Chị Eva
Mai Văn Phấn
Chiều xứ Bắc Âu mới cuối
thu nhưng khá lạnh. Chúng tôi quây quần uống trà với bánh quy gừng trong căn hộ
treo như kín tranh của các họa sỹ Việt Nam của nhà nghiên cứu văn hóa và dân
tộc học Eva Lindskog ở thành phố Lidingö, Thụy Điển. Lidingö là một hòn đảo ở
phía đông bắc thủ đô Stockholm, thủ đô này trải dài trên mười bốn hòn đảo lớn
nhỏ, và nhiều thành phố vệ tinh quanh nó cũng là đảo như Lidingö.
Bánh quy gừng có hình
những con thú, trái tim, bông hoa…, rất phổ biến ở châu Âu, và người Thụy Điển thường
làm trong dịp lễ Giáng sinh hoặc để thết đãi khách. Trên mặt chiếc bánh được
phủ lớp bột nghệ và trang trí thêm vài hạt nho khô. Đĩa bánh được rắc lớp đường
trắng bông tuyết. Chị Eva Lindskog mời tôi thưởng thức bánh quy gừng bằng thứ
tiếng Việt giọng miền Bắc cực chuẩn âm sắc và giàu ngữ điệu: Em nếm thử
loại bánh này đi! Chị còn mời khách bằng giọng Huế và giọng Sài Gòn,
và giảng giải cho tôi về sự khác biệt giữa các âm vực, ngữ điệu từng vùng trên
nước Việt. Mùi bánh ấm áp cứ thế nhẹ nhàng lan tỏa khắp phòng.
Tôi đến Thụy Điển lần
này theo lời mời của Ủy ban Thụy Điển vì Việt Nam, Lào, Cămpuchia, do chị Eva
Lindskog làm Chủ tịch, dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban và tham gia một số
hoạt động văn hóa. Kinh phí cho chuyến đi do phía Thụy Điển đài thọ. Từ đầu năm
nay, 2018, chị Eva Lindskog đã thảo luận với dịch giả Mimmi Diệu Hường
Bergström và nhà văn Styrbjörn Gustafsson – Giám đốc Nhà xuất bản Tranan. Các
anh chị đã lên kế hoạch chi tiết từng ngày, từng sự kiện, đặt trước cho tôi
phòng nghỉ tại khách sạn Queens Hotel ở phố Drottninggatan, một phố cổ dành cho
người đi bộ giữa trung tâm thủ đô Stockholm. Lễ kỷ niệm 50 năm của Ủy ban Thụy
Điển sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 10 tới đây, chương trình buổi lễ gồm nhiều
tiết mục văn nghệ đặc sắc giao lưu giữa hai nền văn hóa, nghệ sỹ kịch nghệ và
điện ảnh Sofia Helin và tôi sẽ đọc một số bài thơ bằng tiếng Việt và tiếng Thụy
Điển.
Ở Việt Nam nhiều người
biết chị, thường gọi chị bằng tên thân mật: Chị Eva! Chị gắn bó với văn hóa và
ngôn ngữ Việt rất sớm. Tháng 4/1974 chị Eva Lindskog là người phiên dịch cho cố
Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến thăm chính thức Thụy Điển. Năm ấy chị mới
27 tuổi. Tháng 3/1975 lần đầu tiên chị được Chính phủ Việt Nam mời sang thăm Hà
Nội. Năm 1980, chị trở lại Việt Nam nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa
và hệ thống giáo dục Việt Nam, đồng thời làm quản lý dự án nâng cao điều kiện
sống cho công nhân nhà máy giấy Bãi Bằng. Từ năm 1998, chị làm cố vấn cho Trung
tâm Châu Á của Viện Môi trường Stockholm (Stockholm Environment Institute),
Thụy Điển về ảnh hưởng, phát triển của văn hóa và xã hội tại bốn nước, Việt
Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Chị Eva có hơn 20 năm sống gắn bó với Việt
Nam, chia sẻ những vui buồn trên dải đất hình chữ S thời hậu chiến, nhất là
cuộc sống khó khăn thời bao cấp. Từ năm 2011, chị về Thụy Điển sống với gia
đình con gái, nhưng vẫn thường xuyên trở lại Việt Nam để thực hiện các dự án
xóa đói giảm nghèo của Liên minh Châu Âu, tham gia các hoạt động văn hóa, giáo
dục và nhân đạo.
Trong thời gian ở Việt
Nam, chị Eva còn là nghệ sỹ nhiếp ảnh có phong cách đặc biệt ấn tượng. Bằng
chiếc máy ảnh Kodak chụp phim đen trắng, chị đã đến hầu khắp các tỉnh thành
Việt Nam, ghi lại cả kho tư liệu về đời sống và cảnh vật thời bao cấp. Đó là
thời kỳ thương nghiệp tư nhân bị loại bỏ, hàng hóa được phân phối theo chế độ
tem phiếu, và hạn chế vận chuyển tự do từ nơi này sang nơi khác. Những tấm ảnh
sống động của chị Eva đã phản ánh khá đầy đủ và chân thực về thời kỳ khó khăn
nhưng chan chứa tình người ở Việt Nam. Những gánh hàng cơm trên vỉa hè Hà Nội,
người bơm vá xe đạp ở góc phố, chú rể đón cô dâu trên chiếc xe đạp đã cũ, những
chuyến xe điện chật ních người, học sinh tập trung chào cờ buổi sáng tại một
trường học, cảnh tấp nập và huyên náo trước cửa chợ Đồng Xuân, Hà Nội… Trong số
những hình ảnh sinh động mà chị Eva đã chụp được ở Việt Nam, bức ảnh cho tôi ấn
tượng mạnh nhất là hình năm cô giáo trường Dịch Vọng, Hà Nội đứng bên cạnh
chiếc xe đạp có biển số. Bức ảnh này gợi cho tôi nhớ lại một thời cam go nhưng
tràn đầy hy vọng và thơ mộng.
Chị Eva Lindskog đã cùng
họa sĩ Lê Thiết Cương mở 3 triển lãm ảnh về Việt Nam, “80.00” (2007), “Một Hà Nội
khác” (2009) “Còn & mất”
(2011). Những bức ảnh của chị không đơn thuần là sự ngưng tụ khoảnh khắc đời
sống, sự cảm thông, chia sẻ của một nghệ sỹ Thụy Điển nặng lòng với nước Việt,
mà cho người xem cảm nhận trọn vẹn từng cung bậc cảm xúc của người trong cuộc
mỗi khi bấm máy. Ở đây, “người trong cuộc” Eva Lindskog đã hòa quyện tình cảm,
tâm hồn mình vào lịch sử, cội nguồn văn hóa Việt Nam trong nghệ thuật nhiếp
ảnh. Có một vài nhà chuyên môn đã bình luận những tấm ảnh của nghệ sỹ Eva
Lindskog từ góc độ kỹ thuật, như phối cảnh, bố cục, góc độ thu hình, giai điệu
ánh sáng, các trường phái v.v... Với tôi, những tấm ảnh đó đều là những khoảnh
khắc hiếm gặp, độc đáo, được phản xạ bằng trực giác, cho người xem cảm nhận mối
dây ràng buộc giữa cái tôi của người bấm máy với cái tổng thể lưu lại trong
khung hình. Do vậy, mỗi tấm ảnh đen trắng của Eva Lindskog đều có sức hút kỳ
lạ, kéo người xem trở về một thời khắc nghiệt mà ấm áp tình người, để mỗi người
tự thấy mình, thấy đồng bào, dân tộc mình trong đó.
Eva Lindskog đã dành
trọn tình cảm, cuộc đời mình cho Việt Nam. Con gái chị tên là Maria Liên
Lindskog. Tên của Maria Liên do chị đặt mang biểu tượng văn hóa hai nước Việt
Nam và Thụy Điển. Chị diễn giải, "Liên" là từ Hán-Việt có nghĩa bông
hoa sen. Ngay từ những ngày đầu đến Việt Nam chị Eva đã bị vẻ đẹp, mùi hương,
và đặc biệt là cốt cách của loài hoa này quyến rũ. Sen là một loài hoa thanh
khiết, có truyền thống lâu đời nhất ở phương Đông, là đại diện của văn hóa Phật
giáo, là biểu tượng của sự cao cả, yêu thương, chia sẻ. Nói đến đây, chị cảm
động đọc cho tôi nghe bài ca dao về sen bằng giọng trong trẻo của ngữ âm Hà
Nội:
“Trong đầm gì đẹp bằng
sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”
Rồi chị Eva cho tôi xem
một bức ảnh đen trắng chụp chị cùng “bông sen” 3 tuổi thật đáng yêu của chị bên
những người bạn Việt Nam vào cuối mùa thu năm 1980. Hồi đó, hai mẹ con chị sống
trong khu tập thể Trung Tự, Hà Nội. Tấm ảnh làm tôi nhớ lại những năm tháng khó
khăn ấy. Sau tám năm quân ngũ, tôi đeo ba lô về trường Đại học. Sinh viên chúng
tôi quen thuộc với cảnh “mượn” nhau từng mẩu xà phòng giặt để tắm và cũng để
gội đầu, cảnh cơm gạo mục ăn không đủ no tại các bếp ăn tập thể... Năm 1982
chúng tôi được sang học chuyển tiếp tại thành phố Minsk (thủ đô nước Cộng hòa
Belarus, thuộc Liên Xô cũ). Lúc ấy lũ chúng tôi thấy Liên Xô như một thiên
đường.
Chị Eva đã chuẩn bị xong
các món ăn truyền thống của Thụy Điển để thết đãi khách. Chúng tôi hân hoan
thưởng thức tài nghệ chế biến món ăn của chị, từ thịt tuần lộc hầm với quả bách
xù, thịt viên kottbullar, bánh kẹp
salad trứng cá cơm, bánh bao kanelbullar,
cá trích muối, khoai tây nướng kiểu hasselback,
đến pho mát cứng, bánh cuộn...
Chúng tôi cùng thưởng
thức những ly rượu Akavavit đậm đà thơm ngon, có hương vị thật đặc biệt. Đây là
loại rượu truyền thống được coi là biểu tượng của văn hóa Thụy Điển. Lúc ngấm
hơi men tôi định hỏi thêm chị Eva về lý do chị chọn Việt Nam là quê hương thứ
hai và cơ duyên nào giúp chị gắn bó với nước Việt lâu như vậy. Chị Eva bỗng tự
tay rót một ly rượu mới để chúc riêng tôi và nói như đã đọc được ý nghĩ của
tôi: “Chị yêu Việt Nam lắm!” Tôi uống
cạn ly brandy trong niềm xúc động và không dám hỏi thêm điều gì nữa.
Lidingö, Thụy Điển, 18/10/2018

Từ trái sang: Chị Eva Lindskog; Nhà văn Styrbjörn Gustafsson; Nhà thơ Erik Bergqvist; MVP; Dịch giả Mimmi Bergstrom