Phong cách thơ đậm căn tính Việt - Nhà báo Cao Hải Giang thực hiện phỏng vấn
Phong cách thơ đậm căn tính Việt
(Nhà báo Cao Hải Giang thực hiện phỏng vấn)

Nhà báo Cao Hải Giang
Nhà thơ Mai Văn Phấn (từng đoạt giải văn học Cikada Thụy
Điển 2017) vừa cho ra mắt hai tác phẩm mới: tuyển thơ ‘Lặng yên cho nước chảy’
và tập thơ cùng lời bình
chú ‘Tĩnh lặng - Silence’ với ba ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp. Hai tác phẩm mang
nhiều chiều tương tác bất ngờ, thấm đẫm tinh thần chiêm nghiệm về cuộc sống.
- Khả năng gọi dậy “thế giới” tâm hồn đa chiều, “bí ấn”
trong mỗi người đọc. Tức không phải bỗng dưng ta đọc, ta thích, ta cảm được thơ
Mai Văn Phấn (MVP), chỉ là trong ta đã có sẵn những hạt mầm cảm xúc đó thôi…
Tức là thơ MVP có khả năng khơi gợi ra, nó kích hoạt được sự liên tưởng, suy
ngẫm, tự khám phá của chính người đọc… Quan điểm của ông về sáng tác?
- MVP: Quá trình tích lũy và trải nghiệm đã giúp tôi luôn
hướng tới phong cách một tác giả chuyên nghiệp. Tôi nỗ lực thể hiện tính chuyên
nghiệp trong thâu nhận kiến thức, nghiên cứu, biết định vị tác phẩm trong dòng
chảy thi ca trong và ngoài nước. Chuyên nghiệp trong nuôi dưỡng, giữ gìn cảm
xúc để tạo ra tác phẩm với đúng nghĩa sáng tạo. Nền tảng ấy đã cho tôi quan
niệm, sáng tác là tạo ra một thế giới riêng biệt, một cõi thơ mang đậm dấu ấn
tâm hồn mình. Sự khác biệt phong cách, thi pháp giữa các tác giả hay rộng hơn
giữa các thế hệ thơ, theo tôi, chính là cách thiết lập không gian. Thế hệ thơ
chúng tôi với đa giọng điệu và phong cách, nhưng cùng chung cách thiết lập
không-thời-gian đa chiều kích. Có thể ví đó là một ngôi nhà với nhiều cánh cửa.
Ở đó, mỗi bạn đọc được tự do lựa chọn cho mình một chìa khóa thích hợp, tức
bằng những kiến thức, kinh nghiệm mà họ có được để bước vào ngôi nhà thi ca. Đó
chính là “những hạt mầm cảm xúc” có sẵn trong mỗi người đọc, như chị
nói, sẽ nhanh chóng sinh trưởng trong môi trường và ánh sáng của tác phẩm. Chỉ
khi thích hợp được với không-thời-gian đa chiều, thì “hạt mầm” kia mới đủ sức
vươn rộng lá cành tới những vùng không gian lạ lẫm và bí ẩn của thơ.
- Ông thường sáng tác thơ như thế nào, vào thời điểm
nào?
- MVP: Tôi đã qua giai đoạn viết ngẫu hứng, “tức cảnh
sinh tình”… Mỗi giai đoạn sáng tác của tôi đều có chủ đích, hướng tới một phong
cách thơ hiện đại mang đậm căn tính Việt. Mỗi tập thơ của tôi đều được “quy
hoạch”, tựa như kiến trúc tổng thể một ngôi nhà với nhiều tầng lầu, phòng ốc,
và, chúng được nhất quán về tư tưởng và cảm xúc, được quán chiếu bằng một ánh
sáng riêng biệt. Mỗi khi hoàn thành một tập thơ, tôi thường dành thời gian tĩnh
lặng để tìm đến ánh sáng mới cho những sáng tác tiếp theo. Và dù có được ý
tưởng mới, nhưng tôi vẫn phải chờ đợi ánh sáng, vừa rõ ràng vừa mơ hồ, như ngọn
đuốc soi đường trong đêm tối dẫn tôi đi. Về thời điểm sáng tác, tôi
quen và dễ viết nhất là lúc công việc chồng chất, va đập mạnh. Một số bài thơ
có trạng thái an nhiên, trong suốt đã được tôi viết lúc bi phẫn, chán chường…
Lúc ấy tôi cảm thấy đời sống thực tại tựa một đầm lầy, một ao tù, và bài thơ
của mình đã vươn lên như một bông sen thanh khiết.
- Thơ ông thấy rõ là sự chắt lọc, chưng cất từ một
tinh thần quá ư phong phú, sâu sắc trên nền tảng triết học, tôn giáo… Điều đó
khiến cho thơ ông có bộ rễ khỏe, bắt tới được nhiều nền văn hóa, dễ có sự đồng
điệu, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ông tự “bồi đắp” mình thế nào?
- MVP: Triết học và tôn giáo vốn là hai trụ cột quan
trọng tạo nên mặt bằng văn hóa của bất kỳ quốc gia nào. Đây là hai hình thái ý
thức xã hội mang tính đa dạng, phức tạp, và biến đổi theo thời gian và ý thức
hệ. Xin mạnh dạn nói rằng, chúng ta chưa có một nền triết học riêng biệt, nhưng
có sự giao lưu, tiếp biến với nhiều nền văn minh trên thế giới. Do vậy, nếu
người cầm bút bỏ qua bất kỳ nền văn minh nào thực sự là thiệt thòi lớn. Nhận
thức như vậy và dù đã nỗ lực tiếp cận, nghiên cứu, tôi cũng chỉ mới tiếp thu
một phần nhỏ trong kiến thức khổng lồ sẵn có. Tuy vậy giống như một số tác giả
thơ khác, tôi có khái niệm triết học và quan niệm tôn giáo riêng. Việc thâu nạp
kiến thức và nghiên cứu có tác dụng “bồi đắp” nền tảng mà mình đã
kiến tạo. Thơ tôi được dịch sang một số ngôn ngữ, trước hết có sự
đồng điệu về thi pháp, thể hiện khá rõ bản sắc văn hóa Việt. Bạn đọc các nước
luôn đón đợi những tác phẩm văn học, trong đó có tác phẩm thơ phản ánh được
diện mạo văn hóa của bất kỳ cộng đồng, quốc gia nào.
- Ông thường đọc loại sách gì? Và cách đọc sách của
ông thế nào?
- MVP: Tôi đọc đủ mọi thể loại, mọi lúc mọi nơi, kể cả
những sách dậy bói toán, chuyện ngôn tình… Lắng nghe cả những chuyện
nhảm nhí, dung tục trong dân gian. Tôi coi mọi điều phải trái, sáng tối đều là
phân mảnh hiện hữu của đời sống phong phú này. Qua “phin lọc” cảm xúc và lý trí,
chắc chắn những tư liệu ấy sẽ tái hiện sống động trong tác phẩm của tôi vào một
thời điểm thích hợp. Tôi đọc khá nhanh những cuốn sách nếu chỉ cần tóm lược nội
dung, nhưng đọc rất chậm, thậm chí soi từng dấu phảy những cuốn sách hay và
chuẩn mực về văn phạm. Đọc để biết và để học người khác.
- Luôn
tự làm mới mình, đây có phải là điều khiến các nhà phê bình nhận định: Mai Văn
Phấn có khả năng vong thân trong sáng tác. Một cuộc tự lột xác, hẳn là rất đau
đớn nhưng cũng đầy hân hoan?
- MVP: Bản chất của sáng tạo vốn làm ra cái mới, cái khác.
Tôi không ưa bước lên dấu chân mình đã đi. Kết thúc một chặng đường, một giai
đoạn sáng tác, tôi cảm nhận được mình đã hái hết “lộc” hoa trái bên đường và
bàn chân tôi lúc ấy đã chạm vào vách ngăn, bờ vực. Đó chính là thời gian “đau
đớn” bế tắc như chị nói. Dĩ nhiên muốn vượt qua cái ranh giới hiểm trở kia, tác
giả phải vong thân, tự lột xác để bước vào một không gian mới, một thế giới
khác nữa. Và cuộc khai phóng của bất kỳ hành trình mới nào đều là sự hân hoan.
- Thơ thanh lọc tôi, ông từng nói như vậy?
- MVP: Vâng, bài thơ sau khi hoàn chỉnh luôn mang số phận
như một sinh linh và tồn tại độc lập với kẻ sáng tạo. Bài thơ ấy trở thành bạn
của tôi, người tri kỷ, thậm chí có lúc là thầy của tôi. Tức chính bài thơ là
người mở mang trí tuệ, tầm nhìn cho tôi. Tôi có cảm giác sau mỗi tác phẩm viết
ra mình được khoan hòa, thiện tâm hơn. Nhờ có thơ, tôi như được sống thêm một
cuộc đời khác nữa.
- Những kỷ niệm của ông về sự tiếp nhận của độc giả với thơ?
- MVP: Cũng có nhiều kỷ niệm ý nghĩa và thú vị. Chị hỏi
làm tôi chợt nhớ một lần vào cửa hàng photocopy, lúc chờ đến lượt, tôi chợt
nhìn thấy một cháu học sinh tầm tuổi phổ thông trung học đi photo một bài thơ
nhỏ của tôi đăng trên một tờ báo. Tôi im lặng và giữ mãi khuôn mặt thánh thiện
bạn đọc trẻ ấy đến tận bây giờ.
- Thơ ba câu của ông mang đến cho độc giả những rung
cảm thật bất ngờ, từ khi nào ông bắt đầu sáng tác với thể loại thơ này?
- MVP: Sau thời gian dài làm thơ tự do, thơ văn xuôi,
trường ca, tôi muốn tường minh thế nào là thơ trong thể loại ngắn với cách viết
tối giản, nén chặt ý tưởng và giấu bớt cảm xúc. Cũng vì một phần, thấy nhiều
người đã luận bàn về các trào lưu, khuynh hướng, về hình thức, cả “cái vỏ” ngôn
ngữ mà ít quan tâm đến hồn cốt một văn bản thơ. Tôi hy vọng thơ ngắn sẽ mở được
thêm cánh cửa vào không gian thơ của tôi.
- Tên hai tác phẩm gần đây của ông là “Lặng yên cho
nước chảy” và “Tĩnh lặng” dường như đều gửi gắm một thông điệp của tác giả về
một thái độ sống mang tinh thần thiền định của Phật giáo?
- MVP: Vâng, hai tác phẩm của tôi vừa được Công
ty Sách Nhã Nam và Nxb Hội Nhà văn ấn hành có mang tinh thần thiền định
của Phật giáo cùng các tôn giáo, những nền văn minh khác nữa. Như chị đã biết,
thiền bắt nguồn từ nền minh triết Ấn Độ, có trước khi Phật Thích Ca ra đời.
Ngay trong đạo Thiên Chúa, sự chiêm niệm bắt đầu từ thời sơ khai của Giáo hội
vốn dành riêng cho các tu sĩ. Câu nói đầy thiền tính của thánh Mô-sê (Moses) -
người chép kinh Torah (năm sách đầu tiên của Kinh Thánh): “Hãy về tĩnh tọa
trong phòng. Căn phòng sẽ dạy ta mọi sự”. Vào thời trung cổ, thiền định được
các giáo sĩ giới thiệu rộng cho các Kitô hữu. Đời sống tâm linh nào cũng phải
đi đến trạng thái tĩnh tâm thiền định. Đó là nhu cầu hòa nhập tâm hồn con người
vào Đại Ngã. Chúa Jê-su đã truyền dậy: “Hãy im lặng để biết Ta là Thiên Chúa”.
Thiền nói chung là chiêm niệm trong im lặng, để bản thể được thanh sạch và tâm
thân mạnh mẽ hơn.
Về tập thơ “Lặng yên cho nước chảy”, ngoài tinh thần
thiền định như chị nói, với cá nhân tôi, tiêu đề này biểu hiện ý thức và vô
thức của con người trước chuyển dịch tự nhiên và bất tận của đời sống thiên
nhiên, vũ trụ. Trạng thái lặng yên lúc này chính là điểm dừng, nơi đến, một
khoảnh khắc nhận biết về những vẻ đẹp của đời sống, thấy được điều bí ẩn, kỳ
diệu trên một hành trình. Là giây phút chuyển hóa sự bất an, khổ đau, sự tăm
tối thành an lạc, tỉnh thức, được sống trọn vẹn hạnh phúc từng giây phút. Đó là
con đường tìm kiếm chân lý, nhận biết chính mình trong đời sống hiện đại, hỗn
tạp, đầy bất trắc. Tên tập thơ mang ý nghĩa kết thúc một chuyển động, một trạng
thái, một giai đoạn, đồng thời mở ra một con đường mới, một không gian khác,
hồn nhiên và thênh rộng hơn trước đó.
- Những dự định sắp tới của ông? Điều gì khiến ông cứ mải miết với thơ như
vậy?
- MVP: Với cách kiến tạo không gian thơ như đã minh định,
có thể ví đó như một “quy hoạch” tổng thể cho một công trình, khiến tôi càng
dấn bước càng thấy dễ chạm được vào vẻ đẹp bí ẩn, những bất ngờ của thơ. Tôi
vẫn đam mê ra đi trong luồng ánh sáng vừa minh bạch vừa mơ hồ đang quyến rũ
phía trước.
- Cảm ơn anh!
(Nguồn: Báo Hà Nội Mới,
6/2018)

Poster của Trung tâm Văn hóa Pháp - L'Espace tại Hà Nội