Nhà thơ Mai Văn Phấn – Kẻ “Đợi mùa” (phê bình) - Y Trang
12/10/2013 11:11:00
Nhà thơ Mai Văn Phấn – Kẻ “Đợi mùa”
Y Trang
(bút danh của Đỗ Quang Hạnh)
Rất nhiều tập thơ - của các
nhà thơ được gọi là trẻ và lớp trẻ thật - hiện nay, đọc lên nghe than van như
tiếng kêu đường, hoặc giả lu loa tính dục nửa vời thì đáng quý làm sao những
tập thơ được viết ra từ tâm hồn và trí tuệ của những người khát khao khai
phá quặng chữ, của những kẻ ước ao mình "ăn trộm được lửa". Nói như
một nhà thơ lớn thế giới, thi sĩ (phải) là kẻ "ăn trộm lửa". Như
Prométhée...
Tôi chưa dám coi Mai Văn Phấn là một thi
sĩ như thế. Với "Vách nước" (NXB Hải Phòng 2003), một tập thơ
in khá đẹp - dù điều này cũng không quan trọng lắm - tôi thấy anh là một kẻ
"đợi mùa", tên một phần thơ trong tập. Sống ở Hải Phòng - một
thành phố đã nâng cấp - nhưng hình như Phấn vẫn "tỉnh lẻ" lắm. Có lẽ
anh tự coi mình là hạt thóc và cứ thế "Trong hốc lặng/ Tôi/ Im trôi với
bao người", như thể Phấn cứ đợi mùa, cứ gieo để không biết bao
giờ có sự sinh trưởng, để gặt hái. Nhưng "hạt thóc" nhỏ nhoi ấy vật
vã, chuyển động. Như anh luôn tìm cách dịch chuyển mọi sự vật và tâm tưởng của
chính mình, hòng tìm ra chỗ định vị thực sự để sinh thành, thăng hoa: "Nảy
ra ý định xếp tất cả những suy tư kia thành đồ chơi". Đến nỗi
"con cá khô trên móc sắt quẫy mình lao vào hồ nước".
Mai Văn Phấn hy vọng
"chữ nghĩa làm đất mang thai". Và người làm ruộng - thơ ấy đã
không chỉ "trông trời trông đất" mà loay hoay vật vã tựa vào chính
mình. Nhiều câu nhiều chữ của anh đã thành hoa trái, như "tiếng trẻ con
bám vào răng lược". Phải, anh cứ đi có thể "không quán tính"
(tên một phần thơ trong tập), thậm chí rơi vào trạng thái "không trọng lượng"
cũng được. Anh có quyền đợi một mùa sẽ đến vì chính anh đã hằng tin: "Sự
thật làm con chữ nhảy ra không thể thu về/ Càng tự tin tỉnh dậy nhìn biểu
tượng ngập trong miệng lửa". Bởi lẽ, mất đi rồi lại phục sinh. Mà có
thể - nói như Khải Huyền trong Kinh Thánh, sẽ có một trời mới, đất mới...
Rất có thể, trong nhiều
bài thơ trong tập, rồi sẽ không tồn tại, nhưng từ "Vách nước"
rất có thể sẽ có một mùa thơ mới cho người gieo hạt Mai Văn Phấn. Mặc dù - ngay
cả với những người yêu thơ - đọc thơ anh đôi lúc hơi bị mệt. Nhưng biết
làm sao, thơ đâu phải là thứ nước giải khát như cốc nước đường hoặc xi-rô lờ lợ
nào đó. Người làm thơ "gieo hạt" thì người đọc cũng có lúc
phải tự mình "gặt hái" lấy.
Y.T
(Báo Lao động số 318
Ngày 14/11/2003)