làm con người mất đi khả năng kiến tạo
những "cú mới" (JF. Lyotard). Đồng nghĩa với điều đó là con người cũ
kĩ, tha hoá dần đi trong thể tính đã khuôn rỗng: Đêm tỉnh dậy. Đồ gỗ trong
phòng mọc tua tủa nấm nhĩ. Bức tượng chảy xệ xuống thành nắm đất nhão. Chiếc
quạt mở ra lần cuối rồi khép lại làm ống tre (Quay theo mái nhà). Con người không thể lại nằm xuống và tiếp
tục cơn ngủ của mình. Nấm nhĩ mọc trong đầu, tâm hồn chảy xệ, biến chất và lại
giống trong guồng quay hỗn độn của đồ vật. Sự chân thực của huyễn tưởng đã nói
lên thân phận của con người trong sinh môi ngày càng khắc nghiệt, quay cuồng
bất trắc. Tác giả sử dụng huyễn tưởng và giấc mơ để biểu đạt những u uất của sự
sống mà con người đang từng ngày bôn trải.
Trong tập thơ này của Mai Văn Phấn, niềm bi
quan về thân phận của cái tôi cá thể hiện lên khá rõ. Cái tôi hoàn toàn mất đi
bản lĩnh tự tôn đã tốn nhiều tâm sức mới giành được sau hàng chục thế kỉ bị
khuất phục bởi vương quyền, thần quyền, bởi ý chí của đoàn thể. Nó ngạo nghễ,
trịnh trọng tôn xưng suốt một thời Thơ mới, để giờ đây hoang mang hoài nghi
chính bản thân mình. Vẫn còn day dứt trong thơ Mai Văn Phấn cuộc giao tranh
giữa con người cá nhân cá thể với con người chức phận xã hội. Sự xung đột của
"cái tôi", "cái siêu tôi" và "cái ấy" (lý luận nhân
cách của S. Freud) làm con người mệt mỏi, rũ rượi, muốn chết, muốn bóp cổ mình
để hoá giải, chấm dứt sự giao tranh. Trong cuộc đối đầu ấy, "cái tôi"
khát khao hướng tới một sự sống toàn nguyên, trọn vẹn nhưng không nắm chắc rằng
mình sẽ sống sót. Dù sao, còn giao tranh nghĩa là còn có cảm giác mình đang
sống: Tôi đi hết ga hết số. Răng nghiến chặt. Tay bóp cổ hắn. Kéo hắn lướt
trên mặt đất... Đích đến cuối cùng là buổi lấy phiếu tín nhiệm đề bạt, trả lời
phỏng vấn, chuẩn bị phong bao một đám hiếu, cuộc gặp gỡ một nhân vật quan
trọng... (Đến trong ý nghĩ).
Tự ngã và tha nhân đều bị soi xét bằng cái nhìn hoài nghi của chủ thể.
"Cái tôi" uất ức vì bị cưỡng chế, "cái siêu tôi" bị giễu
nhại bởi sự ngấm ngầm cựa quậy của "cái ấy" làm nên bị kịch hiện tồn
của con người:
Đạo mạo nghe trộm điện thoại
Đạo mạo nhìn ngực chị em trong đám tang
Đạo mạo ký tên vào công trình khoa học
Đạo mạo làm thơ tình khi đã liệt dương
(Bài học)
Thức cảm về sự tha hoá không phải là xa lạ
trong văn học thế giới và Việt Nam. Đó là sản phẩm của tình trạng con người bất
lực, buông xuôi trước cám dỗ và sức mạnh cưỡng chế của điều kiện sinh tồn (Chỉ
là giấc mơ, Biết thì sống, Chuyện còn dài, Nếu,...).
Con người biết rõ mình đang từng ngày bị cuộc sống nuốt chửng mà không sao
cưỡng lại được. Trong tập thơ này của Mai Văn Phấn, ám ảnh về cái chết hiện lên
khá rõ. Bầu tử khí vẩn theo bóng quạ, xuyên qua màn đêm, reo rắc niềm kinh hãi
lên sự yếu đuối đã kiệt quệ đức tin của con người:
Đừng đến gần bóng râm
Chúng là con quạ
Xoã cánh lúc hoàng hôn, rạng đông
...
Cả chúng ta nữa, đang cồn cào cùng dòng sông
đói khát. Những giọt nước đục tìm cách lọt qua khe vải. Mặt nước khổng lồ ghìm
nén xao động, mong giữ lại bóng người. Bật que diêm rồi, vẫn nhớ ngọn bấc còn
rất xa. Vung tay lên, nói một mình trong bóng tối (Biến tấu con quạ).
Có chút gì chơi vơi trong tâm thức con người.
Sự níu kéo, sự nỗ lực, sự buông xuôi,... rồi tất cả bị nuốt vào trong cái bụng
tối đen của con quạ. Mĩ cảm của tác giả làm người đọc thực sự âu lo. Cái chết
ẩn náu đâu đó trong những bóng râm, những khoảng tối rồi bất thần ập đến. Lễ
thiên táng cho thân phận được chính thức bắt đầu.
3.
Với những dự cảm bất an về thân phận, thơ Mai
Văn Phấn không ru ngủ người ta, mà đánh thức linh thị con người trong niềm khắc
khoải hiện sinh. Tư duy và mĩ cảm của anh khởi sự từ niềm bất an ấy. Ngôn ngữ
thơ biểu hiện tính phân mảnh của hiện thực trong một lô gíc mới. Những ngẫu hợp
của đời sống chen chúc trong cấu trúc câu thơ ngỡ như thiếu mạch lạc. Nhưng rõ
ràng đã đem lại cho người đọc một cảm giác chân thực về những gì đang xoay động
quanh ta. Sự hoài nghi và chối từ trật tự, mĩ cảm cũ hướng tới một thế giới mà
ở đó mọi khả năng đều có thể xảy ra. Sự trực nhận của cảm giác xui khiến tư duy
phủ nhận những khuôn thước cũ đã chật hẹp, lỗi thời, những chuẩn mực đã méo mó,
không còn khả năng định vị. Tâm thế của con người trong bối cảnh sống chất ngất
rủi ro đã hướng tư duy và mĩ cảm của tác giả vào từ trường hậu hiện đại.
“Hôm sau” nghĩa là còn chưa tới. Niềm khải
thị về nghiệm sinh dẫu đầy bất an nhưng sẽ có ý nghĩa cho một tương lai khả hữu
hơn.
Thanh Hoá, 03/3/2010
N.T.T
(Báo Người Hà Nội số 20, ra ngày 14/5/2010)
(phongdiep.net)